Lễ hội Đản Thánh Ba Làng được cư dân ở đây tổ chức hàng năm (vào mùa xuân) với tất cả niềm tự hào, trân trọng và thiêng liêng của một vùng quê đồng bằng Bắc bộ.
Làng Ba Làng (bao gồm làng Vàng, làng Lê và làng Đừng) được
hình thành từ lâu đời. Xưa kia, hai làng Vàng và làng Lê có tên gọi chung là
Vương Xá trại, còn làng Đừng được gọi là Lan Cù khu, thuộc tổng Yên Xá - phủ Đường
Hào (nay là xã Phan Đình Phùng, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên).
Lịch sử của Ba Làng chứa đựng những sự tích mang tính huyền
sử, huyền thoại, phản ánh những nét đẹp về văn hóa, phong tục của cư dân vùng
này.
Thần phả của làng còn lưu giữ được cho biết vị thần được dân
làng tôn thờ là đức Lãng Lôi. Thần tích đức Lãng Lôi kể rằng: Hùng Vương tuổi
đã cao, mà hai mươi hoàng tử lần lượt theo cõi tổ tiên không người kế vị, nên
nhường ngôi cho con rể là Sơn Thánh.
Thục Phán thừa cơ bèn hợp trăm vạn quân, ba ngàn ngựa chiến,
chia làm năm đạo, tụ tập nơi cửa biển cùng hợp với các đạo quân thủy, quân bộ rầm
rộ tiến đánh. Thư cáo cấp ngày tới năm lần. Hùng Vương rất lo lắng, liền cho
triệu Sơn Thánh đến hỏi mưu kế. Sau khi nghe tâu bày, Hùng Vương đã trao cho
Sơn Thánh binh quyền để chống đỡ.
Ngày hôm đó (11 tháng Tư), Sơn Thánh cầm quân tiến về đạo Hải
Dương (xưa gọi là Hồng Châu), phủ Thượng Hồng. Đoàn quân đi tới trại Lan Cù – Vương Xá (xưa thuộc huyện Cẩm
Giàng) thì hạ trại, nghỉ trong miếu thần dưới gốc cây Dung Thụ (dân gian gọi là
cây Chôi).
Đêm ấy, khoảng cuối canh tư, đang mơ mơ màng màng, bỗng thấy
một nhân thần mình người, mặt hổ đi từ bên đường tới bảo rằng: “Ta vốn là con của
Lạc Long Quân, được phong là Sơn Thần, hiệu ta là Lãng Lôi, nơi đây trời đất đặt
bày, phương vị đã định, vua nào tôi ấy, ta tự nguyện làm âm phù xin theo đoàn
quân dẹp giặc, sau này sẽ linh hiển ngôi vị phối hợp thần người”…
Sơn Thánh tỉnh mộng, hiểu rõ linh thần ứng báo. Hôm sau, Sơn
Thánh cất quân đánh giặc và đã chiến thắng giòn dã. Hùng Vương nghe chuyện bèn
sai sứ sắc phong Lãng Lôi là: “Phù Quốc Tá Thánh Đại Thần” được hưởng lộc nước
muôn đời, lại chuẩn y phong cho Vương Xá trại và Lan Cù khu trông nom bảo vệ,
phụng sự tế tự hàng năm.
Đến thời vua Đinh Tiên Hoàng đi dẹp mười hai sứ quân cũng có
lần bị vây hãm ở đây, nhưng ngài cũng được âm phù giải vây cho. Vì thế mà từ đó
cứ theo lệ sắc phong thêm ngôi vị, mỹ tự.
Cư dân Ba Làng thờ đức Lãng Lôi - làm Thành hoàng làng; ngày
11 tháng Tư âm lịch là ngày Đản Thánh tổ chức lễ hội linh đình.
Lễ hội Đản Thánh Ba Làng bắt đầu bằng nghi lễ rước bài vị của
Thành hoàng làng từ đình Nghè (đình trong làng) ra đình Thạt (đình ở ngoài
làng, giữa cánh đồng). Đi trước là long đình, do bốn trai tráng khiêng. Trang
phục người đi rước mặc áo nậu có thêu diềm, đội nón chóp đỏ.
Long đình sơn son, thếp vàng rất đẹp, trên có bình hương,
hoa quả, xôi, rượu, bánh dày. Đi thứ hai là Hương Án, đó là một chiếc bàn thờ
to, đặt trên kiệu, có bốn người con trai khiêng. Trai kiệu hương án ăn mặc cũng
giống trai kiệu rước long đình. Trên hương án cũng bầy đầy đủ oản quả, hương
hoa.
Đi thứ ba là cỗ ngai trên đặt bài vị được phong bằng áo vóc,
mũ cánh chuồn, đôi hia. Mũ, hia được chạm vàng ngọc lung linh, rực rỡ. Ngai được
khiêng bằng đòn rồng (gồm hai đòn cái, hai đòn giàng, bốn đòn con) do 8 trai kiệu
được tuyển chọn kỹ lưỡng, khoẻ mạnh, hạnh kiểm ưu và cũng đều vận áo nậu, đội
mũ chóp đỏ.
Đoàn nhạc rước có trống cái, thanh la và một dàn bát âm.
Chiêng, trống đều được treo vào giá gỗ sơn son thiếp vàng. Mỗi cái có hai người
phụ trách, vừa di chuyển, vừa gõ chiêng, đánh trống. Người đánh trống hội phải
giỏi, đánh được cả hai tay, càng đánh càng hăng, càng hăng càng hay.
Thanh la là một nhạc cụ bằng đồng, to bằng cái đĩa đựng trầu,
có dây buộc, một tay xách dây cao lên ngang mặt, một tay cầm dùi gõ vào cái núm
thanh la.
Những người cầm cờ và bát bảo (binh khí của Thành hoàng) thì
dàn đều hai hàng dọc đi khắp từ đầu đến cuối đám rước. Mọi người đều mặc áo nậu,
đội nón chóp đỏ. Đi bên dàn bát âm có hai cô gái mặc áo dài bằng lụa đỏ, chít
khăn vấn, vừa đi vừa múa sênh tiền.
Trong đám rước còn có phường chèo các nơi như phường chèo
Khuốc, phường chèo Cẩm Đường... Người phường chèo hoá trang, ăn mặc sắc phục
nhà trò, vừa đi vừa diễn các tích Tam Quốc, Thuỷ Hử, Quan Âm Thị Kính, Kiều -
Kim Trọng, Kiều Nguyệt Nga… Năm nào phong đăng hoà cốc (được mùa) làng làm hội
to, có mời làng Da – làng bạn lân cận đến giao hảo. Đoàn rước bên làng Da cũng
ăn mặc tề chỉnh, rước long đình sang cùng chung vui.
Điều khiển đám rước là cụ Đám nhất, hoặc một ông Trưởng giáp
do làng cắt lượt đến phiên. Người điều khiển mặc áo thụng xanh, đầu đội mũ tế,
chân đi hia trông rất uy nghi, đĩnh đạc.
Người điều khiển cầm trống khẩu có cán; cán và dùi trống đều
sơn đỏ. Người điều khiển thường phải đi giật lùi để quan sát đám rước, nhất là
những người khiêng kiệu.
Người khiêng kiệu và đám rước phải hiểu và tuân theo tiếng
trống lệnh. (Thí dụ: cắc một hồi dài là chú ý, tiếng trống thứ nhất là giơ tay
lên vuốt má rồng - con rồng sơn khảm ở đòn kiệu; tiếng trống thứ hai và thứ ba
là nhấc bổng kiệu lên và đổi vai…).Theo sau ngai là các cụ bà đeo tràng hạt,
tay cầm phướn, vừa đi vừa đọc kinh, vừa lần tràng hạt.
Ba Làng có bốn giáp (tam thôn, tứ giáp): Giáp Vàng, giáp Lê,
giáp Trên, giáp Dưới. Cũng vì vậy hàng năm hội làng diễn ra bốn ngày, mỗi giáp
sẽ làm cỗ để thờ và tế đúng một ngày. Khi đám rước qua Lê, rồi qua Đừng, các
làng này phải có món lễ “tế đón”.
Ngày rước, đêm hát. Các phường chèo Ba Làng đón về phục vụ rất
nhiệt tình, thâu đêm suốt sáng. Trả công phường hát có hai cách: cách khoán và
bỏ thẻ. Trả khoán đơn giản, gọn nhẹ; còn trả bằng cách bỏ thẻ là: làng có một
người cầm chầu, đó là người danh giá nhất làng hoặc một chức sắc, cầm trống chầu
đến câu nào hay, đoạn nào thích thì cắc một tiếng rồi bỏ thẻ vào vuông lụa, sau
đếm thẻ tính tiền.
Đoàn hát nào khi hát được nhiều thẻ, ấy cũng là đoàn hát nổi
tiếng. Riêng tối 15, cả ba làng cùng làm cỗ hát. Cung cách làm cỗ hát là nhà
nào nhà nấy tự làm, sau đó mang ra thi, cúng gia tiên trên bệ riêng ở trong
đình, rồi nhà nào nhà nấy ăn, vừa ăn vừa xem hát…
Lễ hội Đản Thánh Ba Làng thu hút rất đông người tham gia,
nhiều năm khách thập phương cùng dân quanh vùng kéo đến cả ngàn người. Ngày đầu
đám là ngày rước ngai vị từ đình Nghè ra đình Thạt tế yên vị.
Có năm, ngày rã đám (rước từ đình ngoài về đình trong) được
kết thúc bằng tục múa chạy cờ. Điệu múa này theo một số bậc cao niên trong làng
cho biết, là nhằm nhắc lại sự tích Sơn Thánh thắng trận trở về.
Khi lễ tế hoàn cung sắp kết thúc thì tiếng thanh la, tiếng
mõ cùng tiếng la hét nổi lên dồn dập, oai hùng. Trước cổng đình kéo lên một lá
cờ đại ngũ sắc. Một đoàn người được phân công sẵn: người cờ, người kích, kẻ xà
mâu, mác, chuỳ, đao, kiếm, mã tấu… mỗi người một thứ chia làm hai tốp chạy theo
hai hướng (bên phải, bên trái) trước cửa đình.
Đoàn quân rầm rập vác khí giới chạy vòng qua cánh đồng trước
cửa, vòng quanh chừng ba, bốn trăm mét thì quay mặt hướng vào nhau, tiến tới.
Khi giáp lá cà, hai bên múa những động tác như giao chiến. Họ cầm các thứ vũ
khí múa chéo vào nhau nhiều lần rồi tiếp tục chạy về đình trong theo một đường
vòng khép kín. Lúc đó từ cổng đình lại vang lên dồn dập tiếng trống liên hồi,
tiếng nhạc, tiếng hò reo cổ vũ hai đội quân của đám đông đang đứng trước cổng
đình và hai bên đường.
Như thế, lễ hội Ba Làng được tiến hành vừa nghiêm cẩn, linh
thiêng, vừa rộn ràng phấn chấn. Sau bốn ngày, lễ hội kết thúc, người dân của
thôn Ba Làng lại phấn chấn bước vào một mùa làm ăn mới với niềm mong ước “nhân
khang vật thịnh” hơn năm trước, tới xuân năm sau, hội làng lại tiếp diễn./.