Hằng năm, từ ngày 19 đến 24.2 Âm lịch, nhân dân và du khách thập phương lại đổ về dự hội với dân làng Phú Điền để tưởng nhớ Bà Triệu. Đây là một hoạt động văn hóa mang ý nghĩa “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh khí phách anh hùng của hậu thế đối với Bà Triệu - nữ Anh hùng dân tộc của xứ Thanh.
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bà Triệu nằm cạnh Quốc lộ 1A
thuộc làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, cách thủ đô
Hà Nội khoảng 120 km về phía Nam, cách thành phố Thanh Hóa 17 km về phía Bắc.
Vương Bà Triệu Trinh Nương, húy là Triệu Thị Trinh sinh ngày
2/10 năm Bính Ngọ (tức năm 226) tại vùng Quan Yên, quận Cửu Chân (nay là huyện
Yên Định). Bà là anh thư hào kiệt, đẹp người đẹp nết, ý chí kiên cường, giỏi võ
nghệ, mưu trí hơn người. Cha mẹ mất sớm, Triệu Thị Trinh ở với anh trai là Triệu
Quốc Đạt – quan huyện lệnh có lòng yêu nước, thương dân.
Không cam chịu ách độ hộ tàn bạo của nhà Ngô đối với nhân
dân ta, khi tuổi 17 - 18 Triệu Thị Trinh đã cùng anh trai Triệu Quốc Đạt tập
trung lực lượng, dấy binh khởi nghĩa ở vùng núi Quan Yên. Nhân dân khắp nơi hưởng
ứng tham gia, trong một thời gian ngắn - lực lượng nghĩa quân lên đến hàng vạn
người. Sau khi Triệu Quốc Đạt mất, bà được nghĩa quân tôn làm chủ tướng, lãnh đạo
cuộc khởi nghĩa.
Bước đầu, cuộc khởi nghĩa đã giành được nhiều thắng lợi, làm
“chấn động Giao Châu” Trước sự lớn mạnh của nghĩa quân, năm Mậu Thìn (năm 248)
triều Đông Ngô đã phải cử viên tướng Lục Dận - có nhiều kinh nghiệm đàn áp các
cuộc khởi nghĩa, giữ chức Thứ Sử Giao Châu chỉ huy một đạo 8.000 quân sĩ, có cả
chiến thuyền yểm trợ đối phó với khởi nghĩa Bà Triệu.
Sau nhiều tháng vây hãm căn cứ chỉ huy cuộc khởi nghĩa tại
núi Tùng ở thôn Bồ Điền (nay thuộc làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc)
với hàng chục trận đánh đã diễn ra, nhưng giặc Ngô vẫn không đánh bại được
nghĩa quân. Cuối cùng quân Ngô đã dùng mưu thâm kế hiểm đàn áp nghĩa quân, để
giữ khí tiết anh hùng, Bà Triệu đã tuẫn tiết trên đỉnh núi Tùng. Sau khi hóa,
bà hiển thánh phù dân, giúp nước.
Tương truyền, thế kỷ VI vào thời Tiền Lý Nam Đế (544 - 548)
Bà Triệu hiển thánh âm phù vua xuất chinh thắng giặc ở phương Nam. Để tạ ơn,
triều đình đã ban sắc phong Thần, cấp tiền cho nhân dân xây dựng, tôn tạo đền
thiêng - chăm lo việc thờ cúng.
Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, Bà Triệu là người phụ nữ
đầu tiên được triều đình phong kiến phong Thần. Sau thời Tiền Lý, các triều đại
phong kiến về sau phong sắc thần linh và Bà Triệu trở thành Phúc thần của làng
Phú Điền.
Hình ảnh người nữ tướng khi ra trận mặc giáp vàng, đi guốc
ngà, cài trâm vàng, cưỡi voi trắng ra trận và câu nói khí phách “Tôi muốn cưỡi
cơn gió mạnh, đạp bằng sóng giữ, chém cá Kình ở biển Đông, làm cho trời yên biển
lặng, cứu vớt dân lành, chứ đâu giống như người đời cúi đầu khom lưng làm tì
thiếp cho người ta” trở thành biểu tượng cho lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quật
cường, quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược của nhân dân ta.
Mặc dù cuộc khởi nghĩa đã bị thất bại, nhưng đây là mốc son
đỉnh cao khẳng định sự nổi dậy mạnh mẽ của nhân dân ở thế kỷ II - III, thúc đẩy
ý chí quật cường cho nhân dân ta với quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược trong
suốt thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc.
Trước công đức to lớn Bà Triệu với đất nước, đền thờ Bà đã
được lập dưới chân núi Gai - xây lăng, dựng tháp trên đỉnh núi Tùng để chăm lo
thờ cúng, nhân dân làng Phú Điền tôn Bà là Thần Hoàng làng thờ tại ngôi đình cổ
của làng... Trải qua lịch sử hàng nghìn năm, khu di tích được quản lý, tôn tạo
và trở thành di tích tâm linh quan trọng của cả nước.
Với những giá trị đặc biệt đó năm 2014, Thủ tướng Chính phủ
đã quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt cho di tích lịch sử kiến trúc
nghệ thuật Khu di tích Bà Triệu.
Đây là sự thể hiện sinh động của các chủ trương, chính sách
của Đảng, Nhà nước ta về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc nói
chung, di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Bà Triệu của tỉnh Thanh
Hóa nói riêng.
Rước
kiệu tại lễ hội Bà Triệu.
* Đền Bà Triệu: Theo truyền thuyết, sau khi mất - Bà được
nhân dân dựng đền thờ trên sườn núi Gai, lúc đầu đền còn đơn sơ, trải qua nhiều
thế kỷ đền đã được tu bổ, tôn tạo nhiều lần, gần đây nhất là năm 2005. Hiện
nay, đền được quy hoạch 3,84ha theo thức kiến trúc “Nội công ngoại quốc”, đăng
đối trên trục thần đạo từ ngoài vào trong gồm: Nghi môn ngoại, hồ nước, bình
phong, nghi môn trung, miếu, nghi môn nội, tả - hữu vu, tiền đường, trung đường
và hậu cung. Hậu cung là công trình có địa thế cao nhất, lưng dựa vững chãi vào
núi Gai. Các công trình của Đền được quy hoạch hài hòa trong vùng cảnh quan tuyệt
đẹp của vùng đất Triệu Lộc.
Hệ thống thờ trong Đền theo quy luật thờ anh hùng dân tộc. Hậu
cung: ở giữa thờ Bà Triệu, bên tả thờ thân phụ, bên hữu thờ thân mẫu. Trung đường:
ở giữa thờ tướng quân Triệu Quốc Đạt; bên tả thờ hội đồng quan võ và 3 vị tướng
họ Lý; bên hữu thờ hội đồng quan văn. Tiền đường thờ thánh tổ và bách gia trăm
họ.
* Khu lăng mộ Bà Triệu nằm trên đỉnh núi Tùng, cách đền Bà
Triệu khoảng 500m về phía tây. Lăng mộ được xây dựng nơi Bà đã tuẫn tiết anh
dũng hy sinh lúc tuổi vừa tròn đôi mươi. 315 là số bậc cấp lối đi tính từ chân
núi dẫn lên khu lăng mộ. Từ khu lăng mộ có thể quan sát thấy tổng thể địa hình,
cảnh quan của vùng đất cổ Phú Điền. Quan sát từ khu lăng mộ sẽ giúp ta lý giải
lý do vì sao năm 248 Bà Triệu và nghĩa quân lại chọn nơi đây là địa điểm để xây
dựng bản doanh tổng chỉ huy cuộc khởi nghĩa.
* Khu mộ ba ông tướng họ Lý (3 anh em theo Bà Triệu lãnh đạo
khởi nghĩa) nằm dưới chân núi Tùng. Khu mộ nằm dưới các tán cây cổ thụ tỏa rợp
bóng mát. Dưới chân núi có giếng nước nhỏ tự nhiên, mạch nước chảy từ trong núi
nên giếng quanh năm không cạn. Nơi đây có bi ký được nhân dân làng Phú Điền dựng
năm Mậu Tý (1928) ca ngợi công đức Bà Triệu.
* Miếu Bàn thề cách lăng mộ Bà Triệu và khu mộ Ba ông tướng
họ Lý khoảng 200m về phía tây bắc. Tương
truyền đây là nơi ba anh em họ Lý đã tổ chức ăn thề trước khi gia nhập nghĩa
quân Bà Triệu đánh đuổi giặc Ngô.
* Đình làng Phú Điền cách đền Bà Triệu khoảng 500m về hướng
Tây Bắc, hiện nay là một trong những ngôi đình có giá trị văn hóa, lịch sử, kiến
trúc đặc biệt nhất xứ Thanh. Đình được khởi dựng từ thế kỷ XVII, hậu cung của
đình là nơi thờ Bà Triệu (Thần hoàng làng của làng cổ Phú Điền). Đến thời nhà
Nguyễn (thế kỷ XVII- XIX) đình được trùng tu, tu bổ nhiều lần. Lần trùng tu,
tôn tạo gần đây nhất là năm 2005. Nét đặc sắc của ngôi đình là kiến trúc chạm
khắc tinh xảo với nhiều đề tài khác nhau. Đến tham quan nơi đây, du khách sẽ
không khỏi thán phục đôi bàn tay tài hoa của người thợ thủ công xưa.
* Đền Đệ Tứ cách đình Phú Điền khoảng 0,8 km về hướng Tây Bắc.
Đền thờ vị thần Linh Quang, tương truyền là vị thần được thiên đình cử xuống để
cai quản vùng đất và người dân vùng đất Bồ Điền. Tương truyền, đây là nơi Bà
Triệu lập đàn cầu đảo, yết cáo thần linh trước khi phất cờ khởi nghĩa.
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bà Triệu được phân bố trên địa
hình đa dạng gồm có: đồng bằng, đồi núi, sông ngòi, thôn làng...Từ trên đỉnh
núi Tùng, núi Gai có thể quan sát vùng đất này như bức tranh sơn thủy.
Nhân dân vùng đất Triệu Lộc chủ yếu là cư dân nông nghiệp,
có đời sống văn hóa, tín ngưỡng phong phú tương đồng như bao làng quê khác ở Bắc
bộ và Bắc Trung bộ nước ta, nhưng cũng có những đặc trưng riêng của truyền thống
văn hóa, lịch sử của địa phương. Tiêu biểu, đặc sắc nhất trong số các lễ hội
dân gian, truyền thống ở nơi đây là Lễ hội Bà Triệu.
Hàng năm, vào dịp tháng 2 ÂL (chính lễ là từ ngày 19 đến
ngày 24), Lễ hội Bà Triệu được tổ chức. Đây là một trong những lễ hội có quy mô
lớn nhất của tỉnh Thanh Hóa, thu hút nhiều du khách cả nước về tham quan, hành
lễ.
Với nội dung phong phú, và mang những đặc trưng riêng của
văn hóa truyền thống địa phương, như: Lễ mộc dục, lễ giỗ, lễ trình, lễ rước kiệu,
lễ tạ, tế cung đình, tế nữ quan... trong đó lễ rước kiệu là nội dung đặc biệt
nhất.
Hàng trăm thanh niên trong làng Phú Điền được tuyển chọn kỹ
lưỡng để thực hành nghi thức rước kiệu. Kiệu được rước từ đình Phú Điền, ra khu
lăng mộ, về đền thờ Bà Triệu... Chủ tế đi dưới gầm kiệu Bà, kiệu vừa đi vừa
quay đảo, có lúc như gặp trận cuồng phong, nhưng các đồ tế khí trên kiệu không
hề suy chuyển.
Phần hội, được tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian để phục
vụ nhân dân và du khách tham quan, tiêu biểu như: Nấu cơm thi, đánh bài điếm,
đánh cờ người... đặc biệt là trò Nhà Mạc, trò Hội trận.
Lễ hội Bà Triệu là hoạt động văn hóa, tâm linh quý giá, phản
ánh sức mạnh tinh thần, lòng tự hào dân tộc, tôn vinh khí phách anh hùng và sự
biết ơn của đất nước với anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, người phụ nữ đầu
tiên được nhà nước phong kiến phong Thần.
Lễ kỷ niệm 1770 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Triệu Thị
Trinh và Lễ hội Bà Triệu năm 2018 góp phần quảng bá những giá trị văn hóa tiêu
biểu, độc đáo của di tích quốc gia đặc biệt khu di tích Bà Triệu nói riêng và
tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Thanh Hóa nói chung, từng bước xây dựng
du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2020, đóng góp quan
trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Thanh Hóa nói riêng
và khu vực Bắc Trung bộ nói chung.
Nguyễn Xuân Toán