Đình Cao Sơn (đình Gò Chùa, còn gọi là đền thờ Đức Thánh Cả) nằm trên đỉnh Gò chùa, cạnh đường giao thông (sau trụ sở UBND xã Hữu Liên). Trong đình có 3 bàn thờ và 3 nồi (bát) hương mục đích thờ tam vị nhân thần: Quý Minh Đại Vương, Non Nỉ Đại Thần, Mỏ Hoan Đại Thần.
Lễ hội đình Cao Sơn (đình Gò Chùa) của nhân dân xã Hữu Liên,
huyện Hữu Lũng được tổ chức vào ngày 13 tháng 3 âm lịch hàng năm. Bắt đầu từ
ngày mùng 5/3 tháng Giêng (âm lịch), các công việc chuẩn bị cho lễ hội được thực
hiện và lễ hội chính thức diễn ra trong 03 ngày (nếu tính đủ là 02 ngày, từ chiều
ngày 11/3 đến hết sáng 14/3 âm lịch), cứ 03 năm lại tổ chức lớn gọi là Hội Dài,
kéo dài 05 ngày, 05 đêm.
Việc Chuẩn bị Lễ hội Dài long trọng hơn lễ hội hàng năm, chỉ
trong Hội Dài mới dựng cây phướn trên 1 hòn đá có đường kính 40 x 50cm, ở giữa
có lỗ dùng để dựng phướn, cây phướn làm bằng cây mai, phướn được đan bằng lạt
thành một cái lồng hình trụ, bên ngoài dán các loại giấy nhiều màu sặc sỡ, sau
này là lá cờ hội to có nhiều dải tua rực rỡ, kết đèn kéo quân, kết đèn hoa
trang trí tại đình.
Hội Dài còn tổ chức rước kiệu với 12 nam thanh khiêng giường
(kiệu), có 6 nữ cầm hoa và 6 nữ cầm hương tượng trưng rước các vị thần đi chơi,
rước từ đình trên (thờ Non nỉ đại thần) và đình dưới (thờ Mỏ Hoan đại thần), có
ông Oản và ông Cai đám đón, sau khi thầy cúng làm lễ xong thì rước kiệu trở về
luôn.
Trước đó một ngày tức là 12/3 thầy chùa, hội chủ, cùng ông
hóa bản tổ chức ăn chay niệm phật. Sáng 13/3 dân làng mang trống lên đền điếu
phúng, đến 1 giờ chiều mọi người nộp cỗ và rượu lên đình. Mỗi chiếu cỗ đều phải
có oản, xôi, bánh bồ đà được chế biến công phu và có kích thước quy định.
Thời điểm nhộn nhịp nhất của lễ hội là đêm 13/3. Toàn dân và
quan khách xa gần đều được dự tiệc, nghe hát nhà tơ chúc tụng thánh quan. Nhiều
bài hát ả đào có tác dụng khuyên răn giáo dục con người với những lời hay ý đẹp.
Dân làng và quan khách thường thưởng tiền cho những người có
bài hát hay, giọng hát hay. Từ 12 giờ đêm trở đi, trong khi dân làng tiếp tục
xem hát chèo cổ, xem các tấn trò truyền thống như Lưu Bình – Dương Lễ, Quan Âm
Thị Kính, tích Thôi Thao, Tống Trân – Cúc Hoa, tích Kiều, Triều Hậu Hán, Trò
công tử, phụng Huê Đình, Nhị độ mai, Đại thánh vv… thì một bộ phận tuần đinh vẫn
không ngừng canh phòng trộm cắp, giữ yên xóm làng.
Đến 14/3 là ngày giã hội. Trong đình tiếp tục hát nhà tơ và
múa bông, đến khoảng 10 giờ trưa hội chính thức kết thúc, mọi người chia tay
nhau và chia tay với quan khách xa gần.
Cũng như các lễ hội truyền thống khác, lễ hội đình Cao Sơn
(đình Gò Chùa) xã Hữu Liên mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian. Thông qua các
nghi thức, nghi lễ, mọi người có mối liên hệ nhất định với thế giới siêu nhiên,
thần thánh để cầu xin các thế lực đó phù hộ một năm làm ăn được may mắn, mưu
thuận gió hòa, mùa màng bội thu, ai cũng được mạnh khỏe, cộng đồng thôn làng
thuận hòa, bình yên.
Đây còn là dịp cho dân trong thôn, làng được vui chơi sau một
năm làm việc nặng nhọc, vất vả và quên đi những điều không may mắn trong năm
cũ. Bên cạnh đó, đồng bào đến với lễ hội còn để gửi gắm những ước nguyện của
mình với thần linh, với thế giới siêu nhiên để cầu mọi sự may mắn, cũng như xua
đi những tai họa, những cái không may xảy ra trong năm cũ; đồng thời đây còn là
dịp giao lưu, trao đổi tình cảm với những người trong và ngoài cộng đồng.
Qua đó tình cảm cộng đồng làng xã càng trở nên gắn bó và sâu
sắc hơn và con người cũng được gửi gắm niềm tin tốt đẹp để giải thoát khỏi những
áp lực của cuộc sống hàng ngày.
Đây cũng là một dịp thuận lợi để các cô gái, chàng trai có
điều kiện quen biết và tìm hiểu nhau tiến tới hôn nhân, xây dựng hạnh phúc gia
đình. Đặc biệt việc tổ chức hoạt động hát dân ca nghi lễ (hát chèo cổ, hát nhà
tơ) tại Lễ hội đình Cao Sơn (đình Gò Chùa) là nhằm bảo tồn, gìn giữ những giá
trị dân ca truyền thống cổ đặc sắc và cũng là cơ hội để người dân sáng tạo nghệ
thuật, nâng cao chất liệu của các làn điệu dân ca, trau dồi nghệ thuật.
Ngoài những giá trị về văn hoá tinh thần, lễ hội đình Cao
Sơn (đình Gò Chùa) cũng mang những giá trị vật chất rất lớn, bao gồm nhà cửa,
trang phục, văn hoá ẩm thực. Đến dự lễ hội, chúng ta được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của
cách thức trang trí các ban thờ, xung quanh đình, những bộ áo quần mới, đẹp nhất
của các chàng trai, cô gái, người đến dự hội.
Ngoài ra, còn được thưởng thức các món ăn của dân tộc, của địa
phương là những sản phẩm nông nghiệp do chính những bàn tay khéo léo của người dân
địa phương tạo nên.
Từ Năm 2010, UBND tỉnh đã có quyết định bảo tồn và phát triển
di sản văn hoá phi vật thể lễ hội Đình Gò Chùa Hữu Liên vào ngày 13/3 âm lịch.
Đối với lễ hội này, xã đã phục dựng lại các nghi lễ, trò chơi diễn xướng dân
gian. Hoạt động bảo tồn loại hình văn hoá đã thu hút đông đảo du khách thập
phương đến tham dự và trải nghiệm du lịch tâm linh.
Ngoài ra với chủ trương phát triển du lịch sinh thái cộng đồng,
du khách khi đến với Hữu Liên còn được tham quan khu rừng đặc dụng Hữu Liên với
tổng diện tích tự nhiên 10.604 ha, có dự trữ tài nguyên thiên nhiên và đa dạng
sinh học cao, có nhiều giá trị về khoa học và du lịch, được coi như là lá phổi
của vùng Đông Bắc.
Ngoài rừng đặc dụng Hữu Liên, cách UBND xã khoảng 3 km còn
có khu Đồng Lâm – một khu đất rộng tới trăm héc ta với cảnh đẹp sơn thuỷ hữu
tình; trên núi có hang, giữa có cánh đồng cỏ bằng phẳng và dòng suối chảy qua.
Địa điểm này mỗi năm cũng thu hút tới hàng nghìn lượt bạn trẻ và du khách nước
ngoài đến tham quan.
Dạo quanh xã Hữu Liên, nổi bật giữa những thung lũng lúa nước
bằng phẳng là những nếp nhà sàn rộng rãi, thoáng mát nằm lưng chừng mây núi của
rừng già tựa như một bức họa thủy mặc làm say đắm lòng người. Người dân Hữu
Liên còn nổi tiếng bởi sự hiếu khách chắc chắn sẽ hấp dẫn du khách gần xa tham
gia các hoạt động trải nghiệm du lịch cộng đồng, tâm linh tại đây.
Phòng Thông tin và Hỗ trợ Khách du lịch