Linh Lang Đại vương lĩnh mệnh vua Hùng, mang theo một đạo thủy quân miền biển tiến thẳng đến giao chiến với quân giặc ở Hải Thông, Hoan Châu, ông bày binh đánh một trận lớn khiến quân thủy của Thục Vương đại trận, góp phần cho chiến thắng của đại quân nước Việt.
Đời Hùng Vương thứ 18 ( Hùng Duệ Vương) đóng đô ở Việt Trì
sông Bạch Hạc, lấy hiệu là Văn Lang, kinh đô là Phong Châu, khi đó đất nước
thanh bình, phồn thịnh.
Thời gian đó ở Đạo Sơn Nam có quan chủ trưởng là Hùng Thoa
(dòng dõi của vua Hùng Duệ Vương), vợ ông là bà Phạm Thị Tư, người trang Đồng
Văn, huyện Vụ Bản, phủ Nghĩa Hưng (nay là tỉnh Nam Định).
Vợ chồng ông sống thuận hòa, thường làm việc tốt, giúp kẻ
nghèo khó, người cô quả già lão nên được người dân trong vùng kính trọng. Sống ở
quê được vài năm ông bà được vua mời về triều. Mấy năm sau, bà Phạm Thị Thư
cùng thị nữ xin trở lại thăm quê ở trang Vụ Bản, sống ở đó được mấy tháng, trên
đường về kinh, bà cho thuyền rồng cập vào hồ Dâm Đàm để tắm gội (nay là Hồ
Tây).
Khi bà đang tắm bỗng trời đất tối sầm, mặt nước vọt sóng, bỗng
xuất hiện một con giao long dài 5 trượng nổi trên mặt hồ rồi quấn quanh người
bà. Lúc đó hoảng sợ quá, bà ngất đi, khi tỉnh dậy bà bỏ thuyền chạy bộ, sau 3
ngày thì về đến kinh thành.
Trong thời gian đó, ở kinh thành đêm đầu tiên ông Hùng Thoa
nằm mơ thấy một người cưỡi ngựa trắng mặc áo hồng, đeo ngọc tự xưng là Quảng Lại
con thứ 50 của Long Quân, giữ chức Đệ nhị quyền trưởng ở hồ Dâm Đàm. Nay thấy vợ
chồng ông đều là người có đức lớn nên vâng mệnh thiên đình đầu thai làm con nhà
ông bà, đúng lúc đấy ông nghe có tiếng sét đánh bên tai, giật mình tỉnh dậy,
ông biết là sắp có điềm may.
Hôm sau bà Phạm Thị Tư trở về kể lại chuyện xảy ra ở hồ Dâm
Đàm, ông bèn cho lập đàn cầu khấn trời đất, thần sông... Từ đó bà Tư mang thai,
trong thời gian đầu mang thai, bà thường nghe thấy có người ngâm bài thơ:
“ Nước hồ Dâm Đàm trong xanh
Nước hồ Dâm Đàm trong xanh
Trời Nam kiệt xuất vị tướng tài
Chung đúc khí thiêng nhà họ Hùng
Sinh được thần minh, sự nghiệp thành.”
Mùa thu năm Canh Thìn, ngày 12 tháng 8 bà sinh ra một bọc, nở
ra một người con trai, mặt rồng mũi hổ, khôi ngô tuấn tú, sau đó ông bà đặt tên
là Linh Lang. Cùng năm ấy, ông Hùng Thoa qua đời, sau khi để tang chồng ba năm
bà Tư tâu với bua xin đưa con về quê cũ ở trang Đồng Văn để sinh sống. Lớn lên
ông thông minh hơn người, đến năm 17 tuổi, ông trở về kinh thành và xin theo học
nhà thầy Hải.
Vốn tư chất thông minh, chỉ sau một thời gian theo học ông
đã tinh thông kinh sách. Cũng năm ấy, mẹ ông qua đời, 3 năm sau nhà vua ban chiếu
gọi ông về triều và ban chức: Đốc lĩnh long chu thủy đạo đại tướng quân, đi tuần
hành trên sông, biển.
Ông vâng mệnh đi khắp nơi trong thiên hạ, đến nơi nào ông
cùng dùng đao để trấn yên. Khi ông tới quê mẹ ở trang Đồng Văn, huyện Vụ
Bản, ông khao thưởng cho nhân dân và ở lại trang mấy tháng, ông thấy địa thế
nơi đây có phong thủy đẹp liền cho binh sĩ và nhân dân lập một hành cung tại
đây. Sau đó ông dâng biểu xin cho trang Đồng Văn được miễn phu dịch, binh đao
và phong cho nơi đây là làng được Linh Lang bảo hộ.
Cuối đời nhà Hùng, vua Hùng Duệ Vương sinh được 20 người con
trai nhưng đều mất nên không có người nối ngôi. Nhân cơ hội đó, Thục Vương (Bộ
chủ Ai Lao, cũng thuộc phái họ Hùng) đã cầu viện nước láng giềng chuẩn bị quân
sĩ âm mưu chiếm đánh nước Văn Lang.
Vua Duệ Vương lo sợ cho mởi Tản Viên Sơn Thánh để hỏi kế,
Sơn Thánh tâu rằng: Nay sự việc thế này xin bệ hạ cho gọi Linh Lang đại tướng về
triều cùng với thần theo thánh giá tuyển chọn tướng tài, không quá nửa tháng sẽ
bình yên được giặc Thục.
Vua bèn ban chiếu về trang Đồng Văn triệu ngài Linh Lang về
triều, vâng mệnh tướng Linh Lang chọn trong trang mỗi họ vài người rồi theo
binh mã về triều, cùng Sơn Thánh lãnh 30 vạn quân hùng mạnh và 1000 tướng giỏi.
Thần tướng Linh Lang mang theo một đạo quân thủy đánh gặc ở
miền biển tiến thẳng đến giao chiến với quân giặc ở Hải Thông, Hoan Châu, ông
bày binh, bố trận đánh một trận lớn khiến quân thủy của Thục Vương thua thảm. Trên
vùng rừng núi Sơn Thánh Tản Viên dẫn quân binh tấn công, giết giặc vô số, binh
tướng Thục khiếp đảm bỏ chạy về nước.
Đánh thắng giặc Thục, Hùng Duệ Vương ban chiếu hồi quân hội
triều. Linh Lang tướng quân dẫn binh mã đáo công thành, ông xin với Sơn Thánh
cho vào hành cung ở trang Đồng Văn để làm lễ ăn mừng sau đó cùng quay về triều.
Khi đi đến hồ Dâm Đàm, phường Hồ Khẩu, huyện Thọ Xương (nay
là Hồ Tây, Hà Nội) bỗng nhiên trời đất tối sầm, ngày tựa như đêm, nước hồ dậy
sóng. Linh Lang thần tướng hóa thành giao long, trườn xuống hồ Dâm Đàm (hôm đó
là ngày mồng 5 tháng 5).
Khi đó, Sơn Thánh và các gia thần về kinh tâu với vua, vua
bèn sắc phong ngài là Đại Vương, ban cho trang Đồng Văn đón sắc về lập miếu thờ
cúng.
Khi Linh Lang quay về thủy phủ lại làm vị thần Long Đỗ ở hồ
Dâm Đàm, khi đó ở hồ Dâm Đàm có một núi đá nhỏ, trong núi có một con hồ ly tinh
9 đuôi tác quái khiến dân nơi đây vô cùng cực khổ. Thần Long Đỗ tâu với thượng
đế, Thượng đế sai Long Vương đem thủy tộc giết chết hồ ly, từ đó đời sống nhân
dân được yên ổn.
Đình Sùng Văn – nơi thờ tự danh tướng hai triều đại Hùng
Vương – An Dương Vương
Từ thành phố Nam Định theo quốc lộ 21 A đến gần nghĩa trang
Cầu Họ (cũ), rẽ tay phải vào đường rải đá, đi khoảng 1,5km nhìn sang bên phải
là một công trình kiến trúc cổ nằm ẩn mình dưới tán lá của những cây cổ thụ xum
xuê, bên cạnh hồ nước rộng trong xanh - Đó là đình Sùng Văn thuộc thôn Sùng
Văn, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc.
Căn cứ vào các tư liệu thành văn còn giữ được tại di tích
cùng với truyền thuyết ở địa phương thì đình Sùng Văn là nơi thờ Linh Lang – tướng
của vua Hùng Duệ Vương và hai tướng Cao Đê, Đãi Chân dưới triều vua An Dương
Vương. Đây là những người có nhiều công lao trong sự nghiệp chống giặc ngoại
xâm, bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc ngay từ buổi đầu dựng nước.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đình
Sùng Văn là cơ sở tin cậy để cán bộ Việt Minh đi, về hoạt động bàn kế hoạch chỉ
đạo phong trào đấu tranh ở địa phương, tổ chức lực lượng chặn đánh những cuộc
càn quét của địch. Thời kỳ chống giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, đình Sùng
Văn được sử dụng làm kho tàng của Nhà nước, là cơ sở để một số cơ quan của tỉnh
sơ tán về làm việc.
Đình Sùng Văn thuộc thôn Sùng Văn, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc.
Ngoài giá trị về lịch sử, đình Sùng Văn còn là một công
trình về kiến trúc quy mô, mang đậm phong cách nghệ thuật cổ truyền của dân tộc.
Ngôi đình tọa lạc trên một khu đất cao, rộng rãi, gần với đường liên thôn, tạo
điều kiện thuận lợi cho mọi người đến thăm quan, chiêm ngưỡng.
Phía trước đình có hệ thống tam quan xây kiểu chồng diêm mái
cong. Từ tam quan vào đến đình là một sân rộng lát gạch, xung quanh xây tường
bao, tạo cho di tích một quy mô khép kín.
Đình Sùng Văn được xây dựng từ thời Hậu Lê, sang thời Nguyễn
tuy đã tu sửa một số lần nhưng vẫn bảo lưu được đường nét nghệ thuật của hai thế
kỷ XVII và XVIII. Công trình hiện nay gồm hai tòa, làm theo kiểu chữ đinh. Tòa
tiền đường có 5 gian, chiều dài 21m, rộng 11m với bộ mái đồ sộ, lợp ngói nam phẳng
phiu và cong đều về bốn góc.
Trên nóc mái xây đại bờ; các bờ dải, kìm nóc, đầu đao đắp đề
tài rồng chầu, phượng mớm, ly vờn cùng với học tiết lá lật cách điệu. Phía dưới
là hệ thống tàu đỡ mái bằng gỗ lim dày dặn, nhỏ ở giữa, to dần về phía hai đầu
để phù hợp với làn mái cong mềm mại. Từ bốn hàng tàu này với kỹ thuật xàm mộng
rất điêu luyện của người thợ , đã tạo nên bốn đầu đao cong vút, vừa có giá trị
về thẩm mĩ, lại có tác dụng giằng kéo, khóa giữ chắc chắn cho giàn mái bên
trên.
Do nội tâm tòa tiền đường quá lớn , nên công trình phải sử dụng
4 hàng cột gỗ lim, gồm 24 chiếc liên kết với nhau bởi các câu đầu, xà lòng, ,
xà nách tạo thành bộ khung gỗ đồ sộ, chắc chắn.
Các cột cái có đường kính 0,60m, cột quân 0,45m tạo dáng kiểu
búp đòng, được kê bằng các chân tảng đá vuông, mặt chạm nổi gương tròn. Hệ thống
xà lòng, xà nách, câu đầu đều soi ống tơ, chỉ nổi. Hai bên xà nách ở gian chính
giữa còn đục chạm cảnh rồng bay, phượng múa, ly vờn ẩn hiện trong làn mây lá hỏa
với đường nét, nhấn tỉa mạch lạc.
Tuy thiết kế 5 gian nhưng là dạng kiến trúc 4 mái cong, nên
tòa tiền đường chỉ có 4 bộ vì làm theo kiểu chồng rường, mê cốn , kẻ bẩy. Các
con rường trên 4 bộ vì đục chạm đề tài tứ linh, họa tiết lá lật, nên mặc dù
kích thước lớn lại xếp chồng lên nhau, nhưng vẫn tạo vẻ mềm mại, uyển chuyển.
Hệ thống bẩy, kẻ truyền được tạo dáng uốn lượn bên ngoài soi
chỉ, nhấn khung viền kiểu vành mai, bên trong đục chạm kênh bong các đề tài
“long hóa” , mây tản. Bằng đường nét chạm nổi, kênh bong cầu kì các nghệ nhân
xưa đã biến những khúc gỗ lim thô mộc, cứng nhắc trở thành những tác phẩm có đường
nét thanh thoát, hấp dẫn.
Các bức mê cốn lại chạm khắc cảnh long, ly, quy, phượng đang
chầu, vờn nhau, cảnh rồng lấy nước có rùa, cá đang bơi. Đây là những tác phẩm độc
đáo, thể hiện trình độ cao về nghệ thuật chạm khắc của những nghệ nhân tài hoa
xưa. Các đầu dư là cấu kiện có chức năng đỡ câu đầu, xà lòng cũng được thể hiện
bằng hình ảnh rồng vuốt râu, họa tiết vân ám, lá hỏa với kỹ thuật chạm bong độc
đáo.
Thay thế vì kèo ở gian đầu hồi là các kẻ
góc, xà đùi, trụ non và con rường. Hai cặp kẻ góc từ câu đầu vươn xuống phía đưới
làm điểm tựa chắc chắn để đỡ các đầu đao. Mặc dù phải chịu một lực đè khá lớn,
nhưng kẻ góc vẫn được tạo dáng, ghép nối thành hình một con rồng uốn lượn mềm mại.
Chạm khắc trên xà đùi, trụ non, con rường, ván bưng là các đề
tài: “mẫu long giáo tử” (rồng mẹ dạy rồng con), ly con nép dưới ly mẹ, rồng chầu,
rồng vuốt râu, rồng ngậm đuôi ly v.v… tất cả đều được ẩn hiện trong tầng tầng
mây tản, cụm đao mác, lá hỏa. Với kỹ thuật chạm bong cầu kỳ, tỉ mỉ ở từng đường
nét, nghệ nhân đã thổi luồng sinh khí vào tác phẩm của mình làm cho nó trở nên
sống động, có sức truyền cảm, hấp dẫn, cuốn hút mọi người.
Nối liền với tiền đường bằng kỹ thuật giao mái, bắt vần độc
đáo là tòa đệ nhị 3 gian có chiều dài 6,80m, lòng rộng 9m. Công trình này được
phân chia thành hai cung là chính tẩm và đệ nhị cung. Các cấu kiện kiến trúc ở
đây có kiểu dáng, tỉ lệ kích thước, độ cao tương ứng với tòa tiền đường. Phần
chạm khắc, trang trí chủ yếu tập trung trên vì kèo ở cửa cung chính tẩm với các
đề tài: long, ly, quy, phượng chầu hoa cúc, voi ngậm đuôi rồng, rồng cuốn ly
v.v…
Bên cạnh đường nét chạm khắc cầu kỳ là lớp sơn son thếp vàng
lộng lẫy làm tăng vẻ đẹp của công trình. Đặc biệt ở đây còn bức đại tự thể hiện
bằng ba trái đào dính lại với nhau. Ba chữ Hán “Đức trường lưu” (Công
đức còn lại mãi mãi) chạm nổi ở ba trái đào phải chăng là tấm lòng của nhân dân
địa phương luôn mong muốn công đức các vị thành hoàng thờ ở đình sẽ tồn tại mãi
cùng trời đất, tháng năm.
Cùng với vẻ đẹp và quy mô về kiến trúc, đình Sùng Văn còn
lưu giữ được nhiều đồ thờ có giá trị như: nhang án, kiệu long đình, bát cống,
ngai thờ, đại tự, câu đối. Trong số những di vật ở đây có nhiều tác phẩm được
làm từ thời Hậu Lê; tất cả đều được sơn thếp rực rỡ làm tăng thêm vẻ tôn nghiêm
nơi thờ tự.
Đình Sùng Văn là nơi thờ những người có công lao với dân với
nước, là công trình đồ sộ được xây dựng bởi bàn tay tài hoa của nghệ nhân
xưa. Từ những giá trị về lịch sử và độc đáo về kiến trúc nghệ thuật, đình Sùng
Văn đã được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ
thuật.
Đình Sùng Văn được Nhà nước xếp hạng là nguồn cổ vũ lớn lao
để nhân dân địa phương tiếp tục phấn đấu trong sự nghiệp bảo tồn những di sản
văn hóa quý báu của cha ông xưa để lại.
Đình Trà Trữ, nơi thờ phụng Linh Lang Đại Vương - Hưng đạo Đai vương Trần Quốc Tuấn và
Mỵ Ê Phu Nhân vương phi Chiêm Thành
Đầu thời nhà Nguyễn, năm 1831 vua Minh Mạng lập hệ thống
hành chính đơn vị tỉnh cả nước có 31 tỉnh. Khi đó đình Trà Trữ thuộc xã
Trà Tự, tổng Đồng Thủy, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nội.
Ngày 20/10/1890 toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập
tỉnh Hà Nam, đình Trà Trữ vẫn thuộc xã, tổng, huyện, phủ cũ của tỉnh hà Nam. Thời
gian đó đình Trà Trữ là đình chung của 5 làng gồm Đông Tự, Tây Tự, Đại Đồng,
Nguyễn Đồng và Phương Trà thuộc xã Trà Tự.
Năm niên hiệu vua Thành Thái thứ 5(1893), 5 làng của xã Trà
Tự vẫn thuộc tổng Đồng Thủy, đình Trà Trữ nằm trên xã Đông Tự. Năm 1948 xã Đông
Tự, Tây Tự đổi tên thành thôn Đông Trữ, Tây Trữ thuộc xã Nhân Thắng.
Ngày 01/02/1978 Bộ trưởng Phủ thủ tướng ra quyết định hợp nhất
xã Nhân Thắng, và Nhân Tiến lấy tên là xã Tiến Thắng, khi đó Tây Trữ xóm 7,
Đông Trữ xóm 8, xóm 9, thuộc xã Tiến Thắng và giữ nguyên cho tới tận ngày nay.
Xã Tiến Thắng nằm ở phía nam của huyện Lý Nhân, phía Đông tiếp
giáp với xã Phú Phúc, phía Nam tiếp giáp với xã Hòa Hậu; phía bắc giáp với xã
Nhân Mỹ (cùng huyện). Phía Tây là dòng sông Châu Giang giáp với tỉnh Nam Định.
Đời sống nhân dân trong xã chủ yếu dựa vào nông nghiệp, ngoài ra còn có dệt
may, cơ khí...
Làng Đông Tây Trữ trước kia thuộc xã Trà Tự, tương truyền
vào cuối thời nhà Lý có một viên quan họ Lý, trước khi về nghỉ hưu ông có dâng
tấu xin với vua cho đem dân đinh tới khai khẩn vùng đất ven sông Hồng. Được nhà
vua chấp thuận, ông liền đem con cháu tới khai hoang, cày cấy để sinh sống.
Vốn thích chè tươi nên ông liền cho người lên miền núi lấy
giống chè về trồng. Thật lạ, chính vùng đất này lại thích hợp để cây chè phát
triển tốt, trong khi những nơi khác xung quanh lại không thể trồng được. Vì vậy,
ông đặt tên cho làng là làng Trà (nhân dân thường gọi với tên nôm là làng Chè).
Xóm 8,9 (Đông Trữ) có một vực nước lớn gọi là Vụng Chè, ba mặt
vực bao quanh đình, chùa Thiên Quán Tự. Vực không bao giờ cạn nước, truyền rằng
có mạch nước ngầm thông với sông Hồng, vào mùa nước lớn tháng 7, tháng 8 nước
trắng lạn cả cánh đồng, đến mùa hạn, nước vực còn lại trong lòng vực có diện
tích 10 mẫu vào có rất nhiều tôm, cá... Nước trong vực xanh mát có trồng sen tỏa
hương vào mùa hè, dân gian xưa có câu truyền tụng về cảnh đẹp của vùng:
Vực làng chè vừa trong vừa mát
Đường làng Chè lắm cát dễ đi.
Ba xóm 7,8,9 Đông Tây Trữ nằm về phía Đông Bắc của xã, phía
Bắc, phía Đông giáp thôn Phú Cốc( xã Phú Phúc); phía Nam giáp thôn Nguyễn Đồng(
xã Hòa Hậu); phía tây giáp thôn (Đông Trụ) cùng xã.
Ngôi đình nằm trên địa phận xóm 8, xã Tiến Thắng, huyện Lý
Nhân, tỉnh Hà Nam tọa lạc trên một khu đất cao rộng, ba mặt bao quanh là vực
Chè, cạnh đường ĐH 13 thuận lợi cho du khách thăm quan và lễ bái.
Ngôi đình là nơi thờ phụng Linh Lang Đại vương, danh tướng
triều Hùng Duệ Vương cùng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Mỵ Ê Phu Nhân vương phi Chiêm Thành (thế kỉ XI), vợ của vua Chiêm Sạ Đẩu.