Loạn 12 sứ quân (chữ Nôm: 亂12使君; chữ Hán: 十二使君之亂, Thập Nhị sứ quân chi loạn, dịch nghĩa loạn 12 vua cai trị) là một giai đoạn các vua Việt nội chiến giành quyền thống trị suốt 24 năm trong lịch sử Việt Nam.
Cuộc loạn chiến này có nguyên nhân sâu xa từ quá trình phân
hóa xã hội thời Bắc thuộc, dẫn đến việc xuất hiện tầng lớp thổ hào, quan lại có
thế lực mạnh về kinh tế, chính trị và tạo ra sự phân chia cát cứ.
Bản chất của cuộc nội chiến này là cuộc đấu tranh giành quyền
lực tối cao trên đất Tĩnh Hải quân của các thủ lĩnh địa phương khi nhà Đường
suy yếu, các hào trưởng Việt có cơ hội đứng lên tranh giành quyền lãnh đạo. Đồng
thời cũng là sự lựa chọn khắc nghiệt của lịch sử để có một nhà nước phong kiến
tập quyền, mạnh mẽ chống giặc ngoại xâm.
Ý đồ giành quyền kiểm soát và thống trị lãnh thổ bắt đầu từ
đầu thế kỷ X, khi sứ quân Khúc Thừa Dự giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ, tiếp
đó là danh tướng Dương Đình Nghệ tự tuyên là Tiết độ sứ, thống trị toàn bộ vùng
lãnh thổ Việt Nam, phát triển mạnh từ khi Bình Vương Dương Tam Kha giành ngôi
nhà Ngô, những thủ lĩnh có bình quyền địa phương không thuần phục.
Những thủ lĩnh nổi lên cát cứ một vùng, nhiều người tự xưng
Vương như An vương Ngô Nhật Khánh, Vũ Ninh vương Nguyễn Thủ Tiệp, Quang Hiển quốc
vương Kiều Thuận, Quảng Trí quân Nguyễn Khoan hoặc giành ngôi vua như Lã Xử Bình,
Dương Huy, Đỗ Cảnh Thạc, Kiều Công Hãn và đem quân đánh chiếm lẫn nhau mở rộng
địa bàn.
Giai đoạn 12 sứ quân kéo dài hơn 20 năm (944 - 968), kết
thúc khi vua Đinh Tiên Hoàng thống nhất đất nước, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt -
nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên trong lịch sử.
Năm 905, nhà Đường suy yếu, Khúc Thừa Dụ là Hào trưởng Chu
Diên, được dân chúng ủng hộ đã tiến quân ra chiếm đóng phủ thành Đại La, tự
xưng là Tiết độ sứ. Họ Khúc đã mở đầu thời kỳ tự chủ của người Việt sau hơn
1000 năm Bắc thuộc.
Năm 906, tướng Nguyễn Nê theo lệnh vua Đường đem 7000 quân
sang An Nam đòi họ Khúc triều cống. Nguyễn Nê dựng bản doanh ở Thành Quả, lấy vợ
Việt sinh ra ba con trai sau này là các sứ quân Nguyễn Khoan, Nguyễn Thủ Tiệp
và Nguyễn Siêu. Cũng trong thời kỳ nhà Đường suy yếu, nhiều thủ lĩnh Trung Hoa
chạy loạn xuống Tĩnh Hải quân lập ấp mà con cháu họ sau này trở thành các sứ
quân như Đỗ Cảnh Thạc và Trần Lãm.
Năm 918, Khúc Hạo mất, Khúc Thừa Mỹ lên thay hèn yếu, bất lực
dù đã có thành Đại La (Hà Nội) vẫn không khống chế nổi các hào trưởng địa
phương, phải cầu viện nhà Hậu Lương (Trung Quốc). Quân Nam Hán tiến sang, bắt
Khúc Thừa Mỹ và đem về Quảng Châu.
Năm 931, hào trưởng Dương Đình Nghệ từ Ái châu đánh đuổi Thứ
sử Lý Tiến của nước Nam Hán, giải phóng thành Đại La. Lưu Cung sai Trần Bảo
mang quân sang tiếp viện. Dương Đình Nghệ chủ động mở cửa thành nghênh đón địch,
tiêu diệt viện binh Nam Hán, chém chết Trần Bảo. Sau đó ông tự lập làm Tiết độ
sứ, dùng Ngô Quyền, Đinh Công Trứ (thân sinh của Đinh Bộ Lĩnh), Kiều Công Tiễn
làm nha tướng.
Năm 937, Kiều Công Tiễn, hào trưởng Phong Châu, nha tướng dưới
quyền bất ngờ giết hại Dương Đình Nghệ cướp quyền với lý do Tiết độ sứ Dương
Đình Nghệ là người gây ra cái chết của Khúc Thừa Mỹ, chúa cũ của Tĩnh Hải quân.
Hai cháu nội Tiễn là Kiều Công Hãn và Kiều Thuận sau này trở thành các sứ quân ở
gần khu vực Phong Châu.
Năm 938, Ngô Quyền là con rể Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ ra Đại
La giết Kiều Công Tiễn dẹp giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng, lên ngôi Vua, lập
ra nhà Ngô dựng lại quyền tự chủ. Trong số các tướng có Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc, Sứ
quân Kiều Công Hãn và Sứ quân Phạm Bạch Hổ. Tàn dư họ Kiều còn lại là Sứ quân
Kiều Thuận chạy về chiếm vùng núi Hồi Hồ và liên kết với Ma Xuân Trường thâu
tóm các tộc trưởng miền núi.
Triều đình Cổ Loa dẹp loạn
Sơ đồ các khu vực cát cứ của các sứ quân
Năm 944, Ngô Quyền mất, con trai Dương Đình Nghệ là tướng
Dương Tam Kha giành ngôi, tự lập làm vua, xưng Dương Bình vương. Thái tử Ngô
Xương Ngập (con trưởng Ngô Quyền) chạy về nơi cát cứ của một hào trưởng là Phạm
Lệnh Công ở làng Trà Hương (Hải Dương). Dương Tam Kha ba lần sai quân đi bắt
Ngô Xương Ngập không thành.
Từ khi Dương Tam Kha lấy ngôi của nhà Ngô, thêm nhiều nơi
không chịu thần phục. Đặc biệt là loạn ở hai thôn Đường - Nguyễn, nhiều thủ
lĩnh nổi lên chống đối như Sứ quân Ngô Nhật Khánh ở Đường Lâm (thôn Đường) và Sứ
quân Nguyễn Khoan nổi dậy ở Tam Đái (thôn Nguyễn), Sứ quân Phạm Bạch Hổ là con
của Phạm Lệnh Công chiếm Đằng Châu, Sứ quân Trần Lãm chiếm giữ ở Bố Hải Khẩu.
Năm 950, Bình Vương Dương Tam Kha sai tướng Ngô Xương Văn
(con trai vua Ngô Quyền) đánh 2 thôn Đường Lâm và Nguyễn Gia Loan ở Thái Bình.
Ngô Xương Văn cho rằng đây là các ấp vô tội và thuyết phục các tướng dẫn quân
quay lại lật đổ Dương Tam Kha.
Tướng Ngô Xương Văn không giết Bình vương Dương Tam Kha, giáng
xuống làm Chương Dương công. Ngô Xương Văn tự xưng làm Nam Tấn Vương, đóng đô ở
Cổ Loa, cho người đón anh trai Ngô Xương Ngập về cùng làm vua, là Thiên Sách
Vương. Lúc đó cùng tồn tại hai vua là Thiên Sách Vương và Nam Tấn Vương, sử
sách gọi là Hậu Ngô Vương.
Năm 951, Hậu Ngô Vương tiến đánh Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư hơn một
tháng không được đành mang Đinh Liễn về Cổ Loa làm con tin. Cũng từ đó Ngô
Xương Ngập chuyên quyền, không cho Xương Văn tham dự chính sự nữa.
Năm 954, Ngô Xương Ngập bị bệnh mất, chỉ còn vua là Nam Tấn
Vương Ngô Xương Văn. Sau khi Thiên Sách vương mất, thủ lĩnh ở quận Thao Giang là
Chu Thái quật cường không thần phục nhà Ngô. Nam Tấn vương thân chinh đi đánh,
chém được Chu Thái. Cũng sau thời gian này, Ngô Xương Văn đi đánh giặc Lý
Huy/Dương Huy ở châu Tây Long, đóng quân ở cửa Phù Lan, suốt tháng trời giặc tan
mới rút quân trở về.
Các sứ quân nội chiến tranh giành ngôi vương
Năm 965, Ngô Xương Văn đi đánh thôn Đường tức Đường Lâm của
sứ quân Ngô Nhật Khánh và thôn Nguyễn Gia Loan của sứ quân Nguyễn Thái Bình bị
phục binh loạn nỏ bắn chết. Khi Ngô Xương Xí nối ngôi, Ngô Nhật Khánh là anh em
cùng họ cũng kéo quân từ Đường Lâm về Cổ Loa tranh giành.
Cũng trong năm 965 Thứ sử Phong Châu Kiều Công Hãn kéo quân
về triều đình Cổ Loa cùng tranh ngôi vua với Lã Xử Bình, con của vua Ngô Xương
Ngập là Ngô Xương Xí phải lui về giữ đất Bình Kiều, trở thành Ngô Sứ quân.
Theo sử gia Ngô Thì Sĩ "thì lúc đó Nam Tấn mới mất,
trong nước rối ren, Đinh Liễn có công dẹp loạn, lại được phong tước, chứ chẳng
như những con tin tầm thường nhân lúc loạn lạc mà trốn về". Đinh Liễn sau
15 năm làm con tin ở Cổ Loa đã trở về Hoa Lư, cùng cha Đinh Bộ Lĩnh sang đầu
quân cho Sứ quân Trần Lãm ở Thái Bình.
Năm 966 Thứ sử Dương Huy, Thứ sử Kiều Công Hãn, Tham mưu Lã
Xử Bình và Nha tướng Đỗ Cảnh Thạc tranh nhau làm vua. Đinh Bộ Lĩnh giết được Lã
Xử Bình, kiểm soát được thành Cổ Loa. Các tướng Kiều Công Hãn, Đỗ Cảnh Thạc
thua chạy về Phong Châu và Đỗ Động, nổi dậy thành sứ quân.
Các sứ quân có thực quyền xung đột lẫn nhau: Phạm Bạch Hổ tấn
công Trần Lãm, Lã Đường tấn công Đỗ Cảnh Thạc; Kiều Công Hãn tấn công Nguyễn
Khoan; Nguyễn Thủ Tiệp giết Dương Huy chiếm Vũ Ninh và tự xưng là Vũ Ninh
vương.
Năm 967, Sứ quân Trần Lãm mất, Sứ quân Ngô Nhật Khánh từ Đường
Lâm, Đỗ Động Giang tập hợp 500 con em Ngô Tiên chúa đánh Bố Hải Khẩu, khi đến đất
Ô Man thì bị Ngô phó sứ chặn đánh phải bỏ về. Đinh Bộ Lĩnh liền cất quân đi
đánh, không bộ lạc nào ở đó không hàng phục. Các sứ quân Phạm Bạch Hổ, Ngô Nhật
Khánh, Ngô Xương Xí đem quân về hàng, lực lượng họ Đinh ngày càng lớn mạnh.
Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp các sứ quân Đỗ Cảnh Thạc, Nguyễn Siêu, Nguyễn Khoan, Kiều
Công Hãn, Kiều Thuận.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh tiếp tục đánh dẹp các sứ quân Lý Khuê,
Lã Đường và thống nhất Tĩnh Hải quân, lên ngôi Hoàng đế ở kinh đô Hoa Lư, chính
thức lập ra triều đại nhà Đinh trong lịch sử Việt Nam.
Danh sách 12 sứ quân
Đến năm 966, hình thành đầy đủ 12 sứ quân chiếm giữ các địa
phương:
Ngô Xương Xí, tức Ngô Sứ quân giữ Bình Kiều (Triệu Sơn -
Thanh Hóa).
Ngô Nhật Khánh tự xưng là Ngô Lãm Công, giữ Đường Lâm (Sơn
Tây, Hà Nội).
Đỗ Cảnh Thạc tự xưng là Đỗ Cảnh Công, giữ Đỗ Động Giang
(Thanh Oai, Hà Nội).
Phạm Bạch Hổ tự xưng là Phạm Phòng Át, giữ Đằng Châu (Hưng
Yên).
Kiều Công Hãn tự xưng Kiều Tam Chế, giữ Phong Châu - Bạch Hạc
(Việt Trì-Lâm Thao, Phú Thọ).
Kiều Thuận tự xưng là Kiều Lệnh Công, giữ Hồi Hồ - Cẩm Khê
(Phú Thọ).
Nguyễn Khoan tự xưng Nguyễn Thái Bình, giữ Tam Đái (Vĩnh Tường,
Vĩnh Phúc).
Nguyễn Siêu tự xưng là Nguyễn Hữu Công, giữ Tây Phù Liệt
(Thanh Trì, Hà Nội).
Nguyễn Thủ Tiệp tự xưng là Nguyễn Lệnh Công, giữ Tiên Du (Bắc
Ninh).
Lý Khuê tự xưng là Lý Lãng Công, giữ Siêu Loại (Thuận Thành,
Bắc Ninh).
Trần Lãm tự xưng là Trần Minh Công, giữ Bố Hải Khẩu - Kỳ Bố
(Thái Bình).
Lã Đường tự xưng là Lã Tá Công, giữ Tế Giang (Văn Giang,
Hưng Yên).
Theo Việt sử kỷ yếu: "Từ khi Dương Tam Kha chiếm vị
xưng vương, lòng người không phục. Các thổ hào có quân đội hùng cứ mỗi người một
phương, chiếm giữ quận ấp, xung đột tranh giành ảnh hưởng, tiêu diệt lẫn nhau.
Một nước phân liệt chia thành nhiều giang sơn. Quốc sử chép là Thập nhị sứ
quân. Con số 12 đây là không kể các tù trưởng miền rừng núi và mấy thố hào ít nổi
tiếng".
Có ý kiến cho rằng số sứ quân trên mang tính ước lượng cho
phù hợp với con số 12 châu Tĩnh Hải quân vì theo các tài liệu lịch sử và thần
tích còn lưu lại, một số nhân vật tương tự nhưng không được kê vào danh sách sứ
quân trên. Điển hình như cuốn Tục tư trị thông giám trường biên của Lý Đảo
(Trung Hoa) ghi:
Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ Ngô Xương Văn chết, tham mưu của
Văn là Ngô Xử Bình, cùng Phong Châu Thứ sử Kiều Tri Hựu, Vũ Ninh châu Thứ sử
Dương Huy, Nha tướng Đỗ Cảnh Thạc, bọn ấy cùng tranh lập. Mười hai châu của
Giao Chỉ đại loạn, trộm cướp cùng dấy.
Có thể trong số các nhân vật: Lã Xử Bình, Dương Huy,... hoặc
không có thực ấp, không phải là thổ hào, thứ sử hoặc đã chết tại thời cực thịnh
của 12 sứ quân.
Xuất thân đặc biệt
Theo cuốn "Gốc và Nghĩa từ Việt thông dụng" của
Nhà Xuất bản Văn hóa Thông tin năm 1998 thì từ "Sứ quân" được dịch là
"Vua cai trị" (sứ: cai trị, quân: vua). Ở Trung Hoa, Sứ quân còn là
cách gọi tôn xưng dành cho người nắm giữ chức đầu của một châu mục nào đó, tức
Thứ sử (Theo định nghĩa của từ điển Từ nguyên). Cách gọi này được dùng trong
các văn bản từ đời Hán cho đến đời Thanh.
Trong các sứ quân có:
Ngô Xương Xí và Ngô Nhật Khánh là vương tộc nhà Ngô; Phạm Bạch
Hổ, Đỗ Cảnh Thạc, Kiều Công Hãn là tướng nhà Ngô; các sứ quân còn lại được xác
định là các thủ lĩnh địa phương.
5 trong số 12 thủ lĩnh cát cứ có gốc là người Hoa: Đỗ Cảnh
Thạc gốc người Quảng Lăng ở tỉnh Giang Tô, Trần Lãm là người gốc Quảng Đông;
Nguyễn Khoan, Nguyễn Siêu, Nguyễn Thủ Tiệp là 3 anh em gốc người Phúc Kiến.
Kiều Công Hãn, Kiều Thuận là 2 anh em, cháu nội Kiều Công Tiễn.
Lực lượng Sứ quân Trần Lãm sau khi sứ tướng mất hợp nhất về
với Sứ quân Đinh Bộ Lĩnh.
Các sứ quân thường được mô tả thân hình dũng mãnh, khí phách
anh hùng như: Phạm Bạch Hổ có thân hình vạm vỡ, mạnh mẽ như hổ, thông minh hơn
người, văn võ song toàn; Đỗ Cảnh Thạc bị bọn cướp xẻo mất một bên tai, lòng căm
thù sôi sục, quyết tìm thầy học võ; Nguyễn Thủ Tiệp mình dài tiếng to, ai nghe
thấy tiếng nói cũng phải giật mình, người ta gọi là ông Sấm;; Kiều Thuận khi
sinh ra có ánh sáng lạ tràn ngập khắp ngôi nhà; Nguyễn Siêu chết trôi sông 3
tháng không nát, nước da vẫn tươi nguyên...
Những vương đế thời 12 sứ quân
Cuốn chính sử Việt Nam "Lịch triều hiến chương loại
chí" trang trọng xếp 12 sứ quân vào danh sách dòng chính thống các bậc đế
vương. Trong số các sứ quân cai trị ở vùng chiếm đóng, nhiều người đã xưng
Vương hoặc được tôn xưng là Vương như:
Ngô Xương Xí, hiệu Ngô Sứ quân (吳使君), là hậu duệ nhà Ngô, từng làm Vương
nhưng trong danh sách những vị Quân chủ Việt Nam thì ông không được thừa nhận.
Nguyễn Thủ Tiệp, vốn xưng Lệnh Công (令公), sau xưng Vũ Ninh
vương (武宁王),
giống tên hiệu một vị vua thời Tam Quốc Triều Tiên.
Ngô Nhật Khánh, vốn xưng Lãm Công (覽公), sau xưng An vương (安王).[18]
Nguyễn Khoan, xưng làm Thái Bình (太平), sau xưng Quảng Trí
quân (瀇智君),
tức một vị Quân vương có đức lớn tài cao, rộng hiểu biết và đầy tình bác ái, biết
canh tân mỹ tục.
Phạm Bạch Hổ, được người dân một số vùng tôn sùng như một vị
Vương. Các đền thờ của ông ở Hưng Yên và Nam Định đều được gọi là đền Vua Mây
và có bức đại tự ở chính cung tôn vinh 4 chữ: "Thái Bình vương phủ" (太平王府).
Trần Lãm được người dân lập đền thờ ở nhiều nơi trong đó
thành phố Thái Bình có di tích Miếu Vua Lãm.
Kiều Thuận, cũng được hậu thế tôn vinh như là một vị Vương.
Trong ngôi đền Trù Mật, trên long ngai thờ Kiều Thuận có bốn chữ vàng
"Quang Hiển quốc vương" (光顯國王).[20]
Kiều Công Hãn được gọi là Long Kiều vương (隆橋王), Đỗ
Cảnh Thạc là Độc Nhĩ Đại vương (獨耳大王). Đây là 2 sứ quân trực tiếp
giành ngôi Vương ở triều đình Cổ Loa khi Nam Tấn vương Ngô Xương Văn mất.