“Nhất Mỗ, nhì La, thứ ba Canh, Cót, tứ danh hương” – câu truyền tụng của người xưa đã vinh danh đất Mỗ (Đại Mỗ) là nơi nổi tiếng về sự hiếu học, là quê hương của các bậc đại khoa, trong đó có ba danh nhân dòng họ Nguyễn Quý có nhiều đóng góp cho triều đình và đất nước với bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời.
Nằm bên bờ sông Nhuệ là đền Hàm Rồng, di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố đã có hàng trăm năm là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, cầu mưa thuận gió hoà giúp người dân an cư lạc nghiệp. Đền Hàm Rồng thờ vị thiên thần Hà Bá tức Thủy Hải Long Vương, sau này thờ vị nhân thần là Ả Lã Nàng Đê, một vị nữ tướng của Hai Bà Trưng.
Địa thế ngôi đền có phong thủy đẹp, nằm bên con sông Nhuệ, đoạn uốn khúc, gần cầu Đôi, bên cạnh có con ngòi, vạt cỏ chìa ra được coi là lưỡi rồng, xung quanh có nhiều cây lâu năm như: Muỗm, si, cây duối gần 600 năm tuổi. Với cây cối cùng địa mạo đẹp nên được coi là Hàm Rồng.
Bức tranh lụa chân dung cụ Nguyễn Quý Đức
Bên cạnh di tích đền Hàm Rồng là cây cầu đá có giá trị lịch sử đặc biệt do cụ Nguyễn Quý Đức xây dựng với họa tiết đầu rồng, có tuổi đời trên 600 năm. Cầu đá còn có tên Thiên Khánh, xưa là cây cầu rất quan trọng trong thông thương, giao lưu của người dân làng Đại Mỗ. Cầu được làm bằng đá xanh, mặt cầu có 3 khoang, mỗi khoang gồm 4 tấm đá lát khít với nhau, 4 trụ cầu cũng làm bằng đá theo kiểu giá chiêng. Các đầu giá chiêng đều chạm lân rồng, cột hình trụ phần cắm xuống lòng sông được bó bằng gạch hiện vẫn còn mặt cầu và giá đỡ đều liên kết bằng mộng. Ngày nay, Đại Mỗ có nhiều con đường mới được xây dựng nên cây cầu Thiên Khánh không còn là nơi giao thương, đi lại của người dân mà vẫn được lưu giữ giá trị lịch sử văn hóa.
Nằm trung tâm dân cư của làng, đình Đại Mỗ với gần 1.000 năm tuổi, trải qua bao thăng trầm của lịch sử vẫn trụ vững với thời gian. Mặt trước cửa đình là hai cây cột trụ, đỉnh cột ngang với nóc nhà đại bái, thân cột có mặt cắt ngang hình vuông.
Đình Đại Mỗ có cấu trúc hình chữ Tam gồm nhà đại bái và khu hậu cung. Bộ khung nhà đại bái được định vị vững chắc. Lòng nhà được chia làm 3 gian, xung quang mở trống thông với không gian bên ngoài. Phía trước có 3 cửa ra vào hình chữ nhật. Trên các gian có 3 bức hoành phi với những chữ đại tự được sơn son thếp vàng cổ kính như: “Phong câu mẫu tích” (nghĩa là công trạng và thành tích rất lớn lao) “Tứ chính giao phù” (bốn phủ chính hợp sức phù giúp); “Trung quân thanh danh” (nơi thờ tự những người nổi tiếng trung liệt).
Hiện trong đình còn lưu giữ được 10 đạo sắc phong của các đời vua từ đời Cảnh Hưng phong cho các vị thành hoàng làng và hàng chục bức hoành phi với hàng chữ đại tự sơn son thêp vàng sáng chói, có gần 50 đôi câu đối ca ngợi công đức các vị thành hoàng làng có công với dân, với nước và những tâm nguyện, khát vọng của người dân mong muốn đất nước thái bình thịnh trị, mưa thuận gió hòa.
Người làng Đại Mỗ luôn tự hào về đình làng không chỉ là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo mà còn gắn với những trang sử hào hùng trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Làng Đại Mỗ còn có nhà thờ họ Nguyễn Quý được xây dựng thờ 3 vị đại vương là Nguyễn Quý Đức và con trai cả là Nguyễn Quý Ân đều đỗ Tiến sĩ, cháu nội là Nguyễn Quý Kính đỗ Hương cống.
Cả ba người khi sống đều học giỏi, đức cao nối tiếp nhau làm quan đầu triều. Các danh nhân đã có nhiều đóng góp cho Đại Mỗ và đất nước trên nhiều lĩnh vực. Tấm bia niên đại sớm nhất trong nhà thờ được dựng vào năm Vĩnh Hựu 2 (1736), khi đó nhà thờ được miêu tả rất nguy nga tráng lệ, từ đường được xây dựng trước niên hiệu đó. Nhà thờ hướng Nam gồm cổng tường, tiền tế và cung cấm. Cung cấm còn giữ nhiều hiện vật quý, trong đó có 2 bức tranh lụa vẽ chân dung Nguyễn Quý Đức và Nguyễn Quý Kính.
Nhà thờ còn 3 tấm bia đá hình trụ ghi về từ đường và những người được thờ, 1 cỗ xe ngọc lô, 2 cỗ kiệu và 40 hoành phi câu đối. Trong đó, có câu đối do vua nhà Thanh (Trung Quốc) tặng cùng các câu đối của các tiến sỹ các đời sau ca tụng. Có câu thơ của Tiến sỹ Phạm Khắc Gia được khắc thành câu đối cách đây hơn 300 năm nêu bật công danh của 3 vị đại vương.
Ngày nay, trong xu hướng phát triển đô thị, những năm qua, các cấp chính quyền và nhân dân Đại Mỗ vẫn luôn gìn giữ những giá trị văn hóa và phong tục truyền thống của quê hương.
HOÀNG NGUYÊN
Nguồn: Phụ nữ Thủ đô