Tại xã Dương Lôi, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh tọa lạc cụm di tích mang nhiều giá trị lịch sử, thờ phụng Lý Triều Thánh Mẫu Phạm Thị Ngà, thân mẫu của vua Lý Công Uẩn - vị vua có công gây dựng triều đại nhà Lý kéo dài 216 năm huy hoàng trong lịch sử.
Cụm di tích bao gồm đình Sấm (hay còn gọi là đình Dương
Lôi), Đền Miễu, Chùa Minh Châu, chùa Cha Lư… Ngoài ra gần đó còn có nhiều di
tích khác như khu Thọ lăng Thiên Đức hay còn gọi là Sơn lăng cấm địa.
Không chỉ mang những giá trị kiến trúc độc đáo, cụm di tích ở
Dương Lôi còn ẩn chứa bên trong những giá trị lịch sử cùng những câu chuyện về
thân mẫu của vua Lý Thái Tổ, tức Lý Triều Thánh Mẫu Phạm Thị Ngà.
Những tư liệu lịch sử xác định quê bà Phạm Thị Ngà là ở làng
Dương Lôi thuộc hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, quận Giao Chỉ xưa, nay là khu
Dương Lôi, phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Đền Miễu nơi thờ tự Lý Triều Thánh Mẫu Phạm Thị Ngà, thân mẫu
vua Lý Công Uẩn tại Dương Lôi ( Ảnh do bà Phạm Thúy Lan cung cấp)
Về cuộc đời của vua Lý Công Uẩn, có rất nhiều sử sách chép lại
nhưng đều mang những nét huyền bí. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Vua họ
Lý, húy Công Uẩn, người châu Cổ Pháp, Bắc Ninh”.
Còn theo những tài liệu của nhà nghiên cứu Phạm Thúy Lan câu
chuyện về sự ra đời của vua Lý Công Uẩn như sau:
“Vào thời Đinh-Tiền Lê, trong làng Dương Lôi có một gia đình
nghèo họ Phạm gồm hai ông bà và cô con gái tên là Ngà, nết na xinh đẹp. Một
ngày kia, bệnh tật đã cướp đi người cha, ít lâu sau, hai mẹ con rời bỏ xóm làng
ra dựng tạm túp lều trước cổng chùa Minh Châu, bán nước cho người đi qua đường
và bán hương, cau cho người vào lễ chùa.
Minh Châu tự vốn là ngôi chùa nổi tiếng trong vùng. Một hôm
có 2 vị Thiền sư đến chùa Minh Châu giảng kinh Phật, một vị là Lý Vạn Hạnh trụ
trì chùa Tiêu, một vị là Lý Khánh Văn trụ trì chùa Cổ Pháp. Thấy hai mẹ con cô
gái bán nước ở cổng chùa Minh Châu là người phúc đức nhân hậu, nên 2 vị sư rất
quý mến.
Ít lâu sau, người mẹ không may qua đời, cô gái được sự dẫn mạch
của 2 vị sư bèn dời mộ cha và thi hài mẹ an táng cùng mộ chỗ gò đất có hình rồng
ấp ven rừng Miễu. Từ đấy, cô gái Phạm Thị Ngà về làm thủ hộ, giúp việc cho sư Vạn
Hạnh ở chùa Tiêu.
Một đêm, cô gái ngả lưng thiếp đi trước cửa chùa, cô mơ thấy
một vị thần nhân bước qua người mình. Tỉnh dậy, cô thấy người khác lạ, mang
thai từ đấy.
Không dám ở lại chùa Tiêu, cô gái trở về chùa Minh Châu, sư
thương tình cho cô nương náu. Sắp đến ngày mãn nguyệt khai hoa, cô xin phép nhà
chùa trở lại xóm cũ Đường Sau nơi có túp lều xiêu vẹo của cha mẹ và sống với cuộc
đời thầm lặng.
Trong một đêm mưa rét đầu xuân, tức rạng sáng ngày 12 tháng
Hai năm Giáp Tuất (974), những người hàng xóm bỗng thấy sự lạ lùng, túp lều của
cô gái bỗng sáng rực hào quang; và tiếng trẻ sơ sinh cất lên lanh lảnh. Trong
cơn đau, cô gái mơ màng thấy 3 bà mụ như từ trên trời hiện xuống đỡ đẻ cho cô.
Đứa trẻ sinh ra khôi ngô tuấn tú, dưới hai bàn chân đều có chữ
"vương". Đó là Lý Công Uẩn”.
Qua những tư liệu sưu tập, nghiên cứu của mình, bà Phạm Thúy
Lan cho biết thêm: “Trải qua 3 năm vất vả nuôi con, người mẹ Phạm Thị Ngà sinh
bệnh nặng. Một tối, người mẹ ôm con đến chùa Cổ Pháp (chùa Dận), ngôi chùa nổi
tiếng trong vùng do sư Lý Khánh Văn trụ trì. Sư chạy ra, thấy một người đàn bà
đội chiếc nón mê, tay ôm đứa trẻ; và nhận ra người đàn bà chính là cô gái ở
chùa Minh Châu trước kia, bèn đưa vào hỏi han sự tình.
Ngài bảo Phạm Thị (Phạm Thị Ngà) để đứa trẻ lại cho nhà chùa
nuôi dạy nên người giúp nước giúp dân. Nghĩ đến tương lai của con sau này, Phạm
Thị đành gạt nước mắt nghẹn ngào nhìn con, rồi một mình quay về xóm cũ.
Rời gót khỏi cổng chùa Cổ Pháp, đến gò đất ven rừng, tự
nhiên thấy hoa mắt, Phạm Thị gục xuống, qua đời trên đường. Đó là ngày mồng 7
tháng Giêng năm Đinh Sửu (977).
Sáng hôm sau, chỗ bà gục xuống, mối đùn lên thành ngôi mộ rất
lớn”.
Sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua thì phong cho mẹ là Minh Đức
Thái Hậu. Vua về quê cắt đất và cho 2 vạn quan tiền để xây Sơn Lăng cấm địa, miếu
thờ Mẹ và một số công trình chùa miếu ở quê.
Miếu thờ bà Phạm Thị Ngà được xây ở cánh đồng Miễu cách xóm
Đường Sau 500m, sau này qua nhiều lần tu sửa mới mở rộng thêm thành Đền, được gọi
là Đền Miễu hay còn gọi là Đền thờ Lý Triều Thánh Mẫu.
Ghi nhớ công ơn của vua Lý Thái Tổ và thân mẫu của vua, bà
Phạm Thị Ngà được dân làng Dương Lôi phong làm Bản cảnh Thành hoàng làng.
Về sau, các triều đình phong kiến xưa cũng dã sắc phong cho
bà và thờ ở Đình Làng Dương Lôi (tức Đình Sấm).
Ngay bên phải cổng đền là tấm bia đá “Hạ mã” (xuống ngựa), thế kỷ XIX. Ý chỉ đây là vùng đất thiêng, từ vua quan đến dân thường đều phải xuống ngựa, đi bộ.
Đền Miễu được dựng theo kiểu chữ Nhị, gồm hai tòa Tiền đền và Hậu đền.
Tiền đền có kiến trúc kiểu bình đầu bít đốc gồm 5 gian 2 dĩ. Khung
đền bằng gỗ xoan, bào soi kỹ lưỡng, cấu trúc vì kẻ truyền, giá chiêng.
Trên đỉnh Tiền đền là đôi rồng chầu mặt nguyệt.
Hai bên là nhà Tả vu, Hữu vu, mỗi nhà 5 gian, nơi để dân làng sửa soạn đồ lễ…
Trong khuôn viên phía sau đền có một lăng mộ gạch cổ, nhân dân địa phương cho là lăng mộ của Thánh mẫu Phạm Thị Ngà nên đã cho xây nhà bao che và lập ban thờ phụng.
Hậu đền gồm 5 gian bộ khung gỗ xoan làm theo lối kẻ truyền.
Tượng thờ Thánh mẫu Phạm Thị Ngà tại gian giữa Hậu đền.
Trong đền còn lưu giữ các hiện vật cổ có giá trị như: Lư hương, câu đối...
Hàng năm, vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, chính quyền, nhân dân địa phương lại mở hội đền để tưởng nhớ tới thánh mẫu Phạm Thị Ngà và công ơn các đức vua triều Lý. Đền Miễu được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 2009.
Ngày nay ở làng Dương Lôi, hàng năm cứ đến ngày 12-2 và ngày
7 tháng Giêng âm lịch, dân làng lại mở hội để kỷ niệm ngày sinh Đức Vua và ngày
mất của Thành Hoàng Làng - Lý Triều Thánh Mẫu Phạm Thị Ngà.
Hiện nay đức Thánh Mẫu Phạm Thị Ngà được thờ ở nhiều nơi, ở
Đình Dương Lôi với vai trò là Thành hoàng làng, ở Đền Miễu với tư cách là Thánh
và ở chùa Cha Lư vì "Đức độ của Mẫu đã hóa thành Phật”.
Đặc biệt, trước sân đền Miễu có cây bia Thiên đài Thạch trụ,
dựng tháng 8 năm 1705 (năm sửa đền), mặt chữ Thạch có ghi: “Miếu đường xã Dương
Lôi là nơi danh lam cổ tích, phụng thờ Lý triều Thiên thánh hết sức linh
thiêng... Cổ tích Lý triều Thiên thánh chính là Dương Lôi đất báu tối thiêng.
Dân có cầu tất ứng nghiệm ngay. Phúc có xin ắt cảm thông liền. Thánh gia ân xã
tắc thái bình. Thần ban phúc người vật yên vui”.
Đặc biệt là cây hương đá “Nhất thiên thạch trụ” khắc chữ Hán 4 mặt, dựng năm 1705 trước Tiền đền có đoạn ghi “Miếu đường xã Dương Lôi là nơi danh lam cổ tích phụng thờ Lý triều Thiên Thành hết sức linh thiêng...”.
Thiên đài Thạch trụ tại sân Đền Miễu - Dương Lôi - Tân Hồng
- Từ Sơn - Bắc Ninh, nơi thờ tự Lý Triều Thánh Mẫu Phạm Thị Ngà, thân mẫu của
vua Lý Thái Tổ. Ảnh do bà Phạm Thúy Lan cung cấp
Cùng với việc tôn thờ bà Phạm Thị Ngà ở chùa Cha Lư, tại
Dương Lôi còn một loạt di tích như chùa Minh Châu, chùa Càn Nguyên, các địa danh,
truyền thuyết về cuộc đời bà Phạm Thị Ngà, về việc tu hành của Thiền sư Khánh
Văn, Vạn Hạnh, về việc bà Phạm Thị Ngà mang thai và sinh nở Lý Công Uẩn, về việc
tôn thờ bà Phạm Thị của gia tộc họ Phạm làng Dương Lôi.
Đặc biệt là đền thờ Lý triều Thánh Mẫu tức đền thờ bà Phạm
Thị được xây dựng từ xưa, đến thời Lê Trung Hưng được trùng tu mở rộng nhưng bị
tàn phá trong chiến tranh, ngai vàng và tượng Thánh Mẫu được chuyển về thờ ở
chùa Cha Lư.
Có một điều rất đặc biệt muốn nói thêm là, trong lịch sử nước
ta chỉ có các vua triều Lý là không xây lăng cho mình. Nơi yên nghỉ của các Vua
Lý chỉ là những ngôi mộ đắp đất, không dựng bia, đơn giản như mộ của những người
dân thường.
Các tài liệu dã sử cho biết, ngày mồng 3 tháng 3 năm Mậu
Thìn (1028), Lý Thái Tổ lâm bệnh mất, thọ 54 tuổi. Trước khi băng hà, vua đã
căn dặn các quan: “Khi ta mất, không được xây lăng to đẹp bằng gạch đá mà mộ chỉ
cần đắp bằng đất để đỡ tốn tiền bạc của dân. Quân lính và thường dân nếu có
thương nhớ vua thì cứ lấy đất đắp lên, càng cao càng quý”. Đức sáng của Vua Lý
Thái Tổ tỏa ra từ những hành xử như vậy.
Bên cạnh đó, theo nhà nghiên cứu Phạm Thúy Lan, hàng năm
trong Lễ giỗ Thành hoàng Làng Dương Lôi - Lý Triều Thánh Mẫu Phạm Thị Ngà vào
ngày 7 tháng Giêng, trong bài Chúc Văn tế ở Đình Làng có đoạn:
“Thánh Mẫu vượt trên mọi người
Đức to hơn Đỗ Thái hậu nhà Tống
Hạnh nhiều hơn bà Khương Nguyên nhà Chu
Cháu con đời đời ngưỡng vọng thiện quả”
(Đỗ Thái hậu nhà Tống là Hoàng thái hậu đầu tiên của nhà Tống,
thân mẫu của hai vua nhà Tống là Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận và Tống Thái
Tông Triệu Khuông Nghĩa. Bà Khương Nguyên nhà Chu, vợ cả của Đế Khốc sinh ra Cơ
Khí là tổ tiên của bộ tộc Chu, sau này phát triển thành một tiểu quốc Chu hùng
mạnh, rồi thành nhà Chu là triều đại tồn tại lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc”
- Bà Phạm Thúy Lan chú thích).
Những lời trong Chúc văn thay mọi lời ca ngợi tâm đức của
Thánh Mẫu Phạm Thị Ngà.