Đền Thượng được bên bờ tả ngạn sông Thao theo hướng Tây Nam, nhìn ra sông thờ chính vị là Tiên Dung công chúa và Chử Đồng Tử, Chàng Ất đại vương, Bát Bộ Bát Lang đại vương, Bàn Bạc Lạc Thạch đại vương, Thủy Thần Long vương.
Nằm bên bờ sông Thao, xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ xưa kia có
tên là Kẻ Thiệc thuộc bộ Văn Lang thời Hùng Vương. Trên địa bàn hiện có hai cụm
di tích lịch sử nổi tiếng gồm đình, chùa làng Ngọc Tháp và Đền Thượng, miếu Phe
Nam thể hiện rõ nét nhất Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Đền Thượng, miếu Phe Nam nhiều lần được trùng tu, song vẫn giữ được kiến trúc cổ xưa.
Cụm di tích Đền Thượng, miếu Phe Nam thuộc làng Hà Thạch bao gồm đền và miếu,
thờ các vị thần, tướng thời Hùng đã có công hộ quốc, giúp dân. Đền Thượng được
xây dựng bên bờ tả ngạn sông Thao theo hướng Tây Nam, nhìn ra sông thờ chính vị
là Tiên Dung công chúa và phối thờ Chử Đồng Tử, Chàng Ất đại vương, Bát Bộ Bát
Lang đại vương, Bàn Bạc Lạc Thạch đại vương, Thủy Thần Long vương.
Miếu Phe Nam thờ chính vị Cương Kiều Cương Nghị đại vương
(Kiều Công Thuận) ngoài ra phối thờ Dí Dàng đại vương, Nheo Sơn đại vương, Thượng
tướng quốc công thần Trần Nguyên Hãn.
Theo truyền ngôn, không xác định được đền và miếu được hình
thành từ bao giờ mà căn cứ vào các tài liệu và khảo sát thực tế qua các cổ vật
còn lại, “phỏng đoán” niên đại xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX.
Có thể nói Đền Thượng, miếu Phe Nam là cụm di tích mang đậm
dấu ấn của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, được thể hiện rõ nét từ truyền thuyết
hình thành đến lối kiến trúc.
Đền và miếu có kết cấu kiến trúc chữ Đinh; tiền tế ba gian lợp
lá, bốn bề thông thoáng không có tường, sàn lát ván; hậu cung hai gian lợp ngói
âm, bên trong đặt long ngai và đồ thờ tự.
Cụm di tích làng Hà Thạch một năm có 3 lần tiệc lệ được tổ
chức chung ở đình và miếu gồm: Ngày mùng 5 tháng Giêng, mùng 10 tháng Ba và
mùng 10 tháng Mười âm lịch là sự kết hợp giữa tín ngưỡng thờ tự truyền thống thời
Hùng Vương và thành hoàng làng đã làm nên giá trị tâm linh đặc biệt.
Tục bắt lợn Ông Cầu được tổ chức vào ngày mồng 5 tháng Giêng âm lịch hằng năm.
Truyền thuyết kể rằng, từ đời nhà Hùng, khi vùng đất Hà Thạch giáp sông Thao
này còn là nơi “khỉ ho, cò gáy”, rừng già bạt ngàn, cây cối rậm rạp, bắn tên
không lọt, muông thú nhiều khôn xiết kể.
Có một tướng quân trên đường đi dẹp giặc ngoại bang, qua đây
bỗng phát hiện ra trong số những muông thú kia có một loài lợn rừng kỳ lạ đông
tới hàng ngàn con, con nào con nấy béo tốt, lông đen tuyền...
Tướng quân cho là chuyện không bình thường bèn cho binh lính
hạ trại và thành lập những nhóm thợ săn dàn hàng ngang kéo vào rừng sâu bao vây
bắt lợn hoang về giết mổ lấy thịt tế thần ở đền Trung và đền Thượng- nơi
thờ năm vị thánh vương là Phúc thần làng, đồng thời khao quân.
Lợn phải được bắt nguyên con chứ không được bắn bằng cung nỏ
hoặc dùng gươm đao…Từ đấy, tục lệ bắt lợn Ông Cầu đã trở thành lễ hội dân gian
- nét đẹp văn hóa truyền thống của kẻ Thiệc.
Theo lời các cụ già ở Hà Thạch thì tục bắt lợn Ông Cầu cũng
như nhiều lễ tục đầu xuân khác ở địa phương này đều có quan hệ trực tiếp đến
nghi lễ phụng sự tôn thờ các danh tướng thời Hùng Vương, các nghĩa sĩ của Hai
Bà Trưng, các tướng lĩnh của mọi triều đại kế cận, nó vừa đề cao ý chí chống
xâm lăng vừa thể hiện tinh thần thượng võ cũng như lòng yêu hòa bình của con
dân đất Việt.
Lễ cầu truyền thống tại Đền Thượng, miếu Phe Nam, xã Hà Thạch.
Ảnh tư liệu
Kỳ cầu thứ hai trong năm của cụm di tích Đền thượng, miếu Phe Nam được tổ chức
đúng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng Ba âm lịch. Cúng tế diễn ra trong tối
mùng 9 với những nghi lễ như: Phụng long ngai ra chầu, hát nhà tơ suốt đêm… đến
sáng mùng 10 chính tế ở Đền Hùng.
Trong dịp kỳ cầu này, có lễ hội múa rồng, rắn và cướp cây
bông. Múa rồng rắn với những động tác đơn giản, mang đậm yếu tố tín ngưỡng vật
linh được năm cô gái nhà tơ xinh xắn, mỗi người một màu áo múa quanh các kiệu
theo hình con rồng, rắn. Điệu múa này phục vụ mong ước của nhân dân cầu chúc
mùa màng bội thu, đất nước thái bình, đời sống no đủ.
Theo quan niệm của người xưa, trò diễn múa rồng rắn là một
hình thức tôn thờ thế lực siêu nhiên nhằm tạo nên sự giao cảm giữa người và thần
linh chứ không đơn thuần là tiết mục vui chơi hội đám.
Sau múa rồng rắn có một bà nhà tơ cầm hai cây bông ra múa rồi
ném một bông về mạn ngược, một về vùng xuôi, mọi người ào ra cướp. Cây bông được
làm từ khúc tre già được vót thành 3 hay 5 đoạn, sơ nhuộm ngũ màu sặc sỡ, biểu
tượng sinh thực khí.
Người được dân làng lựa chọn làm cây bông là gia đình “đông
đàn dài lũ”, thịnh vượng, hòa thuận, thể hiện mong ước của người dân vùng nông
nghiệp lúa nước với mong muốn mùa màng bội thu, con cháu đuề huề”.
Cùng với Đền Thượng, miếu Phe Nam, đình làng Ngọc Tháp cũng là những di tích
mang đậm dấu ấn thời Hùng Vương. Nằm trong cụm di tích Đình, chùa làng Ngọc
Tháp, đình Ngọc Tháp thờ Thần Ghềnh Linh Uyên đại vương.
Một năm có 3 kỳ cầu được tổ chức tại đình; trong đó kỳ cầu
mùng 10 tháng Ba âm lịch nhằm tưởng nhớ công ơn của Linh Uyên Đại Vương- người
đã phù trợ Vua Hùng Duệ Vương đánh tan quân Thục.
Trước đây, tại kỳ cầu này ngoài phần lễ, rước kiệu được tổ
chức long trọng, hoạt động không thể thiếu là bơi chải nhằm mô phỏng lại việc tập
trận của quân lính xưa cũng như thể hiện tinh thần thượng võ…
Để bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng
thời thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ công ơn to lớn của các bậc
tiền nhân trong quá trình dựng xây đất nước, hàng năm chính quyền, nhân dân xã
Hà Thạch đều tổ chức các kỳ cậu với nghi lễ dâng cúng lễ vật.
Việc giữ gìn phát huy giá trị văn hóa truyền thống thuộc các
cụm, di tích đóng trên địa bàn không chỉ nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu
về tiềm năng du lịch của địa phương, mà còn giáo dục truyền thống, lịch sử, văn
hóa, những nét đẹp phong tục tập quán của Đất Tổ cho thế hệ sau.
Lệ Oanh
Nguồn: Báo
Phú Thọ
Ths Nguyễn Thy Ngà