Miếu Ba Vua nằm ở thôn Nhân Giả, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng. Miếu thờ 3 vị thành hoàng Nhân Giả: Phùng Lực Đại Vương thời Hùng Duệ Vương, Lý Cương và Lý Bảo Đại Vương thời Lý, do đó miếu có tên gọi là miếu Ba Vua.
Xưa kia, làng Nhân Giả có ngôi đình thờ 3 vị thành hoàng (Ba
Vua) và 3 miếu: Miếu cả thờ Phùng Lực, miếu giữa thờ Lý Cương, miếu hậu thờ Lý
Bảo. Những công trình kiến trúc nói trên trải qua chiến tranh và thời gian tàn
phá, chỉ còn lại ngôi miếu giữa. Ngày nay, 3 vị thành hoàng đều được thờ ở miếu
giữa, tức miếu Ba Vua.
Đức ngài Phùng Lực quê ở làng Thôn Xá, huyện Đông An (Đông
Yên), phủ Khoái Châu, đạo Sơn Nam (nay thuộc huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên).
Cha ông là Phùng Văn Đăng làm thuốc chữa bệnh giúp đỡ dân làng. Mẹ là Lưu Thị
Tuấn là người tu nhân, tích đức.
Đến khi tuổi cao, ông bà mới sinh Phùng Lực. Năm 16 tuổi,
Phùng Lực có sức khỏe hơn người “cử đỉnh, bạt núi”, văn võ đều tinh thông. Khi đức
ngài Phùng Lực 20 tuổi cả cha mẹ đều mất.
Sau khi chịu tang xong, ngài Phùng Lực đi khắp nơi tìm thầy
học đạo, kết bạn cùng chí hướng. Đức ngài Phùng Lực may mắn kết nghĩa anh em với
Tản Viên Sơn Thánh và được làm quan trong triều. Đức ngài Phùng Lực được giao
nhiệm vụ giúp nhân dân trong nước giữ gìn thuần phong mỹ tục và giúp đỡ nhau ra
sức làm ăn.
Đức ngài Phùng Lực về trang Cá Chử, huyện Tứ Kỳ (nay là thôn
Nhân Giả, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo) dạy dân cày cấy, trồng dâu nuôi tằm,
khuyên dân sống thuận hòa nhân nghĩa, giữ gìn thuần phong mỹ tục được dân làng
vô cùng kính mến.
Khi có giặc Ai Lao sang quấy phá, Phùng Lục được cử đi đánh
giặc cùng nhiều tướng lĩnh khác. Ông trở về đất Cá Chử lấy thêm quân, mỗi họ vài
chục người xin đi theo đánh giặc. Sau chiến thắng, ông xin vua về Cá Chử an dưỡng
tuổi già. Khi ông mất, nhân dân Cá Chử lập miếu thờ.
Đức ông Lý Cương, Lý Bảo là 2 anh em sinh đôi của gia đình họ
Lý ở Châu Hoan (nay thuộc Nghệ An). Khi nhà Lý mở khoa thi, anh em Lý Cương, Lý
Bảo cùng về Thăng Long ứng thi và đều trúng tuyển. Nhà vua phong Lý Cương là Tả
đô đài, Lý Bảo là Hữu đô đài.
Nhà Tống đem quân xâm lược nước ta, anh em đức ông Lý Cương,
Lý Bảo chiến đấu dưới sự chỉ huy của tướng Lý Thường Kiệt. Chiến thắng giặc Tống,
anh em Lý Cương, Lý Bảo được nhà vua cho phép đi chu du thiên hạ, xem xét dân
tình. Khi đến đất Cá Chử, trang Kê Sơn, huyện Vĩnh Lại, Hồng Châu (nay thuộc xã
Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo) hai anh em ở lại giúp đỡ nhân dân làm ăn ngày một
khấm khá hơn.
Thần phả còn ghi, hai ông đã hộ giá vua Lý đi bình phạt
Chiêm Thành lập nhiều công lớn. Hai ông hy sinh tại mặt trận Ái Châu (Nghệ An
ngày nay) vào ngày 10/10 Âm lịch. Vua phong sắc chỉ, truy tặng Lý Cương, Lý Bảo
tước Đại vương thượng đẳng thần. Nhớ ơn công đức của hai ông, nhân dân thôn
Nhân Giả lập miếu thờ, ngàn năm hương khói tưởng niệm.
Trang trí kiến trúc miếu Ba Vua được thể hiện ở các bộ phận
như trên các rường, đấu, câu đầu, xà nách, cồn mê, bẩy hiên. Hình thức trạm nổi
tinh xảo, điêu luyện với các đề tài hoa lá cách điệu, cá hóa long, hoa lá sen,
sóng nước, rùa lạc thư, cá chép hóa rồng, tứ linh… Một số hiện vật có giá trị
nghệ thuật và lịch sử như: Kiệu bát cống 3 cỗ, long đình, đại tự, cuốn thư, tượng
quan văn, quan võ, long ngai, bài vị, bảo kiếm, sắc phong (6 đạo thời Nguyễn).
Hội làng diễn ra từ ngày 9 đến 12/3 Âm lịch hàng năm và coi
đó là ngày sinh của Phùng Lực. Những năm phong đăng hòa cốc, người ta còn tổ chức
vào ngày 10/8 Âm lịch. Ngày 5 tháng Chạp là ngày thánh Phùng Lực hóa, ngày
10/10 giỗ 2 thánh Lý Cương, Lý Bảo, ngày 10/8 ngày sinh của Lý Cương, Lý Bảo.
Miếu Ba Vua là một di tích lịch sử văn hóa, tôn thờ các nhân
vật lịch sử thời Hùng Vương và thời Lý của xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, thành
phố Hải Phòng. Đây cũng là một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ được Nhà nước
xếp hạng năm 1999.