Miếu Bình Đê ở xã Bình Xuyên, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương thờ thành hoàng là tam vị danh tướng anh em ruột Khai Công, Phù Công và Hiển Công, cùng phò giúp vua Lý Nam Đế đánh giặc Lương.
Miếu Bình Đê ngày nay
Miếu Bình Đê tọa lạc trên một khuôn viên thoáng đãng, phía
trước là ao phong thủy rộng tạo phong thủy và cảnh quan cho di tích. Theo quan
niệm dân gian, thế đất xây dựng miếu có dáng rồng nằm hổ phục, hội tụ linh khí
trời đất, kết phúc của làng.
Thần tích về các vị Thành hoàng
Theo các bản thần tích - thần sắc lưu giữ tại Viện Thông tin
khoa học xã hội Hà Nội, thời tiền Lý (thế kỷ VI), có gia đình nhà họ Vũ, tên
húy là Công Bảo, vợ là Trần Thị Hoan, tuổi đã ngoài bốn mươi mà chưa có con nên
rất phiền muộn. Nghe tin chùa Hương Tích linh thiêng bèn tìm đến cầu tự.
Một thời gian sau, bà Trần Thị Hoan có thai. Ngày tròn tháng
đủ, bà sinh được ba người con trai thiên tư sáng lạn, khôi ngô tuấn tú, đặt tên
là Khai Công, Phù Công và Hiển Công. Năm 18 tuổi, ba anh em học đã lớn khôn,
tài cao học rộng, văn võ tinh thông. Lúc này, giặc Lương đem quân xâm lược nước
ta.
Để giữ yên bờ cõi, Lý Bí cùng nhân dân phất cờ khởi nghĩa.
Ba anh em triệu tập nghĩa binh, tìm đến yết kiến. Biết ba anh em là người có
tài, Lý Bí trọng dụng, phong cho Khai Công làm Thái tể đại tướng công; Phù Công
làm Thái bảo đại tướng quân; Hiển Công làm Thái phó đại tướng quân, cùng tiến
công đánh giặc ở Kinh Bắc, sông Bạch Đằng. Tài trí thông minh, chiến đấu dũng cảm,
ba anh em đã giết được tướng giặc, quân Lương thua chạy về nước, thiên hạ thái
bình.
Lý Bí lên ngôi vua, phong thưởng cho các tướng lĩnh, trong
đó Khai Công làm Chưởng ấn nội các, Phù Công làm Đông các, Hiểu Công làm Tham
tán bàn việc quân cơ.
Khi vua Lý mất, ba
anh em về nơi đóng quân cũ là Bình Đê trang, dạy dân làm ruộng, trồng dâu, tự
xưng là ba vị linh thánh đại vương. Do đã từng phò tá vua Lý nên sau khi Triệu
Quang Phục xưng vương, khởi binh chống giặc, ba anh em không thuận theo nghĩa
quân mà tìm đến những nơi có phong cảnh đẹp và sinh sống ở đó. Bấy giờ, dân ấp
Bình Đê cử người đi tìm, mời ba anh em về cung sở, mổ trâu, giết bò làm lễ bái
tạ. Trong yến tiệc, ba anh em có vịnh một bài thơ tứ tuyệt:
Nhất đường tự hội hoán tinh thần
Vạn cổ hương yên tại xã dân
Tùy thị tích trung ngu yến ngữ
Tình lưu Bình địa ức niên xuân
Tạm dịch:
Một nhà có chí khí tinh thần
Muôn thủa khói hương tại xã dân
Nay lại càng hoan ca yến ẩm
Tình sâu để lại đất Bình Đê
Ngâm xong, ba anh em tự nhiên hóa mất (tức ngày 13 tháng 8).
Do có công lao với triều đình và nhân dân, cả ba anh em được
các triều vua ban tổng cộng 12 đạo sắc phong, gia phong mỹ tự vị đệ nhất (Khai
Công) là Thiên Bồng; vị đệ nhị (Phù Công) là Linh Quang, vị đệ tam (Hiển Công)
là Thượng Đạt và được người dân tôn làm thành hoàng thờ tự.
Quan tâm giữ gìn, tôn tạo
Ông Lê Thanh Bẩy, thành viên Ban Quản lý di tích miếu Bình
Đê cho biết, thôn Bình Đê xưa có ba ngôi miếu, đều được xây dựng từ lâu đời,
trong đó miếu Bình Đê gọi là miếu đệ nhất vì thờ người anh cả, miếu đệ nhị (thờ
người anh thứ hai) và miếu đệ tam (thờ người em trai út).
Các ngôi miếu có kết cấu vì kèo bằng chất liệu gỗ tứ thiết,
đến thời Nguyễn được tu bổ, tôn tạo lại. Năm 1949, thực hiện chủ trương tiêu thổ
kháng chiến, miếu đệ nhị bị tháo dỡ. Năm 1960, miếu đệ tam tiếp tục bị tháo dỡ.
Dân làng đã rước linh vị hai vị về thờ tại miếu đệ nhất từ đó đến nay.
Từ năm 2000-2013, miếu bị xuống cấp, mái dột, tường nứt, một
số linh vật đắp nổi trên bờ nóc bong tróc, hoành, rui bị mối mọt. Năm 2014, được
các cấp, ngành cho phép và sự phát tâm công đức của nhân dân, ngôi miếu được tu
sửa. Đến năm 2018, miếu tiếp tục được cải tạo.
Hiện nay, ngôi miếu khá trang trang, gồm 3 gian tiền tế và 2
gian hậu cung, xây tường hồi bít đốc quai chảo. Hai đầu bờ nóc tòa tiền tế có
hai con kìm, đuôi cuộn tròn vắt trên trụ đấu, mái lợp ngói mũi. Phía trước có
đôi cột lồng đèn, đỉnh trụ đắp lân chầu. Kết cấu khung vì kiểu kẻ chuyền, giá
chiêng, chất liệu gỗ tứ thiết với kỹ thuật bào trơn đóng bén. Công trình mang
phong cách kiến trúc thời Nguyễn (đầu thế kỷ XX). Tại tòa hậu cung bài trí ba
pho tượng thờ ba vị thành hoàng.
Theo lệ cổ trước đây, vào ngày 13 tháng giêng hằng năm, dân
làng Bình Đê lại tổ chức lễ hội để dâng hương tưởng nhớ công ơn của ba vị thành
hoàng. Bắt đầu từ sáng ngày 11, dân làng đã tập trung rước sắc và tượng từ miếu
ra đình tế lễ, sau đó tổ chức hoạt động hội với các trò chơi dân gian, đến ngày
17 giã đám rước tượng trở lại miếu, tế an vị.
Với mỗi người dân làng Bình Đê, ngôi miếu là nơi linh
thiêng, là linh hồn của cả làng, mỗi khi đi xa về gần, ai cũng đều có thói quen
ra miếu làm lễ.
Với ý nghĩa lịch sử và những giá trị văn hóa còn lưu giữ,
năm 2006, miếu Bình Đê đã được công nhận là di tích cấp tỉnh.
Hoài Hương
Nguồn: Báo Hải Dương