Miếu Đồng Cổ thờ thần núi Đồng Cổ (Trống Đồng), địa chỉ ở ngõ 136 đường Cầu Diễn, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Truyền thuyết và sử sách cho biết Nguyên Xá là vùng có dân tụ
cư lâu đời. Tại đây vào thập kỷ 1970, các nhà khảo cổ học đã phát hiện và khai
quật di tích Ngoạ Long – một trong số ít những di tích ở khu vực Hà Nội thuộc nền
văn hoá Phùng Nguyên có niên đại cách nay khoảng 4000 năm.
Với vị trí ở cửa ngõ phía tây kinh thành Thăng Long trong thời
phong kiến, Nguyên Xá là nơi diễn ra những sự kiện quan trọng. Thôn cũng từng
được triều đình ban tặng 4 chữ “Thuần phong mỹ tục”, một minh chứng về truyền
thống lịch sử và văn hóa ổn định của cộng đồng…
Vị thần được thờ trong miếu gọi theo sắc phong là “Đương Cảnh
thành hoàng Giám thệ vương Đồng Cổ sơn thần”. Truyền thuyết dân gian cho biết:
vào thời xưa, các tráng sĩ Đan Nê (Yên Định, Thanh Hoá) trên đường ra Hát Môn
(Phúc Thọ, Hà Nội) tụ nghĩa dưới cờ của Hai Bà Trưng đã mang theo bài vị thành
hoàng của địa phương mình tức thần núi Đồng Cổ. Khi qua Nguyên Xá thấy có không
gian uy nghiêm, trang trọng, họ đã lập miếu thờ bái vọng.
Miếu Đồng Cổ được xây ở đầu làng Nguyên Xá trên thế đất quy
xà với gò cao ở giữa, xung quanh có dòng nước uốn lượn. Di tích nay còn lại
mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Tam quan xây kiểu tứ trụ nhìn
ra hướng đông-nam, bên phải là đường quốc lộ QL32 chạy thẳng về trung tâm thủ
đô Hà Nội.
Sau tam quan là tượng đôi voi quỳ chân trước, cùng rập đầu ở
hai bên bức bình phong đắp cuốn thư. Có hai chiếc cầu cong nho nhỏ bắc qua ao
sen, dẫn vào một sân gạch khá rộng. Toà tiền tế gồm 5 gian lớn, thềm đá cao 5 bậc.
Hậu cung kết nối với toà tiền tế thành hình chữ “Đinh”. Nhờ lần trùng tu mới
đây, những công trình đó cùng cả khu vườn và các nhà khác đã làm nên một cụm di
tích khang trang.
Ngày 21-1-1989 miếu Đồng Cổ ở Nguyên Xá được xếp hạng Di
tích lịch sử quốc gia. Hiện còn có hai di tích lớn khác thờ thần Đồng Cổ ở Đan
Nê (Thanh Hóa) và Yên Thái (Bưởi). Linh hồn của mỗi di tích đều là hội thề Đồng
Cổ, từng có thời trở thành một sinh hoạt văn hoá và tín ngưỡng quan trọng của cả
quan lẫn dân.
Về sự tích các miếu thờ thần Đồng Cổ đã có nhiều ghi chép
trong sách “Việt điện u linh” của Lý Tế Xuyên, “Lĩnh nam chích quái” của Trần
Thế Pháp, “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên…
Nguồn: Di tích Lịch sử Văn hóa Hà Nội