Miếu Đồng Nhân (còn gọi là miếu Hai Bà Trưng) có từ thế kỷ XII, ở cạnh sông Hồng. Dù ngôi miếu cổ đã dời đến nơi mới và được xây dựng khang trang nhưng dân bãi Đồng Nhân vẫn nhớ công đức Hai Bà nên vẫn lập miếu thờ. Đó là miếu Hai Bà, nay thuộc phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng.
Theo truyền thuyết, sau khi Nhị vua Hai Bà Trưng gieo mình
xuống dòng Hát Giang, khí anh linh kết
thành tượng đá, theo dòng nước trôi xuôi, mãi đến thời Lý mới tới vùng Thăng
Long. Một đêm đầu tháng hai, pho tượng tỏa sáng trên dòng sông Nhị, trước bãi Đồng
Nhân. Các làng quanh đấy thấy vậy tranh nhau ra khấn để vớt tượng về thờ nhưng
chỉ dân làng Đồng Nhân vớt được.
Biết chuyện, vua Lý
Anh Tông sai dân dựng miếu thờ Hai Bà ở ngay bến sông làng Đồng Nhân, lại phát
đôi ngà trang trí cho hai voi thờ. Dân làng được cấp 36 mẫu tự điền, được miễn
phu phen, tạp dịch để lo việc thờ cúng. Những năm trời đại hạn, các vua Lý đến
miếu Hai Bà để cầu đảo, thường ứng nghiệm.
Đến năm Gia Long thứ XVIII (1819), đất phía Bắc làng Đồng
Nhân bị xói lở, dân làng dời miếu tới làng Hoa Viên, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ
Xương, dựng trên nền tập võ của triều Lê. Khi người Pháp xây dựng Viện Pasteur,
lại một lần nữa miếu di chuyển vào giữa làng và tồn tại đến ngày nay ở phố Đồng
Nhân, quận Hai Bà Trưng.
Tại đây, đền thờ Hai Bà được xây dựng với quy mô khá lớn
theo kiểu “Nội công ngoại quốc”. Tòa tiền tế 7 gian thờ hai voi gỗ sơn
đen; tòa bái đường đặt ngai thờ và một tấm
khảm thể hiện Nhị vua Hai Bà cưỡi voi đánh giặc. Trong hậu cung đặt tượng Hai
Bà cùng 6 tượng nữ tướng hai bên...
Dù ngôi miếu cổ đã dời đến nơi mới và được xây dựng khang
trang nhưng dân bãi Đồng Nhân vẫn nhớ công đức Hai Bà nên vẫn lập miếu thờ. Đó
là miếu Hai Bà, nay thuộc phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng.
Đôi câu đối cổ Miếu Nhị vua Hai Bà Trưng
Câu đối cổ từng được nhắc tới với cụm từ nổi tiếng: Bắc Cố Mục
Trung Vô Hán Quốc..
同仁廟尊像肅清髙浩氣如生北固目中無漢國
暍水门怒濤時振蕩英風不死南音使上有伯王
Đồng Nhân miếu tôn tượng túc thanh cao, hạo khí như sinh, Bắc
cố mục trung vô Hán quốc
Hát thủy môn nộ đào thời chấn đãng, anh phong bất tử, Nam âm
sử thượng hữu bá vương.
Dịch:
Miếu Đồng Nhân tượng quý kính cao nghiêm, khí lớn như sinh,
ngoảnh Bắc mắt trong không nước Hán
Cửa sông Hát sóng giận khi quét sạch, gió lành sống mãi, tiếng
Nam truyền vọng có bá vương.
Miếu nằm sát ven đường Bạch Đằng, quay mặt ra sông Hồng trên
khu đất rộng 400m2. Miếu gồm tiền tế và hậu cung. Tiền tế 3 gian, hậu cung 1
gian được xây kiểu tường hồi bít đốc. Cổng xây gạch, ở giữa là hai trụ biểu, mỗi
trụ kích thước 50 x 50 cm, trên đầu là 4 con phượng, các đuôi phượng chụm vào
nhau vươn lên thành hình quả dành, đầu phượng hướng ra bốn phía. Giữa hai trụ
biểu xây mái kiểu chồng diêm, các góc mái uốn cong, phần chữ nhật ở giữa 2 mái
đắp nổi 4 chữ Hán “Hùng liệt tinh anh” (hồn thiêng anh hùng lẫm liệt).
Trong đền còn giữ được một số đồ tế khí, hương án, kiệu long
đình, long ngai chạm nổi hình rồng; một đạo sắc phong năm Chính Hòa thứ nhất
(1680) với các dòng chữ “Lĩnh Nam liệt khái, thạch hóa chân dung”. ở gian chính
của miếu treo bức hoành “Tử vân đài” (đài mây tía) và một số câu đối ca ngợi
công đức Hai Bà:
Thế thượng anh
linh kham viết mẫu
Nhân gian cảm ứng
thị như sinh
(Anh linh trên đời
đáng gọi bằng mẹ
Linh ứng trong
dân mãi vẫn còn)
Trải qua thời gian và lụt lội, miếu Hai Bà bên sông Hồng rơi
vào tình trạng đổ nát. Nhằm giữ dấu tích một địa danh lịch sử, năm 1994 miếu đã
được Bộ VH-TT xếp hạng; năm 2000 thành phố chi tiền tôn tạo lại tiền tế và hậu
cung toàn bằng gỗ tốt. Kiến trúc mới xinh xắn và giữ nguyên dáng vẻ cũ, hòa nhập
với cảnh quan.
Cổng miếu mang đậm dấu ấn nghệ thuật cuối thế kỷ XIX vẫn được
giữ nguyên. Trong ngày khánh thành, các bà ở các đoàn lễ đã cúng vào miếu tượng
Hai Bà hoành phi, câu đối, án thờ...
Di tích miếu Hai Bà đã được hồi sinh. Tại đây cứ 5 năm một lần,
vào sáng ngày mồng 5 tháng 2 âm lịch, đoàn rước gồm hai voi thờ, kiệu nước từ đền
Hai Bà Trưng (phường Đồng Nhân), trước khi xuống sông lấy nước rước về bao sái
tượng, lại vào làm lễ bái yết ở miếu Hai Bà làm cho không khí ngày hội trên
sông càng thêm nhộn nhịp.