Miếu Đông Viên thuộc cụm di tích Đông Viên bao gồm đình, miếu Đông Viên, chùa Phúc Lâm, nằm về phía tây, cách trung tâm thủ đô Hà Nội gần 50km. Miếu thờ phụng Sơn Thánh Tản Viên.
Miếu Đông Viên nằm trên địa vực đất Phong Châu, nơi các vua
Hùng định quốc đô nước Văn Lang. Theo các nguồn tư liệu thành văn như thần phả,
sắc phong, câu đối và hồi ức của nhân dân địa phương, thì miếu Đông Viên thờ thần
Tản Viên, là một trong bốn vị thần bất tử biểu tượng cho sức mạnh và truyền thống
đấu tranh anh dũng bền bỉ trong quá trình chinh phục tự nhiên và bảo vệ chủ quyền
của dân tộc ta.
Thần Tản Viên có tên là Nguyễn Tuấn con của ông Nguyễn Công
Hành và bà Đinh Thị Lĩnh, quê ở động Lăng Xương, huyện Thanh Nguyên, phủ Gia
Hưng, đạo Hưng Hoá, Sơn Tây. Khi mới ra đời, Nguyễn Tuấn đã có vóc dáng cao lớn,
vẻ mặt khôi ngô, tuấn tú khác thường. Năm Nguyễn Tuấn lên 6 tuổi thì cha mất,
năm sau hai mẹ con lên núi Tản cư ngụ và kết bạn với Thần nữ Ma Thị Cao Sơn.
Hai năm sau, nhớ phần mộ của chồng, hai mẹ con lại quay về động
Lãng Xương và đổi tên cho con thành Nguyễn Tùng. Năm 12 tuổi Nguyễn Tùng theo học
Lý Đường tiên sinh. Mấy năm sau, chàng làm con nuôi thần nữ Ma La rồi đưa mẹ
cùng về núi Tản, ở Tản Viên được một năm thì bà mẹ mất.
Nguyễn Tùng ở lại núi Tản với mẹ nuôi ngày đêm chăm lo luyện
tập võ công cứu giúp dân lành. Cảm kích trước tấm lòng của Nguyễn Tùng, Thái Bạch
Thần Tinh Tử Vi Thiên tướng đã trao cho Linh trượng, thần chú để tiếp tục cứu
giúp sinh linh, diệt trừ tai ương, địch hoạ. Thời gian ở Lăng Xương thần được
nhân dân kính phục suy tôn là “Thần sử”.
Thời bấy giờ, vua Hùng thứ 16 là Hùng Duệ Vương đang muốn chọn
người tài, kén làm phò mã cho con gái xinh đẹp Mỵ Nương. Sơn Tinh Nguyễn Tùng
đã cùng với Thuỷ Tinh ở hồ Động Đĩnh thi tài bất phân thắng bại, sau lại thi
đem các đồ sính lễ. Do đến sớm nên Nguyễn Tùng được chọn làm phò mã và đưa công
chúa về núi Tản Viên.
Tức giận vì đến chậm nên Thuỷ Tinh đã dâng lũ lụt và cùng
các loài thuỷ tộc vây đánh Sơn Tinh trên núi Tản Viên. Cuộc chiến đấu diễn ra
vô cùng dữ dội, được sự ủng hộ của nhân dân, Tản Viên Sơn Thánh đã đẩy lùi được
nước lũ, tai ương do thuỷ thần gây ra.
Cuối triều Hùng, giặc phương Bắc đem quân xâm lược nước ta,
Tản Viên Sơn Thánh đã chỉ huy quân dân cả nước đánh tan quân xâm lược. Thắng trận
trở về, Hùng Duệ Vương muốn nhường ngôi cho Tản Viên nhưng Tản Viên đã từ chối.
Sau đó Thánh Tản đã cùng Duệ Vương bay về trời.
Giống như đình Đông Viên và chùa Phúc Lâm, miếu Đông Viên được
xây dựng sớm trên khu đất cao, rộng rãi giữa làng, nhìn về phía tây. Niên đại
khởi dựng của di tích không còn lưu lại nhưng qua những viên gạch trang trí
hình rồng, hoa, lá và các mảng chạm khắc trên kiến trúc có thể khẳng định thời
gian ra đời của di tích là thế kỷ XVII.
Miếu Đông Viên ngày nay có quy mô kiến trúc nhỏ gồm một nhà
xây gạch, bốn mái lợp ngói ta. Nhà mở cửa bức bàn ở phía tường hồi, gian ngoài
dùng để đựng đèn nhang và tế lễ.
Gian trong có hệ thống sàn gỗ cao 1m20 làm cung cấm. Trong
cung bày long ngai, bài vị và một số đồ tế khí như bát hương, hòm sắt. Đối diện
với miếu về phía bên trái đình là một kiến trúc gạch nhỏ lộ thiên của tầng lớp
nho sinh trong làng (khu vực này được các cụ già gọi là “văn chỉ”) và hệ thống
tường bao, giữa xây một ban thờ cao 1m20, phía sau có bức bình phong trang trí
hai con rồng lớn đang chầu mặt trời lửa, sát với văn chỉ là chùa Phúc Lâm.
Miếu Đông Viên là kiến trúc đặc trưng của hình thái tôn giáo
tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng của người Việt. Cùng với đình Đông Viên và chùa
Phúc Lâm, miếu Đông Viên là trung tâm sinh hoạt văn hoá, tỉnh thần của một làng
quê truyền thống. Miếu Đông Viên đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là di
tích lịch sử - văn hoá năm 1991./.
Theo Hà Nội Danh thắng
và Di tích tập 01
Nguồn: Người Hà Nội