Miếu Giáo Hạ, thuộc thôn Giáo Hạ, xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng 40km về phía tây. Vị thần được thờ tại miếu là Ả Lã Nàng Đê - nữ tướng có công phò giúp Nhị vua Hai Bà Trưng đánh giặc Tô Định cứu nước vào những năm 40 đầu Công nguyên.
Di tích Miếu Giao Hạ là tòa nhà xây chữ “đinh” gồm: Tiền tế
và Hậu cung. Tòa Tiền tế gồm 5 gian hẹp, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Mặt
trước của hai bức tường hồi xây vượt ra khỏi hiện. Đầu bức tường xây một cột trụ
biểu, mặt cắt ngang hình vuông.
Trên thân cột có ghi
những đôi câu đối bằng chữ Hán, trên đỉnh đắp nổi nghê chầu vào trong. Bộ khung
nhà Tiền tế được làm theo kiểu giá chiêng trụ trốn, hạ kẻ và bẩy hiện với những
hàng cột cao to, dưới kê tảng đá được gọt đẽo hình đôn (cổ bồng), thân cột có
ghi tên các giáp trong làng tham gia xây dựng miếu.
Sát bên phải nhà Tiền tế có một kiến trúc nhỏ gọi là Ngọc điện
lâu, được làm vào thời Nguyễn. Đây là ngôi nhà dọc hai gian được xây bằng gạch.
Gian trong dùng làm cung cấm, phần ngoài làm nơi tế lễ. Nhà có kết cấu đơn giản
kèo cầu ván mê, trên ván gỗ được chạm hình rồng, lá, hổ phù.
Hậu cung là ngôi nhà dọc 3 gian, mái lợp ngói mũi hài mỏng.
Kết cấu kiến trúc theo hình thức chồng diêm cổ ngỗng 2 tầng 8 mái. Những lá mái
đao cong đắp hình rồng bay lên. Gian chính giữa trong Hậu cung có ban thờ, ngai
thờ và bài vị thờ thần.
Miếu Giáo Hạ hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý giá, có niên
đại tạo tác của thời Nguyễn như: hai khối tượng voi và sấu bằng đá xám đen; 2
long ngai có bài vị, đầu ngai tạo dáng đầu rồng; 1 bức hoành phi và đôi câu đối
bằng gỗ tốt, sơn son thếp vàng.
Miếu Giáo Hạ được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích
kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01
Nguồn: Người Hà Nội