Miếu Hạ Lũng thuộc phường Đằng Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng là môt trong nhiều di tích nằm ở hạ lưu song Bạch Đằng và nằm trong hệ thống các di tích xưa, do nhân dân các làng xã cổ Hải Phòng xây dựng nên để ghi nhớ chiến công đánh giặc của đức vương Ngô Quyền trong chiến thắng Bạch Đằng năm 938.
Miếu Hạ Lũng có tên chữ là Thanh Miếu, toạ lạc trên khu đất
cao, thoáng rộng, nằm ngay trên tuyến đường lớn Lê Hồng Phong nối liền sân bay
Cát Bi với trung tâm thành phố, thuận tiện cho việc hành hương, tham quan di
tích và thưởng thức lễ hội. Miếu quay về hướng chính tây với ý niệm “Loa Thành
tây vọng” hàm ý đời đời hướng về Cổ Loa (kinh đô nước ta đời Ngô) ghi nhớ chiến
công của Ngô Vương Quyền.
Miếu có quy mô kiến trúc khá đồ sộ, bề thế. Qua một vài mảng
chạm khắc của toà cổ miếu còn lưu lại cho biết niên đại xây dựng thời Hậu Lê
(thế kỷ 17). Kiến trúc của ngôi miếu được bố cục kiểu “tiền quốc – hậu đinh”
hai toà kiến trúc gỗ cách nhau một khoảng sân rộng, tạo sự thông thoáng cho nội
thất di tích, tạo thành nhiều lớp hàng, sân, nhà, đang đối nhau qua trục “thần
đạo”, trông tựa một cung đình thu nhỏ: qua cổng tam quan là một sân gạch vuông
vức nối với toà bái đường 5 gian và 2 Nhà giải vũ song song, nối liền khoảng
sân tế lát gạch cổ, tiếp đến là toà hậu cung 3 gian.
Toàn cảnh trang trí ngôi miếu từ đầu đao, bờ nóc tới các toà
kiến trúc đều được bố cục mạch lạc, đăng đối qua nhiều biểu tượng quen thuộc gần
gũi với đời sống cư dân nông nghiệp. Bộ mái kiến trúc của ngôi miếu đắp nổi
trang trí công phu với nhiều đề tài cổ điển như: đôi phượng chầu mặt trời, hồi
long, đao cong tạc rồng chầu, phượng mớm, kỳ lân túc trực bờ dải.
Phong cách trang trí này là sự kết hợp tinh tế, hài hoà giữa
hội hoạ và nghệ thuật điêu khắc mang tính ước lệ, tượng trưng cao, ẩn chứa quan
hệ về nhân sinh quan vũ trụ quan của người xưa; nó thể hiện sự phát triển bền vững,
hài hoà âm dương. Khung chịu lực chính của toàn bộ kiến trúc miếu được làm bằng
gỗ lim nguyên cây. Kết cấu bộ vì theo kiểu giá chiêng chồng rường đấu sen quen
thuộc nâng bổng mái ngói vẩy rồng, vốn nặng nề trở nên thanh thoát, nhẹ nhàng.
Trong hàng chục đồ thờ, đồ tế khí, nghi trượng được bảo lưu
tại di tích đang chú ý nhất là chiếc hương án cổ bằng gỗ có niên đại thế kỷ 18.
Thân hương án được chia làm nhiều ô vuông, chữ nhật, ngũ giác tạo lớp nông sâu
là nơi trang trí các đề tài đan xen đang đối như long vân, vân tản, các đao lửa
quần long chầu nguyệt, long phượng… Bên cạnh đó miếu Hạ Lũng hiện bảo lưu được
một số cổ vật khác có giá trị như kiệu bát cống, sập thờ, bia đá và 3 bản sắc
phong có niên đại 1889 đời Thành Thái, 1090 đời Duy Tân ban cho xã Hạ Lũng thờ
Ngô vương.
Tại nơi trang trọng của hậu cung đặt tượng thờ đức vương Ngô
Quyền trong tư thế thiết triều. Tượng thể hiện một gương mặt uy phong, lẫm liệt,
thần thái toát lên vẻ cương nghị và nhân hậu của bậc đế vương.
Với những nét giá trị nổi bật về lịch sử và kiến trúc nghệ
thuật của ngôi cổ miếu, ngày 21/1/1992 di tích miếu Hạ Lũng được Bộ Văn hoá
Thông tin xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo
Quyết định số 97/QĐ.
Nguồn: Thành đoàn Hải Phòng