Miếu Lãi Lèn thờ Tam vị thánh vương Viễn Sơn đại vương, Ất Sơn đại vương và Áp Đạo quan đại vương, gắn liền với “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”.
Ngày 24/11/2011, “Hát Xoan Phú Thọ - Việt Nam” đã được Ủy
ban Liên Chính phủ công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể
ghi danh Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Sáu năm sau, ngày 8/12/2017, “Hát Xoan Phú Thọ - Việt Nam”
tiếp tục được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ
khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân
loại.
Chủ thể nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan là 4 phường
Xoan ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, gồm: Phường An Thái, xã Phượng Lâu;
phường Phù Đức, phường Kim Đái (hay Kim Đới) và phường Thét - xã Kim Đức. Có 4
đình, miếu thuộc 4 phường Xoan, trong đó miếu Lãi Lèn là nơi phát tích của Hát
Xoan Phú Thọ.
Miếu Lãi Lèn được các bậc tiền nhân tạo dựng tại làng Phù Đức,
trên mảnh đất tương truyền là nơi xưa kia vua Hùng dạy cho cư dân Việt cổ nghệ
thuật hát múa. Tìm về miếu Lãi Lèn trên vùng đất kinh đô Văn Lang xưa để được đắm
mình trong huyền thoại về vua Hùng đi tìm đất xây thành, về nguồn gốc Hát Xoan.
Chuyện kể rằng: “Một lần vào mùa xuân, ba anh em vua Hùng đi
tìm đất dựng thành, nhân lúc nghỉ chân ven cánh rừng (rừng ấy ngày nay là đất
thôn Phù Đức, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì).
Từ trong rừng, các vị nhìn ra bãi cỏ trước mặt, thấy lũ trẻ
chăn trâu đùa nghịch, hát đồng dao và chơi trò chơi. Đức Thánh Cả cho gọi chúng
đến trò chuyện và bảo chúng ca hát cho ông nghe. Nghe rồi, ông truyền dạy cho
chúng những điệu hát múa của người Lạc Việt trên đất Văn Lang.
Để tưởng nhớ công ơn đức vua, nhân dân quanh vùng đã dựng
ngôi miếu trên đất khi vua nghỉ chân để thờ vua, gọi là miếu Lãi Lèn. Miếu ấy
nay ở thôn Phù Đức, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ”.
Toàn cảnh khuôn viên miếu Lãi Lèn
Miếu Lãi Lèn thờ Tam vị thánh vương, đó là Viễn Sơn đại
vương, Ất Sơn đại vương và Áp Đạo quan đại vương, gắn liền với “Tín ngưỡng thờ
cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”.
Trong sự thăng tiến phẩm trật của thần linh, Vua Hùng từ
quan niệm ban đầu là thần núi với các mĩ tự: “Đột Ngột Cao Sơn, Viễn Sơn, Ất
Sơn” dần trở thành tín niệm trong tâm thức dân gian.
Tín niệm ấy được lan tỏa rộng ra và trở thành niềm tin
thiêng liêng của mỗi người dân đất Việt - niềm tin vào Tổ tiên và sức mạnh
thiêng liêng tiềm ẩn của các thế lực siêu nhiên tuy không cùng sống, cùng sinh
hoạt song đang đồng hành trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng.
Tương truyền miếu này rất linh thiêng, quy mô và tĩnh mịch.
Thờ Tam vị thánh vương nên dân nơi đây rất kiêng từ “sơn”, “áp”, “viễn”. Khi phải
dùng đến những từ này, họ thường đọc chệch đi, như sơn đọc là san.
Từ khi có miếu Lãi Lèn, cứ ngày 30 tháng Chạp hàng năm, dân
các làng lại làm cỗ cúng vua. Cỗ cúng không thể thiếu bánh nẳng vào buổi trưa
và thịt bò vào buổi chiều.
Tương truyền, đây là hai món ăn mà dân làng đã dâng vua ngày
ấy. Rồi từ sáng mùng 1 đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng, dân làng lại tiếp tục tổ
chức những canh hát nghi lễ để thờ vua, để trình diễn lại những điệu hát múa được
vua trao truyền thủa nào, với mục đích cầu mong vua giáng phúc cho dân làng một
năm an hòa.
Nghệ thuật hát múa ấy nay gọi là Hát Xoan. Nguồn gốc về Hát
Xoan được sinh ra từ đó, các họ Xoan đều coi ngôi miếu Lãi Lèn là nơi phát tích
của Hát Xoan. Nơi mà các vua Hùng đã từng truyền dạy điệu hát Xoan cho thôn dân
và trong dân gian còn gọi lối hát này là hát Lãi Lèn… phải chăng hát tại miếu
Lãi Lèn thì gọi là hát Lãi Lèn, và vì sao lại xuất hiện từ thuần Việt, hay nói
đúng hơn là từ Việt Cổ “Lãi Lèn”, có lẽ là vì xuất phát từ từ khóa “Lễ Lên”
trong cách diễn xướng của Xoan cổ (xuất hiện trong 14 quả cách tại bản Xoan gốc
chữ Nôm có niên đại năm 1840), sau này biến âm đi hát thành “Len là len ... hỡi
là len”.
Rất nhiều các học giả, các chuyên gia đã bàn về từ Lãi Lèn
và có trích dẫn cả từ Đại Việt sử ký toàn thư, thượng điện xướng ca… Miếu cổ
không còn, trải qua sự thăng trầm của lịch sử, miếu Lãi Lèn chỉ còn lại những vết
tích, dấu tích với thời gian.
Phục hồi di tích miếu Lãi Lèn nhằm phục hồi và tái tạo không
gian văn hoá thực hành Hát Xoan Phú Thọ đảm bảo sự phát triển bền vững của di sản
Hát Xoan, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tỉnh Phú Thọ đã tập trung triển
khai thực hiện, đặc biệt kể từ khi “Hát Xoan Phú Thọ” được UNESCO ghi danh đến nay.
Từ những năm 2011, miếu Lãi Lèn đã được tỉnh Phú Thọ quan
tâm, ưu tiên đầu tư kinh phí bảo quản, tu bổ, cùng với sự tham gia đóng góp của
cộng đồng nhằm nỗ lực bảo tồn không gian hát Xoan thuần chất nhất. Miếu Lãi Lèn
được phục hồi trên vị trí cũ ở bãi Tự Nhiên (tục truyền là nơi vua Hùng dạy dân
ca Hát), thuộc thôn Phù Đức, xã Kim Đức.
Năm 2014, miếu Lãi Lèn là nơi thực hành Hát Xoan xưa nhất, bị
phá hủy trong chiến tranh đã được Nhà nước đầu tư phục dựng và trao cho cộng đồng
quản lý, sử dụng để thực hành Hát Xoan.
Đến nay, được sự quan tâm của chính phủ, của tỉnh, của các cấp,
các ngành và ủng hộ tích cực của người dân, miếu Lãi Lèn đã được đầu tư quy hoạch,
phục hồi, xây dựng đầy đủ các công trình kiến trúc (miếu Lãi Lèn, Tả vu, Hữu
vu, Bình phong, Nghi môn, Nhà trưng bày nghệ thuật Hát Xoan...) mang đậm nét kiến
trúc truyền thống và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ đáp ứng đầy đủ hoạt động
thực hành, truyền dạy, trình diễn giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa Hát Xoan
gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (như một bảo tàng sống về di sản); việc
tổ chức lễ hội hàng năm cũng như các hoạt động văn hóa dân gian thường xuyên,
trở thành điểm đến hấp dẫn, linh thiêng đối với du khách và là một điểm nhấn về
văn hoá cội nguồn của tỉnh Phú Thọ.
Miếu Lãi Lèn, công
trình kiến trúc chính bố cục mặt bằng kiến trúc truyền thống theo lối chữ Đinh
với bộ khung vì và các cấu kiện gỗ bằng gỗ lim, táu mật, mái lợp ngói mũi truyền
thống, nội thất đồ thờ bao gồm long ngai, hoành phi, câu đối, diềm cửa võng...
được đục chạm, trang trí phủ hoàng kim cầu kỳ, tinh xảo và được treo trên hoặc
dưới các câu đầu theo trục thần đạo.
Tất cả sự hiện hữu của các công trình kiến trúc, hệ thống hiện
vật cũng như nội dung ngữ nghĩa bài vị, hoành phi, câu đối mang ý nghĩa tâm
linh sâu sắc như một thông điệp truyền lại hậu thế rằng nơi đây là nơi thần
giáng, nơi đất thiêng và nơi phát tích Hát Xoan Phú Thọ.
Cùng với công trình văn hóa tâm linh miếu Lãi Lẽn, trong
khuôn viên khang trang của di tích có sự hiện diện Nhà trưng bày nghệ thuật Hát
Xoan khá hiện đại, với đầy đủ tiện nghi và trưng bày khoa học, được coi là một
bảo tàng duy nhất về Hát Xoan Phú Thọ, là nơi vừa giới thiệu, vừa có thể trình
diễn về Hát Xoan phục vụ du khách.
Miếu Lãi Lèn cùng với đình An Thái, đình Thét, đình Kim Đái
là những không gian thiêng mang ý nghĩa tâm linh, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng,
hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân; là những công trình văn hóa, không
gian văn hóa đẹp, khang trang, khẳng định những nỗ lực, cố gắng của đảng bộ,
chính quyền và cộng đồng người dân tỉnh Phú Thọ trong bảo tồn và phát huy giá
trị di sản Hát Xoan góp phần bảo vệ các giá trị cốt lõi và duy trì sức sống mạnh
mẽ, bền vững của di sản hát Xoan trong đời sống cộng đồng ngay trên chính vùng
đất đã sản sinh ra di sản.
Miếu Lãi Lèn cũng là
nơi thu hút khách du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu
và tìm hiểu về lịch sử hình thành, tồn tại và sức sống của Hát Xoan cũng như
thưởng thức nghệ thuật trình diễn Hát Xoan Phú Thọ trên vùng đất Tổ Phú Thọ; một
điểm tham quan du lịch của thành phố Việt Trì trong việc xây dựng Thành phố lễ
hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam./.
Lê Thoa- TP.QL Di sản văn hóa