Miếu Mậu Lương – ngôi cổ miếu, thờ phụng ba vị thành hoàng là Chàng Vàng đại vương tức Hoàng công, Đô Hồ đại vương tức Hồ công và Lê triều Linh hiển hoàng hậu.
Miếu Mậu Lương có từ thời Lê, đây là nơi thờ phụng Chàng
Vàng đại vương, Đô Hồ đại vương, Lê triều Linh hiển hoàng hậu. Miếu được xếp hạng
di tích quốc gia năm 1988. Địa chỉ tại số 1 phố Mậu Lương, Kiến Hưng, Hà
Đông, Hà Nội.
Lược sử
Xã Kiến Hưng xưa thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, gồm
2 làng cổ nằm ven dòng sông Nhuệ là Mậu Lương và Đa Sĩ. Từ ngày 8.5.2009
xã Kiến Hưng trở thành phường Kiến Hưng, thuộc quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Phường có diện tích 4,24 km², dân số năm 2009 là 11.390 người, mật độ dân số đạt
2.685 người/km².
Đầu làng Mậu Lương có một ngôi miếu cổ, thờ ba vị thành
hoàng: Chàng Vàng đại vương tức Hoàng công, Đô Hồ đại vương tức Hồ công, Lê
triều Linh hiển hoàng hậu.
Theo truyền thuyết, Hoàng công và Hồ công vốn là hai vị
tiên đồng đầu thai xuống trần gian làm con một gia đình ở đất Hoan Châu (xứ
Nghệ). Cha mẹ mất sớm, hai anh em đi kiếm sống, dọc đường dừng chân ở Mậu
Lương.
Rồi hai anh em đến núi Ba Vì gặp Tản Viên Sơn Thánh và được
Ngài trọng dụng. Bấy giờ, đất nước thái bình đã lâu, Sơn Thánh cùng hai anh em
tiếp tục chu du khắp nơi. Khi trở về Mậu Lương, hai ông ở lại để dạy dân cấy
lúa, nuôi tằm.
Khi quân Thục xâm chiếm đất nước, hai ông cùng đầu ra trận
giúp vua Hùng đánh giặc. Thắng trận, hai ông lại xin về làng cũ, sau này cùng
hóa với Sơn Thánh. Vua cho sứ giả về cử hành tế lễ và sắc phong làm “Thượng
đẳng phúc thần”, lại ban tặng thần hiệu, chuẩn cho dân Mậu Lương lập miếu thờ
phụng, hương hỏa muôn đời. Về sau các triều đại đều tiếp tục cấp sắc phong thần.
Chính điện Miếu Mậu Lương
Kiến trúc
Miếu Mậu Lương toạ lạc ở thế đất đẹp ven hồ nước hình
chữ nhật và mới đây được trùng tu vào năm 2015. Từ ngoài đi vào ta
thấy: cổng nghi môn, tả hữu mạc, đại bái và hậu cung.
Cổng có 2 cột trụ cao hơn 8m. Đại bái 3 gian, mái lợp ngói
mũi hài, tường hồi xây bít đốc tay ngai. Các vì nóc ở đại bái và hậu cung đều
làm theo kiểu tiền kẻ, hậu bẩy, kết hợp giá chiêng con nhị, bào trơn đóng bén,
chỉ trang trí một số hoa văn đơn giản như chữ triện, gờ chỉ nổi…
Di sản
Miếu làng Mậu Lương là một di tích lịch sử văn hoá cấp quốc
gia, đã được Bộ Văn hóa xếp hạng năm 1988. Nhân dịp sinh nhật hai vị thành
hoàng vào ngày 25 tháng 2 âm lịch hàng năm, dân làng tổ chức Lễ thánh hồi
cung từ đình Mậu Lương về miếu.
Trong miếu vẫn còn lưu giữ được khá nhiều cổ vật quý như:
kiệu bát cống, án thư, án gian chữ nhật, long ngai bài vị, hoành phi, câu đối…
Đặc biệt có một án gian chữ nhật trang trí hổ phù, lưỡng long chầu nguyệt
và chữ Thọ… mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê.
Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về nhân dân Mậu Lương lại tưng bừng mở hội nhằm
đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân; tưởng nhớ,
tôn vinh công đức của các Anh hùng dân tộc, các bậc tiền bối, danh
nhân văn hóa đã có công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương,
đất nước.