Miếu Phương Lưu thuộc thôn Phương Lưu, phường Đông Hải, quận Hải An, Thành phố Hải Phòng, thờ phụng vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền đã đánh tan quân Nam Hán, trên sông Bạch Đằng năm 938. Đây là chiến thắng vĩ đại, chấm dứt vĩnh viễn nền thống trị hơn một nghìn năm của phong kiến phương Bắc, mở ra thời kỳ độc lập lâu dài của dân tộc ta.
Theo nội dung bản sắc phong của vua Tự Đức năm 1880, thôn
Phương Lưu là một trong số 17 thôn xã ở vùng An Dương được phép dựng miếu thờ
Ngô Quyền. Toa lạc trong một khuôn viên đất đai không rộng, nằm sát trục đường
giao thông, miếu Phương Lưu từ bao đời đã tồn tại như một chốn tôn nghiêm dành
cho người anh hùng dân tộc được suy tôn là vị phúc thần của làng.
Dưới mái đao cong cổ kính rêu phong, ngôi miếu hàm chứa nhiều
giá trị vật chất cũng như tinh thần vơi tư cách là một di sản văn hóa trên vùng
đất và người năm xưa đã cùng Ngô Vương đánh giặc, khôi phục lại giang sơn.
Miếu có bố cục kiểu chữ đinh, với 3 gian tiền đường, 2 gian
hậu cung, mái lợp ngói mũi hài quay theo hướng Nam, hướng được coi là nơi yên vị
của các bật thánh nhân. Mặc dù đã được trùng tu, sửa chữa vào thời Nguyễn đầu
thế kỷ 20, song dấu tích từ ngày khởi dựng miếu, vẫn còn khá rõ nét.
Trên các thanh chồng rường, vì nách, cốn, bảy hiên, kẻ góc
các mô típ nghệ thuật thời Hậu Lê như các hình đao, mác, rồng cách điệu, các đề
tài truyền thống tượng trưng cho quyền lực của vị thần được thờ, cũng như ước
nguyện của người dân trước ngưỡng cửa của vị tôn thần, được thể hiện trong một
không gian kiến trúc kín đáo, thâm nghiêm của tòa miếu.
Bên cạnh các đồ thờ tự quý sơn son thếp vàng rực rỡ được làm
từ các thế kỷ 18, 19, 20, miếu Phương Lưu còn được lưu giữ 16 bản sắc phong của
các triều vua: Lê Vĩnh Khánh (1729-1732); vua Quang Trung (1788-1792); Cảnh Thịnh
(1793-1802); Gia Long (1802-1820); Tự Đức, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định. Nội
dung các sắc phong ca ngợi công đức của Ngô Quyền với đất nước và nguyện sẽ
ngàn năm hương khói phụng thờ.
Trải qua thời gian, miếu Phương Lưu vẫn luôn tồn tại trong sự
gìn giữ chu đáo của người dân địa phương. Bởi đó chính là hiện thân của uống nước
nhớ nguồn, nhưng tình cảm trong sáng thiết tha của các thế hệ hôm nay đối với
các bậc tiền nhân anh hùng thủa trước. Miếu được xếp hạng di tích lịch sử văn
hóa quốc gia năm 2001.
Nguồn: HaiphongInfo