Trên địa bàn xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội, đức thánh Cao Sơn đại vương triều đại Hùng Vương thứ 18 có ngôi miếu riêng thờ phung bên cạnh chùa Miêng Hạ - Đại Từ tự, tục gọi là miếu Thạch, theo tên hàng giáp chịu trách nhiệm hương đăng.
Theo tấm bia dựng năm Cảnh Hưng thứ 12 (1751), dưới gác
chuông chùa làng Miêng Hạ, thì làng này vốn tên Nghiêm Xá, trang Sơn Minh,
thuộc huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam. Sau này vì kỵ húy mà đổi
thành Sơn Miêng, huyện đổi Sơn Lãng, bây giờ là Ứng Hoà, Hà Nội.
Miêng Hạ còn lưu giữ được cuốn thần phả có niên đại Vĩnh Hựu
thứ 5 (1739), viết về sự tích của thành hoàng Cao Sơn và Quý Minh. Theo đó,
hai ngài là tướng tài của vua Hùng Vương thứ 18 đã có công đánh giặc giữ
nước và sau khi mất đi đều được tôn làm phúc thần cùng với tể tướng Tản
Viên, bộ ba này nhân dân thường gọi là “Tản Viên tam thánh”.
Thần phả ghi: Bấy
giờ nước Văn Lang bị quân Thục sang quấy rối. Vua Hùng Duệ Vương ra chiếu
truyền khắp thiên hạ chọn người tài đức để dẹp giặc. Hai anh em cùng Tản Viên
được vua giao cho chỉ huy các cánh quân. Vua Hùng phong Tản Viên làm Thống
lĩnh trung quân. Tản Viên lệnh cho Cao Sơn phòng ngự phía nam, Quý Minh ngăn giặc
phía tây. Cao Sơn dẫn quân về phía nam thấy địa thế trang Sơn Miêng thuận lợi
việc bố phòng, liền truyền quân dừng lại lập đồn trại.
Từ khi có đồn trại, giặc khiếp sợ không dám quấy nhiễu
tiếp, nhờ vậy dân chúng an cư lập nghiệp, Cao Sơn đại vương tuyển chọn trai
tráng của làng vào đội gia binh giữ Sơn Miêng. Từ trại này, Cao Sơn đại vương
tiến quân lên vùng Sóc Sơn, cùng Tản Viên đánh tan quân Thục. Thắng lợi, Hùng
Duệ Vương mở tiệc khao thưởng, phong cho Cao Sơn được về Ứng Thiên hưởng thực ấp,
Quý Minh về hưởng thực ấp ở Phụng Thiên.
Cao Sơn đại vương có ngôi miếu riêng bên cạnh chùa Miêng Hạ
- Đại Từ tự, tục gọi là miếu Thạch, theo tên hàng giáp chịu trách nhiệm hương
đăng. Kiến trúc của miếu rất đẹp, tuy nhỏ nhắn mà tinh xảo, điêu khắc mềm mại,
kết cấu khác lạ. Đại bái là một toà lầu ba tầng mái, nhưng để khuyết phần mái
giữa của tầng 1.
Đi qua một giếng trời lớn, hai bên có giải vũ sẽ đến trung
cung, rồi lại đến một giếng trời nhỏ để đến thượng cung. Trùng trùng điệp điệp
các lớp nhà, thâm cung mà không tối tăm; nghiêm trang mà lại gần gũi. Kết cấu
thật vô cùng tinh tế, một số mảng chạm được tô màu rực rỡ.
Trên câu đầu của toà tiền đường có khắc thời gian xây dựng đền
vào năm Cảnh Thịnh thứ 4 (1796).
Đây là một công trình kiến trúc hiếm hoi còn gần
như nguyên vẹn được dựng thời Tây Sơn . Hiện nay, miếu đang bị xuống cấp nghiêm
trọng, các hoạ tiết hoa văn đã bị hư hỏng nặng. Kết cấu gỗ mối mọt, ngói vỡ, tường
lở, ban quản lý di tích đã phải dựng mái tôn để bảo quản tạm thời, chờ ngày tu
bổ.