Miếu Thủy Tú cùng các di tích khác của Thủy Đường như: đình Thượng, đình Hạ, đền Lương Đường, đình Chiếm Phương ( xã Hòa Bình) hợp thành một cụm di tích lịch sử ghi nhớ công tích của 4 người con họ Phạm, tham gia đánh giặc Tống ở thế kỷ thứ X ( năm 981) dưới sự lãnh đạo của Lê Đại Hành.
Xã Thủy Đường ngày ấy có gia đình họ Phạm sinh được 4 người
con. Đó là Phạm Quang, Phạm Nghiêm, Phạm Huấn, Phạm thị Cúc Nương. Họ là 2 cặp
anh em song sinh. Khi ông Quang, ông Nghiêm 18 tuổi; ông Huấn và người em gái
Cúc Nương 15 tuổi, thì cả cha lẫn mẹ đều mất. Bốn anh em họ Phạm chôn cất cha mẹ
tại cánh đồng Mả Thuyền, Phía đông của trang.
Miếu Thủy Tú, Thủy Nguyên, Hải Phòng
Khi quân Tống theo sông Bạch Đằng vào xâm lược nước ta, nhà
vua đem quân đi dẹp giặc. Quân đội triều đình đến một gò đất cao thuộc huyện Thủy
Đường, được dân làng đón tiếp chu đáo. Đặc biệt là các cụ già trong thôn cho
vua biết có 4 anh em trai, gái nhà họ Phạm đều là những người hiếu lễ, võ nghệ
tài giỏi.
Nhà vua cho gọi cả 4 anh em họ Phạm đi đánh giặc. Vâng lệnh
vua, cả 4 anh em đều vui mừng làm lễ tổ tiên, cha mẹ rồi tới bái yết nhà vua.
Thấy cả 4 anh em họ Phạm diện mạo khác thường lại giỏi võ nghệ, nhà vua cả mừng,
ban chức tước và sai cùng đi đánh giặc.
Sau ngày chiến thắng, 4 anh em họ Phạm đều được phong chức
tước rồi xin vua cho về thăm phần mộ cha mẹ, tổ tiên, khao thưởng quan sĩ và
dân làng. Bốn người mời các vị phụ lão dự tiệc, tặng 300 quan tiền để tỏ nghĩa
ân tình.
Sau khi 4 anh em họ Phạm mất, nhân dân các trang lập miếu thờ.
Trang Ngọc Phương (nay là thôn Thủy Tú, xã Thủy Đường) thờ người anh cả là Phạm
Quang, trang Chiếm Phương thờ Phạm Nguyên, trang Trường Sơn thờ Phạm Huấn và
Cúc Nương.
Nhân dân 3 trang đều tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm từ
ngày 9 đến ngày 12 tháng 3 âm lịch. Miếu Thủy Tú được nhà nước xếp hạng di tích
lịch sử văn hóa năm 1991.