Miếu Trần Đăng thờ Cao Lỗ Linh Quang đại vương thuộc làng Trần Đăng, xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội còn lưu dấu tích từ thời Trần, rợp bóng dưới hàng chục cây muỗm cổ thụ, có vẻ đẹp nên thơ, với 3 ngôi chùa, 1 ngôi đình và miếu.
Miếu thiêng thánh uy, tương truyền có từ cổ đại, gắn với sự
tích ngài Cao Lỗ đánh giặc, được ông Hổ phù trợ. Kiến trúc hiện tại thuộc về
triều Nguyễn, chỉ còn một vài hiện vật thời Lê. Cảnh quan thâm nghiêm cổ kính,
mang đậm hồn Việt bóng quê!
Sự tích tại Đại Than huyện Gia Bình truyền rằng:
Hùng Vương Thánh Tổ nối ngôi được 18 đời Vua thay nhau trị
nước, lấy hiệu nước là Văn Lang. Bấy giờ cuối đời Vua Duệ Vương tại nước Ai
Lao, phủ Mai Châu, huyện Hoa Khê, xã Phú Đường có gia đình ông Cao Nhất Trọng vợ
là Hoàng Thị Thịnh (có nơi nói là Tạ Ban Lương ), gia thế cường hào giàu có
nhưng muộn về đường con cái.
Một ngày nọ 2 ông bà nghe nói có chùa Hoa Động Khê rất là
linh ứng, bèn trai giới đến đó làm lễ cầu tự. Đến cuối nửa đêm canh ba thì nằm
mộng tại chùa thấy có Thần Linh đến cho 1 viên ngọc thạch nói rằng: "nay
có Đông Phương Thanh Y Sứ Giả sẽ giáng sinh vào nhà làm con họ Cao để sau phù
giúp nhà Thục", nghe xong bà chợt tỉnh dậy biết có điềm lành, sớm mai lễ tạ
rồi trở về nhà từ đó trở đi thì có thai.
Đến ngày mùng 10 tháng 3 năm Giáp Dần sinh được 1 người con
trai đặt tên là Cao Lỗ, lớn lên văn võ song toàn thiên tư sáng suốt ham đọc
binh thư thích về võ nghệ. Đến năm 20 tuổi thì cha mẹ từ trần sau khi mãn tang
Cao Lỗ đi chu du đây đó. Một hôm đến tại trang Đại Than, huyện Gia Bình, đạo
Kinh Bắc thấy phong cảnh hữu tình mới ở lại đó, nhân dân phụ lão thấy Cao Lỗ tướng
mạo khác thường, văn chương võ nghệ quán thế, mới mời Cao Lỗ mở trường dạy học ở
đấy, được 3 năm thì dạy được hơn 100 người học trò.
Lúc bấy giờ Thục Phán là vua trị nhậm nước Ai Lao vốn xưa là
tông phái nhà Hùng sau mới đổi thành họ Thục, nghe tiếng Cao Lỗ là người có tài
mới cho sứ giả mời về triều phong cho làm Tả Tướng. Lúc bấy giờ Hùng Duệ Vương
tuổi đã cao mà 20 hoàng tử đều đã quy tiên không ai kế vị. Thục Phán mới toan
đánh nhà Hùng cướp ngôi, đánh nhau cả 2 bên thì nhà Thục thua phải nghị hòa.
Con rể vua Hùng là Tản Viên Sơn Thánh mới khuyên Hùng Duệ Vương là: "cơ đồ
nhà Hùng đã được 18 đời, vận nước đã hết nên nhường ngôi lại cho Thục Phán để
tránh mối họa nhiều đời về sau", Hùng Duệ Vương mới nhường ngôi lại cho Thục
Phán rồi cùng Tản Viên Sơn Thánh hóa về trời.
Sau khi tức vị lên ngôi Thục Phán mới sai tướng Cao Lỗ về
phó nhiệm tại đất Ái Châu dạy dân điều nhân nghĩa chăm chỉ làm ăn. Một thời
gian sau thì Cao Lỗ giúp vua Thục đánh Triệu Đà thắng được nhiều trận mới luận
công phong cho Cao Lỗ là: Hùng Lược Thái Bảo Phụ Quốc Đại Tướng.
Vua Triệu Đà đánh không thắng mới bày xảo kế cho con trai là
Trọng Thủy sang làm con rể Thục Phán, cưới nàng
Mị Châu làm vợ, Cao Lỗ khuyên ngăn nhưng vua Thục không nghe lại tin lời
Lạc Hầu rèm pha nên bỏ mặc Cao Lỗ. Sau nhà Thục mắc mưu họ Triệu bị thua, Cao Lỗ
mới đem quân cứu viện tới giúp vua Thục nhưng vì Mỵ Châu rải áo lông ngỗng cho
Trọng Thủy tìm theo nên không thể cứu vãn, nhà Thục diệt từ đây.
Đến đời Nhà Đường đô hộ nước Nam, ông Cao Biền đi đến sông Lục
Đầu nửa đêm nằm mộng thấy một ông lão tự xưng là Cao Lỗ Thạch Long Chi Tinh, đến
để âm phù lập công, sau khi thắng trận thì mới ban cho các làng Đại Than, Đông
Phù, Mỹ Lộc, Ái Mộ, Kênh Phố.... lập đền thờ Cao Lỗ Tướng Quân.
Đến đời vua Trần Thái Tông có giặc nhà Nguyên xâm lấn, Hưng
Đạo Vương phụng mệnh cầu đảo bách thần, Cao Lỗ Tướng Quân cũng hiển ứng âm phù,
sau khi dẹp giặc xong vua Trần gia phong mỹ tự : Linh Ứng Thanh Triết Hiển Hựu.
Vua Cảnh Thịnh thứ 4 tháng 5 ngày 11 gia phong mỹ tự: Mục
Uyên Cương Chính
Vua Thiệu Trị năm thứ 6 tháng 12 ngày 4 gia tặng mỹ tự : Tuấn
Lương. Chuẩn cho thờ phụng hương hỏa lâu dài!