Miếu Tràng còn gọi là miếu Cây Xanh, tòa cổ miếu thuộc thôn Tràng Thọ, xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Đây là tòa miếu đẹp bậc nhất trong số những miếu thờ trong vùng, được thiết kế và xây dựng với nghệ thuật đỉnh cao và sự sáng tạo. Miếu thờ phụng thái úy Tô Hiến Thành, Tống Thái Hậu, Khổng Tử, phối thờ vua Ngô Quyền và danh tướng Phạm Trấn.
Tương truyền, vào thời Lý Cao Tông (1162), thái uý Tô Hiến
Thành- một vị quan thanh liêm, người Đan Phượng (Hà Tây) được triều đình cử đến
khu vực Cổ Am ngày nay để xem xét việc đắp đê ngăn mặn, bảo vệ sản xuất. Ông đã
có nhiều công sức thúc đẩy xây dựng phát triển kinh tế vùng này. Dân làng nhớ
ơn công đức của ngài đã lập đền thờ và tôn vinh là Thành hoàng tại khu vực
Tràng Thọ, có long ngai và bài vị của ngài phụng thờ tại miếu.
Nguồn gốc thờ phụng Tống Thái Hậu ở Việt Nam, được truyền lại
như sau, Tống Thái Hậu tên húy là Dương Thị Hương, mẹ của ấu vua Tống Đế Bích.
Năm 1279, quân Nguyên Mông tấn công Nam Tống, Tể tướng Lục Tú Phu buộc phải đưa
Đế Bích, Tống Thái Hậu cùng đoàn tùy tùng tháo chạy về phía Nam.
Khi đến cửa biển Cảo Nhai (Trung Quốc), gần Việt Nam thì
cùng đường, cả đoàn nhảy xuống biển tự vẫn. Sau nhiều ngày, thi thể Tống Thái Hậu
trôi về cửa Cờn Hải (Nghệ An, Việt Nam ngày nay) và được người dân vớt lên,
chôn cất, lập miếu thờ; riêng búi tóc của bà bị tuột khỏi da dầu và bị sóng
đánh dạt vào cửa biển Ngải Am (nay là khu vực xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải
Phòng).
Thấy vậy, người dân Cổ Am đã vớt tóc bà lên mang chôn, lập
bát nhang thờ vọng bà tại miếu Tràng của làng cùng với các nhân thần nước Nam.
Thi hài Tống Thái Hậu trôi vào cửa Càn Hải tức cửa Cờn (Nghệ An), dân địa
phương chôn cất rồi lập đền thờ.
Đời sau Tống Thái Hậu đã âm phù cho vua Trần, vua Lý thắng
trận nên cả hai triều đều ban sắc phong. Nhờ sự linh thiêng này, nhân dân nhiều
vùng ven biển đã lập miếu thờ bà. Tại miếu Tràng dân làng dựng tượng thờ và tôn
bà là Thánh Mẫu. Đức Khổng Tử xưa thờ tại Văn Chỉ, sau do ngôi miếu này hỏng
nát nên đưa về thờ tại miếu.
Miếu Tràng là di tích có kiến trúc khá độc đáo. Kể từ khi
xây dựng đến nay đã hơn 100 năm, tuy phủ bao lớp rêu phong cổ kính, dãi nắng, dầm
mưa nhưng miếu vẫn đứng uy nghi nổi trội giữa một khu vực dân cư đông đúc, đường
xá tấp nập người qua lại.
Nghi môn của Miếu được xây dụng kiểu tam quan. Cổng chính
trang trí đắp vẽ xây cất theo kiểu trụ biểu, trang trí ô đèn lồng, đỉnh trụ đắp
nề nghê toạ, gắn nhiều câu đối vịnh cảnh miếu. Cổng phụ hai bên là 2 tòa 2 tầng
8 mái, đao cong mềm mại tạo sự cân đối và đẹp mắt.
Qua sân rộng và con đường lát gạch nghiêng sạch sẽ là Nghi
môn trong, được xây cất đối xứng, tương tự như Nghi môn ngoại tạo không gian
sâu linh thiêng và khiến ngôi cổ tự càng thâm nghiêm. Đặc biệt, khi bước vào
trong cảnh quan thật ngoạn mục.
Trong Miếu có một hồ nước phong thủy, bao quanh là cây cỏ,
hoa lá cùng nhiều tác phẩm nhân tạo như: núi non bộ, sấu đá, hổ phục, voi chầu...
đắp nề công phu, sống động dưới những tán cây cổ thụ mấy trăm năm tuổi. Từ lâu miếu
là điểm đến của những người cao tuổi ngắm cảnh bình thơ, các học trò ôn bài đọc
sách.
Ấn tượng đặc sắc là kiến trúc chính của miếu. Tổng thể di
tích được xây dựng liên hoàn kiểu chữ Công. Nổi bật nhất là tòa Bái đường với
hai ngôi nhà cổ 5 gian. Mặt tiền xây cất kiểu tam quan tạo thành một thể đối xứng
từ ngoài vào trong.
Nghệ thuật trang trí của Miếu Tràng tập trung cao ở tòa tam
quan “chồng diêm nóc các” gồm 2 tầng 8 mái đạo cong. Tòa chính cao xấp xỉ 8m.
Hai tòa tả, hữu cao gần 7m.
Cấu trúc các đầu đao mái ở 2 tầng được cách điệu bởi cách thức
“rồng chầu, phượng múa”, “lá guột hóa long”. Bờ nóc đắp đôi kìm chầu mặt nguyệt.
Ngay đỉnh lầu giữa là tên hiệu của di tích “Tràng Thọ Linh Từ”; lầu bên tả có
tên Ngọc Khánh (trên treo khánh), bên hữu có tên Kim Chung (trên treo chuông).
Ba tòa lầu nối liền với nhau thành một lan can hình hoa triện
viền trên 5 khối cửa vòm lớn. Vì nóc mái nhấp nhô kiểu “Trùng thềm điệp ốc” gần
gũi với phong cách nhà cổ ở Hội An (Quảng Nam).
Gian hậu cung luôn đóng kín bởi lớp cửa gỗ chạm thủng hình
chữ Thọ hết sức công phu, tinh tế.
Hai tòa giải vũ 10 gian còn nguyên vẹn. Nền lát gạch chỉ, cột
đá vuông tạo gờ nổi. Mái lợp ngói mũi hài truyền thống tạo nên một khuôn viên
khép kín hoàn chỉnh của di tích.
Nét khác biệt và độc đáo của miếu không chỉ ở kiến trúc và cảnh
quan mà còn ở cả sự bài trí bên trong. Ở đây không có sự hoành tráng của các
ngôi đình lớn nhưng lại giống như một tòa cung cấm của cung vua, phủ chúa đầy ắp
những di vật lộng lẫy vàng son. Tất cả có gần 300 di vật, cổ vật. Đặc biệt hệ
thống câu đối, ỷ ngai, bài vị, cửa võng, cuốn thư đều được chạm khắc tinh xảo,
cầu kỳ, không nặng nề mà rất thanh thoát.
Các mảng chạm khắc theo chủ đề long, là phượng nhưng long,
phượng đã được hóa thân, cách điệu uyển chuyển sống động. Đề tài chiếm đa số là
phượng múa, rồng bay, rùa ngậm thư, đội sách, bút nghiên và tứ quý... Hầu hết
còn vẹn nguyên như thuở ban đầu (đời vua Thành Thái thứ 4 năm 1893 dương lịch
và là những mảng chạm khá điển hình, nhiều sáng tạo với các hình thức chạm nổi,
chạm lộng, bong kênh... Mỗi bức chạm trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo,
tiêu biểu của nghệ thuật điêu khắc gỗ cuối thế kỷ XIX, thể hiện các ý niệm cầu
mong muôn thuở của cha ông cho cuộc sống an bình, mưa thuận gió hòa, nhà nhà no ấm.
Miếu Tràng bảo tồn và lưu giữ được rất nhiều di vật quý giá,
không chỉ có giá trị về văn hóa mà còn có giá trị về lịch sử. Ngoài hương án kiểu
chân quỳ dạ cá, hai bộ kiệu bát cống, nhiều cỗ ngai, bài vị, khám có niên đại
vào cuối thế kỷ 19, tại miếu còn nhiều đồ tế khí bằng đồng, gốm, sứ như chấp
kích, đỉnh, chiêng, 25 bản sắc phong của các vương triều phong kiến ban cho các
vị thành hoàng cũng đang được gìn giữ, bảo quản cẩn thận, trong đó có 7 đạo sắc
phong của các vua triều Nguyễn phong Tô Hiến Thành là Thượng Đẳng Thần dưới các
thời Thiệu Trị năm thứ 6, Tự Đức năm thứ 3 và 33, Đồng Khánh năm thứ 2, Thành
Thái năm thứ 2, Duy Tân năm thứ 3, Khải Định năm thứ 7.
Đây thực sự là một phòng trưng bày có giá trị cao của nghệ
thuật kiến trúc Miếu - Đình Việt Nam.
Cùng với chùa Mét, đình Phần, miếu Tràng tạo thêm cho Cổ Am
nét nên thơ, cổ kính, ghi đậm dấu ấn tài hoa của các nghệ nhân xưa đồng thời phản
ánh sinh động truyền thống lịch sử, văn hóa tâm linh của một vùng quê văn hiến.
Hằng năm, lễ hội của Miếu Tràng diễn ra vào ngày mồng 7
tháng Giêng (âm lịch), tiết Thanh Minh. Lễ hội đình Thượng xưa kia được tổ chức
vào ngày 15 tháng 2 (âm lịch) nay cũng tổ chức tại khu miếu.
Ngoài những lễ hội trên, ở Cổ Am còn duy trì ngày “Hội lão”,
một nét đẹp văn hóa truyền thống, giữ gìn thuần phong mỹ tục của quê hương. Vào
ngày này, những người con của Cổ Am xa gần đều tấp nập viếng thăm Miếu Tràng,
thắp nén nhang tỏ lòng thành kính trước các bậc tiền nhân.
Với vùng đất địa linh nhân kiệt, thiên địa nhân hoà, di tích
miếu Tràng (Cổ Am) lung linh huyền ảo của thế giới người xưa, gắn liền với truyền
thống văn hóa, truyền thống cách mạng, truyền thống hiếu học, sẽ là một địa
danh, một điểm hẹn di tích văn hóa hấp dẫn của huyện Vĩnh Bảo.
Miếu Tràng được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc
gia năm 1999.
Thành đoàn Hải Phòng