Miếu Vũ thuộc địa phận Làng Cáo xưa, nay thuộc thôn Nhang (còn gọi là khu Nhang) phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Miếu thờ phụng vợ chồng người bán dầu Vũ Phục, gọi là ông Dầu, bà Dầu, đã hy sinh tính mạng để chữu bệnh cho vua Lý Nhân Tông.
Theo sử sách cũ, làng Cáo xưa có tên là Quả Động, thời Hậu
Lê gọi là Minh Cảo thuộc phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Đời Nguyễn có tên Xuân Tảo.
Năm 1956 làng Xuân Tảo và làng Cáo Đỉnh nhập lại thành xã Xuân Đỉnh, thuộc ngoại
thành Hà Nội.
Tấm bia ở cổng chùa Minh Phúc (chùa Nứa) khắc năm 1738 đời
Lê Ý Tông ghi tên xã là Minh Cảo, thuộc huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, sau đổi là
Minh Tảo, đến thời Nguyễn đổi là Xuân Tảo. Theo những ghi chép còn lưu lại,
làng Cáo xưa đã có từ lâu đời.
Làng Giàn xưa có tên chữ là Cốc Đỉnh, sang Hậu Lê đổi là
Khang Cáo, đời Nguyễn đổi là Cáo Đỉnh, tổng Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức,
tỉnh Hà Nội. Đầu thế kỷ XX phủ Hoài Đức thuộc tỉnh Hà Đông. Thời gian sau, hai
xã Cáo Đỉnh (tổng Cổ Nhuế) và Xuân Tảo (tổng Xuân Tảo) hợp thành xã Xuân Đỉnh.
Năm 1961, Xuân Đỉnh thuộc huyện Từ Liêm.
Sách Lĩnh nam chích quái có chép: “Chỗ giết hồ tinh hiện nay
thành cái đầm lớn, người đời gọi đầm Xác Cáo, bên cạnh cái bến gọi là bến Trâu
Đằm. Dân làng lập cái quán thờ thần để trừ yểm tinh nó. ở phía Tây cái đầm có một
nơi hoang vu gọi là động cáo, đất ở đây cao, dân làng làm nhà ở được, về sau
thành làng gọi là làng Cáo”.
Truyền thuyết dân gian kể lại, cuối đời Lý Nhân Tông có ông
Vũ Phục vốn người đất Đống Ba. Ông lấy vợ là người con gái họ Đỗ ở làng Xuân Tảo.
Hai vợ chồng lấy việc bán dầu làm nghiệp sống.
Bấy giờ, vua Lý Nhân Tông bị bệnh đau mắt, chữa mãi không khỏi.
Nghe thấy chùa trên núi Vân Mộng huyện Kim Bảng có Quy Cốc tiên sinh tinh thông
kinh dịch, vua liền đến xem bói. Thầy phán do dòng nước từ phía Tây Bắc chảy
xiên vào kinh đô nên khiến vua bị tổn thương. Nếu trấn áp được thì vua sẽ khỏi.
Thiên Phù và Tô Lịch là hai dòng sông hợp lưu phạm vào góc
thành Thăng Long. Vua nhiều lần dùng kế lấp sông, nhưng cứ lấp thì bị nước phá.
Vua sai người lập đàn tế thần, mong được giúp đỡ. Quả nhiên, đêm đó thần hiện
lên, phán rằng nếu sớm hôm sau, gặp ai là người đầu tiên có mặt ở khúc sông
này, làm theo yêu cầu của người ta rồi đẩy họ xuống sông, sắc phong là phúc thần. Khi đó, sông sẽ được lấp.
Sớm hôm sau, lính canh thấy có vợ chồng ông bà Vũ Phục đi
bán dầu ngang qua. Sứ giả liền kể lại câu chuyện gặp thần rồi hỏi ông bà thích
ăn gì. Ông bà bảo thích ăn xôi dẻo, bò béo, gà mái ghẹ. Lính canh cho nấu những
món đó đãi ông bà. Ăn xong, ông bà ngửa mặt lên trời mà khấn rằng: “Vợ chồng
tôi quyên thân vì đất nước mà lấy cái chết giúp vua. Trời có biết thì xin chứng
giám”. Sau đó ông bà cùng nhẩy xuống sông, dân làng đã lập miếu thờ để tưởng nhớ
công lao của hai vị.
Một số sử sách lại ghi chép rằng, vua Lý đã ra lệnh ném ông
bà xuống sông Tô Lịch (vị trí Chợ Bưởi ngày nay) để chữu khỏi bệnh đau mắt của
mình. Sau khi hai vợ chồng qua đời, người dân làng Cáo đã lập đền thờ và gọi
khu vực này là xóm Dầu. Miếu Vũ Phục ra đời từ đó.
Căn cứ theo phong cách kiến trúc và những vật dụng như các mảng
chạm khắc trang trí, kiệu rước, ngai thờ, niên đại xây dựng ngôi miếu khoảng thời
Lê và được tu sửa nhiều lần vào thời Nguyễn.
Miếu Vũ được xây trên khu đất cao ở giữa khu vực dân làng
sinh sống, quy mô cảnh quan rộng và đẹp, ngoài cùng là ao vuông, miếu quay hướng
Nam, được xây kiểu chữ “Đinh”. Căn cứ theo khối kiến trúc và bộ sưu tập di vật
còn lưu lại trong di tích như các bức chạm trang trí trên kiến trúc, kiệu rước,
ngai thờ, có thể đoán niên đại xây dựng ngôi miếu khoảng thời Lê và được tu sửa
nhiều lần vào thời Nguyễn.
Miếu hiện nay gồm có Cổng Tam quan, sân miếu và Miếu.
Nghi môn Miếu Vũ xây theo kiểu cổng Tam Quan, một cổng chính
kiểu trụ biểu và hai cổng phụ.
Cổng chính có hai cột trụ biểu, cao hơn 3m. Trụ biểu đế kiểu
thắt cổ bồng, đỉnh trụ gắn tứ phượng, phía dưới là ô lồng đèn, thân cột khắc
câu đối chữ Hán.
Hai cổng phụ thấp hơn, nối liền với các trụ biểu. Cổng phụ
kiểu vòm cuốn có mái kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, lợp ngói di, đầu đao gắn
đầu rồng.
Miếu có bố cục kiểu chữ Đinh, bao gồm tòa Tiền tế và hậu
cung. Tiền tế 5 gian, bậc thềm tam cấp lát đá xanh. Tòa Tiền tế kiểu 4 mái uốn
đầu đao, lợp ngói mũi hài. Trên bờ nóc mái, có bức bình phong cuốn thư đắp hổ
phù, đầu bờ nóc đắp hình con kìm. 4 bộ vì kèo kiểu chồng rường, giá chiêng, đấu
kê. Tòa Hậu Cung 3 gian là cung cấm, đặt ngai thờ hai vợ chồng thần Vũ Phục.
Miếu được chạm khắc trang trí công phu, tập trung vào các vì
cốn, mê vì kèo nách theo chủ đề long, ly, quy, phượng, trúc lão hóa rồng. Bốn đầu
dư gian giữa chạm khắc rồng tinh xảo, theo phong cách nghệ thuật thế kỷ 18 - 19.
Lễ hội Miếu Vũ được tổ chức vào ngày 10 tháng 2 âm lịch hàng
năm, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và nhiều khách thập phương về tham dự.
Khi lễ hội sắp đến gần, người dân trong làng tấp lập chuẩn bị
mọi thứ, từ gạo để làm hàng trăm chiếc bánh dày, mật giọt, đậu xanh, bò, gà mái
ghẹ… Hàng ngày, 32 nam thanh niên và 32 nữ thanh niên tham gia kiệu ra sân miếu
để tập luyện. Các đội nhạc bát âm, múa bang, kênh rước kiệu, rước cờ, ngựa, bát
bửu, lộ bộ… đều được chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng cho ngày chính hội.
Đến ngày 6 tháng 2 làm lễ yết cáo, khai quang, lựa chọn hai
vị có học vị cao nhất làng đến Văn chỉ mở hòm sắc chép văn tế thành hoàng.
Đến ngày chính hội, Từ 8 giờ sáng trước cửa miếu tổ chức
cúng, đọc văn tế, các khu và dân làng kết chạ đội mâm lễ vào miếu. Từ 10 giờ trở
đi đoàn rước hùng vĩ với cờ thần, chấp kích, tàn, tán, lọng, đội múa bồng, múa
sênh tiễn… nhộn nhịp tiến về đình. Cỗ lễ là lồng oản, lồng chè kho phải đưa lên
bàn vuông có bốn người khiêng, bốn người phụ.
Hội Miếu Vũ có nét đặc sắc là chuẩn bị hai trăm bánh dày làm
bằng nếp cái hoa vàng.
Ngày 11 tháng 2, dân làng tổ chức nhiều trò chơi dân gian
như: Thả chim bồ câu, múa bồng, múa sinh tiền, trồng cây đu, đi cầu noi, thi thả
diều, cờ người, hát ca trù, tuồng cổ, chè, đặc biệt có trò hề gậy đập niêu rất
thú vị.
Người dân trong vùng vẫn lưu truyền câu ca dao để tưởng nhớ
về ngày lễ hội làng Cáo:
“Dù ai đi đâu, về đâu,
Tháng hai, hội Cáo rủ nhau mà về.”
Miếu Vũ đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là di tích
kiến trúc nghệ thuật năm 2000.
Nguồn: Người Hà Nội