Tam vị Sơn thánh Tản Viên là những vị sơn thần được thờ phụng trong nhiều đình đền miếu tỉnh Yên Bái. Những điểm thờ phụng này được người dân địa phương khẳng định rất linh thiêng, thường là nơi cầu xin bình an, sức khỏe, mùa màng thuận lợi.
Di tích đình - đền - chùa Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh
Yên Bái
Quyết định công bố Di tích
Quyết định số 239/QĐ-UBND ngày 17/2/2016 của UBND tỉnh Yên
Bái công bố di tích đình - đền - chùa Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
là Di tích Lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Địa điểm và đường đi đến Di tích
Di tích đình - đền - chùa Chấn Thịnh thuộc thôn Chùa 1, xã
Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái có diện tích khoanh vùng bảo vệ 4.000
m2. Di tích cách UBND xã 400m, cách trung tâm huyện 45km, cách trung tâm tỉnh
Yên Bái 45km.
Du khách có thể đi đến di tích đình - đền - chùa Chấn Thịnh
bằng đường bộ rất thuận lợi, theo các tuyến: Đi từ trung tâm tỉnh (km5) qua Cầu
Yên Bái theo đường tỉnh lộ Hợp Minh - Đại Lịch - Chấn Thịnh (45km) là tới Di
tích.
Đi từ trung tâm huyện Văn Chấn theo Quốc lộ 32 Văn Chấn -
Yên Bái, đến xã Tân Thịnh (30 km) theo đường Mỵ - Chấn Thịnh (15 km) là tới Di
tích.
Nếu du khách đi từ Hà Nội theo Quốc lộ 37 (Hà Nội - Văn Chấn),
hoặc từ Sơn La sang Thượng Bằng La đến Ủy ban nhân dân thị trấn Nông trường Trần
Phú, đi tiếp sang xã Chấn Thịnh là tới Di tích.
Lịch sử Di tích
Theo lịch sử hình thành địa danh, địa giới huyện Văn Chấn
qua các thời kỳ, năm 1907 lập thêm 2 xã thuộc tổng Đại Lịch, có thể năm này
thành lập xã Chấn Thịnh trên cơ sở chia tách một phần đất Đại Lịch để thành lập
xã Chấn Thịnh.
Theo tài liệu lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán nôm ghi chép về
làng xã Bắc Kỳ thời Pháp thuộc xã Chấn Thịnh thuộc tổng Đại Lịch. Xã Chấn Thịnh
gồm các thôn, bản: Vực Tuần, Khe Rịa, Làng Mị, Bản Tó, Bản Hai, Đồng B, Bản Giầy,
Bản Cao, Làng Chùa, Bản Lạn, Bản Ngõa, Bản Càm, Bản Dù (Giù).
Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc,
vùng đất xã Chấn Thịnh ngày nay luôn gắn với nhà nước Việt Nam. Theo các cụ già
trong và ngoài xã Chấn Thịnh cho biết: Đình - đền và chùa Chấn Thịnh có từ rất
lâu rồi, ba di tích này đều tọa lạc trong làng Chùa lên gọi là làng Chùa.
Đình Chung:
Đình là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cho cả tổng Đại Lịch
xưa (bao gồm các xã Đại Lịch, Thượng Bằng La, Chấn Thịnh, Bình Thuận, Tân Thịnh,
Việt Hồng, Vân Hội, Minh An, Đồng Khê, Suối Bu, Cát Thịnh, Nghĩa Tâm, thị trấn
nông trường Trần Phú ngày nay), theo đó về không gian rất rộng, từ xã Đồng Khê
(huyện Văn Chấn) trở ra đến xã Việt Cường, Việt Hồng, Vân Hội (Trấn Yên) ngày
nay.
Để có nơi thờ thần, Thành Hoàng người dân đã xây dựng đình với
quan niệm người Việt lập làng ở đâu dựng đình ở đó, ngôi đình là trung tâm quyền
lực của làng xã, lấy tên là Đình Chung. Đình xây dựng 3 gian, nhà gỗ, cột to, lợp
cọ, sàn thấp, không có tường, gian giữa đặt ban thờ chính, xung quanh có ban thờ
2 tầng (tầng trên đặt cỗ chay, tầng dưới đặt cỗ mặn), cao khoảng 2-2,2m.
Thời gian xây dựng đình chưa rõ năm, có thể xây dựng cách
ngày nay khoảng hơn 400 năm (1615-1650), từ khi người Tày đến định cư vùng Chấn
Thịnh ngày nay, điều này phù hợp với lịch sử di cư của người Tày đến các xã Đại
Lịch, Chấn Thịnh, Bình Thuận, Thượng Bằng La, Nghĩa Tâm ngày nay và nhiều xã khác
ở huyện Văn Chấn.
Đình Chung có thể bị giặc Cờ Vàng và thực dân Pháp phá hủy
cùng với đền, chùa. Sau khi trở về dân làng (tổng) không có điều kiện phục dựng
lại đình (hoặc cũng có thể thực dân Pháp không cho phục dựng đình) nên chỉ khi
tổ chức lễ hội dân làng (tổng) mới dựng tạm đình.
Đền Cửa Vá (đền Vá):
Truyền thuyết liên quan đến đền (có thể là dị bản thần tích
- thần phả đền Cửa Vá), được ông Hoàng Thanh Việt - thôn Lạn, xã Chấn Thịnh kể
lại: “Xã Đại Lịch xưa, có ông Thổ Đạo là người buôn gỗ từ miền núi về miền xuôi
theo dòng ngòi Lao. Khi đi qua Kinh thành ông thường hát:
Hò dô
ta, dô ta
Dô
ta, cùng nhau kéo gỗ làm đền
Bao
nhiêu con gái trong kinh kén chồng
Ra mà
xem thằng kéo gỗ.
Ở kinh thành, nhà vua có hai công chúa rất xinh đẹp, tài giỏi,
thương dân. Chị là Kiều Ngân lấy chồng ở Đông Cuông, còn em là Kiều Nga không
may bị câm năm 10 tuổi. Một lần nghe ông Thổ Đạo hò kéo gỗ, Kiều Nga bỗng dưng
nét mặt rạng ngời, tươi cười, nói được. Nhà Vua thấy vậy, bèn cho gọi ông Thổ Đạo
vào và hỏi: Ngươi ở đâu đến, làm gì? Ông Thổ Đạo bèn đáp: Con ở vùng nước giã gạo
(đồng bào Tày sử dụng cối giã gạo bằng sức nước), trâu kéo mõ (cổ trâu đeo mõ),
chó leo thang (người Tày ở nhà sàn), ăn cơm bằng bát tàu (thời đó đồng bào Tày
không có bát, chỉ sử dụng tàu lá chuối thay mâm và làm bát để ăn cơm). Đũa hai
đầu bịt bạc, ăn đâu bỏ đấy, ba tháng ăn ngô, ba tháng ăn khoai, ba tháng ăn củ
mài chấm mật ong, ba tháng án gạo nương.
Nhà vua giữ ông Thổ Đạo ở lại kinh thành và hứa gả công chúa
Kiều Nga cho ông. Ở kinh thành một thời gian ông Thổ Đạo xin phép Vua trở về Đại
Lịch, hẹn ngày quay lại đón Kiều Nga về làm vợ. Đến hẹn, ông Thổ Đạo về kinh
thành làm lễ cưới với Kiều Nga. Khi đi qua vách núi, phải chui qua khe đá, con
ngựa của ông Thổ Đạo không chịu đi qua, cứ lồng lên, giáo vướng vào vách đá làm
ông Đạo ngã xuống thác nước mà hóa.
Nghe tin ông Thổ Đạo chết, Kiều Nga cùng với nàng hầu vội
vàng lên Đại Lịch, đi đến Thác Luồn (giáp xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập, tỉnh Phú
Thọ ngày nay) nàng hầu bị rắn cắn chết, một mình Kiều Nga lên Đại Lịch chịu
tang chồng chưa cưới. Nàng cùng với gia đình tổ chức đám ma cho ông Thổ Đạo rất
chu đáo, dân làng khen là chung thủy và được dân rất quý mến, nể trọng.
Chồng chưa cưới chết, Kiều Nga không về kinh thành nữa mà ở
lại Đại Lịch sinh sống. Nàng dạy dân biết khai hoang đất làm ruộng trồng lúa nước,
trồng dâu nuôi tằm, chăn nuôi, làm cọn đưa nước vào đồng ruộng... dân
làng trong vùng vì thế mà có cuộc sống yên ổn, ấm no.
Nàng còn lên núi Nả trồng cam, trồng quýt. Khi công chúa Kiều
Nga chết, nhân dân trong vùng suy tôn là “Bà Chúa Núi Nả và để tỏ lòng thương
tiếc, quý mến, tri ân đối với công chúa Kiều Nga nhân dân trong vùng xây đền thờ
phụng”.
Thời gian xây dựng đền Cửa Vá được xác định vào khoảng từ những
năm cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII. Đền Cửa Vá bị phá hủy khi giặc
Cờ Vàng hoặc thực dân Pháp xâm chiếm vùng Đại Lịch đốt cháy, vào khoảng thời
gian từ 1872 - 1900.
Chùa Chấn Thịnh:
Năm xây dựng cũng như năm chùa bị sụp đổ, chấm dứt hoạt động,
qua tra cứu chưa thấy tài liệu nào nói đến. Theo sách đền, chùa, đình ở tỉnh
Yên Bái của Hồ Văn Thái (chủ biên) và Nguyễn Liễn, Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh
Yên Bái xuất bản năm 2005 có ghi: “Hữu ngạn sông Hồng có chùa Cao Kiến (xã Chấn
Thịnh), thôn có chùa nên gọi là thôn Chùa. Một số cụ ở các xã Đại Lịch, Chấn Thịnh,
Bình Thuận thì hồi bé, các cụ cũng đã thấy chùa.
Qua di vật thám sát phát hiện được như ngói mũi cánh sen, đầu
đao, lục lạc đồng có hoa văn thời Đông Sơn, tiền cổ (Khai Nguyên Thông Bảo, chum
đất, hiện vật trang trí cánh sen, đá tảng kê chân cột và ngói phát lộ trên diện
tích rộng hơn 6.000m2 cùng với nhân dân đào được di vật như tay tượng Phật, nồi
đồng, khuyên tai, hũ tiền cổ... so sánh hiện vật đào được với ngói, đầu đao Bảo
tàng tỉnh Yên Bái khai quật tại Pú Che, Pù Chí Chùa năm 2011 và năm 2012 (xã
Phù Nham) và chùa Vô Tranh (huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) có thể nhận định đây là một
ngôi chùa cổ xây dựng vào thời Trần - Lê (khoảng cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ
XV).
Cuối thời Trần, đầu đời Lê, một bộ phận tộc người Việt (dân
tộc Kinh) di cư từ Phú Thọ ngày nay hoặc các tỉnh miền xuôi theo sông Hồng đến
cửa Ngòi Lao (huyện Hạ Hòa) vào Chấn Thịnh ngày nay sinh sống và xây chùa (hoặc
cũng có thể cuối thời Trần, đầu đời Lê xảy ra các cuộc nổi dậy chống lại triều
đình, khi thất bại sợ bị tàn sát nên một số quan quân cung với gia đình, dòng họ...
chạy lên trốn ở vùng Chấn Thịnh ngày nay, lập làng rồi dựng chùa).
Thời kỳ nhà Trần Phật giáo cực thịnh cùng với quan niệm
"đất vua chùa làng", đất đai thuộc quyền sở hữu của nhà nước, còn
chùa lại thuộc cộng đồng làng xã. Vì thế ở đâu có làng ở đó có chùa.
Có thể nhận định đây là ngôi chùa cổ xây dựng vào thời Trần
- Lê (khoảng cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV). Khi cư dân miền xuôi là người Kinh
lên sinh sống thành làng, xây dựng chùa và khi họ không sinh sống nữa, di chuyển
về xuôi hoặc lâu dần họ đã bị dân bản địa đồng hóa về văn hóa, tín ngưỡng nên
không theo đạo Phật và theo thời gian thiên nhiên khắc nghiệt nên chùa tự sụp đổ.
Nhận định này phù hợp với quá trình đào thám sát thấy các lớp ngói bị vỡ xếp
thành hàng.
Các nhân vật được thờ tự
Nhân vật được thờ Đình Chung: Thờ Tam vị Thượng đẳng thần Tản
Viên Sơn Thánh; Thờ Thành Hoàng và Phúc Thần.
Nhân thần được thờ đền Cửa Vá (đền Vá): Thờ Thánh Mẫu, Mẫu
Thượng Ngàn, Mẫu Thoải và Mẫu Liễu Hạnh phối thờ Tuần phủ Hưng Hóa Nguyễn Quang
Bích.
Các hiện vật trong Di tích
- Từ năm 1974 đến 2013, trong khi làm vườn trồng chè nhân
dân đào được nhiều di vật liên quan đến chùa như tay Phật, ngói mũi cánh sen, nồi
đồng, chén đồng, cơi trầu bằng đồng, đá kè chân cột, hũ tiền thời Đường (621)
và nhiều di vật cổ khác.
- Tháng 10/2015, Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Yên
Bái tiến hành khảo sát di tích đình, đền, chùa Chấn Thịnh phát hiện 2 lục lạc đồng
có hoa văn thời văn hóa Đông Sơn (thế kỷ I - II sau CN); 4 đồng tiền cổ thời
“Khai Nguyên Thông Bảo” và nhiều mảnh ngói mũi cánh sen.
- Ngày 22/12/-2015, Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh
Yên Bái tiến hành đào thám sát đã phát hiện nhiều lớp mảnh ngói mũi cánh sen
(30cmx20cm), 01 hiện vật trang trí cánh sen (đường kính 30cm), đặc biệt là 1 đầu
đao mái chùa bằng đất nung.
Phong tục lễ hội
Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tại di tích Đình Chung
Theo quy ước của tổng, ngày 10 tháng Giêng, đình tổ chức lễ
hội và mỗi xã trong tổng góp một con trâu để mổ cúng tế Tam vị Thượng Đẳng Thần
Tản Viên Sơn Thánh và các Thần linh, Thành hoàng, Phúc Thần...
- Bày đặt sắp xếp mâm cỗ: có hai tầng, tầng trên mâm cỗ
chay; tầng dưới mâm cỗ tạp.
Sau khi mổ trâu xong, lấy đầu, chân, đuôi, tiết, lòng và thịt
đặt giữa đình để cúng tế Tam vị Đại Vương Quốc Chúa Thượng đẳng thần bao gồm Tản
Viên Sơn Thánh, Quý Minh Đại Vương, Cao Sơn Đại Vương và Thành Hoàng làng hay
và “Phúc Thần” - người có công đưa dân đến lập bản, lập mường và người già có công
với làng bản để dân có cuộc sống yên lành.
Bốn mâm đặt tại bốn góc đình cúng tế Thần Thổ Công, Thần
Nông, Bà Chúa Luồn, Hứa Sào (Biểu Thước), Lỗ Ban Qua Xích, Kéo Cửa.
Những người có chức sắc trong tổng, xã (chánh tổng, lý trưởng,
xã trưởng...) đều có mâm cỗ cúng thần linh (do tổng, xã chuẩn bị).
- Nghi lễ: Hai ông Mo làm các nghi lễ cúng tế, tạ ơn ba vị
Cao Sơn Đại Vương, Thành hoàng, Thần Nông... đã che chở, phù hộ cho dân làng một
năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống an lành... và cầu cho một
năm mới được hanh thông.
- Hội: Kết thúc các nghi lễ cúng tế, dân làng tổ chức các hoạt
động văn hóa, văn nghệ dân gian như hát then, múa, đẩy gậy, chọi gà, đánh đu...
và sau đó tất cả nhân dân trong tổng cùng nhau ăn uống vui vẻ, chúc sức khỏe,
chúc phúc đầu năm mới.
Tiếp theo dân làng tổ chức xuống đồng chuẩn bị một vụ mùa mới
(hội lồng tồng).
Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tại đền Cửa Vá
Theo các cụ cho biết, đền Cửa Vá trong năm tổ chức nhiều lễ
hội với các nghi lễ dâng lễ, đọc chúc thư, dâng chước (rượu), kim ngân (vàng bạc),
phù đạm (hoa sen), đọc văn tế... cúng tế Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Thánh Mẫu Thượng
Ngàn. Thánh Mẫu Thoải, Đức Ngọc Hoàng, Đức Thánh Trần, Bà Chúa Nả...
Sau khi Tuần phủ Hưng Hóa Nguyễn Quang Bích, Bố Giáp - Nguyễn
Văn Giáp (phó tướng của Nguyễn Quang Bích) lâm bệnh mất (ngày 24/1/1890). Do
hai ông có công xây dựng căn cứ, lãnh đạo nhân dân Đại Lịch, Văn Chấn chống
Pháp ngay từ ngày đầu thực dân Pháp xâm lược Văn Chấn (1887 - 1988). Để tỏ lòng
tri ân, tưởng nhớ nhân dân đã phối thờ hai ông cùng quân sỹ có công chống giặc
Pháp trong đền Cửa Vá và tổ chức cúng giỗ ông vào rằm tháng Chạp.
Kết thúc các nghi lễ dân làng tổ chức các trò chơi, trò diễn
dân gian.
Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tại di tích Chùa
Các hoạt động văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra tại chùa
vào các ngày tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng, lễ Phật đản, rằm tháng Bảy và các
ngày lễ khác của đạo Phật.
Đình - đền - chùa Chấn Thịnh là nơi lưu giữ tinh hoa văn hóa
của nhân dân các dân tộc trong vùng qua từng thời kỳ lịch sử thông qua thần
tích - thần phả, lễ hội, diễn xướng, truyền thuyết về các vị Thành Hoàng, Phúc
Thần, Phật và là nơi sinh hoạt văn hóa, giáo dục truvền thống, duy trì những
thuần phong mỹ tục. Đồng thời là truyền thống, đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ
nguồn”, tri ân với người có công với dân với nước trong đời sống tinh thần của
người Việt Nam.
Qua thám sát trên 6.000m2 và theo các cụ già trong và ngoài
xã Chấn Thịnh kể lại có thể nhận định: Đình - đền - chùa Chấn Thịnh nằm trên một
khu đất rộng, bên ngòi Lao (cách 100m), kiến trúc hình chữ Nhất, quy mô kiến
trúc lớn, đình, đền cột gỗ, lợp cọ; chùa cột gỗ, mái lợp ngói mũi cánh sen phạm
vi không gian rộng, có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa tín ngưỡng, tôn
giáo của nhân dân trong vùng.
Di tích đình - đền - chùa Chấn Thịnh có từ lâu đời. Do thăng
trầm, biến cố của đất nước, đến nay di tích đình, đền, chùa Chấn Thịnh không
còn tồn tại, nay chỉ còn lại dấu tích.
Di tích đình, đền và chùa Văn Tiến, xã Văn Tiến, thành phố
Yên Bái
Đình Văn Tiến
Cuối thế kỷ XIX, tại các tỉnh miền xuôi do dân số đông, diện
tích đất canh tác chật hẹp, cộng với chính sách chiêu mộ lao động vào làm việc
trong các đồn điền chè, cà phê của Pháp nên một bộ phận cư dân các tỉnh miền
xuôi và trung du đã mang theo gia đình lên Văn Tiến khai phá vùng đất mới.
Vào thời gian này nơi đây là vùng đất còn hoang vu, dân cư
thưa thớt, nhân dân chủ yếu sống bằng nghề nông, cuộc sống ban đầu gặp rất nhiều
khó khăn, kinh tế chủ yếu là trồng cấy các loại cây nông nghiệp và chăn nuôi,
mùa vụ phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên họ luôn có niềm tin vào các đấng
siêu nhiên ngự trị tại mỗi vùng đất như thần mây, thần mưa, thần sấm, thần chớp…
Vì vậy, từ thực tế cuộc sống và nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng
thờ các vị thần và tưởng nhớ người đã có công khai phá lập làng nhân dân Văn Tiến
đã đóng góp xây dựng ngôi đình làm nơi sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng, thờ
Thành Hoàng làng và các vị thần ngự trị tại đây để thể hiện lòng thành kính, cầu
mong có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đền Văn Tiến
Đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của mình, sau
khi xây dựng đình, nhân dân tiếp tục xây dựng đền Văn Tiến để thờ mẫu và các vị
thánh. Với quan niệm "vạn vật hữu linh", nhân dân cho rằng mọi vật đều
có linh hồn, giải thích nguồn gốc của vũ trụ, từ các hiện tượng tự nhiên như dịch
bệnh, hạn hán… người dân tin tưởng vào thần linh và các vị thánh. Đồng thời lập
đền thờ thần thánh với mong muốn được phù hộ cho mưa thuận gió hòa, sức khỏe dồi
dào.
Chùa Văn Tiến
Phật giáo du nhập vào Việt Nam khoảng thế kỷ VII sau Công Nguyên,
có sức lan tỏa mạnh mẽ, dễ thích nghi và đáp ứng nhu cầu tâm linh của các tầng
lớp trong xã hội. Từ khi du nhập, tư tưởng Phật giáo đã thấm sâu vào tư tưởng
con người nhất là từ thời Lý - Trần khi phật giáo trở thành quốc giáo ở nước
ta.
Cuối thế kỷ XIX, dưới sự áp bức của các thế lực thực dân và
phong kiến làm cho đời sống nhân dân vô cùng cực khổ. Vốn là cư dân nông nghiệp
sống lâu đời ở đồng bằng Bắc Bộ, Phật giáo đã thấm sâu vào làng xã, vào tư tưởng
con người, cùng với ảnh hưởng Phật giáo du nhập vào Yên Bái từ thời Lý - Trần,
nên sau khi lên vùng đất Văn Tiến sinh sống, người dân đã xây dựng ngôi chùa lấy
tên gắn với địa danh Văn Tiến.
Từ khi chùa Văn Tiến được xây dựng đã trở thành nơi sinh hoạt
tín ngưỡng - tôn giáo, thu hút được đông đảo phật tử trong và ngoài vùng
đến tụng kinh niệm phật, cầu mong sự che chở của thần linh và phật.
Các nhân thần được thờ tự
Nhân thần thờ tự tại đình Văn Tiến:
Đình Văn Tiến thờ Thành Hoàng có tên Trịnh Nguyên (tên húy Cụ
Ngô), theo các cụ cao niên trong xã kể lại, ông là một vị tướng của triều đình,
được cử đi đánh dẹp giặc phương Bắc.
Sau khi chiến thắng quân xâm lược, nhận thấy vùng đất bằng
phẳng màu mỡ, có địa thế thuận lợi có thể sinh sống lâu dài nên ông đưa dân đến,
khai phá mở mang vùng đất Văn Tiến. Khi ông mất nhân dân đã suy tôn ông là
Thành Hoàng làng.
Ngoài thờ Thành Hoàng Trịnh Nguyên, với văn hóa đình làng
truyền thống của nhân dân miền xuôi, đình Văn Tiến còn thờ tam vị đẳng thần bao
gồm: Tản Viên Sơn Thánh, Quý Minh Đại Vương, Cao Sơn Đại Vương.
Theo truyền thuyết dân gian ba vị đại vương trên là ba anh
em, cùng là tướng thời Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18) đã có công trấn ải
Sơn Nam bảo vệ đất nước.
Sau khi giúp vua Hùng
Duệ Vương đánh thắng quân xâm lược, mỗi vị thần ngự ở một ngọn núi (bên trái của
dãy Ba Vì là thần Cao Sơn; Tản Viên Sơn Thánh đứng giữa, bên phải là Quý Minh Đại
Vương). Các vị đại vương trên được nhân dân khắp nơi thờ phụng, trở thành Thành
Hoàng làng và nổi tiếng là vị thần linh ứng khi nhân dân cầu đảo.
Nhân thần thờ tự và bài trí tượng thờ đền Văn Tiến:
Hậu cung là nơi thâm nghiêm đặt ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu.
Tượng ở giữa có sắc phục màu đỏ là tượng bà chúa Liễu Hạnh hay còn gọi là Mẫu đệ
nhất Thượng Thiên (Mẫu nghi thiên hạ).
Tượng bên phải có sắc phục màu xanh là Mẫu đệ nhị Thượng
Ngàn (cai quản rừng xanh).
Tượng bên trái có sắc phục màu trắng là Mẫu đệ tam Thoải Phủ
(cai quản miền sông nước).
Hàng thứ hai là tượng Ngũ Vị Tôn Ông: Đệ nhất Thượng Thiên
(áo đỏ tươi); Đệ Nhị Thượng Ngàn giám sát đại vương thượng đẳng tối linh thần
(áo xanh); Đệ Tam Thoải Phủ cai bản mệnh thanh đồng (áo trắng); Đệ Tứ Khâm Sai
quyền cai tứ phủ (áo vàng); Đệ Ngũ Tuần Tranh - quyền cai quản âm binh nhà trời
(áo đỏ thẫm).
Hàng thứ ba là tượng Tam vị Quan Hoàng: Ở giữa là ông Hoàng
Bảy (áo xanh); Bên phải là tượng ông Hoàng Mười (áo vàng); Bên trái là tượng
ông Hoàng Ba (áo trắng).
Bên phải gian đại bái là ban thờ bà chúa Sơn Trang. Ban thờ
bên trái thờ Đức Thánh Trần và Đệ Nhất Vương Cô, Đệ Nhị Vương Cô.
Hệ thống tượng thờ chùa Văn Tiến:
Lớp thứ nhất: Trên cùng là tượng Tam Thế Phật gồm ba pho tượng,
bên trái là Quá Khứ Thế, ở giữa là Hiện Tại Thế, bên phải là Vị Lai Thế. Tên đầy
đủ là Tam Thế Phật (phật quá khứ, hiện tại và tương lai).
Lớp thứ hai: Bộ Di Đà Tam Tôn, trong đó phật A Di Đà ở giữa;
Quan Thế Âm Bồ Tát ở bên trái; Đại Thế Chí Bồ Tát ở bên phải. Phật A Di Đà thể
hiện tính bát đại, tuyên ngôn của đạo Phật là từ tâm và trí tuệ; Quan Thế Âm Bồ
Tát: đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả (bốn tính thuộc từ tâm); Đại Thế Chí Bồ
Tát: đại hùng, đại lực, đại trí, đại dũng (bốn tính thuộc trí tuệ). A Di Đà là
vị phật ở Tây phương cực lạc, có chức năng tiếp dẫn linh hồn nhưng vì ít xuống
trần gian nên phải nhờ đến hai vị bồ tát của mình.
Lớp thứ 3: Bộ tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh, gồm tượng Bồ Tát
Thiên Thủ Thiên Nhãn (nghìn tay nghìn mắt) mỗi bàn tay đều có con mắt trí tuệ,
trong tay cầm nhiều pháp khí dùng hàng phục ma chướng, những cánh tay cầm kiếm,
búa, tràng hoa, châu báu, vải lụa gấm vóc, hoa sen, bánh xe pháp, bình tịnh thủy,
chày kim cang…cũng tượng trưng cho mọi ngành nghề trong cuộc sống trên thế gian
này. Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn còn có danh hiệu Bồ Tát Chuẩn Đề, qua hình tượng
Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn chúng ta cũng có thể thấy được ý nghĩa công đức
và phúc đức.
Với tư tưởng giải thoát tuyệt đối của đạo Phật, nhận thức
tâm lý con người ở thế gian thân, miệng, ý là nguyên nhân tạo những nghiệp thiện
hay ác qua nhiều kiếp luân hồi, chỉ có tu hạnh bồ tát mới chuyển đổi được nhân
quả. Bên phải là tượng Phổ Hiền Bồ Tát, bên trái là tượng Văn Thù Bồ Tát.
Lớp thứ 4: Ở giữa là tượng Ngọc Hoàng, bên phải Nam Tào, bên
trái là Bắc Đẩu.
Lớp thứ 5: Tòa Cửu Long, tượng này theo điển tích nói khi Đức
Thích Ca Mầu Ni mới giáng sinh, có chín con rồng xuống phun nước cho ngài tắm,
đoạn ngài đi bẩy bước tay tả chỉ lên trời, tay hữu chỉ xuống đất mà nói rằng:
“Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn. Trên trời, dưới đất, chỉ có ta là quí
hơn cả” Bởi vậy tòa Cửu Long làm chín con rồng vây bọc chung quanh và ở trên những
đám mây có chư phật chư thiên, nhã nhạc, cờ phướn và Bát Bộ Kim Cương, ở giữa
có pho tượng nhỏ, đứng một tay chỉ lên trời và một tay chỉ xuống đất, đó là tượng
Bổn Sư Thích Ca Mầu Ni Phật lúc sơ sinh.
Các hiện vật trong Di tích
Hiện vật tại di tích đền Văn Tiến gồm có: 02 tượng mẫu (cũ);
Bộ tượng Tam Tòa Thánh Mẫu; Bộ tượng Ngũ Vị Tôn Ông; Tượng Đức Trần Triều; Tượng
Đệ Nhất Vương Cô và Đệ Nhị Vương Cô.
Ngoài ra trong đền còn có các hiện vật khác như ống hương, ống
hoa, đao, kiếm, khay đồng, chuông đồng…
Phong tục lễ hội.
Lễ Thượng nguyên: Lễ Thượng nguyên được tổ chức vào ngày rằm
tháng giêng. Vào ngày này ai đến chùa đều lễ Phật cầu an cho gia đình, dòng họ,
đất nước, cho thiện hạ thái bình, an lạc. Đây cũng là ngày mà Phật tử về chùa lễ
Phật, sám hối, phát nguyện, nỗ lực tinh tấn tu tập mong trọn vẹn năm ấy được
phúc lành.
Lễ Phật Đản: Lễ Phật Đản được tổ chức vào ngày 14/4 -
15/4 (âm lịch). Vào ngày chính lễ nhà chùa cùng các phật tử và bà con nhân dân
chuẩn bị các đồ cúng chay như: hoa, quả, chè lam, oản, bánh… là những sản phẩm
do chính tay người dân làm ra. Những nguyên liệu như gạo, nước dùng làm bánh đều
được lựa chọn và cất giữ tại kho riêng. Gạo phải hạt to, tròn được gặt từ ruộng
lúa được chăm sóc với chế độ đặc biệt không bị sâu bệnh. Nước phải là được lấy
từ giếng chùa để làm bánh và oản. Trong lễ Phật đản nổi bật lên nghi lễ Tắm Phật.
Nước tắm Phật là loại nước thơm (nước thơm được kết hợp từ lá sen và các loại
hoa, thảo dược từ thiên nhiên) để tắm tượng.
Lễ Vu lan báo hiếu : Rằm tháng Bảy được giới tăng ni phật
tử gọi là lễ Vu Lan, là dịp để con cái báo hiếu bậc sinh thành và tổ tiên đã
khuất. Theo tín ngưỡng, rằm tháng Bảy cũng là ngày xá tội vong nhân, nhà nhà
bày mâm cao cỗ đầy để cúng chúng sinh. Hàng năm, ngày lễ Vu Lan nhắc nhở mỗi
người tưởng nhớ công ơn cha mẹ, ở kiếp này và các kiếp trước. Vào ngày này các
phật tử cùng bà con dân làng lên chùa với ước vọng cầu siêu mong cho các linh hồn
của ông, bà, cha, mẹ được siêu thoát, đây chính là truyền thống uống nước nhớ
nguồn của dân tộc Việt Nam và đạo lý tri ân hiếu hạnh với cha mẹ, ông bà, tổ
tiên theo lời đức Phật dạy.
Tại đình Văn Tiến Lễ hội hàng năm tại lưu giữ nét truyền thống
đặc sắc, thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Lễ hội diễn ra vào
các dịp trong năm (tính theo âm lịch):
Mùng 7 tháng giêng tổ chức lễ khai xuân, đây là ngày lễ lớn
nhất trong năm. Trong ngày khai xuân, lễ cúng phải có các đồ lễ như chè lam,
bánh bỏng, bánh tẻ, bánh mật, cơm lam, hoa chuối bạch, rau gai và rượu.
Ngày 15 tháng giêng tổ chức tết Nguyên tiêu.
Ngày 25 tháng chạp tổ chức lễ tạ.
Tại đền Văn Tiến ngày mùng 7 tháng giêng hàng năm tổ chức lễ
giỗ Mẫu. Theo tục lệ, cứ đến ngày này hàng năm nhà đền lại chuẩn bị đồ cúng lễ.
Có hai loại mâm cúng là cúng chay và cúng tạp.
Mâm cúng chay có những đồ làm từ thực vật, gồm: cơm nếp, cơm
tẻ, oản, chè lam, bánh khảo, bánh chuối và 01 chén đựng nước…
Mâm cúng tạp gồm thức ăn được chế biến từ thịt động vật và
thực vật như thủ lợn, chân giò, thịt, đuôi lợn và rượu, gà, vịt và các loại hoa
quả, gạo nếp, gạo tẻ, cơm lam, xôi nếp, rượu, hương, hoa - là những sản vật do
chính người dân nơi đây làm ra, dâng lên cúng tế tổ tiên, trời đất và các thần
- thánh nhằm kính báo và tạ ơn tổ tiên, trời đất, thần thánh đã che chở, phù hộ
cho một năm được mùa, cuộc sống an bình, hạnh phúc.
Khi mọi việc chuẩn bị xong, đến giờ đẹp các mâm cúng được
bày đặt đúng vị trí, thủ nhang làm lễ cúng tế tạ ơn các vị thánh đã che chở,
ban cho dân làng một năm an bình, mùa màng bội thu, diệt trừ cái ác… đồng thời
cầu cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, lúa tốt đầy bồ,
mọi người khỏe mạnh…
Ngoài ra đền Văn Tiến còn tổ chức các ngày lễ khác trong năm
như lễ Mẫu ngày 10 tháng 3 âm lịch; lễ các thánh thần 20 tháng 8; 10 tháng 10 lễ
cúng cơm mới.
Di tích chùa - đền - đình Minh Phú, xã Vân Hội, huyện Trấn
Yên, tỉnh Yên Bái
Di tích chùa - đền - đình Minh Phú xã Vân Hội cách Ủy ban
nhân dân xã 2km; cách trung tâm huyện 35km; cách trung tâm tỉnh Yên Bái 25km.
Di tích có diện tích khoanh vùng bảo vệ: 18.967,5m2.
Đến di tích chùa - đền - đình Minh Phú, xã Vân Hội, huyện Trấn
Yên bằng đường bộ rất thuận lợi. Du khách đi từ thành phố Yên Bái (bến xe, ga),
đi theo đường Quốc lộ 32 (Yên Bái - Nghĩa Lộ), qua cầu Yên Bái, đến ngã ba Hợp
Minh, đi tiếp đường Hợp Minh - Đại Lịch vào xã Vân Hội 20 km là tới Di tích.
Nếu đi từ Nghĩa Lộ du khách đến Mỵ (xã Tân Thịnh, huyện Văn
Chấn), đi tiếp qua Đại Lịch, Việt Hồng đến xã Vân Hội là tới Di tích.
Hoặc du khách đi theo Quốc lộ 32C, đến xã Hiền Lương (huyện
Hạ Hòa), đi qua xã Quân Khê vào xã Vân Hội (5km) là đến Di tích.
Lịch sử Di tích
Theo sách địa danh và tài liệu lưu trữ về làng xã Bắc Kỳ
(Trung tâm thông tin, lưu trữ quốc gia), Vân Hội là làng thuộc sách Đại Lịch,
huyện Văn Chấn. Xã Vân Hội thành lập ngày 6/6/1988 trên cơ sở chia tách xã Việt
Hồng thành 2 xã Việt Hồng và Vân Hội. Trải qua thời gian, xã Vân Hội ngày nay
đã có nhiều thay đổi về địa danh, địa giới.
Làng Vân Hội xưa thuộc tổng Đại Lịch, huyện Văn Chấn. Đến
năm 1900, đổi thành xã Minh Phú, tổng Lương Ca, huyện Trấn Yên. Tên “Vân Hội”
theo nghĩa Hán là vùng đất hội tụ mây lành (mây lành che chở). Nơi đây, sơn thủy
hữu tình, phía Bắc được chắn bởi núi Muỗi, núi Chuối.
Phía Tây được hệ thống núi Bụt, núi Nả, núi Kìm bao bọc.
Phía Đông, phía Nam thông ra cánh đồng và là nơi hợp lưu của 3 con ngòi: Ngòi Vần
(ngòi Vân - như dải mây), được hợp lưu bởi ngòi Mon, ngòi Lĩnh, dưới chân đồi
Long Ẩn (Rồng ẩn).
Đây là điểm nằm trên trục tâm đạo từ núi Muỗi sang núi Nả,
hướng Đông Bắc - Tây Nam (đồi giữa cánh đồng lúa xưa nay nổi lên trên mặt hồ).
Nơi đây cảnh sắc thiên nhiên rất tươi đẹp, thích hợp cho dựng ngôi chùa thờ Phật,
là điểm nhấn của khu du lịch.
Núi Bụt, theo truyền thuyết xưa có ngôi chùa nhỏ, thờ Phật
có từ lâu đời. Đến thời Lê, với truyền thuyết Núi Nả. Công chúa nhà Lê kết
duyên với người thợ buôn bè tên Phạm Đình Yên. Tương truyền, khi về quê chồng,
công chúa đã vào ngôi chùa dưới chân núi Bụt (Phật) làm lễ và vượt đèo gỗ vào
trong làng Dọc thì người hầu bị trăn cuốn chết.
Ông Yên nghe lại tưởng công chúa chết, vội lên đường đi tìm
thì bị ngã ngựa tử nạn. Công chúa đau buồn, lên núi Nả tu hành và hóa tại đó
nên đời sau nhân dân gọi nơi đây là Núi Nả, hay núi bà chúa Nả.
Núi Kìm, theo tiếng Tày là núi Mặn, liên quan đến khu núi
này có đền thờ rất thiêng.
Ngòi Vân (ngòi vần) là phụ lưu lớn của sông Hồng chảy từ núi
Bụt ra cửa Long Ẩn, qua Hiền Lương, ra sông Thao. Nơi gần cửa sông này có đền Mẫu
tổ Âu Cơ thờ mẫu xứ sở, đánh dấu bước chuyển biến thờ mẹ của người Việt, từ thờ
mẹ đấng vô cùng, mẹ trời, mẹ rừng, mẹ đất, mẹ nước sang thờ mẹ xứ sở sản sinh
ra con cháu dòng giống tiên rồng dân tộc Việt.
Căn cứ vào các tài liệu dân tộc học, cho ta thông điệp những
ngọn núi thiêng như núi Kìm, núi Bụt, núi Nả là sự khởi nguồn của ngòi Vần -
con nước chuyển tải văn hóa thờ Mẫu Âu Cơ linh thiêng.
Khu di tích (phế tích) đã được phát hiện vào tháng 10/2015,
Bảo tàng tỉnh được nhân dân cung cấp thông tin phát hiện nhiều hiện vật bằng gốm,
nằm rải rác trên quả đồi vùng cấm thuộc thôn 6, xã Vân Hội, huyện Trấn Yên.
Bảo tàng tỉnh đã đào thám sát một hố có diện tích 5m2, kết
quả khai quật phát hiện nhiều gạch cổ, đồ thờ bằng gốm có niên đại khoảng 500
năm (thời Lê), thông qua hiện vật cho ta thấy nơi đây có sự hiện diện của kiến
trúc cổ đền, chùa, đình. Đồng thời, với những nghiên cứu văn hóa dân gian của
Trung tâm quản lý di tích và phát triển du lịch cho thấy những địa danh (tên
núi, đồi, ngòi, suối, khe, đồng ruộng) có dấu ấn của khu di tích ngàn xưa, gắn
với truyền thuyết về mẹ Âu Cơ của thời đại Hùng Vương dựng nước rực rỡ ví như
ngòi Vân (sau này đổi thành ngòi vần) như dải mây kết từ "tam sơn",
núi Phật (núi Bụt), núi Nả (bà chúa Nả), núi Kìm (núi thiêng), chảy uốn lượn ra
cửa sông Thao thuộc địa phận xã Hiền Lương, Hạ Hòa, Phú Thọ, nơi đời sau chọn
xây đền tổ Mẫu, tính tượng trưng này gắn với dải lụa đào của mẹ Âu Cơ khi hóa
thân về trời, còn vương lại dải yếm đào vắt ngọn đa.
Trong dòng chảy của văn hóa Việt có văn hóa của sắc tộc thiểu
số đặc biệt là người Tày cùng với người Việt (người Kinh) gây dựng thành công
nhà nước Văn Lang, Âu Lạc trước đây, việc lập các đền thờ để thờ các đấng vô
cùng, trong đó đền Mẫu là phổ biến, các địa điểm thường từ đầu nguồn các dòng
sông, ngọn suối (liên quan đến săn bắt, hái lượm). Sau này kéo dần về hạ nguồn
do nhu cầu canh tác, quần cư, trồng lúa nước phải chọn đất bằng, rộng hơn thì
các vùng đền thờ được di theo đến các vùng đất mới.
Đền Âu Cơ hiện nay cách Vân Hội khoảng 5km, cuối nguồn ngòi
vần cho ta thông tin về một ngôi đền cổ thờ Mẫu ngàn xưa có thể từ địa điểm khảo
cổ tại thôn 6, xã Vân Hội, đầu đầm Vân Hội đã phát hiện năm 2015.
Theo như cách tính niên đại trong tiến trình lịch sử Việt
Nam thì thời kỳ Hồng Bàng; Hùng Vương với nhà nước Văn Lang (đóng đô ở Phong
Châu), Thục Phán với nhà nước Âu Lạc (đóng đô ở Cổ Loa) ứng với văn hóa Đông
Sơn và tiền Đông Sơn (khoảng 2000 TCN-100) với các giai đoạn Phùng Nguyên, Đồng
Đậu, Gò Mun, Đông Sơn.
Trong giai đoạn này ở vùng Yên Bái, có phát hiện khá phong
phú, đa dạng các loại hình di tích, di vật có giá trị dọc theo đôi bờ sông Hồng.
Có thể kể đến, thạp đồng Đào Thịnh và Hợp Minh..., các di chỉ ở Tuần Quán, Xóm
Soi, Hợp Minh tìm thấy chỉ cách Vân Hội khoảng hơn 10 km. Qua những hiện vật đặc
sắc thu được, có thể khẳng định: giai đoạn này, ở Yên Bái đã tồn tại một thế lực
hùng mạnh. Cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của cư dân cổ trên vùng đất này.
Với vô vàn những câu chuyện truyền miệng ở vùng Vân Hội mà
ta có được cùng với những chứng cứ vật chất đã được khai quật trong buổi đầu của
thời kỳ lập quốc này phần nào đã chứng minh sự tồn tại của các thế lực hùng mạnh
trong vùng cũng như đánh dấu công lao của quốc Mẫu ở vùng đất này.
Vân Hội - vùng đất tụ mây lành che chở. Nơi đây, sơn thủy hữu
tình, phía Bắc được chắn bởi núi Muỗi, núi Chuối; phía Tây hệ thống núi Bụt
(núi Phật), núi Nả, núi Kìm bao bọc tạo thành thế “tả thanh long, hữu bạch hổ”.
Phía Đông, phía Nam trải rộng ra cánh đồng Yếng và là nơi hợp lưu của 3 ngòi:
Ngòi Vần (ngòi Vân - như dải mây), ngòi Mon, ngòi Lĩnh cùng tụ thủy dưới chân đồi
Long Ần (Rồng ẩn), đây là điểm nằm trên trục tâm đạo từ núi Muỗi sang núi Nả,
hướng Đông Bắc - Tây Nam.
Vân Hội bốn hướng được các núi Bụt, núi Nả, núi Kìm, núi Muỗi
và núi Quẽ trấn giữ, ở giữa có đồi Long Ấn (Rồng ẩn). Núi Nả, núi Bụt, núi Kìm
là nơi khơi nguồn của ngòi vần - con nước như dòng sữa mẹ nuôi dưỡng tư tưởng,
tâm hồn, đạo lý, khát vọng của người dân nơi đây hòa cùng dòng chảy văn hóa tín
ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ.
Như vậy, có thể thấy về phong thủy vùng đất Vân Hội xưa và
nay rất đắc địa, là vùng đất “địa linh”, nơi hội tụ linh khí thiêng liêng của đất
trời... nếu biết khai thác hết tiềm năng, thế mạnh chắc chắn sẽ phát tích làm
nên nghiệp lớn, xây dựng Vân Hội phát triển trở thành trung tâm kinh tế, văn
hóa, du lịch.
Vân Hội còn là vùng đất đậm đặc văn hóa dân gian, ẩn chứa những
huyền tích, huyền thoại... truyền thuyết công chúa Liễu Hoa nhà Lê kết duyên với
Phạm Đình Yên, gắn với núi Nả, núi bà Chúa Nả (hiện nay vẫn còn địa danh núi Nả);
truyền thuyết Mẫu Âu Cơ vẫn còn lưu truyền gắn với Ao Xanh, đồi Long Ẩn, đền thờ
ở núi Kìm (núi thiêng); truyền thuyết nàng tiên giáng trần xuống vãn cảnh Thác
Quẽ và tắm Ao Xanh; đình Đồng Chão, đình làng Yếng gắn với những huyền tích từ
xa xưa và gắn với phong trào cách mạng chống Pháp ở địa phương.
Di tích Đình Minh Phú:
Theo “Tiền kinh khai khẩn” và “Chúc thư” của cụ Phạm Đình
Liên, chép ngày 24/11 năm Canh Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng 21 (1726), do tiến sỹ
hán nôm Hoàng Thị Ngọ dịch, liên quan đến các vị thờ tại đình làng Dọc (xã Việt
Hồng, huyện Trấn Yên) và đình Bằng Là (xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn), cụ Phạm Bá
Vậy (1687 - 1746) từ xã Kinh Chủ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương lên vùng đất
sách Đại Lịch thời vua Lê - Chúa Trịnh (năm 1705), khi đó vùng đất này chưa có
làng bản.
Cụ chiêu dân lập thành 6 mường, 7 bản (lục mường, thất bản),
rất có thể làng Minh Phú, làng Vân Hội được lập thời gian này và chắc cụ Phạm
Bá Vậy có ý đặt tên làng Minh Phú, làng Vân Hội gắn với đặc điểm khí hậu, địa
hình và mong dân giàu sang, phú quý.
Minh Phú: ý nói vùng đất sáng, biết khai phá sẽ phú quý,
giàu sang. Có lẽ vì thế mà cụ Phạm Bá Vậy đặt tên làng là Minh Phú.
Vân Hội: Vân là mây. Hội là nước chảy vào; dân bỏ người cai
trị chạy trốn đi gọi là hội.
Như vậy, có thể hiểu khi xưa vùng đất này mây mù che chở,
bao phủ, có 3 ngòi nước chảy về và tâm trạng của dòng họ Phạm bỏ quê ra đi nên
đã đặt tên làng Vân Hội. Khi cụ Phạm Bá Vậy cùng với một số người từ Hải Dương
lên mở đất, khai sơn phá thạch vùng đất Minh Phú, Vân Hội xưa, tuy là cư dân
vùng đồng bằng Bắc Bộ khi lên vùng đất mới nhưng vẫn còn giữ được nét sinh hoạt
tín ngưỡng vùng quê Bắc Bộ nên dựng đình để dân làng cầu mong Thành Hoàng che
chở, phù hộ mọi điều tốt lành cho dân làng. Như vậy, đình Minh Phú có thể khởi
dựng vào những năm đầu thế kỷ XVIII, từ 1710 - 1725.
Kiến trúc đình: đình 3 gian, hình chữ Nhất, cột gỗ to, lợp cọ,
xung quanh lịa ván gỗ làm vách; bên trong đình có 3 ban thờ: 1 ban thờ ở gian
chính giữa, 2 ban thờ ở hai đầu hồi; ban thờ chính giữa chia thành 3 cấp, có
ngai thờ, hạc đồng, ống hương… và nhiều bát
nhang.
Chùa Minh Phú - “Minh Phú tự”:
Người Việt có quan niệm “đất vua chùa làng”, "trẻ vui
nhà, già vui chùa”, là cư dân nông nghiệp vùng Trung du và đồng bằng Bắc Bộ,
ngoài đời sống văn hóa tín ngưỡng - tâm linh bản địa, còn ảnh hưởng của Đạo Phật
từ lâu đời, sâu rộng đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nên khi đến định
cư vùng đất Vân Hội xưa, do nhu cầu tín ngưỡng - tâm linh nhân dân đã xây dựng
chùa.
Ngày 13/6/2016, Bảo tàng tỉnh Yên Bái đã đào thám sát 2 địa
điểm thôn 6, xã Vân Hội, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Qua đào thám sát có thể
nhận thấy từ khu vực chân đồi đến đỉnh đồi đều phát hiện được các hiện vật khảo
cổ học giai đoạn lịch sử phong kiến. Hiện vật thu được trong hố thám sát chủ yếu
gồm 02 nhóm chính là mảnh sành và mảnh gốm men. Mỗi nhóm lại được chia thành
các kiểu loại nhỏ dựa vào tình trạng và chất liệu từng loại.
Theo thạc sỹ Phạm Thanh Sơn, Viện Khảo cổ học - Viện Hàn lâm
Khoa học Xã Hội Việt Nam: Trong cả 02 hố thám sát tại địa điểm thôn 6, xã Vân Hội,
huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, loại hình di vật thu được ở các hố đều có sự
tương đồng về chất liệu và niên đại khoảng từ thế kỷ XV - XVI. Dưới lớp cỏ đã
thu được nhiều mảnh ngói đất nung, mầu đỏ nhưng mủn do nhiệt độ nung không cao.
Tuy vậy, trong hố thám sát cũng phát hiện được lon sành có niên đại thuộc nửa
thế kỷ XIV.
Từ kết quả đào thám sát phát hiện di vật và đối chiếu với
các tư liệu có thể xác định chùa Minh Phú là một ngôi chùa cổ khởi dựng từ cuối
thời Trần, đầu thời Lê (cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV). Đặc điểm của chùa Minh
Phú: cột gỗ, lợp ngói, kiến trúc nhỏ, đơn giản, là thiết chế Phật giáo, nằm
ngay trong làng Minh Phú xưa.
Nguyên nhân chùa bị hỏng: Có thể kiến trúc nhỏ nên khi bị
gió bão, lốc mạnh đã làm chùa Minh Phú đổ sập hoặc bị hỏa hoạn thiêu rụi.
Đền Minh Phú - “Minh Phú Từ”:
Đền Minh Phú, thời gian xây dựng cũng như thời gian, nguyên
nhân bị hỏng không hoạt động chưa xác định được năm cụ thể. Qua đào thám sát
phát hiện các di vật bằng gốm men và đồ sành tại khu vực Di tích. Theo thạc sỹ
Phạm Thanh Sơn, Viện Khảo cổ học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam có thể
khẳng định: các di vật có niên đại khoảng thế kỷ XV - XVI.
Hiện nay tại xã Vân Hội có núi Mặn, theo tiếng Tày mặn ý nói
ở trên núi rất thiêng, nếu ai làm nhà ở sẽ bị ma quỷ, thần thánh quấy nhiễu,
nên hàng chục năm qua không có ai dám làm nhà trên núi Mặn. Các cụ già trong xã
cho biết, xưa trên núi có một ngôi đền thờ Mẫu rất linh thiêng. Căn cứ di vật
đào được tại thôn 6, xã Vân Hội có thể đền (miếu) Minh Phú khởi dựng vào thời
Lê. Di tích đền Minh Phú là một thiết chế tín ngưỡng dân gian; khởi nguồn là một
miếu nhỏ, qua quá trình phát triển về dân số và nhu cầu hoạt động tín ngưỡng,
tâm linh của người dân nên chuyển thành đền.
Những nhân thần được thờ tự
- Nhân thần được thờ đình Minh Phú: Thờ “Tam vị thượng đẳng
thần Cao Sơn Đại Vương”, đó là ba vị thần: Tản Viên Sơn Thánh (còn có tên gọi
là Sơn Tinh), Quý Minh Đại Vương và Thần Cao Sơn (hay Cao Sơn Địa Vương). Tam vị
Cao Sơn Đại Vương đã trở thành Thành Hoàng và được nhân dân Việt Nam thờ phụng
từ lâu đời.
Nhân thần được thờ đền Minh Phú “Minh Phú Từ”: Thờ Mẫu. “Mẫu”
- là “Bà Mẹ Thiêng liêng” với quyền năng vô bờ bến. Về tín ngưỡng thờ Mẫu,
người dân Minh Phú chịu ảnh hưởng của thờ Mẫu Âu Cơ và thờ Mẫu đệ Nhị Thượng
Ngàn (đền Đông Cuông), Mẫu Thượng Thiên (Mẫu Liễu Hạnh), Mẫu Thoải.
Các hiện vật trong di tích
- Các hiện vật đình Minh Phú: Lon gốm đất nung đường kính từ
8cm - 15cm, cao 12cm - 20 cm; 03 sắc phong của vua Khải định cho đình Minh Phú:
Đạo sắc phong số 1; Đạo sắc phong số 2; Đạo sắc phong số 3.
- Các hiện vật chùa Minh Phú tự: Không còn các hiện vật.
- Các hiện vật đền Minh Phú “Minh Phú Từ”: Không còn các hiện
vật.
Phong tục lễ hội
Lễ hội đình Minh Phú
Trong năm tại đình diễn ra nhiều lễ hội, nhưng lễ chính vào
ngày rằm tháng giêng và rằm tháng bảy.
Trong dịp lễ rằm tháng giêng và tháng bảy, dân làng có tổ chức
rước lễ từ đình Minh Phú vào đình Bằng Là (nay thuộc xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn),
để tưởng nhớ, tri ân công ơn của cụ Phạm Bá Vậy - tức Phạm Văn Giã người có
công chiêu dân khai khẩn lập làng, lập mường. Và rước lễ từ đình Minh Phú vào
đình làng Dọc để tưởng nhớ, tri ân công ơn của cụ Phạm Đình Lực (tức Phạm
Bá Lực), người có công lập làng, khai phá làng Dọc, được vua giáng chỉ phong
hàm “Tiền Kinh Khai Khẩn”, Thụy phong cấp 2 là “Thượng Ngàn Đại Sơn Nhân Thần”,
năm Đinh Sửu niên hiệu Cảnh Hưng Thập Bát Niên thứ 18.
Lễ hội Chùa Minh Phú
Theo nghi lễ Phật giáo, lễ hội được tổ chức vào các ngày:
- Tết Nguyên Tiêu
- Tết Phật Đản
- Tết Trung Nguyên
* Lễ hội đền Minh Phú: tổ chức vào các ngày:
- Rằm tháng Giêng - Tết Thượng Nguyên.
- Lễ thờ Mẫu (3/3 âm lịch)
- Tết Trung Nguyên
- Lễ Đức Thánh Trần (20/8 âm lịch)
Trải qua thời gian, biến cố thăng trầm của lịch sử, chùa, đền,
đình Minh Phú không còn, chỉ còn lại dấu tích và chỉ còn trong tâm thức của mỗi
người dân Vân Hội và trong vùng. Nhưng với tinh thần tôn trọng lịch sử, tự hào
dân tộc, để truyền thống nối tiếp lịch sử không ngừng trong dòng chảy văn hóa Đại
Việt, xã Vân Hội đã bảo quản giữ gìn nguyên vẹn 3 đạo sắc phong của vua Khải Định,
thường xuyên giáo dục lịch sử truyền thống văn hóa cho các thế hệ.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và
phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất
nước”, xã Vân Hội đã ban hành Nghị quyết, kế hoạch về lập hồ sơ xếp hạng di
tích chùa, đền, đình Minh Phú nhằm phục dựng bảo tồn và phát huy giá trị di
tích, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch văn
hóa tâm linh gắn với du lịch văn hóa cộng đồng sinh thái, đồng thời đáp ứng nhu
cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân trong và ngoài địa phương.
Năm 2016, xã Vân Hội đã cùng với Bảo tàng, Trung tâm quản lý
Di tích và Phát triển du lịch tỉnh đào, tham sát, xác định các tầng văn hóa,
sưu tầm, nghiên cứu lập hồ sơ khoa học di tích và quy hoạch 18.967,5m2 đất để
phục dựng lại di tích chùa, đền, đình Minh Phú. Do đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên
Bái đã công nhận chùa - đền - đình Minh Phú, xã Vân Hội, huyện Trấn Yên là Di
tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.