Theo số liệu thống kê bước đầu của Sở VHTTDL, các di tích thờ Triệu Việt
Vương có ở khắp các huyện, gồm: Giao Thủy (12 di tích), Hải Hậu (8 di
tích), Nam Trực (18 di tích), Nghĩa Hưng (5 di tích), Trực Ninh (7 di
tích), Ý Yên (5 di tích), Vụ Bản (3 di tích), Xuân Trường (3 di tích),
Mỹ Lộc (1 di tích). Số lượng di tích thờ phụng dày đặc đã khẳng định
những đóng góp to lớn của Đức Thánh Triệu với lịch sử hình thành, phát
triển của quê hương, đất nước.
Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia Đình Phạm Xá, xã Yên Nhân (Ý Yên) thờ Đức Thánh Triệu Việt Vương.
Giá trị lịch sử của tín ngưỡng
Thân thế, sự nghiệp của Đức Thánh Triệu Việt Vương được ghi ghép đầy đủ
trong các bản thần tích, hệ thống văn bia, câu đối, đại tự hiện được
lưu giữ tại nhiều di tích trên địa bàn tỉnh. Nội dung các nguồn tư liệu
cổ đều thống nhất, khẳng định di tích lịch sử - văn hóa Đền Độc Bộ, xã
Yên Nhân (Ý Yên) thuộc khu vực cửa biển Đại Nha xưa (nay là ngã ba sông
Đào, sông Đáy) là nơi Triệu Việt Vương tuẫn tiết. Địa danh làng Độc Bộ
và di tích Đền Độc Bộ đã được các nhà sử học, học giả nghiên cứu văn hóa
tín ngưỡng và người dân trong vùng gọi bằng duệ hiệu tôn kính “Chính
Miếu”, coi đây là trung tâm tín ngưỡng thờ phụng Đức Thánh Triệu Việt
Vương. Trước kia, khi mới xây dựng, Đền Độc Bộ có quy mô nhỏ, nằm sát
mép sông Đáy. Đến năm 1577, Đền được chuyển đến nơi có thế đất bằng
phẳng, rộng rãi. Trải qua các triều đại phong kiến, Đền được tu sửa
nhiều lần. Trong thời kỳ Pháp thuộc, địch đã phá Đền Độc Bộ lấy vật liệu
xây đồn bốt. Năm 1957 dân làng Độc Bộ đã công đức phục dựng lại Đền. Từ
đó đến nay, Đền nhiều lần được trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ nguyên
kiểu dáng kiến trúc gốc “tiền chữ Nhất, hậu chữ Công”. Điểm đặc biệt ở
Đền Độc Bộ là pho tượng Triệu Việt Vương bằng đồng ngồi trên bệ đá cao
1,6m, đầu đội mũ, mình tạc áo long bào chạm khắc tinh xảo theo phong
cách nghệ thuật thời Nguyễn. Ngoài ra, Đền còn lưu giữ được nhiều câu
đối, văn bia, đại tự và các đạo sắc phong của các triều đại từ thời Vua
Lê Hiển Tông (1783) đến thời Vua Khải Định (1924)… Ngoài Đền Độc Bộ là
nơi ghi dấu sự hiển linh, hóa thánh của Vua Triệu, trên địa bàn xã Yên
Nhân còn có 3 di tích phụng thờ ngài được Nhà nước xếp hạng. Qua khảo
cứu các cổ vật, hiện vật tại Đền Tự Lạc, xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường),
văn bia “Phúc thần bi minh” lưu giữ tại di tích có ghi: “Vua Tự Đức ra
chiếu chỉ cho các xã dọc vùng duyên hải tôn thờ thần hiệu Triệu Thánh
Vương (tức Triệu Quang Phục) để cầu xin sự bảo hộ. Các xã đều kính cẩn
vâng theo”. Cư dân các vùng đất mới tuân theo Chiếu của Vua mà tìm về
nơi “Chính Miếu” - Đền Độc Bộ để xin rước chân nhang, thần hiệu của ngài
về thờ phụng tại quê hương với mong muốn mưa thuận, gió hòa, cây cối
tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ, hạnh phúc… Từ đó, tín
ngưỡng thờ Đức Thánh Triệu đã lan tỏa rộng khắp các vùng quê biển và một
số vùng lân cận trong và ngoài tỉnh, tạo thành một hệ thống di tích dày
đặc, tín ngưỡng phổ biến như ngày nay.
Tăng cường quản lý, bảo vệ di tích
Thực hiện Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Di sản văn hóa và các văn bản
về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của
Chính phủ, Bộ VHTTDL, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số
19/QĐ-UBND ngày 7-7-2017 về phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá
trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh, Quyết định số
2330/QĐ-UBND ngày 17-10-2017 về phê duyệt, công bố danh mục kiểm kê di
tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh. Các văn bản được Sở VHTTDL,
các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương triển khai thực hiện
nghiêm túc, đúng quy trình, phân công cụ thể trách nhiệm của các cấp,
các ngành, các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy
giá trị của từng loại hình di sản văn hóa; trong đó có tín ngưỡng thờ
Đức Thánh Triệu Việt Vương gắn với hệ thống các di tích liên quan đến
tín ngưỡng này. Đây là công cụ pháp lý góp phần thực hiện tốt công tác
quản lý Nhà nước về di sản, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng
đồng đối với các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương.
UBND tỉnh đã ban hành các quy định về việc tiếp nhận hiện vật, đồ thờ tự
và các linh vật phù hợp với văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của dân tộc;
huy động sự đóng góp của toàn xã hội để gìn giữ, bảo tồn, phục hồi di
tích, phát huy giá trị di sản. Các địa phương trong tỉnh tiếp tục rà
soát, kiểm kê, tổng hợp các di tích thờ, phối thờ Đức Thánh Triệu Việt
Vương, nghiên cứu xây dựng hồ sơ di tích trình UBND tỉnh, Bộ VHTTDL xếp
hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia. Đối với các di
tích được Nhà nước xếp hạng, các địa phương đều thành lập Ban quản lý di
tích, thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức, quản lý lễ hội theo nếp
sống văn minh, đảm bảo cảnh quan môi trường văn hóa, an ninh trật tự,
ngăn chặn bài trừ mê tín dị đoan, khôi phục các hoạt động văn hóa, thể
thao dân gian. Chính quyền các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động
bảo tồn, chống xuống cấp di tích; tăng cường tuyên truyền các quy định
pháp luật về di sản văn hóa. Từ nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và sự
đóng góp của nhân dân, nhiều di tích thờ Triệu Việt Vương đã được trùng
tu, tôn tạo với kinh phí hàng chục tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt
văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân. Tiêu biểu như: Đền Độc Bộ,
Đình Phạm Xá (Ý Yên); Đền Tam Thôn (Trực Ninh); Đình Vuông, Đình Thanh
Khiết, Đình Đan Phượng, xã Giao Yến (Giao Thủy)…
Phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng
Lễ hội truyền thống ở các di tích thờ Triệu Việt Vương được tổ chức vào
dịp trung tuần tháng 8 âm lịch để tưởng niệm ngày mất của ngài. Lễ hội
Đền Độc Bộ, xã Yên Nhân (Ý Yên) tổ chức từ ngày 12 đến 15-8 (âm lịch)
hàng năm có nhiều sinh hoạt tín ngưỡng độc đáo. Trong dịp lễ, với ý
nghĩa là “Chính Miếu”, đại diện các di tích thờ Đức Thánh Triệu ở trong
và ngoài tỉnh đã về Đền Độc Bộ làm lễ cáo yết, xin phép khai hội. Là lễ
hội có quy mô lớn của vùng nên công tác quản lý, tổ chức lễ hội được
ngành VHTTDL tỉnh, chính quyền và nhân dân xã Yên Nhân tổ chức đảm bảo
trang nghiêm, văn minh. Vào ngày chính hội 13-8 (âm lịch), tại Đền Độc
Bộ diễn ra nghi lễ rước kiệu bát cống của các làng trong xã. Sau khi
đoàn rước về tới Đền, tất cả các kiệu được chầu ở sân đền đặt hướng về
nơi Triệu Việt Vương tuẫn tiết. Bát nhang Đức Thánh Triệu được rước vào
đền làm lễ nhập tịch. Vào giờ Ngọ (12 giờ trưa) diễn ra nghi thức tế
“Tam kỳ giang” ở ngã ba sông (cách đền chừng 200m - nơi hợp lưu giữa ba
dòng nước: sông Đào, sông Đáy và cửa biển). Nghi thức này có sự tham gia
của đông đảo thuyền bè của người làm nghề sông nước các tỉnh: Nam Định,
Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá... Chủ tế là người làng Độc Bộ đứng ra
điều hành các nghi thức cúng tế. Nghi thức tế “Tam kỳ giang” gồm 2 tuần
lễ (khóa lễ): tế Thiên địa (trời đất) cầu cho mưa thuận, gió hoà, cây
cối tốt tươi, mùa màng bộ thu, cuộc sống no đủ và tế Thánh (đọc Chúc văn
ca ngợi công đức Triệu Việt Vương và lễ rước nước). Sau khoảng 2 giờ tế
lễ trên sông, các đội tế rước nước về Đền tiếp tục chương trình lễ hội.
Cùng với các nghi thức truyền thống trang nghiêm, lễ hội còn có nhiều
hoạt động văn hoá văn nghệ dân gian sôi nổi như: ca trù, hát chèo, thi
làm cỗ chay, cờ tướng, tổ tôm điếm, bắt vịt, kéo co, chọi gà, bơi chải…
Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Triệu Việt Vương gắn với các di tích, lễ hội
truyền thống ở tỉnh ta mang đặc trưng văn hóa tín ngưỡng của cư dân nông
nghiệp lúa nước vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đặc biệt nghi thức
tế lễ “Tam kỳ giang” trên sông là nét đẹp văn hóa độc đáo mà ít địa
phương trong cả nước duy trì tổ chức được với quy mô lớn. Hàng năm, lễ
hội tại các di tích thờ đức Thánh Triệu Việt Vương ở tỉnh ta thu hút
đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh về dự, qua đó tạo hiệu ứng tích
cực trong thực hiện định hướng phát triển loại hình du lịch tâm linh./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng