Di tích Nghè Bừng, thờ phụng Thánh hoàng làng Cao Sơn Đại vương – Quý Minh Đại vương, nơi ghi dấu truyền thống cách mạng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Nghè tọa lạc trên địa phận làng Bừng, xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang, Tỉnh Bắc Giang.
Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, làng Bừng thuộc xã
Chuyên Mỹ, tổng Mỹ Thái, huyện Bảo Lộc, phủ Lạng Giang. Từ thàng phố Bắc Giang
theo trục đường quốc lộ 1A đi khoảng 10 km đến thị trấn Vôi, rẽ trái khoảng 6km
là đến xã Tân Thanh, nơi di tích Nghè Bừng tọa lạc.
Làng Bừng là một vùng quê giầu truyền thống lịch sử, với địa
hình bán sơn địa, hiểm trở nên từ rất sớm các cán bộ cách mạng đã về đây gây dựng
phong trào. Có thể coi nơi đây là căn cứ an toàn, là cửa ngõ, cầu nối của chiến
khu Việt bắc trong những năm hoạt động cách mạng của Đảng.
Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, đời sống người dân nơi
đây còn nghèo khổ, nhưng sớm giác ngộ cách mạng, nhiều gia đình đã nuôi giấu
cán bộ cách mạng như gia đình ông Giáp Văn Oanh và gia đình ông Hoàng Hoa Phẩm.
Năm 1937, cán bộ cách mạng ở Trung ương và địa phương đã lui tới Làng Bừng để
hoạt động và gây dựng phong trào cách mạng. Vùng đất nơi đây ghi danh nhiều cán
bộ lão thành như đồng chí: Hà Thị Quế, Nguyễn Thanh Bình, Hà Văn Tấn…
Làng Bừng không chỉ giàu truyền thống cách mạng, mà còn mang
vẻ đẹp của một làng quê Việt cổ với cây đa, giếng nước, và những công trình kiến
trúc tôn giáo, tín ngưỡng có giá trị văn hóa, truyền thống, trong đó có di tích
Nghè Bừng.
Nghè được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ thứ XVIII),
gồm một gian hai chái, bốn mái có kết cấu theo kiểu kẻ tràng, chồng rường. Nền
lát gạch, mái lợp ngói mũi, cửa bức bàn. Khán thờ, ngai thờ Nhị thánh Cao Sơn –
Quý Minh được giữ gìn nguyên vẹn, cẩn thận cho đến ngày nay.
Trong Nghè còn lưu giữ bức tượng Cao Sơn trong tư thế ngồi
trên ngai, được tạc bằng chất liệu gỗ; một nồi hương đá có trang trí lưỡng long
trầu nguyệt và 4 chữ hán “Thần miếu Chuyên Mỹ” có kích thước cao 0,22m, rộng
0,2m. ngoài ra còn có một bàn thờ kiểu chân quỳ dạ cá sơn son thiếp vàng, ở bốn
góc có 4 bức chạm rồng, sau có chạm phượng múa và một số đồ thờ bằng gỗ, bình
hương cổ thời Lê, thời Nguyễn. Đặc biệt trong Nghè còn lưu giữ một số câu đối
có giá trị:
“Vạn cổ anh linh lưu Bắc địa
Nhất sinh trung tiết trấn Nam thiên”
Có nghĩa là:
Muôn thủa anh linh lưu truyền đất Bắc
Một đời trung tiết trấn giữ trời Nam
Và
“Tuế nguyệt tri ân, nhân hào kiệt
Nhật thời cung kính vị anh linh”
Có nghĩa là:
Năm tháng đề nhớ ơn anh hùng hào kiệt
Thường ngày cứ tỏ lòng cung kính vị anh hùng linh thiêng
Nghè Bừng cùng khu di tích đình, chùa Bừng là một quần thể
các hạng mục công trình văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân địa phương.
Hàng năm, vào ngày mùng 10 và 11 tháng Giêng, lễ hội nghè Bừng lại được tổ chức
long trọng. nức tiếng gần xa, không chỉ thu hút người địa phương mà còn người
dân trong toàn xã cùng khách thập phương đi dự lễ hội đầu xuân, thắp hương dâng
lễ để tưởng nhớ đến những anh hùng dân tộc đã có công lao to lớn với quê hương,
đất nước.
Trong phần lễ có “lễ Mộc dục” (lễ tắm tượng đức thánh cả Cao
Sơn). Đây là phần lễ khá đặc trưng, công phu với nước lá thơm được đun sôi và
người tắm phải là người cao tuổi, có uy tín trong làng, không vướng tang, vợ chồng
hòa thuận, con cháu đề huề.
Bên cạnh phần lễ, phần hội diễn ra khá đặc sắc với những trò
chơi hấp dẫn thể hiện nét sinh hoạt văn háo dân gian làng quê như: Vật, cướp cầu
cạn, thi đấu vật, kéo co, kéo chữ, đấu cờ, bắt phỗng và nhiều tiết mục văn nghệ,
thể thao diễn ra.
Với những giá trị quý giá ấy, nghè Bừng được UBND tỉnh Băc
Giang quyết định xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa (Quyết định số 172/QĐ-CT
ngày 02 tháng 02 năm 2005).