Ba anh em họ Đào hay còn gọi là Đào Tam Lang là những danh tướng có nhiều công lao trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi non sông ngay từ những năm đầu công nguyên, thời Nhị Vua Hai Bà Trưng.
Sự tích, lai lịch của các vị thành hoàng làng được ghi chép
rất tỷ mỷ trong cuốn thần tích hiện còn được lưu giữ trong di tích Nghè Lê Xá,
xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm.
Ba anh em họ Đào hay còn gọi là Đào Tam Lang là những người
đã có nhiều công lao trong việc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi non sông
ngay từ những năm đầu công nguyên. Tinh thần yêu nước, thương nòi của các vị
thành hoàng bắt nguồn từ truyền thống quý báu được hun đúc, kết tinh lại thành
sức mạnh dân tộc mỗi khi đất nước có giặc ngoại xâm.
Sách Lịch sử Việt Nam tập I – NXBKHXH nhận định: “…đó
là sự kết tinh của quá trình đấu tranh có khi âm thầm, khi công khai của nhân
dân Việt Nam, đó là một phong trào nổi dậy của toàn dân, vừa quy tụ, vừa tỏa rộng
trên toàn cõi Âu Lạc, là bằng chứng hùng hồn của tinh thần yêu nước, yêu tự do
cũng như khí phách quật khởi của nhân dân ta hồi đó”, “…đó là tia lửa nhen lên
tinh thần yêu nước Việt Nam vô địch, coi độc lập dân tộc là cái quý báu nhất.
Kỷ Trưng Vương không dài nhưng đã mở đầu cho kỷ nguyên mới,
đó là kỷ nguyên đi vào cuộc trường binh nghìn năm chống Bắc thuộc kết thúc bằng
chiến thắng của Ngô Quyền năm 938”.
Có thể nói cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng với sự tham gia
của nhiều tướng lĩnh, trong đó có ba anh em nhà họ Đào đã làm rạng rỡ cho dân tộc
ta và làm rạng rỡ cho Thủ đô Hà Nội. Dân gian cũng còn nhiều câu đối ca ngợi
công tích của ba anh em nhà họ Đào như:
Ải Bắc tức chinh trần, công cao trục Định
Hồ Tây dương nộ lãng, nghĩa trọng phù Trưng
Tạm dịch:
Ải Bắc yên gió bụi can qua, công đầu đuổi Tô Định
Hồ Tây nổi ba đào căm giận, nghĩa nặng phù Trưng Vương
Để tưởng nhớ công ơn của ba anh em họ Đào, nhân dân Đa Tốn
đã lập miếu thờ (Đào Đô Thống thờ ở miếu Sén Tóc, thôn Ngọc Động. Đào Chiêu Hiển
thờ ở Nghè Ông Hai, thôn Lê Xá và Đào Tam Lang thờ ở nghè cũ sau chuyển về nghè
Lê Xá). Về sau, từ thế kỷ XVII trở đi, dân làng Ngọc Động và Lê Xá đã thờ ba
ông làm thành hoàng làng.
Nghè Lê Xá là một công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng
được khởi dựng sớm của nhân dân trong vùng. Qua các đợt nghiên cứu khảo sát,
cho đến nay chưa có tài liệu nào ghi chép cụ thể về niên đại khởi dựng của di
tích.
Căn cứ vào tài liệu Hán Nôm có niên đại sớm nhất còn trong
di tích, đó là đạo sắc năm Cảnh Hưng thứ 28 (1767) có thể nhận định niên đại khởi
dựng của di tích vào thời Lê trước năm 1767 rất lâu và được trùng tu vào các thời
kỳ tiếp theo.
Thời Nguyễn, nghè được trùng tu lớn, thời kỳ cải cách ruộng
đất, nghè bị tàn phá, đến năm 1989 nhân dân địa phương mới khôi phục nghè với
quy mô, diện mạo như ngày nay.
Nghè Lê Xá tọa lạc ở giữa khu trung tâm cư trú của làng. Các
công trình kiến trúc được bố trí hài hòa với cảnh quan môi trường xung quanh.
Phần trang trí trên kiến trúc nhẹ nhàng chủ yếu với các đề tài quen thuộc như
vân mây, vân dấu hỏi, rồng chầu, hoa dây..
Nhà Tiền tế gồm ba gian hai dĩ, xây theo kiểu tường hồi bít
đốc tay ngai, mái lợp ngói mũi hài. Phía trước trổ ba cửa bức bàn không trang
trí hoa văn. Bộ khung gồm bốn bộ vì. Phần trang trí trên kiến trúc chủ yếu là
bào trơn, bào soi không trang trí hoa văn. Phía trên gian giữa treo bức đại tự
“Tham vi tam” hai bên là hai câu đối:
“Tam thánh nhất tâm thu nguyệt Hàn giang lưu nhuận trạch
Nhị thôn bách tính xuân đài Thọ vực nhạ hồng hưu”
Tạm dịch:
Ba Thánh một lòng, trăng thu trên sông Hàn chảy thấm khắp
nơi
Hai thông trăm họ, hoa xuân nơi vực Thọ rước vào điềm lành lớn
Hậu cung gồm hai gian xây theo kiểu tường hồi bít đốc tay
ngai, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh không trang trí. Nền nhà lát gạch
bát, phía trước trổ ba cửa, cửa giữa làm dạng bức bàn, hai cửa bên dạng cửa
nách. Bộ khung tòa hậu cung gồm ba bộ vì được kết cấu theo kiểu “chồng rường”.
Sát hồi tường hậu xây bệ cao để đặt khám thờ các vị thành hoàng làng.
Khám có dạng hình chữ nhật, phía trên chạm bong, chạm nổi,
chạm thủng các đề tài trang trí như rồng chầu mặt trời, tứ linh, tứ quý và cuốn
thư, hoa văn, hổ phù…. Mặt dưới của khám trổ bốn cửa theo dạng “thượng song hạ
bản”.
Bên trong khám là ngai thờ, mũ áo của các vị thành hoàng
làng. Gian ngoài hậu cung xây thêm một bệ thờ thấp hơn để bài trí đồ thờ, hai
bên là hai bộ chấp kích.
Nhà mẫu nằm sát bên phải nghè gồm hai gian nhỏ được nhân dân
địa phương xây lên để thờ Tam toà Thánh Mẫu, một tín ngưỡng bản địa ăn sâu vào
tiềm thức của người Việt. Nhà được xây theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai,
mái lợp ngói ta, bờ nóc, bờ dải không trang trí. Bộ khung gồm ba bộ vì có kết cấu
kiểu “kèo cầu quá giang trốn cột”, nền nhà lát gạch hoa. Gian giữa xây bệ thờ
làm nơi đặt tượng Tam toà thánh mẫu và các tượng cô, cậu.
Trải qua nhiều biến động của lịch sử, nghè Lê Xá còn bảo lưu
được một hệ thống di vật đa dạng và phong phú về chủng loại và chất liệu như đồ
gỗ, đồ đồng, đồ gốm sứ, đồ giấy… mang giá trị lịch sử nghệ thuật cao như 31 pho
tượng lớn nhỏ, ba bức đại tự sơn thếp vàng, hai chuông đồng (trong đó có một
chuông cổ “Quang Khánh tự chung” niên hiệu Minh Mệnh thứ XIX), bốn bia đá, kiệu
bát cống, kiệu long đình, hương án, ngai thờ, cửa võng, khám thờ, bát bửu,
hoành phi, câu đối… mang đặc trưng phong cách nghệ thuật thời Nguyễn và góp phần
làm phong phú kho tàng di sản văn hoá dân gian truyền thống Việt Nam.