(Dân Việt) Làng Ông Hảo (làng Hảo) thuộc xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên là ngôi làng có nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống hàng trăm năm tuổi, nơi đây có những nghệ nhân đời thứ 3 hàng ngày cần mẫn sản xuất ra những chiếc trống trung thu truyền thống với rất nhiều công đoạn thủ công tỉ mỉ đòi hỏi cả sức vóc lẫn độ khéo léo.
Làng Ông Hảo (còn gọi là làng Hảo), xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên từ lâu nổi tiếng với nghề làm trống trung thu. Nhưng theo thời gian, làng nghề dần mai một, hiện cả làng chỉ còn vài hộ theo nghề truyền thống làm trống.
Loại gỗ để làm trống trước kia hay dùng là gỗ mít, nhưng nay sử dụng chủ yếu là gỗ mỡ, cũng có khi làm bằng gỗ bồ đề vì loại gỗ đó xốp hơn, dễ làm hơn. Công đoạn đầu tiên để làm trống là vẽ tâm và vẽ khuôn để làm tang trống.
Trước kia các công đoạn đều làm thủ công, như công đoạn làm thân trống mất rất nhiều thời gian vì phải tỉ mỉ đục đẽo để có được thân trống tròn, chắc, đẹp. Nay có máy cắt, tiết kiệm được tối đa vật liệu, thời gian gia công nhanh và hiệu quả công việc cao.
Cả làng có hơn 1000 nhân khẩu nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 10 hộ làm trống trung thu. Thế hệ làm trống trung thu ở làng cũng toàn các cụ trên 50 tuổi vì thanh niên chủ yếu đi làm tại các khu công nghiệp trong huyện.
"Mấy năm trước, cứ vào đầu tháng 7 là cả làng nhộn nhịp tiếng đục đẽo, tiếng thử trống,... Nay, ít người làm nên đi khắp làng cũng chỉ còn vài hộ bám nghề. Công việc làm trống thì được làm quanh năm để tiêu thụ đúng 1 tháng trung thu", anh Nguyễn Văn Tự nói.
Thân trống sau khi trải qua nhiều công đoạn như làm nhẵn, sơn, phơi, làm kín,... sẽ được mang đi bưng (làm mặt trống).
Công đoạn bưng da được xem là công đoạn cần nhiều kinh nghiệm nhất. Cả làng chỉ còn vài người làm được công việc này. Để mặt trống được căng, được kín, người làm nghề phải dùng toàn thân để căng mặt da cho chắc chắn, một phần cũng là để da tràn kín khắp thân trống.
Mặt trống thường được làm từ da trâu, tiếng trống có vang, có trong hay không một phần là nhờ da. Da khi mua về, sẽ được xẻ từng tảng làm 3 - 4 mảnh sao cho thật đều rồi ngâm trong nước vôi để tẩy màu. Ngâm khoảng 1 tuần thì vớt ra phơi khô, khi đó mặt trống sẽ có màu trắng đục.
Cuối cùng là công đoạn quét sơn và đóng tai. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, vì quét sơn phải đều tay, không được dây ra mặt trống.
Hiện ở làng Hảo thì mọi công đoạn làm trống đều được phân chia cho 1,2 hộ gia đình. Người làm khuôn, người làm mặt và người quét sơn, đóng tai.
"Giá thành của mỗi chiếc trống chỉ dao động 15.000 -60.000 đồng/chiếc, mỗi năm gia đình xuất đi tầm 500 bao, mỗi bao khoảng 200 trống nhỏ hoặc 60 - 70 chiếc trống to. Năm nay thị trường ưa chuộng nên làm bao nhiêu hết bấy nhiêu", anh Vũ Huy Tự chia sẻ với Dân Việt.
Những chiếc trống thành phẩm đủ mọi kích thước sẵn sàng đến các tỉnh thành trên cả nước.