Đình làng Cam Đà, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Ngôi đình có từ thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17-18, thờ phụng Tam Thánh Tản Viên. Đây là một trong những ngôi đình cổ có được nghệ thuật chạm khắc trang trí đỉnh cao thời Lê.
Đình Cam Đà là một trong những ngôi đình cổ của vùng đất xứ
Đoài xưa. Đình được khởi dựng cách đây hơn 300 năm với những kiến trúc nghệ thuật
tinh xảo, độc đáo đặc trưng của thời Lê.
Đình Cam Đà thờ phụng Tam vị Tản Viên Đại vương. Với những
giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo, năm 2004 đình Cam Đà đã được Bộ Văn hóa –
Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc
nghệ thuật cấp quốc gia.
Trải qua biến cố thăng trầm của lịch sử, cùng với sự khắc nghiệt
của thời tiết, khi hậu, sự tàn phá của chiến tranh, nhiều hạng mục của đình Cam
Đà đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập đổ. Trước thực trạng đó, dự án tu
bổ, tôn tạo di tích đình Cam Đà đã được thành phố Hà Nội phê duyệt.
Dự án đầu tư tôn tạo đình Cam Đà gồm 6 hạng mục: Tu bổ sân
vườn tổng thể di tích; Tu bổ nhà đại đình (Đại bái và hậu cung); Tu bổ, tôn tạo
nội thất; Tu bổ, tôn tạo nhà tả vu, nhà hữu vu; Tu bổ, tôn tạo nghi môn; Cải tạo
giếng đình với tổng mức đầu tư hơn 30 tỷ đồng.
Công trình được khởi công ngày 25/11/2022 và hoàn thành vào
ngày 25/12/2023, hoàn thành đúng tiến độ và kế hoạch, đảm bảo các yêu cầu về kiến
trúc truyền thống, kỹ thuật, giá trị kiến trúc nghệ thuật của di tích.
Thể hiện đỉnh cao nghệ thuật điêu khắc
Trong lịch sử phát triển mỹ thuật dân gian, thế kỷ 17 được
xem là giai đoạn đỉnh cao nghệ thuật điêu khắc gỗ, ứng dụng trong kiến trúc đình,
chùa. Chủ đề thể hiện ở giai đoạn này rất đa dạng, phong phú cả nội dung lẫn
hình thức.
Những chủ đề tín ngưỡng tâm linh trong đời sống dân gian,
khi được thể hiện trong đình đã được linh thiêng hóa, mang sắc thái thần tiên. Đồng
thời, linh vật thiêng như rồng, phượng, linh thú lại gần gũi, thân thiện, gắn kết
với con người. Những mảng chạm tại đình Cam Đà cho thấy tư duy sáng tác ấy
trong nghệ thuật điêu khắc kiến trúc đình làng Việt.
Trong vô số chi tiết chạm khắc, trang trí kiến trúc đình Cam
Đà, nổi bật có bức chạm thể hiện rõ nét ba phân lớp với hình ảnh người chèo
thuyền, rồng và trúc. Yếu tố dân gian được thể hiện rõ qua hình ảnh người chèo
thuyền, trên cao là cành trúc, trên cành trúc là hình tượng một loài thủy cầm -
chim bồ nông.
Với kỹ thuật chạm chìm - nổi, thấp - cao, chiếc thuyền được
thể hiện phần đuôi là người cầm mái lái, ba đôi tay chèo. Mũi thuyền có người đầu
chít khăn, chỉ huy, giữ nhịp cho các tay chèo.
Mảng chạm như đang diễn tả một hoạt cảnh lễ hội bơi trải đầy
sôi động (hình tượng người đứng đầu mũi thuyền, đầu chít khăn giống với hò mõ
trong bơi chải.
Ngay trên mảng chạm chèo thuyền là hình tượng rồng, với dáng
thế cũng rất đặc biệt. Rồng vờn ngang, dõi hướng mắt về những người chèo thuyền
như đang quan sát trong gương mặt và thần thái vui vẻ. Dưới chân khóm trúc là
nai (lộc). Trúc sánh đôi cùng lộc để tạo nên ý nghĩa tốt lành, trúc - lộc.
Những chi tiết trang trí ở đình Cam Đà, được thực hiện hết sức
cầu kỳ, chi tiết, phủ kín từ đầu bẩy hiên, rường, xà nách, vì nách, cửa võng với
chủ đề rồng đa dạng với vân mây đao mác cách điệu.
Những mảng chạm hình rồng mang điểm chung là hình tượng rồng với râu bờm hóa lửa đầy sinh động. Dáng uốn
thân cuộn sóng, sống động của rồng rất đa dạng, được người thợ chạm ứng biến
tùy vào kích thước, vị trí của các cấu kiện gỗ.
Một bức chạm khắc thể hiện tích “cá hóa rồng”, bức chạm khắc
khác có chủ đề rất khác, thể hiện cảnh rồng và hổ, trong đó rồng uốn khúc, bay ở
phía trên như che chở cho các chú hổ con, một bức chạm đơn giản một chú “chúa
sơn lâm” giữa những vần mây đao mác rất sống động.
Mảng chạm rồng, điêu khắc đầu rồng với các linh thú khác trên
vì nách, bẩy, rường, đầu dư, kẻ hiên cho thấy kỹ thuật xử lý hình khối và nối kết
liền mạch trong chạm khắc, đạt đến mức điêu luyện. Những con rồng với các dáng
thế khác nhau, đều thể hiện sự oai linh, dữ nhưng rất uyển chuyển, kéo theo là
đường chạm của vân mây tạo tính linh thiêng của rồng, đẹp hoàn chỉnh trong cấu
kiện gỗ.
Các mảng khắc ở đình Cam Đà thực sự là những tác phẩm nghệ
thuật đỉnh cao, trong trang trí kiến trúc mỹ thuật thời Hậu Lê.
Những mảng chạm khắc tuyệt đẹp của đình Cam Đà là những tuyệt
tác đỉnh cao về nghệ thuật trang trí đình đền Việt Nam mà các bậc tiền nhân tài
hoa để lại cho đời sau.