Di tích đình Đông, thôn Chi Hồ, xã Tân Chi, huyện Tiên Du, thờ phụng Đại Đạo Thiên Tôn tức Huyền Thiên. Được xếp hạng và cấp Bằng Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh năm 2017.
Đức Huyền Thiên được thờ ở Đền Thiên Tôn Ninh Bình, Đền Quán
Thánh Hà Nội, Đền Sái Đông Anh
Nằm sát bờ Bắc sông Đuống đỏ nặng phù sa, thôn Chi Hồ (xã Tân Chi, huyện
Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) xưa là một làng Việt cổ có tên chữ là “Cổ Chi”, tên nôm
làng “Nía”, làng “Đông”, đến thời Nguyễn có tên làng Chi Hồ thuộc xã Chi Nê.
Khi ấy, xã Chi Nê gồm 5 thôn cổ (Hồ, Đống, Trung, Đông, Ngọc Tân). Đây là vùng
đất có điều kiện tự nhiên thuận lợi “nhất cận thị, nhì cận giang”.
Đình Đông thôn Chi Hồ.
Từ bao đời nay, người Chi Hồ không những giỏi nghề nông cấy
lúa trồng màu, mà còn năng động làm thêm nhiều nghề phụ như: dệt vải, hàng mã,
thợ nề, buôn bán… dân làng luôn có đời sống kinh tế khá giả, đời sống tinh thần
phong phú, văn hiến.
Trong lịch sử, nhân dân Chi Hồ đã xây dựng những công trình
văn hóa tâm linh to đẹp thâm nghiêm như: đình, chùa, nghè, miếu… Chùa làng có
tên chữ là “Hiển Tường tự” được xây dựng từ lâu đời là trung tâm thờ Phật của
dân làng. Phía trước chùa xưa còn có nghè thờ Thần tạo thành lối kiến trúc “tiền
Thần hậu Phật”.
Ở phía Bắc của làng xưa còn có ngôi miếu gồm 3 gian gỗ lim,
mái ngói đao cong. Chi Hồ còn nổi tiếng là đất hiếu học khoa bảng với tên tuổi
của các Tiến sĩ Phạm Lương, Phạm Trân… Tiến sĩ Phạm Lương sinh năm Canh Thân
(1440), mất năm Tân Dậu (1501); đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân khoa Quý Mùi
niên hiệu Quang Thuận 4 (1463) đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Thừa chính
sứ. Tiến sĩ Phạm Trân sinh năm Đinh Mão (1567), mất năm Giáp Tuất (1634); đỗ Tiến
sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn niên hiệu Hồng Ninh 2 (1592) đời Mạc Mậu Hợp, làm
quan cho nhà Lê đến chức Hình khoa đô cấp sự trung.
Tên tuổi của hai vị Tiến sĩ đã được lưu danh trong văn bia tại
Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội, văn bia Văn Miếu Bắc Ninh. Bề dầy lịch sử, văn hiến
của thôn Chi Hồ đã được hội tụ, kết tinh và tỏa sáng ở ngôi đình làng to đẹp, cổ
kính, linh thiêng.
Đình làng Chi Hồ được khởi dựng từ lâu đời, đến thời Nguyễn ngôi đình có quy mô
lớn gồm: tòa Đại đình 5 gian 2 chái và Hậu cung 3 gian, mái ngói đao cong, bộ
khung được làm bằng gỗ lim vững chãi, lát ván sàn. Phía trước đình là sân rồng,
hai bên là hai tòa (tả vu, hữu vu). Bên ngoài là lũy tre bao bọc dày
đặc như bức tường rào kín đáo.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện lệnh tiêu
thổ kháng chiến, ngôi đình cổ buộc phải phá dỡ. Đến năm 2015, ngôi
đình làng được phục dựng lại trên nền xưa đất cũ theo truyền thống. Hiện ngôi
đình có quy mô to đẹp với tòa Đại đình có kết cấu kiểu chữ Công gồm: Tiền
tế 5 gian 2 chái mái ngói đao cong, Ống muống 2 gian, Hậu cung 3 gian chồng
diêm 2 tầng 8 mái đao cong. Bộ khung gỗ chạm khắc “tứ linh, tứ quý” lộng lẫy,
tinh xảo, nghệ thuật.
Điều quý giá, Thần tích sắc phong của đình Chi Hồ được kê
khai năm 1938 cho biết khá rõ về sự kiện lịch sử - văn hóa ở vùng đất này vào
thời Lý: Khi vua Lý Nhân Tông qua đây về núi Lãm Sơn để hưng công xây dựng Đại
danh lam chùa Dạm, đào ngòi con tên... được vị Thần (Bản cảnh Thành Hoàng) của
làng Cổ Chi là “Đại Đạo Thiên Tôn” đã âm phù cho vua hoàn tất công việc.
Biết là thần linh thiêng hiển ứng phù nước giúp dân, vua Lý
Nhân Tông bèn lệnh cho nhân dân Cổ Chi lập đền thờ cúng nghiêm cẩn, muôn đời
hương hỏa tôn kính thần.
Trải lịch sử, thần đã được nhân dân nơi đây hương khói phụng
thờ. Các triều đại đã nhiều lần ban tặng sắc phong cho thần. Bản “Thần tích, Thần
sắc” kê khai năm 1938 đã chép được nội dung 19 đạo sắc phong, trong đó 10 sắc
phong ban cho vị Thần “Đại Đạo Thiên Tôn”.
Sắc sớm nhất được triều đình phong tặng ngày 8 tháng 8 niên
hiệu Cảnh Hưng 28 (1767), nội dung ghi rõ, thần đã được ban tặng mỹ tự “Đại đạo
thiên tôn, khuông quốc an dân, hoằng hưu diễn khánh, khôi đồ phi liệt, tá tích
tuy du, bảo hoà địch triết, thông duệ trung chính, tuý tinh tướng công đại
vương”. Sắc phong muộn nhất có niên đại Khải Định 9 (1924), tiếp tục ban mỹ tự
và ca ngợi công đức của Thần.
Đình Chi Hồ còn là nơi nổi tiếng với lễ hội vùng với câu ca
“Đồn rằng hội Góng đã đông/Không bằng hội Nía rước thông ba làng”: Tục truyền,
hàng năm cứ đến ngày 6 tháng 2 (âm lịch) đình làng Nía lại được mở hội. Để chuẩn
bị cho lễ hội, ngay từ trong năm các giáp (Đông, Chính, Tây, Thịnh) được phân
công nhận ruộng công nuôi lợn làm lễ vật tế Thánh. Vào đám, mồng 5 làm lễ mở cửa
đình, bao sái đồ thờ tự, phong cờ quạt.
Ngày 6 chính hội, các làng (Hồ, Trung, Đông và Ngọc Tân) cùng
thờ chung 1 vị Thần là “Đại Đạo Thiên Tôn”, thay nhau giữ sắc, mỗi khi đình đám
lại tổ chức rước sắc của Thần để giao lại cho nhau. Đám rước của các làng xuất
phát từ đình của làng mình và tập trung tại ngã tư đê sông Đuống.
Năm đó, làng giữ sắc sẽ rước sắc lên đến nơi quy định rồi
trao sắc lại cho làng giữ sắc năm tiếp theo, sau đó làng nào rước về làng đó để
tế lễ mở hội. Đám rước của các làng rợp trời cờ, quạt, tàn, lọng, kiệu, long
đình, siêu đao, bát bửu, chiêng trống, quan viên tế… cùng dân làng và khách thập
phương đông tới hàng ngàn người.
Sau phần rước là phần tế lễ và phần hội của mỗi làng với nhiều
tục trò chơi dân gian đặc sắc như: đu, vật, kéo co, đánh cờ… cùng với các hình
thức diễn xướng dân gian như : ca trù, tuồng, chèo, quan họ… đã thu hút đông đảo
nhân dân địa phương hướng về cội nguồn, đoàn kết cộng đồng làng xã, tham gia
vào những sinh hoạt văn hóa văn nghệ vui tươi, lành mạnh, mang đậm bản sắc dân
tộc.
Đình Chi Hồ là công trình văn hóa tín ngưỡng cộng đồng của
nhân dân địa phương, với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá
còn bảo lưu được như (thư tịch tài liệu cổ, thần tích thần sắc, truyền thuyết,
tín ngưỡng, lễ hội…) không những kết tinh và tỏa sáng bề dầy lịch sử, văn hóa,
cách mạng của nhân dân làng xã nơi đây, mà còn góp phần làm nên bản sắc văn hiến
của quê hương Kinh Bắc - Bắc Ninh.