Trong hơn một năm, nghiên cứu trên 33 đình đền trên cả nước, Tiến sĩ Phùng Thảo - Phó Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam đã cho ra đời một bài nghiên cứu về Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá rất cao tại Hội thảo.
Ban biên tập website Họ Phùng Việt Nam xin được giới thiệu
bài nghiên cứu khoa học lịch sử "Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng - Anh hùng
dân tộc" (Kỳ 1).
BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG PHÙNG HƯNG - ANH HÙNG DÂN TỘC
Tiến sĩ PHÙNG THẢO
Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng là nhân vật lịch sử lớn thế
kỷ thứ VIII, anh hùng dân tộc, ông được sinh ra từ nhân dân, vì nhân dân ông đã
phất cờ khởi nghĩa, lãnh đạo nghĩa sĩ chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược nhà
Đường và chiến thắng, giành lại độc lập, tự chủ của đất nước.
Ông là “vị vua nhân hậu, quật khởi cứu dân dẹp loạn, ban đức
lập công”[1].Trải từ cuối
thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XXI, đất nước đã đi qua 14 thế kỷ, gần 1.300 năm, ân
đức, uy đức của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng đã thấm sâu vào nhân dân, đời đời
được tri ân ngưỡng vọng, mãi mãi không bao giờ phai mờ trong tâm trí người Việt
Nam, vị vua duy nhất trong lịch sử dân tộc Việt được nhân dân tôn xưng là cha-mẹ!
Thế nhưng có điều:
Ngày sinh, ngày hóa, gia thế, tổ tiên, vợ con, anh em của
ông như thế nào; ngày tháng năm cuộc khởi nghĩa chống xâm lược kéo dài 25 năm;
cuộc kháng chiến phát triển rộng khắp các vùng miền, mang tính chất nhân dân; rồi
ngày tháng năm cuộc tiến công bao vây thành Đại La (tức Tống Bình); ngày thắng
lợi xưng vương, giành độc lập tự chủ của dân tộc, và những tháng năm ông cùng
nhân dân tổ chức việc chính trị, xây dựng sự nghiệp tự chủ của đất nước thì
sách chính sử lại chép quá sơ sài!
Điều đó có thể hiểu bởi nước ta chìm trong đêm dài bị người
Tàu xâm chiếm đô hộ, như lời tựa viết trong sách Việt Nam sử lược của tác giả
Trần Trọng Kim rằng: “Nước Việt ta khởi đầu có sử từ đời nhà Trần, vào quãng thế
kỷ thứ XIII… cái lối làm sử của ta theo lối biên niên của Tàu, nghĩa là năm nào
tháng nào có chuyện gì quan trọng thì nhà làm sử chép vào sách. Mà chép một
cách rất vắn tắt cốt để ghi lấy chuyện ấy mà thôi, chứ không giải thích cái gốc
ngọn và sự liên can việc ấy với việc khác là thế nào.
Nhà làm sử lại là người làm quan, vua sai coi việc chép sử,
cho nên dẫu thế nào sự chép sử cũng không được tự do, thường có ý thiên vị về
nhà vua, thành ra trong sử chỉ cần chép những chuyện quan hệ đến nhà vua, hơn
là những chuyện quan hệ đến sự tiến hóa của nhân dân trong nước.
Cả nước chỉ cốt một họ làm vua, cho nên nhà làm sử cứ theo
cái chủ nghĩa ấy mà chép sử, sử đời nào cũng chỉ nói chuyện những vua đời ấy mà
thôi. Bởi vậy xem sử ta thật là tẻ, mà thường không có ích lợi cho sự học vấn
là mấy. Bất kỳ lớn hay nhỏ, hễ ai cắp quyển sách đi học thì chỉ học sử Tàu, chứ
không học sử ta. Sử nước ta thì làm bằng chữ nho cả, mà chữ nho từ rày trở đi
chắc rồi mỗi ngày một kém đi.
Hiện nay số người đọc được chữ nho còn nhiều, mà trong nước
còn không có mấy người biết chuyện nhà nước, huống chi mai sau này chữ nho bỏ
không học nữa, thì sự khảo cứu về những việc quan hệ đến lịch sử nước mình sẽ
khó biết bao nhiêu!
Từ khi nước ta là thuộc địa đại lục, chỉ có nhà Đường cai trị
là nghiệt hơn cả. Nhưng sử chép lược quá “Thường hai ba năm mới chép một việc,
chắc là những nhà làm sử nước ta sau cứ theo sử Tàu mà chép lại, cho nên mới sơ
lược như vậy.”[2]
Từ khi nước ta có sử thì sử nước nhà (thời phong kiến) lại
chép sơ lược quá, điều đó còn tùy thuộc vào điều kiện lịch sử, nhãn quan chính
trị, trách nhiệm, và tài năng của những ông quan được vua sai coi việc chép sử,
chẳng hạn:
“…Nước Việt ta, sử ký các đời do các tiên hiền Lê Văn
Hưu, Phan Phu Tiên làm ra trước, Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh soạn tiếp sau. Trong đó
sự tích rõ hay lược, chính trị hay hoặc dở, không điều gì không ghi chép đủ.
Nhưng vì chưa khắc in, qua tay viết lại, theo nhau biên chép, không thể không
có chỗ đáng ngờ…”[3].
“…lễ bộ hữu thị lang, triều liệt đại phu kiêm Quốc tử
giám tư nghiệp, kiêm sử quán tu soạn, thần Ngô Sĩ Liên nay đội ơn thánh thượng
cất nhắc cho thần chức vụ ở Sử quán, thần đem hai bộ Đại Việt sử ký trước đây,
tham khảo thêm các dã sử, soạn thành sách Đại Việt sử ký toàn thư, kính cẩn
chép làm 15 quyển dâng tiến, Thần Ngô Sĩ Liên thật là sợ hãi, cúi đầu, rập đầu
dâng lời tâu”[4].
“…Nghĩ thần học thức sơ sài, kiến văn nông mỏng, sao đủ để bàn xét việc xưa
nay, mà phát huy hết nghĩa lý. Song đã lạm vâng minh chiếu, dám đâu không đáp lại
để tuyên dương mệnh tốt của thánh thiên tử. Thần kính cẩn chắp tay rập đầu xin
dâng bài tổng luận như sau: “…Phùng Bố Cái là người anh hào ở Đường Lâm ghét sự
tàn ngược của Chính Bình, anh em thừa thời quật khởi, cứu dân dẹp loạn, ban đức
lập công, có thể gọi là bậc vua nhân hậu…”[5].
“Bố Cái Vương hào phú dung lực, cũng là anh hùng một thời.
Nhưng nhân khi loạn lạc, dùng kế của Đỗ Anh Hàn vây phủ Đô hộ, thái thú ốm chết,
vào ở phủ trị, chưa chính vị, rồi chết, con mới truy tôn tước vương, cho nên
chép nhỏ thôi”[6].
Phùng Hưng vào ở phủ trị, công bố quốc hiệu, lên ngôi vua trị
nước, được dân nước Việt biết ơn, nhưng người chép sử lại quan niệm: “chưa
chính vị hiệu”? phải chăng tác giả Đại Việt sử ký toàn thư cho rằng, Bố Cái Đại
Vương Phùng Hưng làm vua nhưng chưa được vua nước Tàu công nhận thì chưa chính
vị hiệu hay sao?
Hãy xem ý kiến của Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn để nhận
biết lịch sử nước nhà khi chưa có sử trước năm 1272: “Có sự mâu thuẫn lạ đời
này, là dân tộc ta có một lịch sử lâu đời với một nền văn hóa độc đáo mà nhân
dân ta từ bao đời, với bàn tay và khối óc của mình, đã tự xây dựng lấy, nhưng
chỉ cách đây tám, chín trăm năm, mới có người Việt viết về lịch sử đất nước
mình. Còn trước đó, trong các sách của người Tàu viết, chỉ thỉnh thoảng họ mới
nói đến cái đất nước của một dân tộc “man di” gọi là Giao Chỉ, một mảnh đất hầu
như hoang vu, con người còn sống sơ khai, cần phải được “Thiên triều” “giáo
hóa”[7].
Như vậy, sử nước Việt ta mãi thời Trần thế kỷ XIII (1272) mới
được Lê Văn Hưu viết xong, trong khi đó cuộc khởi nghĩa do Phùng Hưng lãnh đạo
đã nổ ra từ trước đó, thế kỷ thứ VIII, nghĩa là hơn 5 thế kỷ trước nước ta chưa
có sử, vì thế cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Đường do Phùng Hưng
lãnh đạo và nhiều sự kiện quan trong khác của nước ta không có sách chính sử
nào ghi chép lại đầy đủ, khách quan, khoa học.
Cũng vì thế, các thế hệ sau này khi đọc sử nước ta, hiểu về
sử nước ta có những việc mơ hồ là điều dễ hiểu, và cũng vì thế, chúng ta không
thể hiểu đầy đủ về Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, thân thế sự nghiệp của ông,
nhân dân và thời đại ông cũng là điều đương nhiên.
Để góp phần nghiên cứu về thân thế sự nghiệp của người anh
hùng dân tộc Phùng Hưng trong cuộc chiến đánh bại bọn đô hộ nhà Đường, giành lại
quyền tự chủ của đất nước, trong bài viết này tác giả đã giành thời gian điền
dã, đi đến 32 lăng, đình, đền, miếu, chùa ở 6 tỉnh, thành phố có thờ Bố Cái Đại
Vương Phùng Hưng và các mưu thần, võ tướng của ông, tại những địa chỉ này từ xa
xưa nhớ ơn công đức của Phùng Hưng nhân đã dựng lăng, đình, đền, miếu, chùa thờ
người anh hùng dân tộc, tập hợp, giữ gìn, bảo vệ những tư liệu quí có liên quan
đến Phùng Hưng, đến cuộc khởi nghĩa lật đổ chế độ cai trị của đô hộ nhà Đường,
đem lại độc lập, tự chủ đất nước mà chính sử, các triều đại phong kiến sau thời
đại ông không ghi chép và lưu giữ được.
Cũng tại bài viết này, tác giả tập hợp và xin trích dẫn những
nội dung cơ bản bàn về cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng trong chính sử nước nhà và một
số sách chép về cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng của các nhà nghiên cứu, nhà sử học
để độc giả có cơ sở tìm hiểu, đối chiếu, đánh giá về cuộc khởi nghĩa Phùng
Hưng, góp phần vào Hội thảo rút ra kết luận khoa học về thân thế sự nghiệp của
Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước
cuối thế kỷ thứ VIII.
1. Sách Đại Việt sử ký toàn thư trang 191-192, NXBKHXH, năm
1998, do Ngô Sĩ Liên chép, có 450 chữ nói về cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng,
Trong đó nội dung chính là:
- “Năm Tân Mùi, (791), (Đường Trinh Nguyên năm thứ 7). Mùa
xuân, An Nam đô hộ phủ là Cao Chính Bình… bắt dân đóng góp nặng”.
- “Mùa hạ, tháng 4, người ở Đường Lâm thuộc Giao Châu (Đường
Lâm thuộc huyện Phúc Lộc) là Phùng Hưng dấy binh vây phủ. Cao Chính Bình lo sợ
mà chết”.
- Phùng Hưng vốn là nhà hào phú, có sức khỏe, có thể vật
trâu, đánh hổ. Khoảng niên hiệu Đại Lịch (766-780) đời Đường Đại Tông, nhân
Giao Châu có loạn, cùng với em là Hải hàng phục được các ấp bên cạnh, Hưng xưng
là Đô Quân, Hải xưng là Đô Bảo, đánh nhau với Chính Bình lâu ngày không thắng
được. Đến đây dùng kế của người làng là Đỗ Anh Hàn, đem quân vây phủ. Chính
Bình lo sợ phẫn uất thành bệnh ở lưng mà chết.
- Hưng nhân đó vào đóng ở phủ trị, chưa được bao lâu thì chết.
- Con là An tôn xưng làm Bố Cái Đại Vương (tục gọi cha là Bố,
mẹ là Cái, cho nên lấy (Bố Cái) làm hiệu.
- Vương thường hiển linh, dân cho là thần, mới làm đền thờ ở phủ đô hộ, tuế thời
cúng tế.
- Tháng 5, ngày Tân Tỵ, nhà Đường đặt quân Nhu viễn ở phủ trị.
Mùa thu, tháng 7, ngày Canh Thìn, nhà Đường lấy Triệu Xương làm đô hộ. Xương
vào cõi, lòng dân bèn yên. Xương sai sứ dụ An, An đem quân ra hàng.
2. Sách Việt sử lược (khuyết danh đời Trần thế kỷ XIV) chép
lại về cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng có 96 chữ do cố Giáo sư Trần Quốc Vượng
phiên dịch và chú giải:
- Cao Chính Bình đánh thuế rất nặng. Phùng Hưng cùng em là
Phùng Hải nổi dậy ở Đường Lâm (Phúc - Thọ Sơn - Tây), dùng kế của người đồng
hương là Đỗ Anh Hàn đến vây phủ thành. Cao Chính Bình lo sợ mà chết.
- Triệu Xương dụ hàng Phùng An, con Phùng Hưng, rồi làm đô hộ
Giao Châu.
3.Sách Đại Việt sử ký toàn thư bản in theo ván khắc năm
Chính Hòa thứ 18, tức năm 1697, còn được lưu giữ tại Thư viện của Hội Á châu ở
Pari có 84 chữ:
- “Phùng Bố Cái là người anh hào ở Đường Lâm ghét sự tàn ngược
của Chính Bình, anh em thừa thời quật khởi cứu dân dẹp loạn, ban đức lập công,
có thể gọi là bậc vua nhân hậu. Tiếc rằng con trai là An không nối giữ được cơ
nghiệp, do Phá Cần lập nên, rồi đầu hàng Triệu Xương”.
- “Tuy có Đỗ Anh Hàn là bề tôi mưu việc nước, cũng không cứu
vãn được sự bại vong của họ Phùng”.
4. Sách Đại Việt sử ký tiền biên chép lại có 782 chữ:
- “Tân Mùi 791 (Đường Trinh Nguyên năm thứ 7), mùa hạ, tháng
4, An Nam kinh lược sứ là Cao Chính Bình làm chính sự bắt dân đóng thuế nặng.
Người Đường Lâm thuộc Giao Châu là Phùng Hưng khởi binh đánh lại, chiếm giữ
thành.
- Phùng Hưng là nhà hào phú có sức khỏe, có thể vật trâu bắt
hổ.
- Trong năm Đại Lịch nhà Đường, nhân Giao Châu có loạn, em Hưng là Hải, hàng phục
được các ấp lân cận. Hưng xưng Đô Quân, Hải Xưng là Đô Bảo đánh nhau với Chính
Bình rất lâu mà không thắng được. Đến khi ấy dùng kế của người làng là Đỗ Anh
Hàn đem quân vây phủ, Chính Bình lo sợ phẫn uất sinh ung thư ở lưng rồi chết.
Hưng vào ở phủ lỵ cho Hải làm Thái úy, chẳng bao lâu thì Hưng mất.
- Mọi người muốn lập Hải thay. Trong tướng tá của Hưng có Bồ
Phá Lặc, có sức bạt núi, không chịu nghe theo. Mọi người bèn lập con Hưng là An
làm Đô phủ quân. Hải lánh Bồ Phá Lặc, vào ở động Chu Nham. An đã được lập, liền
tôn cha là Hưng làm Bố cái Đại Vương. (Tục gọi cha là Bố, mẹ là Cái cho nên lấy
chữ “Bố Cái” làm hiệu).
- Người địa phương thấy sự linh ứng bèn lập đền thờ ở phía
tây Đô phủ. Đền thờ này ở phường Thịnh Quang. Dân phường Đông Tây gọi ông là
Tây Hưng Vương: Xét thấy sách Dã sử biệt lục chép: Khi Phùng Hưng đánh đô hộ phủ,
có Đỗ Luân đem kỳ binh đến hội chiến, khói lửa thâu đêm, chiêng trống vang trời.
Chính Bình kinh sợ mà chết.
- Tháng 5, nhà Đường đặt quận Nhu Viễn ở phủ trị. Tháng 7, lấy
Triệu Xương làm đô hộ. Xương đến nơi, lòng dân mới yên. Xương sai sứ dụ Phùng
An, Phùng An đem quân ra hàng”.
5. Sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép lại có 156
chữ:
- “Năm Tân Vị 791, quan đô hộ là Cao Chính Bình bắt dân đóng
sưu thuế nặng quá, lòng người oán giận. Khi bấy giờ ở quận Đường Lâm (bây giờ
là làng Cam Lâm, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây) có người tên là Phùng Hưng nổi
lên đem quân về phá phủ đô hộ. Cao Chính Bình lo sợ mà chết. Phùng Hưng mới chiếm
giữ phủ thành, được mấy tháng thì mất”.
- Quân sĩ lập con Phùng Hưng là Phùng An lên nối nghiệp. Dân
ái mộ Phùng Hưng mới lập đền thờ và tôn tên là Bố Cái Đại Vương, bởi vì ta gọi
cha là Bố, mẹ là Cái, nghĩa là tôn Phùng Hưng lên làm cha mẹ.
- Tháng 7 năm Tân vị ấy, vua nhà Đường sai Triệu Xương sang
làm Đô hộ. Phùng An liệu thế chống không nổi xin ra hàng”.
6. Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Kế Bính
chép có 27 chữ:
- “…Phùng Hưng, người Đường Lâm, giữ thành xưng vương. Tuy họ chưa lập được nước,
nhưng biết thừa thời trỗi dậy, đều đáng khen là hào kiệt”
7.Sách Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX của Đào
Duy Anh, có 388 chữ:
- “Phùng Hưng là một hào trưởng ở làng Đường Lâm thuộc Phong
Châu (xã Cam Lâm, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây). Khoảng năm 767, nhân khi giặc
Chà Và hoành hành, Phùng Hưng đã cùng em là Phùng Hải đem đảng chúng uy phục
các ấp lân cận để tổ chức cuộc phòng thủ ở địa phương, Hưng xưng Đô Quân, Hải
xưng là Đô Bảo”.
- Khi thấy Đô hộ Cao Chính Bình bóc lột nhân dân thái quá,
Phùng Hưng tiến quân đánh phủ thành, nhưng đánh mãi không được. Sau Phùng Hưng
theo kế của người làng là Đỗ Anh Hàn, cứ bao vây phủ thành. Cao Chính Bình chờ
viện binh không có, lo sợ mà chết.
- Phùng Hưng chiếm được phủ thành, tổ chức việc chính trị,
xây dựng sự nghiệp tự chủ. Bấy giờ là năm 791. Được ít lâu sau Phùng Hưng chết.
Quân dân yêu mến Phùng Hưng nên truy tôn là Bố Cái Đại Vương.
- Nhà Đường cử Triệu Xương làm Đô hộ tiến quân phản công.
Phùng An liệu thế không chống nổi đã đầu hàng”.
8. Sách Truyện đọc lịch sử Việt Nam tập 2 của Đinh Xuân
lâm.
- “Tổ tiên họ Phùng đời đời làm quan lang ở châu Đường Lâm
(nay là thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Khoảng năm 767, anh em Phùng Hưng nổi dậy đánh
chiếm Đường Lâm, rồi tiến đánh chiếm được một vùng rộng lớn thuộc Phong Châu
(Phú Thọ) xây dựng thành căn cứ chống giặc.
- Năm 782, Phùng Hưng được tôn lên làm vua tổ chức lại đất
nước, mở mang kinh tế. Năm 789 ông mất, nhân dân tôn ông làm Bố Cái Đại Vương.
- Cuối 791, Phùng An dẫn các thuộc hạ ra hàng Triệu Xương, nền
tự chủ của nước nhà vừa mới được xây dựng lại bị tan vỡ.
9. Sách Giản yếu sử Việt Nam của Đặng Duy Phúc có 567
chữ.
- “Năm 766, lợi dụng người Côn-Lôn và người Chà-Và đem quân
đánh nhà Đường ở phía Nam và lúc quân lính ở Tống Bình nổi dậy chống Trương Bá
Nghi, Phùng Hưng phát động nhân dân đứng lên khởi nghĩa, làm chủ cả một vùng rộng
lớn. Đô tổng quản An Nam Đô hộ nhà Đường Trương Bá Nghi và về sau là Cao Chính
Bình nhiều lần đem quân đàn áp nhưng không sao đè bẹp nổi.
Năm 782, Phùng Hưng nghe lời khuyên của Đỗ Anh Hàn... đưa
quân tiến đánh La Thành (bấy giờ thành Tống Bình đã được đổi tên là La
Thành)... giải phóng La Thành.
- Ông vào thành, chính thức lên ngôi vua, tuyên bố xóa bỏ
ách đô hộ của nhà Đường, tổ chức lại việc cai trị, miễn giảm thuế khóa lao dịch,
thực thi nhiều chính sách thương dân, mong xây dựng quyền tự chủ lâu dài. Nhân
dân kính yêu ông, suy tôn ông làm Bố Cái Đại Vương, coi ông như cha mẹ.
- Vua nhà Đường là Đức Tông Lý Quát nghe tin An Nam thất thủ
nhưng bấy giờ ở Trung Quốc đang có loạn phiên trấn đánh chiếm kinh đô, Lý Quát
bị đuổi chạy khỏi Tràng An nên không còn lòng dạ nào để tính chuyện ở phương
Nam. Nhờ thế Phùng Hưng yên ổn làm vua được 7 năm, đến năm 789 mất.
- Phùng An lên ngôi được 2 năm thì cũng là lúc nhà Đường
khôi phục được Tràng An, Đức Tông nhà Đường bèn phong Triệu Xương làm An Nam Đô
hộ, sai dẫn quân sang đánh.
- Năm 791, An ra hàng nhà Đường, làm mất nghiệp lớn của người
cha anh hùng.
10. Sách Danh nhân quân sự Việt Nam.
- Phùng Hưng, người phát động và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa lớn
chống chính quyền đô hộ nhà Đường năm 766-779.
- Ông xuất thân từ dòng dõi cự tộc, hào trưởng đất Đường
Lâm, Ba Vì, Hà Tây. Bố Phùng Hưng - một người hiền tài, đức độ, đã từng tham
gia cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan… Những năm mất mùa, nhân dân gặp đói kém,
họ Phùng thường đem thóc lúa chẩn cấp người nghèo, nên được nhân dân trọng nể.
- Dưới sự lãnh đạo của Phùng Hưng, cuộc đấu tranh của nhân
dân chống ách đô hộ nhà Đường mặc dầu trải qua nhiều thử thách cam go, khi
phòng thủ bảo vệ căn cứ, khi tiến quân công thành ác liệt, nhưng cuối cùng khởi
nghĩa đã giành thắng lợi, Phùng Hưng xây nền tự chủ đất nước được 7 năm thì mất.
Rất tiếc không có sử sách ghi chép những công việc Phùng Hưng thực hiện trong 7
năm.
- Con là Phùng An nối nghiệp tôn xưng làm Bố Cái Đại Vương
(tục gọi cha là Bố, mẹ là Cái, cho nên lấy Bố Cái làm hiệu). Phùng An nối nghiệp
Bố Cái Đại Vương được 2 năm, vua Đường cử Triệu Xương đưa quân sang đàn áp. Nền
tự chủ mới được xây dựng trên dưới 9 năm lại bị tan vỡ.
Trong bài viết này, tác giả đã rút ra một số kết luận:
- Phùng Hưng đã động viên nhân dân cùng nghĩa quân chung sức đánh đổ ách thống
trị của nhà Đường;
- Phùng Hưng đã rèn luyện binh sĩ, xây dựng đội ngũ chỉ huy
tài năng: Vị quân sư tài năng Đỗ Anh Hàn, các tướng Phùng Hải, Phùng Dĩnh, A
Gia, Đầu mục quân Bồ Phá Lặc (Cần), Triệu An, Lăng Bình, Đỗ Nhung, Triệu
Cử, Hà Toại, Lục Kiều, Thành Yển… Theo thần tích làng Hòa Mục Hà Nội, có hai
người cháu ngoại của Phùng Hưng vào chiến trận chỉ huy đánh giặc đã nổi danh
thành những tướng tài ba.
- Phùng Hưng có cách đánh giặc tài giỏi: Ông chia quân thành
5 mũi - Phùng Hải dẫn quân tiến công phía Bắc thành; Phùng Dĩnh phía Nam, Bồ
Phá Cần đánh phía Đông, Đỗ Anh Hàn đánh phía Tây, Phùng Hưng đích thân thống
lĩnh Trung quân.
- Phùng Hưng là vị anh hùng dân tộc. Nhân dân luôn nhớ về ông. Ngô Quyền lập đền
thờ ông rất lớn.
DANH SÁCH CÁC MƯU THẦN, TƯỚNG LĨNH THAM GIA CUỘC KHÁNG CHIẾN
LÂU DÀI DO VUA PHÙNG HƯNG LÃNH ĐẠO
Danh sách các mưu thần, dũng tướng tham gia cuộc kháng chiến
lâu dài do Vua Phùng Hưng lãnh đạo
Qua nghiên cứu, tìm hiểu các đình Triều Khúc, đình Quảng Bá,
đình Chuông, đình Cù Tu, đình Phú Chử, Miếu Đoài, đình Đồng Tử, đình Hòa Mục, đền
Dục Anh, đình Giáp Nhất, đình Kim Mã, chùa Chuông, hiện nay nhân dân ở các
làng, xã và các vùng lân cận đang thờ Phùng Hưng và các vị mưu thần, tướng lĩnh
của ông, nghiên cứu tài liệu có liên quan hiện có như:
Sự tích Đại đô Thành hoàng Phùng Đại Vương (Bộ Lễ triều Lý),
Việt Điện u linh tập Phùng Bố cái Đại vương truyện, sách Danh nhân quân sự Việt
Nam (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam), sách Nhân vật lịch sử Hải Phòng (Nhà xuất
bản Hải Phòng), sách Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (tác giả Lê Thái Dũng, NXBDT)
tác giả thống kê các vị mưu thần, tướng lĩnh của Bố cái Đại Vương Phùng Hưng
trong cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống ách đô hộ của nhà Đường thế kỷ thứ
VIII.
Chắc chắn còn nhiều anh hào khác do thời gian thời đại các vị
cách chúng ta quá xa, nguồn sử liệu khó tìm, rất tiếc tên tuổi các vị đã bị thất
truyền, nhưng công lao đóng góp của các vị với đất nước với nhân dân sẽ sống
mãi với non sông, đất nước và dân tộc Việt Nam.
Phùng Hải; Phùng Dĩnh; Đỗ Anh Hàn; Bồ Phá Cần; Đỗ Anh Luân; Đỗ Anh Nho; Phùng Lã Tu; Thiếu Kiện; Lỗ Túc; Đỗ Huệ; Phạm Huy; Phạm Miện; Phùng Luông; Bốc Chiêm; Trương Nữu; Phùng Thị Trinh; Trương Phán; Trương Dị; Trương Thanh; Thiệu An; Chư Viên; Lăng Bình; Đỗ Nhưng;
A Gia; Hà Toại; Lưu Kiều; Thành Yến; PhùngQuang; Lâu Tiếp; Địch Hào; Tổng Tác; Bội Thiện; Điền Khương; Công; Triệu Cử;
Lục Thành; Lâm Tiết; Lục Hàn; Quận An;
Lăng Bình; Đoàn Viêm; Hoài Nghĩa; Triệu Phàn; Nguyên Khách; Tống Mục; Khước Đan; Trường Hoằng; Vệ Quân; Tỳ Chung. Tổng cộng tìm được
49 vị.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Đại Việt sử ký toàn thư, NXBKHXN, năm 1998.
Việt sử lược, NXBSĐ, Hà Nội, năm 1960.
Đại Việt sử ký toàn thư, NXBVH - TT, năm 2000.
Đại Việt sử ký tiền biên, NXBKHXH, năm 1997.
Việt Nam sử lược, NXBVH - TT, năm 2001.
Sự tích Đại đô Thành hoàng Phùng Đại Vương.
Việt Điện u linhtập Phùng Bố Cái Đại Vương truyện.
Lịch triều hiến chương loại chí, NXBT, năm 2014.
Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX.
Hồ sơ di tích của 32 đình, đền, miếu, chùa... có tên trong bài viết này.
Giản yếu sử Việt Nam, NXBHN, năm 2007.
Danh nhân quân sự Việt Nam, NXBQĐND, năm 2004.
Nhân vật lịch sử Hải Phòng, NXBHP, năm 1998.
Truyện kể về các vị vua Việt Nam, NXBDT, năm 2016.
Làng Chuông điểm sáng châu thổ sông Hồng, NXBTN, năm 2019.
Đại Áng truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng, NXBHN, năm 2011.
Thuở ấy Hà Nội, NXBHN, năm 2010.
Miền đất hai vua, NXBVH - TT, năm 2014.
Các triều đại Việt Nam, NXBTN, năm 2006.
54 vị hoàng đế Việt Nam, NXBQĐND, năm 2009.
Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng - Thành hoàng làng Kim Mã Hạ, NXBDT, năm 2017.
Sách truyện đọc lịch sử Việt Nam tập 2 của Giáo sư Đinh Xuân Lâm.
Tìm hiểu về nghĩa của tôn hiệu Bố Cái Đại Vương - Tham luận tại Hội thảo Khoa học Phùng Hưng - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của tác giả Nguyễn Tá Nhí, Viện Hán Nôm.
Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng trên đất Thái Bình, tác giả Phạm Minh Đức.
Tham khảo tương truyền, truyện kể của các cụ cao lão ở những đình, đền trong bài viết tác giả đã đến tìm hiểu và nghiên cứu.
[1] Đào Tố Uyên - Lễ hội làng Triều Khúc
[2] Đào Tố Uyên, Lễ Hội làng Triều Khúc.
[3] Đào Tố Uyên, Lễ Hội làng Triều Khúc.
[4] Tìm hiểu về nghĩa của tôn hiệu Bố Cái Đại Vương - Tham luận tại Hội thảo Khoa học Phùng Hưng - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của tác giả Nguyễn Tá Nhí - Viện Hán Nôm.