Cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng lật đổ chế đô Đô hộ nhà Đường bắt đầu từ năm niên hiệu Đại Lịch (766) đời Đường Đại Tông (thế kỷ thứ VIII), đến thời đại chúng ta thế kỷ thứ XXI là 1253 năm (766-2019).
Cuộc khởi nghĩa cách chúng ta quá xa, trong đó hơn 5 thế kỷ
(thế kỷ VIII đến cuối thế kỷ XIII) nước ta chưa có sách viết về sử, “Nước Việt
ta khởi đầu có sử từ đời nhà Trần, vào quãng thế kỷ thứ XIII”, sử ta chủ yếu phụ
thuộc vào sử Tàu, nếu có chép sử nước ta thì họ chép bằng tiếng Tàu, họ chép gì
ta có nấy, thường họ chép cái có lợi cho họ, do đó tính khách quan, độ chính
xác của các sự kiện lịch sử khó đảm bảo, chưa nói đến có cái chép chưa đúng.
Kể từ cuối thế kỷ XIII (1272) nước ta có sử, việc chép sử để
phục vụ cho các thế lực thống trị phong kiến, cả người được giao chép sử và người
quyết định lịch sử không hoàn toàn vì dân, vì sự tiến hóa của nhân dân, sử chép
xong trình vua, vua là thiên tử, vua thay trời quyết định.
Vì thế, có những sự kiện, có những nhân vật lịch sử người đọc
sử ta rất mơ hồ. “Từ khi nước ta thuộc về nước Tàu, chỉ có nhà Đường cai trị là
nghiệt hơn cả… Nhưng sử chép lược quá: Thường hai ba năm mới chép một việc”,
“…Nước Việt ta, sử ký các đời do các tiên hiền soạn… trong đó sự tích rõ hay lược,
chính trị hay hoặc dở, không điều gì không ghi chép đủ. Nhưng vì chưa khắc in,
qua tay viết lại, theo nhau biên chép, không thể không có chỗ đáng ngờ…”
Với Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng phải chăng người chép sử thời
đó quan niệm rằng Phùng Hưng lên làm vua “chưa chính vị hiệu”. Tức là vua nước
Việt chưa được vua nước Tàu công nhận? Vì thế người chép Đại Việt sử ký toàn
thư khuyên rằng, “nên chép nhỏ thôi”? Cũng vì thế ngày nay, nghiên cứu về thân
thế sự nghiệp của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, thời đại của ông, chúng ta gặp
khó khăn đó là điều bình thường.
Trong bài viết này tác giả cố gắng sưu tầm, tìm tòi tư liệu
cả trong sách chính sử, sách của các tác giả nghiên cứu về sử học, tìm trong dã
sử, trong đời sống văn hóa tâm linh - đình, đền, miếu thờ Bố Cái Đại Vương
Phùng Hưng, trong truyền miệng của nhân dân,… nhưng cho dù sự cố gắng đến mấy
chăng nữa, cũng mới chỉ sưu tìm được một số tư liệu còn rất khiêm tốn được
trình bầy ở phần trên của bài viết này.
Đền thờ vua Phùng Hưng - Bố Cái Đại Vương ở Đường Lâm
Căn cứ vào các tài liệu, tác giả đưa ra nhận xét, kết luận của
mình để mong có thể đóng góp nhỏ cho sự thành công của cuộc Hội thảo về thân thế
sự nghiệp của một nhân vật lịch sử của đất nước, mà từ thượng thời cổ đến thời
đại chúng ta hôm nay, nhân dân ta đã gọi tên ông một cách gần gũi, thân mật,
kính trọng với sự ngưỡng mộ về đức tài và lòng biết ơn sâu sắc: Bố Cái Đại
Vương! Những nhận xét chung đó là:
1. Đức Phùng Hưng là nhân vật lịch sử lớn của nước ta, vị anh
hùng giải phóng dân tộc. Đức ngài Phùng Hưng là cháu 7 đời của Phùng Trí Cái (Đới), tổ
tiên Phùng Hưng đời đời làm quan lang ở đất Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Tây (nay là
thành phố Hà Nội).
2. Thân phụ Đức Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh, mẹ ông là người họ
Sử. Phùng Hạp Khanh làm quan lang ở Đường Lâm, là người giàu có, có đức, có
tài. Ông vừa là người giúp đỡ Mai Thúc Loan trong buổi đầu dựng nghiệp, gả cháu
ngoại gái là Phạm Thị Uyển cho Mai Thúc Loan, vừa là người tham gia cuộc khởi
nghĩa do Mai Thúc Loan lãnh đạo, “Chàng trai được quan lang Phùng Hạp Khanh giữ
lại dạy võ, dạy chữ và gả cháu gái là Phạm Thị Uyển… Để vợ con ở quê ngoại, Mai
Thúc Loan tiếp tục đi nhiều châu, quận, nối kết các lực lượng nổi dậy… Năm Nhâm
Tuất (722) Phùng Hạp Khanh cùng các châu huyện khác như: Châu Giao, Châu Lục,
Châu Phong cùng đứng lên hưởng ứng nên cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan nhanh
chóng thành công.”, “Phùng Hưng trực tiếp tham gia lãnh đạo vùng Giao Châu”,
“Khi gặp Mai Thúc Loan, ông nhận thấy chàng dân phu xứ Nghệ
tuy gia cảnh nghèo khó nhưng trí lượng hơn người. Ông đã giữ lại dạy văn, dạy
võ và gả cháu ngoại cho”[1].
3. Quê hương Phùng Hưng ở thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã
Sơn Tây, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội).
4. Ngày sinh, ngày hóa của vua Phùng Hưng, chính sử không chép.
Việc ghi chép ngày sinh, ngày hóa của ông trong các tài liệu được cất giữ ở các
đình, đền, miếu thờ Phùng Hưng và các sách, tài liệu được nêu trong bài viết
này có sự khác nhau. Vì vậy, có thể nói, Ngày sinh, ngày hóa của Phùng Hưng
đang là một ẩn số.
Tại bài viết này, xin giới thiệu ngày sinh, ngày hóa của vua
Phùng Hưng được lưu giữ ở hơn 30 đình, đền, miếu thờ Phùng Hưng tại 6 tỉnh,
thành phố mà tác giả bài viết đã trực tiếp đến tìm hiểu, và tư liệu tác giả đã
nghiên cứu để mọi người cùng đọc, suy ngẫm, trao đổi, tìm ra lời giải:
Về ngày, tháng, năm sinh của Đức Phùng Hưng lưu giữ ở các
đình, đền, miếu thờ ông và các tài liệu ghi chép như sau:
+ Đền Cam Lâm, đình Đoài Giáp và đình Tổng làng Đông Sàng:
Ngày 8 tháng Giêng nhân dân hai làng Cam Lâm và Đoài Giáp lại mở hội để tưởng
nhớ công đức của vua Phùng Hưng.
+ Đình Triều Khúc, huyện Thanh Trì: Ngày 25 tháng 11 năm Canh Tý. Theo các cụ
cao lão làng Triều Khúc, Phùng Hưng sinh: Năm Tý, tháng Tý, giờ Tý.
+ Đình Cù Tu, Hưng Yên: 15/8 năm Bính Dần (726).
+ Đình Y Sơn, quận Hà Đông: Ngày 25 tháng 11.
+ Đình Xuân Biểu, quận Ba Đình: Ngày 12 tháng 2.
+ Đình Chuông và Đền Thượng huyện Thanh Oai: Ngày 21 tháng Giêng.
+ Đình Đại Áng và đền Bắp Cáy huyện Thanh Trì: Ngày 25 tháng 11 năm
(5/1/760).
+ Đình Phú Chử và đền Lộc Điền tỉnh Thái Bình: Ngày 10 tháng Giêng.
+ Đình Dân Trù, đình Phương Trù và đình Phú Phong, huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh
Phúc: Ngày 8 tháng 2.
+ Tác giả sách Bách Việt viết rằng, ông sinh ngày 5 tháng 1 năm Tân Mùi (731).
+ Thần tích thần sắc VTTKHXH, Phùng Hưng sinh: năm Canh Tý, hóa năm Nhâm Ngọ.
+ Dịch giả Trần Huy Bá thì căn cứ văn bia ở xã Cam Lâm đưa ra kết luận: Phùng
Hưng thọ 30 tuổi, chứ không phải 42 tuổi như tư liệu thần sắc thần tích ở Triều
Khúc.
+ Còn nhà nghiên cứu Đào Tố Uyên lập luận rằng: “Nếu Phùng Hưng sinh năm 760, đến
năm 767 dựng cờ khởi nghĩa (tư liệu bộ Lễ triều Lý) là bất hợp lý, vì trong lịch
sử nước ta chỉ có những vị vua trẻ kế thừa ngôi báu chứ chưa có ai khởi binh ở
tuổi lên 5 lên 7 tuổi?).
Cũng nhà nghiên cứu Đào Tố Uyên: “Theo tư liệu ở đình Hòa Mục,
khởi nghĩa của Mai Thúc Loan kéo dài 5 năm (722-727), đến hết năm Bính Dần
(1/727). Còn Ngọc phả của “bộ Lễ Lý triều” cho biết: Phùng Hạp Khanh tham gia
khởi nghĩa Mai Thúc Loan, việc phát giác bị cách chức về quê, trong lòng thường
phiền muộn không vui, được bà vợ họ Sử khuyên can… từ đó Hạp Khanh dốc sức chăm
bón ruộng vườn, chỉ qua mấy năm trở lên giàu có.
Một hôm Hạp Khanh mơ thấy ba người dung mạo khác thường.
Tháng ấy bà vợ có mang 14 tháng sinh ra một bọc ba người con trai… Có thể nói,
sau thất bại của Mai Thúc Loan (727) tâm trạng buồn chán của Hạp Khanh đâu có dễ
nguôi ngoai, trong cảnh nước mất nhà tan, cháu gái, cháu rể đều bị hại.
Nỗi buồn ấy kéo dài tới một hoặc hai năm rồi ông mới theo lời
khuyên của vợ tự làm ruộng, qua mấy năm trở nên giàu có. Mấy năm ở đây có thể
hiểu từ năm 728 đến năm 735. Cuối năm Bính Tý (736) ông bà sinh ba người con
trai là hợp lý”[2].
Về ngày, tháng, năm hóa của vua Phùng Hưng chính sử không chép.
Trên thực tế ở các đình, đền thờ ông và các tư liệu sưu tầm được thì ghi ngày
hóa cũng có sự khác nhau:
+ Đình Cam Lâm, Đường Lâm, thị xã Sơn Tây: Ngày 8 tháng Giêng.
+ Đền Đoài Giáp, Đường Lâm, thị xã Sơn Tây: Ngày 8 tháng Giêng.
+ Đình Đông Sàng, Đường Lâm, thị xã Sơn Tây: Ngày 8 tháng Giêng.
+ Đình Triều Khúc, huyện Thanh Trì: Ngày 13 tháng 8.
+ Đình Quảng Bá, quận Tây Hồ: Lễ hội 12 tháng 2 (lấy ngày tế cờ của Phùng Hưng
12/2 làm ngày mở hội đình làng).
+ Đình Kim Mã, quận Ba Đình: Ngày 13 tháng 8.
+ Đình Y Sơn, quận Hà Đông: Ngày 13 tháng 8.
+ Đình Xuân Biểu, quận Ba Đình: Ngày 13 tháng 8.
+ Đình Chuông, huyện Thanh Oai: Ngày 13 tháng 9.
+ Đền Thượng, huyện Thanh Oai: Ngày 13 tháng 9.
+ Đình Đại Áng, huyện Thanh Trì: Ngày 13 tháng 8.
+ Đình Phú Chử, tỉnh Thái Bình: Ngày 10 tháng 4.
+ Đền Lộc Điền, tỉnh Thái Bình: Ngày 10 tháng 4.
+ Đình Dân Trù, đình Phương Trù, đình Phú Phong, tỉnh Vĩnh Phúc: Ngày 15 tháng
8.
+ Đình Đồng Xuân, đình Vũ Nhì: Ngày 12 tháng 2.
Nhà nghiên cứu Đào Tố Uyên, phân tích về năm hóa của Phùng
Hưng như sau: “Theo ngọc phả của “bộ Lễ Lý triều”, Đức Phùng Hưng vào thành, tôn
xưng đế hiệu vào năm 782 (Nhâm Tuất) không bao lâu thì mất… Phùng An lên ngôi định
đem quân đánh Phùng Hải khiến Phùng Hải phải than rằng: “Chung sức cần lao hơn
hai mươi năm…” Đức Phùng Hưng khởi nghĩa năm 767, hơn 20 năm mà Phùng Hải thở than
(tính từ năm 767) chính xác là 21 năm (767-788), nên Phùng Hưng mất năm Mậu
Thìn 788.
Điều này hoàn toàn hợp lý với các tư liệu “Lĩnh nam chích
quái”, “Việt điện u linh”, “Thần tích thần sắc” của Viện TTKHXH, thần phả đình
Đại Áng đều ghi Phùng Hưng làm vua được 7 năm thì bị bệnh mất”[3].
Các đình, đền thờ vua Phùng Hưng sau đây đều ghi ông làm vua được
7 năm thì bị bệnh mất:
Đình Quảng Bá, đình Triều Khúc, đình Kim Mã,đình Y Sơn, đình
Hoàng cầu, đình Xuân Biểu, đình Phú Chử, Đền Lộc Điền, đình Thịnh Hào, đình Thổ
Khối, đình dân Trù, đình Phương Trù, đình Phú Phong, đình Chuông, Đền Thượng…
sách danh nhân quân sự Việt nam chép: Phùng Hưng làm vua được 7 năm thì bị bệnh
mất, sách Việt Điện U - Linh tập: Phùng Hưng “trị vì trong nước yên vui… gần được
mười năm thì mất”, sách Tây Hồ Chí ghi Phùng Hưng “ở phủ đô hộ 13 năm thì mất?”).
Cũng nhà nghiên cứu Đào Tố Uyên: Nếu “Phùng Hưng sống đến
năm 802 thì các tư liệu trên phải ghi: “Triệu Xương dụ hàng Phùng Hưng chứ
không phải dụ hàng Phùng An?”, và nếu “Phùng Hưng sống đến năm 802, thì năm 788
cớ gì Phùng Hải và Phùng Dĩnh phải thay tên đổi họ để tránh nạn cốt nhục tương
tàn? Từ lập luận như trên, ngày hóa của Phùng Hưng theo nhà nghiên cứu Đào Tố
Uyên là ngày: 13 tháng 8 năm Mậu Thìn (788), thọ 53 tuổi”.
5. Chính sử chỉ chép Đức Phùng Hưng có hai anh em trai là Phùng
Hải và Phùng Dĩnh, căn cứ vào các tài liệu có trong bài viết này, Phùng Hưng có
hai chị gái là Phùng Thị Thảo và Phùng Thị Trinh, với 6 cháu ngoại gọi bằng cậu
là: Phạm Thị Uyển, Phạm Miện, Phạm Huy, và Trương Phán, Trương Dị, Trương
Thanh.
Cháu gái Phạm Thị Uyển là phu nhân và đồng thời là tướng của
Mai Hắc Đế, bà đã có công lãnh đạo quân sĩ đánh lại quân xâm lược nhà Đường do
hai tướng giặc là Dương Tử Húc và Quang Sở Khách chỉ huy trên dòng sông Cái
(sông Hồng) và hy sinh anh dũng tại cuộc quyết chiến ác liệt với quân địch trên
dòng sông Tô Lịch (bấy giờ sông Tô còn là một nhánh của sông Hồng).
Chị gái Đức Phùng Hưng là Phùng Thị Trinh và các cháu Phạm Miện,
Phạm Huy và Trương Phán, Trương Dị, Trương Thanh đều tham gia cuộc khởi nghĩa
và là tướng của cuộc khởi nghĩa do cậu Phùng Hưng lãnh đạo.
Các cháu của vua Phùng Hưng: Phạm Thị Uyển, Phạm Miện, Phạm
Huy do có công với nước với dân đã được nhân dân làng Hòa Mục dựng đình, đền thờ
tại đình và đền ở làng Hòa Mục, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy thành phố Hà Nội.
Chị gái Phùng Thị Trinh và các cháu Trương Phán, Trương Dị,
Trương Thanh, đã vì nước vì dân vận động dân vùng ven biển Kiến Thụy, An Lão,
An Dương chuẩn bị lương thảo, vũ khí… tham gia đánh đuổi giặc Đường, vua Phùng
Hưng đã ban cho bà Phùng Thị Trinh là công chúa, dân tôn kính bà gọi là đức bà,
ba anh em họ Trương đều có quan tước.
Sau khi vua Phùng Hưng mất, Trương Phán, Trương Dị, Trương Thanh
lại giúp con vua là Phùng An và cả ba đã hy sinh vì nước vì dân. Nhân dân làng
Đồng Tử, Phù Lưu (nay là phường Phù Liễn) đã lập đình thờ bốn mẹ con. Ở quận Kiến
An ngày nay, có một đường phố mang tên Phùng Thị Trinh.
6. Chính sử không chép, nhưng với các tư liệu hiện hữu có
trong bài viết này, có thể khẳng định rằng, cho đến nay chúng ta mới biết được
vua Phùng Hưng có bốn bà vợ:
Bà Trần Thị Huy, là người phụ nữ công dung ngôn hạnh,
để lại nhiều ân đức cho nhân dân, bà là người có công đầu xây dựng chùa Chuông,
cuối đời bà tu hành và hóa tại chùa Chuông, bà đã được nhân dân làng Chuông lập
lăng thờ tự.
Ở chùa Chuông có Cung thờ Đức Thánh Mẫu, đây là nơi thờ
Đương cảnh Thành hoàng, Quy châm Hiền thục Trần công chúa, Cẩn hạnh Phương Dung
Đại vương là phu nhân Đức Phùng Hưng. Chùa Chuông thuộc xã Phương Trung, huyện
Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội).
Căn cứ vào tư liệu hiện có ở làng Lộc Điền và làng Phú
Chử, Đền Lộc Điền và Đình Đông, Phùng Hưng đã về hai làng Lộc Điền và Phú Chử,
tại đây ông đã xây đồn Phú Chử để đánh đuổi giặc Chà Và và Côn Lôn, sau khi đã
bị đánh đuổi vẫn vào cướp phá ven vùng Chu Diên, để giữ vững vùng hạ lưu bảo vệ
thành Tống Bình, rồi cử Phùng Lã Tu ở lại giữ đồn Phú Chử.
Vua Phùng Hưng đã đến làng Lộc Điền, tại đây ông đã gặp và kết
duyên với hai chị em gái sinh đôi họ Nguyễn người làng Lộc Điền, xã Việt Hùng,
huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình là Nguyễn Thị Hồng Loan (Hồng Loan nương) và Nguyễn
Thị Ngọc Nhị (Nhị nương).
Nghiên cứu 14 sắc phong của các triều vua lê Trung hưng, vua
Quang Trung và vua triều Nguyễn (thế kỷ 18-19), ta nhận thấy các triều đại
phong kiến đều ghi nhận Phùng Hưng là người có công với nước, với dân, là anh
hùng dân tộc, vị vua nhân hậu của nước Nam, con của Phùng Hưng kế vị cha là vua
Phùng An nước Việt, vì thế trong các Đạo sắc phong thần cho hai bà Hồng Loan
nương và Nhị nương, các triều đại đều ghi nhiều mỹ từ ca ngợi, nhớ ơn công đức
của hai bà và gọi hai bà là “Thái hậu hai cung” - Hồng Loan nương và Nhị nương.
- Tại đình làng Phương Bản xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ,
ngoài thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, đình “…còn thờ cả bà Vương thị Phu nhân
của Bố Cái Đại Vương, dân làng còn cung kính gọi là Vua Bà. Đến năm Chính Hòa
thứ tư (1783) triều đình ban sắc tặng cho Vua Bà, trong sắc có hai chữ 沛
沔(Bố
Cái) có dùng bộ chấm thủy”[4].
7. Chính sử chỉ chép Phùng An là con trai Phùng Hưng kế vị
ngôi vua Phùng Hưng sau khi ông qua đời. Ngoài ra, không thấy nói Phùng Hưng có
mấy con, nhưng đến nay, căn cứ phả ký làng Chuông và cuốn sách Làng Chuông - Điểm
sáng châu thổ sông Hồng của tác giả Nguyễn Sinh Thủy thì Phùng Hưng có 5 người
con trai.
Còn theo hồ sơ di tích đình Hoàng Cầu, và đình Đông Các, thì
Phùng Hưng có 2 người con: Người con trai là Phùng An, người con gái là Bảo Hoa
Công chúa. Cả hai người con Phùng Hưng nói ở trên trước đây được dân làng phường
Ô Chợ Dừa thờ tại đình Đông Các, phường Ô Chợ Dừa.
Từ khi đình Đông Các được sử dụng làm trụ sở công an phường,
nhân dân đã chuyển long ngai và bài vị của các ngài về phối thờ tại đình Hoàng
Cầu. Hiện nay ở đình Hoàng Cầu còn lưu 22 đạo sắc phong trong đó có 4 đạo sắc phong
chung cho cả Bố Cái Đại Vương và Bảo Hoa nương Công chúa:
- Đạo sắc phong thần Tây Hưng đại vương cùng con gái là Bảo Hoa Công
chúa, ghi ngày 29 tháng 3 niên hiệu Quang Trung thứ 5 (1792).
- Đạo sắc phong thần Tây Hưng cùng Công chúa Bảo Hoa ngày 21 tháng 5 niên hiệu
Cảnh Thịnh thứ 4 (1796).
- Đạo sắc phong thần Tây Hưng Đô Quân cùng Công chúa Bảo Hoa ngày 17 tháng 5
niên hiệu Bảo Hưng thứ 2 (1802).
- Đạo sắc ngày 26 tháng 7 năm Cảnh Hưng thứ 44 (1785). Sắc phong:
Tây Hưng Đại Vương và Bảo Hoa Công chúa
Sông núi linh thiêng, càn khôn hợp đức
Thoát hóa hiện, khôn nghe nhìn
Nghìn năm giúp đỡ cơ đồ vận nước
Muôn thuở công lao hiển hách cao dày
Cương vực vững bền sự nghiệp sán lạn
Đời đời thờ phụng.
Nay nhà vua ở ngôi chính phủ, lễ có điển của nhà nước, vậy ứng
phong thêm 3 từ ngữ lưu:
Tây Hưng Đại Vương: Diệu vận - Linh thông - Phổ hộ.
Bảo Hoa Công chúa: Thục đức - Trang nghi - Ý phạm.
8. Đức Phùng Hưng dấy binh khởi nghĩa chống lại ách đô hộ nhà Đường
vào năm 767, cuộc khởi nghĩa kéo dài hơn 20 năm (Việt Điện U - Linh tập: Kể từ
khi vua Đại Tông nhà Đường thứ hai là năm Giáp Thìn (764) Đức Phùng Hưng tế cờ
khởi nghĩa cho đến khi mất là 25 năm; sự tích Đại Đô Thành hoàng Phùng Đại
Vương: Phùng Hưng khởi nghĩa từ năm Đinh Mùi, niên hiệu Đại Lịch đời Đường Đại Tông,
đến năm Tân Mùi, niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường Đại Tông, tất cả được 25
năm).
Theo chính sử, triều đại Phùng Hưng đến năm 791 là kết thúc, căn cứ tư liệu có
trong bài viết:
Đức Phùng Hưng làm vua được 7 năm.
Phùng An làm vua được 2 năm.
Đức Phùng Hưng làm lễ tế cờ xuất quân đánh thành Tống Bình ngày
12 tháng 2 năm 781, sau gần một năm, ngày 10 tháng Giêng năm 782 thắng lợi
(chúng tôi theo sách Việt Điện U - Linh, Sự tích Đại Đô Thành Hoàng Bố Cái Đại
Vương, sách của Giáo sư Đinh Xuân Lâm, và các Nhà nghiên cứu sử học, những tư
liệu các đình, đền cổ hiện đang lưu giữ có trong bài viết này), ông vào phủ trị
tôn xưng đế hiệu, lên ngôi trị vì đất nước. Phùng Hưng băng hà vào năm 788 hoặc
789. Như vậy, có thể đưa ra lời kết như sau:
a. Cuộc kháng chiến do vua Phùng Hưng lãnh đạo chống lại ách đô
hộ của nhà Đường kéo dài 25 năm (từ năm 766 đến 791).
b. Cuộc kháng chiến tiêu diệt Cao Chính Bình, lật đổ chế độ
đô hộ nhà Đường là sự kết hợp chuẩn bị lực lượng, rèn luyện binh sĩ, tích trữ
lương thảo, khí giới, chờ thời cơ, ngày 12 tháng 2 năm 781 Đức Phùng Hưng tế cờ, xuất
quân tấn công thành Tống Bình, ngày 10 tháng Giêng năm 782 thắng lợi, chiếm phủ
trị, tôn xưng đế hiệu, yên dân, sửa lại thành trì, làm lễ tức vị xưng vương, định
quốc luật, khao thưởng tướng sĩ, trở lại Đền Thượng làm lễ “Tạ Cờ” để tạ ơn trời
đất và cảm ơn trăm họ. Đến năm 788 ông bị bệnh và mất. Phùng Hưng trị nước được
7 năm.
c. Từ năm 789 đến năm 791 Phùng An lên kế vị vua cha.
9. Cuộc kháng chiến của quân dân ta do Đức Phùng Hưng khởi xướng
và lãnh đạo kéo dài 25 năm (766-791) là trang sử vàng, là mốc son chói lọi
trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Đức Phùng Hưng là nhân vật lịch sử lớn của dân tộc, người có
công lãnh đạo cuộc kháng chiếu lâu dài và anh dũng của nhân dân ta chống lại
ách đô hộ của thế lực to lớn, rất mạnh, có chế độ cai trị rất hà khắc, thâm độc
so với các triều đại trước và sau đó của nhà nước phương Bắc.
Ông được nhân dân yêu mến, khâm phục, tin cậy, tôn phong làm
Bố Cái Đại Vương, tôn hiệu này đã tồn tại từ sau thắng lợi lật đổ ách thống trị
nhà Đường đến thời đại chúng ta mười bốn thế kỷ. Tôn hiệu này rất dễ hiểu, dễ
nhớ, gần gũi và tự hào, rất Việt!
Thắng lợi của cuộc kháng chiến do Phùng Hưng lãnh đạo thể hiện
sức mạnh của tình đoàn kết, tinh thần yêu nước, yêu độc lập tự do của nhân dân
ta, thể hiện vai trò cá nhân của Bố Cái Đại Vương, vị Quân vương - Minh chủ vừa
có đức, vừa có tài, nhà quân sự có tầm mắt chiến lược sâu sắc, có uy tín trong
nhân dân, trong tướng sĩ mà ông là thủ lĩnh.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến thể hiện đây là cuộc chiến
tranh nhân dân, cuộc chiến tranh diễn ra lâu dài, với nghệ thuật “trường kỳ
kháng chiến”, “trường kỳ mai phục”, “nhất định thành công”, địa bàn kháng chiến
trải rộng khắp các vùng miền của đất nước. Cuộc chiến tranh này là chính nghĩa,
xâm lược nhà Đường là phi nghĩa, trước sau đi xâm lược nhất định sẽ thất bại.
Thắng lợi của kháng chiến đã đem lại độc lập, tự chủ cho đất
nước, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Những việc lãnh đạo xây dựng đất nước tự
chủ của Phùng Hưng trong 7 năm cầm quyền rất đáng tiếc chính sử không chép lại,
nhưng chắc chắn những việc làm đó đều vì dân, được dân ghi nhận là tốt đẹp.
Bởi lẽ, nếu Đức Phùng Hưng chỉ có công lật đổ chế độ đô hộ nhà
Đường, chống giặc ngoại xâm, cứu nước sau đó nếu chế độ do Phùng Hưng đứng đầu
trị vì mà sụp đổ ngay hoặc chế độ này có tồn tại nhưng làm những việc không tốt,
không hợp lòng người không đem lại cơm no áo ấm cho dân, dân không có tự do, hạnh
phúc… thì làm sao Phùng Hưng lại có uy đức, ơn mưa móc thấm sâu vào hậu thế, để
hậu thế tôn sùng là con người toàn vẹn tuyệt vời đến thế?
Câu nói của người xưa “cái quan định luận” (Đậy nắp quan tài
lại thì lời bàn hay dở mới định) thật là thấm thía. Lịch sử nước nhà đã có
không ít những bài học nhãn tiền. Uy đức, lòng biết ơn, sự tôn sùng của các thế
hệ đời sau đối với Phùng Hưng được thể hiện qua sự tôn xưng tên gọi, qua việc dựng
lăng mộ, dựng đình, đền, miếu, dựng tượng thờ ông, qua hoành phi, câu đối, thần
phả, những chuyện tâm linh thiêng liêng gắn với ông, khi Ngô Tiên chúa lập quốc,
quân phương Bắc vào ăn cướp, Tiên chúa lo lắng, đêm nằm mộng thấy một ông già đầu
bạc, mũ áo nghiêm trang, đẹp đẽ, quạt lông, gậy trúc, xưng họ và tên, nói rằng:
Đem vạn đội thần binh giúp Tiên chúa đánh giặc, quả nhiên trận Bạch Đằng thắng
lớn.
Tiên chúa xuống chiếu lập đền miếu, cho cờ quạt, chiêng trống,
điệu múa vạn vũ, cỗ cúng thái lai để cảm tạ, qua nhiều thời thành lễ cổ.
Nhiều triều đại từ triều Trần, Lê, Quang Trung, Nguyễn đã có
sắc phong thần dùng rất nhiều các mỹ từ ca ngợi công lao, tài đức của ông. Năm
Trùng Hưng thứ nhất (1285), hoàng triều sắc phong là “Phục Hựu đại vương”.
Năm Trùng Hưng thứ tư “Chương Tín”. Năm Hưng Long thứ 20
(1312) lại ban thêm hai chữ “Sùng Nghĩa”. Những tôn xưng tốt đẹp như thế được
lưu giữ ở rất nhiều đình, đền, miếu thờ ông.
Ở lăng mộ vua Phùng Hưng ghi câu đối:
“Sự nghiệp anh hùng truyền vạn thuở,
Tôn xưng cha mẹ hợp muôn dân”.
Ở đình Hoàng Cầu ghi câu đối:
“Đất Bắc thạch bi truyền, vạn thuở nghinh vua Bố Cái,
Trời Nam đồng trụ tạc, ngàn thu sự nghiệp đức Đường Lâm”
Nhiều nơi gìn giữ các lễ hội cổ để hàng năm tổ chức tưởng niệm
nhớ về ông, nhiều địa phương đặt tên phố, tên đường, tên xã, tên trường học
mang tên Phùng Hưng, nhiều sách viết ca ngợi công đức và tài năng của ông.
Trong bài viết này chỉ ngần ấy tư liệu thôi, cũng đủ chứng
minh rằng: Ân đức, Uy đức, ơn nghĩa của Bố Cái Đại Vương Đức Phùng Hưng, vị “vua
nhân hậu”, anh hùng dân tộc đã thấm sâu vào lòng dân, là niềm tự hào của nhân
dân, và sống mãi với nhân dân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Đại Việt sử ký toàn thư, NXBKHXN, năm 1998.
Việt sử lược, NXBSĐ, Hà Nội, năm 1960.
Đại Việt sử ký toàn thư, NXBVH - TT, năm 2000.
Đại Việt sử ký tiền biên, NXBKHXH, năm 1997.
Việt Nam sử lược, NXBVH - TT, năm 2001.
Sự tích Đại đô Thành hoàng Phùng Đại Vương.
Việt Điện u linhtập Phùng Bố Cái Đại Vương truyện.
Lịch triều hiến chương loại chí, NXBT, năm 2014.
Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX.
Hồ sơ di tích của 32 đình, đền, miếu, chùa... có tên trong
bài viết này.
Giản yếu sử Việt Nam, NXBHN, năm 2007.
Danh nhân quân sự Việt Nam, NXBQĐND, năm 2004.
Nhân vật lịch sử Hải Phòng, NXBHP, năm 1998.
Truyện kể về các vị vua Việt Nam, NXBDT, năm 2016.
Làng Chuông điểm sáng châu thổ sông Hồng, NXBTN, năm 2019.
Đại Áng truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng, NXBHN,
năm 2011.
Thuở ấy Hà Nội, NXBHN, năm 2010.
Miền đất hai vua, NXBVH - TT, năm 2014.
Các triều đại Việt Nam, NXBTN, năm 2006.
54 vị hoàng đế Việt Nam, NXBQĐND, năm 2009.
Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng - Thành hoàng làng Kim Mã Hạ,
NXBDT, năm 2017.
Sách truyện đọc lịch sử Việt Nam tập 2 của Giáo sư Đinh Xuân
Lâm.
Tìm hiểu về nghĩa của tôn hiệu Bố Cái Đại Vương - Tham luận
tại Hội thảo Khoa học Phùng Hưng - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của
tác giả Nguyễn Tá Nhí, Viện Hán Nôm.
Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng trên đất Thái Bình, tác giả Phạm
Minh Đức.
Tham khảo tương truyền, truyện kể của các cụ cao lão ở những
đình, đền trong bài viết tác giả đã đến tìm hiểu và nghiên cứu.
[1]Đào Tố Uyên - Lễ hội
làng Triều Khúc
[2]Đào Tố Uyên, Lễ Hội
làng Triều Khúc.
[3]Đào Tố Uyên, Lễ Hội
làng Triều Khúc.
[4]Tìm hiểu về nghĩa của
tôn hiệu Bố Cái Đại Vương - Tham luận tại Hội thảo Khoa học Phùng Hưng - Thân
thế, cuộc đời và sự nghiệp của tác giả Nguyễn Tá Nhí - Viện Hán Nôm.
Nguồn: Họ Phùng Việt Nam