Đình Hạnh Lâm, xã Hiển Khánh thờ hai vị tướng thời Hùng Vương là Minh Gia và Minh Tôn, hai vị tướng cùng Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc Ân. Làng Hạnh Lâm hiện còn lăng mộ của hai bà mẹ hai vị tướng và miếu thờ tại rừng cấm đầu làng gọi là Phủ Lăng Bà.
Thần tích làng Hạnh Lâm, xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Chi Khôn, bộ thượng đẳng thứ 7
Bản chính trong từ đường quan Thượng thư bộ Lễ quốc triều.
Xưa nước Việt ta dựng nền ở phương Nam, cương vực theo sao
Ngưu, sao Đẩu. Triều Hùng mở vận, Thánh tổ gây dựng cơ đồ. Vua Kinh Dương Vương
từ khi thừa mệnh vua cha ở Bắc triều nhận quyền chủ trị phương Nam, đi tìm xem
hình thế sông núi nước Việt, lấy vùng đất đẹp Hoan Châu mà dựng lập kinh đô, lấy
vẻ mạnh của nơi Nghĩa Lĩnh mà tu sửa miếu đền. Cha truyền con nối đều lấy Hùng
Vương làm tôn hiệu.
Khi Kinh Dương Vương lấy tiên nữ Động Đình là Âu Cơ, ở tại
nơi đầu núi Nghĩa Lĩnh. Âu Cơ từ đó mang thai, được 3 năm 30 ngày sinh hạ được
một bầu trăm trứng, nở ra trăm người con trai. Tất cả đều có tư chất hơn người,
anh hùng vượt đời. Đến khi trưởng thành Vua mới phong tước hầu dựng các nơi làm
bình phong, chia nước thành 15 bộ.
Một là Sơn Tây, hai là Sơn Nam, ba là Hải Dương, bốn là Kinh
Bắc, năm là Ái Châu, sáu là Hoan Châu, bảy là Bố Chính, tám là Ô Châu, chín là
Ai Lao, mười là Hưng Hóa, mười một là Tuyên Quang, mười hai là Cao Bằng, mười
ba là Lạng Sơn, mười bốn là Quảng Tây, mười năm là Quảng Đông.
Khi đó Long Quân nói với Âu Cơ rằng:
– Ta là giống Rồng,
nàng là giống Tiên. Tuy khí âm dương hợp lại mà sinh con nhưng chủng loại không
cùng, nước lửa tương khắc, không thể cùng chung sống.
Nhân đó mới chia biệt, phân thành trăm họ. 50 người con theo
cha về biển là Thủy thần. 50 người con
theo mẹ về núi làm Sơn thần. 50 người con về núi phân ra để cai quản trên từ
các đầu núi, dưới tới các góc biển. Mỗi đạo có người làm đế chủ quản một
phương, cùng hưởng lộc trời, là người chủ trưởng vậy.
Tới thời Huy Vương ở ngôi đóng đô ở Việt Trì bên sông Bạch Hạc,
lập nước tên là Văn Lang, quốc đô tên là thành Phong Châu. Vua đức rộng tài
cao, khoan nhận rất mực, kế thừa vận của 6 đời trước, chuyên tâm lấy đức hóa
dân, lấy công mà yên trị, cũng có thể đáng gọi là bậc quân vương vậy.
Khi ấy có một vị đạo quan của bộ Sơn Nam, vốn là dòng dõi
trong số 50 người con của một bọc trăm trứng về núi, được phân trị ở Sơn Nam, họ
là Hùng, tên Khắc, lấy người trang Tức Mặc, huyện Chân Định, phủ Thiên Trường
tên là Trần Thị Huệ, lập làm Chính phi.
Vợ chồng tuy là nắm quyền chủ một phương nhưng cố sức làm điều
phúc thiện. Tuổi đã ngoài bốn mươi mà điềm cung nỏ, buồm thuyền chưa thấy được
nơi cửa huyền. Do đó vợ chồng cố gắng tạo phúc, hết sức làm điều nhân, điều nhỏ
cũng vì coi dân như con. Trong năm các lễ thời, thuế khóa nhận được, tất cả đều
cho dân, không lấy một điểm nào. Cửa quan không có kiện tụng, giam giữ, sân đường
không có roi vọt.
Một hôm chủ bộ quan đi đến nơi đất đầu khu Hàn Lâm, trang
Liên Phúc, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, chợt gặp một người con gái, tuổi độ
ba lần tám (24), mặt hoa da phấn, mắt ngọc mày ngài, tỏa vẻ có đức sắc. Chính
phi thích nhan sắc ấy bèn triệu tới hỏi danh tính, quê quán. Người con gái trả
lời:
– Thiếp tên là Mỹ
Nương, là người khu Hàn Lâm, con gái phú ông họ Nguyễn. Mẹ thiếp mất sớm, hiện
sống cùng với cha. Tới nay tuổi đã 24.
Chính phi bèn nói rằng:
– Người đẹp ắt phải
có duyên cầm sắt với người đẹp, có mối tơ hồng định sẵn. Chồng ta là chủ quan
Sơn Nam, dòng dõi họ Hùng, tuổi đã cao mà chưa có con sinh dưỡng. Ta là Chính
phi, muốn tìm khắp một tiểu nữ có thể có điềm sinh lan xuất huệ, thỏa nguyện
bình sinh. Nay ta thấy nàng nhan sắc ngôn ngữ đều không phải người thường. Ta
muốn kết nguyện Châu Trần. Không biết ý nàng có ưng không?
Cô gái đó đáp:
– Phận thiếp bồng bềnh,
duyên cầm sắt là do ở Nghiêm đường. Đâu dám tự quyết.
Chính phi bèn loan giá tìm vào nhà ông Nguyễn, hỏi Mỹ Nương
cho Chủ quan. Ông Nguyễn vui mừng đồng ý, xem chọn ngày giờ làm lễ sánh duyên,
rước về nhiệm sở, lập làm Đệ nhị Cung phi.
Từ đó loan phượng tình nồng, thư cưu hợp vận. Được quãng nửa
năm, một hôm Nương cùng với Chính phi cùng nằm trong buồng chính, mơ màng giấc
ngủ. Chính phi bỗng mộng thấy cùng với Nương đến một nơi bốn mặt xung quanh đều
là rừng núi rậm rạo. Lại có một con hổ từ hướng Nam đến. Chính phi quay ra sau,
lại thấy một con hổ từ hướng Bắc tới. Hai con hổ cùng giao đấu. Các nàng đều muốn
cứu một con hổ. Trong mộng ảo mới thấy hai con hổ hóa thành hai cậu thanh đồng.
Một cậu chạy nhập vào Chính phi, một cậu chạy nhập vào Mỹ Nương. Bất chợt kinh
sợ mà tỉnh giấc. Đem chuyện trong mộng nói với Chủ quan.
Chủ quan vui mừng rằng:
– Hổ thay! Hổ thay!
Hổ là điềm rất tốt. Nàng mơ thấy như vậy tất nhiên nàng cùng với Mỹ Nương có điềm
sẽ mang thai.
Lời nói được một ngày, quả nhiên Chính phi cùng với Đệ nhị
cung cùng có mang. Mang thai được 12 tháng, tới năm Đinh Hợi, tiết mùa đông
ngày 10 tháng 11, giờ Dần 1 khắc Chính phi sinh được một người con trai. Giờ Dần
6 khắc Đệ nhị cung phi cũng sinh được một con trai. Dáng rồng thân hổ, mắt phượng
mày tằm, ngũ nhạc cùng chầu, tam đình bằng phẳng, thân dài tám thước, tai trắng
mày xanh, tai dài quá gối, thật là khác người thường.
Sinh được trăm ngày người bố là Chủ bộ quan cùng Chính phi
và Đệ nhị cung phi, với hai con trai vào gặp vua Huy Vương. Vua mở tiệc mừng lớn,
lại nói với Chủ bộ quan rằng:
– Hai đứa cháu đẹp
đẽ này đúng là dòng dõi tông phái gia tộc. Trẫm nay đặt tên cho cháu trưởng là
Minh Gia, cháu thứ là Minh Tông, để làm rạng nghĩa của dòng dõi gia tông.
Chủ bộ quan nhận mệnh, cảm tạ. Xong việc lại trở về nhiệm sở
Sơn Nam. Chưa được một năm Chủ bộ quan lại lấy tiền đem về khu Hàn Lâm, trang
Liên Phúc cho xây dựng một cung điện để hai người con Minh Gia, Minh Tông khi lớn
lên sẽ ở đó. Xây cung xong lại trở về nhiệm sở.
Than ôi, sự biến đến thật vô thường! Là vận trời vậy sao?
Trong 3 năm Chủ bộ quan cùng Chính phi và Mỹ Nương đều theo nhau mà mất. Minh
Gia, Minh Tông kêu góc vang trời, nhưng tình thế không thể làm sao được. Lần lượt
làm lễ chôn cất. Hương lửa tế lễ trong nhà theo như nghi thức.
Khi sự hiếu đã xong, hai ông tuổi đã 21. Hai ông vốn thiên
tư thông minh, học tuy ít nhưng biết rộng cổ kim, hiểu khắp trời đất. Tuổi 25
vua Huy Vương cho phép kế chức của cha nhận quản đạo Sơn Nam. Người anh là Minh
Gia Thiên tử. Người em làm Minh Tông Thiên tử.
Hai vị Thiên tử cảm tạ, trở về, tới cung ở khu Hàn Lâm thì ở
lại đó, khuyến khích nghề nông tang, tăng lợi trừ hại, lại cho dân Hàn Lâm được
miễn việc phục dịch binh dong, tô thuế, để làm dân đất thang mộc sau này khi
hai vị Thiên tử đã trăm tuổi. Thật là có công lớn với khu Hàn Lâm vậy.
Lại nói, khi đó đất nước có giặc Ân phương Bắc là Thạch Linh
Thần tướng dẫn trăm vạn hùng binh đến xâm lược.
Giáo giáp khắp trời, cờ xí rợp đất. Biên cương gửi thư báo gấp.
Vua rất lo lắng, bèn lập đàn cầu đảo trời đất và bách thần.
Vua tự mình đến ở nơi đàn cầu đảo. Sau 3 ngày bỗng thấy có mưa gió sấm chớp nổi
lên. Có một ông lão cao hơn 9 thước, ngồi ở đường lớn, cười nói nhảy múa. Mọi
người thấy vậy đều cho là lạ. Dân vào tâu Vua. Vua thân đón ông lão vào trong
đàn, mời ngồi trên, rồi hỏi:
– Nay có giặc
phương Bắc đến xâm lấn. Thắng bại như thế nào, xin được chỉ giáo.
Ông lão suy nghĩ hồi lâu đắn đo mưu kế, rồi nói với Vua rằng:
– Nay hoàng gia
đang có hai vị thần hổ đầu thai, hiện là chủ tể đất Sơn Nam, chính thuộc tông
phái của hoàng gia. Những người này có thể gấp cho dẫn binh chống giặc trước.
Sau đó cho sứ giả đi tìm trong thiên hạ để cầu được người tài. Như thế giặc
phương Bắc chắc chắn có thể bình được.
Vua bèn sai sứ đến khu Hàn Lâm, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa
Hưng gấp triệu hai vị Thiên tử về triều, dẫn quân chống giặc phương Bắc. Một mặt
sứ giả đi chiêu mộ các nơi trong thiên hạ. Sứ giả vâng mệnh đi tìm mộ người
tài. Một hôm đi đến làng Phù Đổng, quận Vũ Ninh, đạo Kinh Bắc.
Trước đó, làng Phù Đổng có một nhà giàu sinh được một người
con trai tên là Thiết Xung Thần vương. Tuổi đã lên 3 mà chỉ biết nằm ngửa, ăn uống
mà lớn, nhưng không biết cười nói. Đến khi nghe lời kêu gọi của sứ giả bỗng
nhiên ngồi thẳng dậy, mở miệng nói với mẹ rằng:
– Mẹ hãy gọi sứ giả
đến đây.
Thần vương nói với sứ giả:
– Nhà ngươi mau về
báo với Vua cho làm một con ngựa sắt, một chiếc nón sắt, một cây roi sắt. Giặc
Bắc Vua sẽ không phải lo lắng gì nữa.
Sứ giả nghe lời vội về triều, tâu với Vua. Vua nghe vậy rất
mừng, bèn gấp truyền lệnh cho thợ thu thập sắt đúc thành ngựa sắt cao mười thước,
nón sắt rộng một ôm tay, roi sắt dài một trượng, chở tới cho Thần vương. Thần
vương hét to lên mấy chục tiếng, tự nhiên thân vươn cao 18 thước, làm một bữa
no say xong Thần vương nhảy thẳng lên ngựa, dõng dạc nói:
– Ta đến đây!
Ngựa chạy như bay đến thẳng chân núi Trâu, quận Vũ Ninh. Thần
vương lấy cờ chỉ vào. Thạch Linh Thần tướng tự nhiên ngã lăn ra mà chết. Còn lại
các dư đảng chưa kịp diệt mà roi sắt đã bị rơi mất. Thần vương bèn túm bụi tre
non cùng với hai vị Thiên tử đánh một trận lớn. Giặc Bắc đều đại bại mà chạy và
chết vô số. Từ đó, giặc phương Bắc không dám đến xâm lấn.
Hai vị Thiên tử cùng với Thần vương cưỡi ngựa thẳng đến núi
Ninh Sóc. Thần vương bay lên trời mà đi. Hai vị Thiên tử cũng theo đó mà hóa
(khi đó là ngày 15 tháng 12). Sau khi hai vị Thiên tử cùng với Thần vương đã
hóa, vua Huy Vương nhớ tới công lao lớn với đất nước bèn phong tặng cho Thần
vương là Phù Đổng Thiên Vương, cho trăm mẫu ruộng để làm ruộng thờ phụng.
Cho làng Phù Đổng lập miếu thờ cúng. Lại cho khu Hàn Lâm,
trang Liên Phúc được miễn các quân dịch, tô thuế để phụng thờ hai vị Thiên tử,
các kỳ xuân thu đều có quốc tế, bốn mùa hương đèn, vạn đời không dứt.
Một vị Minh Gia Thiên Tử
Một vị Minh Tông Thiên Tử
Chuẩn cho khu Hàn Lâm, trang Liên Phúc thờ phụng.
Lại nói từ đó về sau tới Đinh, Lý, Trần, Lê đều có giúp nước
cứu dân, vốn xưa có nhiều đế vương phong tặng mỹ tự để vạn năm hưởng lộc, cùng
với trời đất mãi còn. Mãi vậy! Tốt thay!
Phụng thờ mở các tiệc sinh, hóa cùng với các chữ húy nhất
thiết cấm là hai chữ Gia, Tông, cùng với các sắc phục hai màu hồng và tía.
Ngày sinh thần là mồng 10 tháng 11, lễ dùng trên cỗ chay, dưới
cỗ thịt trâu, rượu, ca hát 3 ngày.
Ngày hóa thần là ngày 15 tháng 12, lễ dùng lợn đen tuyền,
xôi, bánh, cơm.
Ngày hội khánh hạ mồng 10 tháng 2, lễ dùng lợn, gà, xôi, rượu,
ca hát 3 ngày.
Ngày hội khánh hạ mồng 10 tháng 8, lễ dùng cỗ thịt trâu, ca
hát 3 ngày.
Niên hiệu Hồng Phúc năm thứ nhất, tháng đầu thu, ngày tốt,
Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ, thần là Nguyễn Bính phụng soạn.
Hoàng triều niên hiệu Vĩnh Hữu thứ 8, tháng cuối thu, ngày tốt,
Quản giám bách thần, Tri điện Hùng lĩnh Thiếu khanh, thần là Nguyễn Hiền lại
tuân theo bản chính của tiền triều phụng sao.