Đền Quốc tế là một công trình lịch sử văn hóa tín ngưỡng lớn và lâu đời nhất ở xã Dị Nậu, huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ). Với 2.300 năm từ khi được xây dựng, đây là nơi thờ phụng những danh tướng của Vua Hùng Duệ Vương trong buổi đầu dựng nước và giữ nước.
Dị Nậu là một miền đất cổ, là địa vực in dấu những hoạt động
của các tướng lĩnh danh tiếng thời Hùng Vương dựng nước. Theo Thần tích (Ngọc
Phả) còn lưu trữ được ở Viện nghiên cứu Hán Nôm tại Hà Nội thì khi các Đức Ngài
Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn Đại vương, Quý Minh Đại vương, Hiếu Lang Đại vương
đời vua Hùng Duệ Vương trên đường đi dẹp giặc Thục Phán đã đến trang Dị Nậu hạ
trại, dựng phủ đường ở gò Trạm Lĩnh và 4 quân doanh cho quân sĩ đồn trú.
Sau này những nơi đó được nhân dân xây dựng đền Thượng (đền
Quốc tế) và 4 ngôi điện: Điện Đông, Điện Tây, Điện Nam, Điện Bắc vào năm 258
TCN.
Đền Quốc tế (Đền Thượng) ở xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh
Phú Thọ.
Ngay thời kỳ đó, các Đức Ngài dạy dân cày cấy, chăn nuôi và những
nghề thủ công. Đến năm 188 trước Công nguyên Đức Cao Sơn Đại vương hóa tại
Trang Dị Nậu. Sau khi ông lên trời, tri ân công đức của Đức ngài, người dân
làng Dị Nậu lập Đền thờ đời đời phụng thờ.
Đền Quốc tế, còn gọi là Đền Thượng nằm trên đỉnh gò Trạm
Lĩnh, hướng chính Tây, nhìn thẳng về dãy núi Kiêu Biền xanh thẳm. Đền được xây
dựng kiến trúc theo kiểu chữ nhị (=), hiện còn lại hai tòa tiền tế và đại bái.
Nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều di vật phong phú và quý hiếm
như: Ngai thờ, án gian, kiệu bát cống, kinh sách, sắc phong… phản ánh nghệ thuật
điêu khắc gỗ cổ tinh xảo từ thời Lê.
Đáng chú ý là kiệu bát cống với kỹ thuật đục bong, chạm nổi,
chạm thủng điêu luyện, đường nét tinh tế, được sơn son, thếp vàng. Ngoài ra còn
có các sắc phong của các triều đại cho các đức Thánh Thần, trong đó sắc phong cổ
nhất còn giữ được là sắc phong của vua Lê Chân Tông (hiệu Phúc Thái) đã tấn
phong cho ngài Cao Sơn “Linh ứng đại vương” vào ngày 17/7 năm Ất Dậu (1645).
Những sắc phong này cho thấy, Dị Nậu là một địa điểm chiến
lược quan trọng, các Lạc tướng, Lạc hầu thời Hùng Vương đã lựa chọn vị thế đắc
địa ở đây để xây dựng dinh lũy, khai điền, mở nước.
Với một công trình văn hóa tín ngưỡng có bề dày lịch sử hàng
ngàn năm như vậy. Ngày 22/9/1992 Đền Quốc tế được Bộ VH&TT (nay là Bộ VH-
TT&DL) cấp bằng công nhận là “Di tích lịch sử văn hóa” cấp Quốc gia.
Đền Quốc tế đã tồn tại hơn hai thiên niên kỷ (2300 năm) và
được sửa chữa nhiều lần, không chỉ là chốn tôn nghiêm để thờ phụng, tri
ân đến các bậc Thánh nhân đã có công với nước, nhằm hướng mọi người tới những
điều từ bi, bác ái, trồng phúc cho hậu nhân, mà còn là nơi đã diễn ra những cuộc
họp bí mật của cán bộ xã, nơi chỉnh cán, luyện quân của du kích, bộ đội trong
thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Hàng năm vào ngày mùng 4 tháng Giêng, nhân dân xã Dị Nậu
tổ chức lễ hội nhằm tri ân công đức các bậc tiền nhân. Phần lễ tổ chức
trang nghiêm, thành kính với các nghi lễ như: rước Kiệu, Tế lễ, Dâng
hương. Phần hội với các trò chơi dân gian như: Bách nghệ trình làng,
Cướp kén bán ngài, Cờ tướng…
Đến với lễ hội đền Quốc tế du khách sẽ được viếng Đức Cao
Sơn Đại Vương ở đền rồi qua chùa Đàm Nhan để lễ Phật và thưởng thức hương hoa của
7 cây đại đã thọ hơn 700 năm; ngược lên điện Nam thắp nén hương vái đức ngài
Quý Minh và ngắm khu gò cấm; xuôi về điện Bắc để viếng đức Thánh Tản Viên và đại
vương Hiếu Lang, rồi chiêm ngưỡng cây thị đã hơn ngàn năm tuổi mà cành lá vẫn
xum xuê, trái vàng thơm nức…
Hằng năm, phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động mang đậm
nét văn hóa truyền thống.
Tích trò “Bách nghệ trình làng
Việc tổ chức Lễ hội hàng năm nhằm giáo dục cho lớp cháu
con hiểu rõ hơn về cội nguồn, về truyền thống cách mạng của quê hương, góp phần
xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nguồn: Báo Phú Thọ