Đình Hậu thuộc xã Bắc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An thờ phụng Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, Cao Sơn - Cao Các và Bản cảnh Thành hoàng Thung Lĩnh Triệu Cơ Nguyễn Tướng Công.
Đình Hậu thuộc xã Bắc Thành, huyện Yên Thành là một trong những
ngôi đình tiêu biểu lâu đời trên quê hương xứ Nghệ. Đình Hậu thờ phụng thành
hoàng làng là hoàng tử Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, thần Cao Sơn - Cao Các và Bản
cảnh Thành Hoàng Thung Lĩnh Triệu Cơ Nguyễn Tướng Công, đã có công khai hoang lập
làng, đánh giặc giữ nước, được các triều vua đời sau sắc phong và người dân địa
phương tôn là Thành hoàng.
Đình Hậu mặt tiền quay hướng Nam. Cổng đình là hai trụ biểu
hình chữ nhật nằm sát đường liên thôn, kiểu thu tháp. Trên đỉnh trụ đắp nghê chầu.
Nghê quỳ đắp nề, khỏe mạnh và sinh động, đuôi uốn cong, mắt
mở to, miệng rộng với nanh nhọn dữ tợn. Hệ thống tường bao xây gạch vôi vữa,
trang trí phù điêu voi chiến đắp nổi.
Đình Hậu có cấu trúc kiểu chữ “khẩu”, gồm các tòa Bái Đường,
Tả Vu, Hữu Vu và Hậu Cung. Tòa Bái Đường và Hậu Cung xây song song, nhà Tả Vu
và Hữu Vu xây đối diện hai bên sân đình.
Toà Bái đường là ngôi nhà chính được xây dựng sớm nhất. Khung
nhà Bái đường được đóng bằng gỗ 5 gian, 6 vì kèo, mái lợp ngói âm dương và thông
thoáng xung quanh.
Gian giữa tòa Bái đường treo bức hoành phi ghi 4 chữ Hán
“Thuần phong hậu tục” trên bức cửa võng thêu chỉ với nghệ thuật đỉnh cao. Toà
Bái đường chỉ đặt một hương án chung, là nơi tiền lễ và sinh hoạt văn hóa của
làng, nhân dân.
Điểm đặc biệt là hệ thống cột của nhà Bái đường được đặt
trên các tảng đá kê chân, khác với nhiều ngôi đình khác. Xung quanh chân cột gỗ,
trên đá kê được khoét rãnh tròn, sâu khoảng hơn 1cm. Mục đích của rãnh là đựng
nước, chống các loại côn trùng có hại như mối, kiến…bò lên phá hoại cột gỗ.
Nghệ thuật trang trí của đinh Hậu là các đề tài truyền thống
được thể hiện vừa mang tính chất cung đình vừa mang đậm nét dân gian như cảnh
vinh quy bái tổ; đánh cờ; cầm kỳ, thi, họa; long, ly, quy, phượng…Đây là những
tác phẩm điêu khắc mang giá trị thẩm mỹ cao.
Khoảng giữa Bái đường và Hậu cung là một sân gạch, trên sân
có một chiếc khánh cổ bằng đá. Chiếc Khánh này thường được gõ bằng chày gỗ khi
làm nghi thức lễ trọng đại tại đình Hậu. Âm thanh của Khánh đá cổ rất trầm và
vang vọng lạ thường.
Nhà Hậu cung phía trước có cửa gỗ, mái lợp ngói âm dương. Hậu
cung gồm 3 gian 2 hồi, khung nhà bằng gỗ với 4 hàng cột ngang, 4 hàng cột dọc.
Nhà Hậu cung là nơi thờ phụng Thành Hoàng làng. Gian chính
giữa đặt ban thờ đơn giản bằng gỗ. Trên ban thờ là long ngai và các đồ tề khí
như bát hương, mâm chè, ống hương, ống hoa... Trên long ngai đặt bài vị của các
vị thần, được gọi là Tam tòa Đại Vương thượng đẳng thần.
Ngôi đình không rõ được xây dựng vào năm nào, nhưng theo người
dân truyền lại đã trên 300 năm. Xưa kia, xã Bắc Thành được chia thành 3 làng, gồm
làng Thượng, làng Thái và làng Hậu. Mỗi làng đều xây một ngôi đình thờ phụng
Thành hoàng làng và sinh hoạt cộng đồng, tên làng trở thành tên đình.
Một truyền thuyết kể lại rằng, ngôi đình được người dân làng
Hậu lặng lẽ xây dựng chỉ trong một đêm và hoàn thành vào sáng sớm ngày hôm sau
để biến thành chuyện đã rồi, tránh xung đột với người dân làng bên đang ngăn
không cho dựng đình.
Giữa nhà Bái đường đình Hậu treo một bức hoành phi ghi 4 chữ Hán lớn: “Thuần - Phong - Hậu - Tục” với ý nghĩa đề cao, nhắc nhủ người dân trong làng luôn gìn giữ thuần phong mỹ tục đẹp của làng Hậu. Ảnh: Huy Thư
Trong 6 vì nhà của hạ đình, 2 vì đốc được trang trí, điêu khắc công phu hơn cả. Một vì đốc thể hiện hình ảnh chim phượng, mặt hổ phù ngậm chữ thọ làm nền cho hình ảnh trung tâm "vinh quy bái tổ" với đầy đủ người, ngựa, lọng kiệu, biển bảng... Ảnh: Huy Thư
Vì đốc còn lại tập trung thể hiện hình ảnh "cầm kỳ thi họa", phía dưới ván thưng có mặt hổ phù ngậm chữ thọ cách điệu. Trải qua thời gian, các mảng điêu khắc trên gỗ ở hạ đình đã bị rêu mốc bao phủ, trên ván thưng ở vì đốc, nhiều chỗ bị gãy, nứt... Ảnh: Huy Thư
Hai mặt của các đường kèo trước và kèo sau của Bái đường đều được điêu khắc các đề tài truyền thống. Điểm nổi bật trong nghệ thuật điêu khắc ở đình Hậu là các đề tài trang trí vừa mang yếu tố cung đình, vừa đậm nét dân gian với những hình ảnh như cảnh vinh quy bái tổ, đánh cờ, hình long, ly, quy, phượng... Ảnh: Huy Thư
Hai nhà tả vu và hữu vu được xây dựng theo kiểu chồng diêm nhiều mái. Phần dưới 3 mặt xây tường, phần trên 4 mặt xây kín. So với nhiều ngôi đình cổ trong tỉnh, đình Hậu có kiến trúc khá đặc biệt. Ảnh: Huy Thư
Đình Hậu đã được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia vào
tháng 12 năm 2002.
Ngọc Phương
Nguồn: Báo Nghệ An