TP. Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đã và đang gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, góp phần nâng cao đời sống vật chất, mức thụ hưởng về đời sống tinh thần cho người dân.
Lễ rước kiệu nghênh thần trên biển tại Lễ hội truyền thống đình Trà Cổ năm Giáp Thìn 2024. Ảnh: Vi Thu (Trung tâm TT-VH Móng Cái)
Trong những năm qua, TP Móng Cái luôn kiên định mục tiêu kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hoá, con người. Theo đó thành phố đã huy động, phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, ngành, địa phương và các tổ chức cùng xây dựng môi trường, điều kiện thuận lợi, huy động sự tham gia của người dân, cộng đồng và toàn xã hội, thực hiện tốt công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa.
Đến nay, Móng Cái đã thực hiện bảo tồn và từng bước phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số; 100% thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo đã xây dựng và đưa vào hoạt động nhà sinh hoạt cộng đồng (nhà văn hóa thôn); hoàn thành xây dựng trung tâm văn hóa - thể thao ở 9/9 xã; trên 80% số thôn có đội (câu lạc bộ) văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao hoạt động thường xuyên, có chất lượng. Việc đầu tư xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa được quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện từ thành phố đến các cơ sở.
Việc huy động các nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp văn hóa, xã hội cũng được quan tâm; đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của thư viện thành phố; hệ thống truyền thanh cơ sở được đầu tư, nâng cấp đã góp phần thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền trên địa bàn. Công tác đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa được triển khai bằng nhiều hình thức, bước đầu đã huy động được sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc tham gia đầu tư, quản lý, khai thác các thiết chế văn hóa, thể thao.
Từ năm 2014 đến nay, TP Móng Cái đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Bảo tàng Quảng Ninh lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với 4 di sản, trong đó 3 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm: Hát nhà tơ - Hát múa cửa đình, Lễ hội đình Trà Cổ và Lễ hội đình Vạn Ninh; lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt 1 di tích, cấp Quốc gia 2 di tích và cấp tỉnh 8 di tích.
TP Móng Cái đã tích cực triển khai kế hoạch xây dựng “Làng người Dao” ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn phục vụ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tư duy “làm du lịch”; sưu tầm, phục dựng mẫu nhà truyền thống; duy trì nét đẹp trang phục, phong tục cưới hỏi.
Trẻ em xã Hải Sơn tham gia Lễ hội Hoa sim biên giới 2024. Ảnh: Thu Hằng (Trung tâm TT-VH Móng Cái)
Năm 2024 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã lựa chọn và thực hiện chủ đề công tác “Hoàn thành các quy hoạch, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Móng Cái”, cho thấy sự quan tâm đặc biệt về văn hóa, trọng tâm là thực hiện xây dựng và phát triển con người Móng Cái toàn diện cả về nhân cách, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, tình yêu quê hương, đất nước; tiếp tục phát huy giá trị các đặc trưng riêng của con người Móng Cái “Năng động, sáng tạo, hào sảng, lành mạnh, văn minh, thân thiện”.
Trong năm 2024, Móng Cái đã tổ chức thành công 40 hoạt động, sự kiện, lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch nhằm phục vụ nhân dân và du khách. Tiêu biểu như tổ chức thành công 4 lễ đón nhận di tích các cấp (lễ đón nhận di tích cấp Quốc gia đặc biệt đình Trà Cổ; di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội đình Vạn Ninh; 2 di tích cấp tỉnh đối với địa điểm ghi dấu sự kiện Bác Hồ thăm Trạm Hải quan Bắc Luân và sang thăm nhân dân Đông Hưng, Trung Quốc năm 1960; di tích lịch sử đình Dân Tiến); tổ chức và quản lý chặt chẽ các lễ hội truyền thống (Lễ hội đền Xã Tắc, Lễ hội đình Vạn Ninh, Đình Bầu, đình Quất Đông...), triển khai tu bổ, tôn tạo các di tích: Miếu thờ Bản cảnh Thành hoàng khu Tràng Vĩ (Trà Cổ), đình Vạn Xuân (Hải Xuân), Miếu thờ tướng quân Lê Mộc Đức (Vĩnh Trung), khảo sát lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đối với các loại hình trang phục truyền thống của người Sán Chỉ và Hát đối, Hát giao duyên vùng biển Quảng Ninh...
Hiện, thành phố đang tiếp tục triển khai các giải pháp bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, gắn với phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh; các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao được tổ chức sôi nổi, rộng khắp, trong đó, chú trọng tạo các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa du lịch cộng đồng vùng đồng bào miền núi, biên giới, hải đảo.
Trung Thành
Báo Quảng Ninh điện tử - baoquangninh.vn - Đăng ngày 13/12/2024