Đình Ninh Xá thuộc xã Lê Ninh, huyện Kinh Môn, Hải Dương thờ phụng 2 vị thành hoàng làng và cũng là 2 danh nhân nổi tiếng trong lịch sử dân tộc là Phùng Hưng và Ngô Quyền. Đình là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, cộng đồng của người dân địa phương với những phong tục truyền thống được lưu truyền từ nhiều đời nay.
Đình Ninh Xá là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia
Lưu giữ giá trị truyền thống
Thôn Ninh Xá hình thành khá sớm bên bờ hữu ngạn sông Kinh Thầy.
Căn cứ vào 16 sắc phong còn lại ở di tích và 34 sắc phong khác được ghi chép
chung trong thần phả thì đình Ninh Xá được xây dựng từ năm Quang Thiệu thứ 7
(1522).
Đình Ninh Xá có kiến trúc theo kiểu chữ nhị gồm 5 gian đại
bái và 3 gian hậu cung. Từ cổng đình vào là tam quan. Ở chính giữa là 2 cột đồng
trụ lồng đèn, bên trên có đôi nghê chầu. Hai bên tả, hữu là cửa vòm cuốn xây chồng
diêm cổ, tạo dáng 2 lớp mái.
Toàn bộ hệ thống 8 cột cái, 16 cột quân, vì, kèo đều giữ được
chất gỗ nguyên bản từ khi mới xây dựng. Tại hậu cung có đặt khám cổ để thờ tượng
của 2 vị thành hoàng làng. Ngoài ra, đình Ninh Xá còn lưu giữ một số cổ vật có
giá trị khác như long đình, mâm tế, ngai thờ, nhang áng, bảng độc văn tế, kiệu
song hành, lệnh đồng, bát bửu…
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, toàn bộ xã Lê
Ninh bị quân địch chiếm đóng. Quân giặc đã tháo dỡ tam quan, giải vũ nghè vua,
yến thờ để lấy vật liệu xây bốt canh. Sau năm 1954, nhân dân địa phương đã phát
động công đức tu sửa lại di tích. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đình Ninh
Xá là nơi tiếp nhận các cơ quan quân đội, xí nghiệp từ Quảng Ninh, Hải Phòng về
sơ tán. Đầu tháng 1 vừa qua, đình tiếp tục được tu sửa một số hạng mục với tổng
kinh phí hơn 1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của huyện và người dân đóng góp.
Thờ phụng nhị vua Phùng Hưng và Ngô Quyền
Theo sử sách ghi lại, Phùng Hưng (chưa xác định chính xác
năm sinh, năm mất của ông nhưng ông sống chủ yếu vào thế kỷ 8 sau Công nguyên)
xuất thân trong một dòng dõi cự tộc ở mảnh đất Đường Lâm, huyện Ba Vì (Hà Nội).
Sinh thời, ông có sức khỏe và chí khí phi thường, được nhân dân truyền tụng về
tài đánh trâu, giết hổ. Khi chính quyền thống trị nhà Đường trên đất Việt dần
suy yếu, Phùng Hưng cùng hai người em là Phùng Hải và Phùng Dĩnh kêu gọi nhân
dân, triệu tập binh sĩ nổi lên chống lại nhà Đường. Sau nhiều năm, Phùng Hưng
đã đánh bại quân giặc, chiếm lĩnh thành trì và cai quản việc nước. Sau khi ông
mất, con trai Phùng An lên nối nghiệp. Về sau, ông được tôn vinh là “Bố Cái đại
vương”. Từ đó trở đi, người dân ở khắp nơi, trong đó có làng Ninh Xá đã lập đền
thờ để tỏ lòng biết ơn công lao của ông.
Ngô Quyền (897-944) sinh ra và lớn lên trên quê hương có
truyền thống yêu nước, nơi sản sinh, nuôi dưỡng người anh hùng dân tộc Phùng
Hưng. Từ nhỏ, ông đã có chí khí phi thường. Ông nổi tiếng khôi ngô, tuấn tú và tài
võ nghệ vang danh khắp vùng. Đầu mùa đông năm Mậu Tuất (938), Ngô Quyền kéo
quân từ Ái Châu ra thành Đại La để chống quân Nam Hán.
Lợi dụng địa hình sông ngòi vùng đông bắc, ông đã cho quân
sĩ bố trí cọc nhọn bịt sắt cắm xuống lòng sông Bạch Đằng. Khi nước triều lên nhử
địch vào trong hàng cọc đến khi nước rút thì phối hợp quân thủy bộ tiêu diệt
nhanh gọn quân Nam Hán.
Trong chiến thắng này, nhân dân xã Lê Ninh đã có đóng góp
không nhỏ. Ngày nay, ở đây vẫn còn những địa danh liên quan đến việc cất giấu quân
lương, vũ khí của Ngô Quyền như “Vườn Vông” là nơi cất giấu quân lương, “Đồng
Quan” là nơi điểm quân và “Bãi giầm thuyền” là nơi cất giấu thuyền chiến và đội
quân hậu bị phục vụ trận chiến Bạch Đằng.
Đình Ninh Xá thờ Phùng Hưng và Ngô Quyền đã được các triều
vua ban tổng cộng 16 sắc phong. Năm 1998, đình Ninh Xá được công nhận là di
tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.
Lễ hội đình Ninh Xá, Kinh Môn, Hải Dương
Hằng năm, vào dịp từ ngày 14-17.2 âm lịch, nhân dân Ninh Xá
lại nô nức tổ chức lễ hội truyền thống tưởng nhớ Bố Cái đại vương Phùng Hưng và
Ngô vương Ngô Quyền. Ông Ninh Văn Nhượng (70 tuổi), thành viên ban khánh tiết
đình Ninh Xá cho biết: Trước ngày tổ chức lễ hội, dân làng tập trung từ sớm để
bao sái tượng, dựng cờ đình, dọn dẹp tại yến thờ, quét dọn đường nghinh thỉnh…
Lễ chính được tổ chức vào ngày 15.2 âm lịch.
Người dân khiêng kiệu Bố Cái đại vương và Ngô vương Ngô Quyền
đi theo hướng đông nam tới nghè vua, yến thờ để làm lễ, sau đó rước tượng trở về
đình theo hướng tây nam. Trong các ngày 16-17.2, người dân lần lượt tế lễ theo
nghi thức truyền thống và tổ chức các trò chơi dân gian. Lễ hội thu hút hàng
nghìn người dân địa phương và khách thập phương đến dâng hương dịp đầu
năm.
ĐỨC TÂM