Tướng Nguyễn Bồ là anh của tướng Nguyễn Bặc và tướng Nguyễn Phục. Cả ba anh em Đức Thánh Cả đều là tướng nhà Đinh, có công giúp Đinh Tiên Hoàng trong công cuộc đánh dẹp loạn 12 sứ quân.
Vợ của tướng Nguyễn Bồ là công chúa Quế Hương, chị gái vua
Đinh Tiên Hoàng. Năm Đinh mão 967, vua Đinh Bộ Lĩnh giao Nguyễn Bồ làm chỉ huy
tiến quân đánh sứ quân Nguyễn Siêu ở Tây Phù Liệt, là sứ quân mạnh nhất lúc bấy
giờ; không may trong trận này Nguyễn Bồ cùng ba tướng Nguyễn Phục, Đinh Thiết,
Cao Sơn và rất nhiều binh lính tử trận.
Sử sách không đề cập tới Nguyễn Bồ. Ông chỉ được nhắc đến
qua các tài liệu thần phả.
Thần phả tại đình Ba Dân ở Thanh Trì, Hà Nội ghi ông có hai
người anh em là tướng Nguyễn Bặc và Nguyễn Phục, là người châu Đại Hoàng (Ninh
Bình) ngày nay, cả ba đều là tướng đi theo Đinh Bộ Lĩnh hùng cứ ở Hoa Lư thời
nhà Ngô. Cả Đinh Điền, Trịnh Tú và Lưu Cơ cũng tham gia vào lực lượng này.
Cũng theo thần phả, ngày 6 tháng 6 năm Đinh Mão (tức 15
tháng 7 năm 967), vua Đinh Bộ Lĩnh điều một đạo quân do tướng Nguyễn Bồ chỉ huy
tiến đánh sứ quân Nguyễn Siêu ở Tây Phù Liệt, một sứ quân mạnh nhất lúc bấy giờ,
nhưng nhiều ngày vẫn không hạ được thành. Tướng Nguyễn Bồ, Nguyễn Phục và 2 vị
tướng khác là Đinh Thiết và Cao Sơn cùng rất nhiều binh lính đều tử trận. Vua
Đinh Bộ Lĩnh cả giận, thân chinh thống lĩnh toàn quân, cử Nguyễn Bặc làm Đại tướng
tiên phong, đánh một trận lớn phá tan sứ quân Nguyễn Siêu vào ngày 15/7 Đinh
Mão (tức 22 tháng 8 năm 967).
Khi vua Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, tướng Nguyễn Bồ được
phong Phù gia Hiển huệ Chiêu nghĩa đại vương.
Tôn vinh và thờ phụng
Hiện nay, nơi thờ phụng chính danh tướng Nguyễn Bồ là đình
Ba Dân thuộc làng Cổ Điển, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Đình Ba Dân là
đình chung của 3 làng: Cương Ngô, Cổ Diển, Đồng Trì thờ chung các tướng Nguyễn
Bặc, Nguyễn Bồ và Nguyễn Phục. Các làng Cương Ngô, Cổ Điển và Đông Trì cũng có
đền thờ riêng.
Đình làng Văn Điển nay là thị trấn Văn Điển, huyện Thanh
Trì, Hà Nội cũng là nơi thờ anh em Nguyễn Bồ.
Vợ Nguyễn Bồ, tức công chúa Quế Hương, là chị gái Đinh Tiên
Hoàng, nghe tin chồng mất, không ăn mà hóa. Nguyễn Bồ được truy tôn là Phù gia
Hiển huệ Chiêu nghĩa đại vương, tức là Đức Thánh Cả.
Đình Ba Dân, còn được gọi là đình Ba Xã, đình Ba Chạ, hay
đình Tứ Hiệp bởi đây là đình chung của ba làng: Cổ Điển, Cương Ngô và Đồng Trì
thuộc xã Tứ Hiệp - Thanh Trì - Hà Nội. Đình có tên như vậy do các làng này cùng
thờ Nguyễn Bồ và Nguyễn Phục - hai bộ tướng có công giúp vua Đinh Bộ Lĩnh dẹp
tan loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước.
Đình được dựng từ rất lâu, sau đó được tu bổ vào các năm: Tự
Đức thứ 26 (1873), Thành Thái thứ 3 (1891), Thành Thái thứ 9 (1897), Bảo Đại thứ
2 (1927).[2] Tương truyền đây là nơi đã từng diễn ra cuộc chiến giữa các tướng
Đinh Bộ Lĩnh trong đó có 4 tướng Nguyễn Bồ, Nguyễn Phục, Đinh Thiết, Cao Sơn
đánh nhau với 4 tướng Nguyễn Trí Khả, Trần Côn, Đỗ Cư, Nguyễn Hiền của sứ quân
Nguyễn Siêu đóng ở Tây Phù Liệt (nay là xã Đông Mĩ, Thanh Trì). Trong trận chiến
ác liệt năm 967 này, cả bốn tướng đã hy sinh trên chiến trường.
Đình Ba Dân là ngôi đình to lớn và cổ kính với kiến trúc
hình chữ tam. Đình thờ hai anh em là tướng quân Nguyễn Bồ và Nguyễn Phục đồng
thời phối thờ Nguyễn Bặc và công chúa Quế Hương - chị Vua Đinh Tiên Hoàng.
Trong Hậu cung có thờ tượng tướng quân Nguyễn Bồ cưỡi ngựa bạch, bên trái là tượng
công chúa Quế Hương, chị gái vua Đinh Tiên Hoàng và là phu nhân tướng Nguyễn Bồ,
tất cả đều làm bằng gỗ quý hiếm.
Ngôi đình toạ lạc trên một khu đất cao giữa khu vực cư trú của làng. Đình có quy mô kiến trúc đồ sộ do nhiều nếp nhà ngang dọc tạo thành. Từ ngoài vào, di tích bao gồm tam quan, phương đình, trung đình, đại đình và hậu cung.
Tam quan xây cao theo kiểu chồng diêm 8 mái, các nóc mái là hình rồng hướng vào nóc mái, ở chính giữa nóc mái là hình mặt trời, Trụ tam quan xây gạch cao to, trên cùng là hình 2 con nghê đang quay mặt vào nhau. Trên các cột trụ tam quan ghi các câu đối bằng chữ Hán.
Tam quan Đình Ba Dân Tứ Hiệp
Phương đình
Phương đình là ngôi nhà vuông đỡ các mái nhỏ bên trên là 4 kẻ dài chạy từ cột cái tới góc mái, 4 mái dưới được đỡ bằng những kẻ dài ăn mộng vào cột cái qua hiên. Các đầu kẻ được chạm sâu hình rồng lá, các đầu dư dưới xà thượng được trang trí đầu rồng, râu xoắn của thời Nguyễn.
Trung đình
Trung đình là ngôi nhà rộng 5 gian, bộ vì kèo làm theo kiểu “chồng giường giá chiêng xà nách”. Trên các bức cốn có chạm nổi các đề tài rồng cuốn thuỷ, rồng mây, hoa lá. Dưới chân cột, kê các loại tảng đá xanh đẹp và vững chắc.
Dọc hai bên là hai dãy nhà giải vũ 3 gian, làm đơn giản kiểu kèo quá giang.
Trung đường và đại đình Ba Dân Tứ Hiệp
Đại đình
Đại đình là một ngôi nhà lớn, gồm 5 gian, lợp ngói ta, phía trước mở các cửa bức bàn gỗ. Các vì đỡ mái được làm theo kiểu “chồng giường giá chiêng” và bẩy hiên, các con giường trên xà tượng có kích thước lớn. Trên các đầu dư chạm nổi hình đầu rồng, mắt lồi, miệng ngậm viên ngọc tròn, bờm uốn hình đao mác. Trên các đầu bẩy đều trang trí 2 mặt: rồng lá, rồng mây, mai lão, trúc lão, phượng, long mã được chạm trổ tinh vi.
Đáng chú ý là hệ thống côn nách được trang trí cả 2 mặt bằng kĩ thuật chạm lộng tạo ra nhiều lớp với đề tài trang trí rồng cuốn thuỷ, tứ quý
Hậu cung
Hậu cung gồm 3 gian. Các thức vì có kết cấu đơn giản, vì kèo quá giang. Phía trong của hậucung có sàn gỗ cao, dùng làm nơi cung cấm. Mặt trước của cung cấm là bức bàn, bên trong đặt các bộ long ngai, bài vị và tượng của các vị thành hoàng làng.
Nhìn chung nghệ thuật trang trí mang đậm dấu ấn của kiến trúc thời Nguyễn (thế kỷ 19), đề tài trang trí phong phú, đa dạng, trên từng bộ phận kiến trúc kĩ thuật thể hiện phù hợp, tạo ra sự hài hoà cho toàn bộ công trình.
Hiện tại Đình Ba Dân còn lưu giữ chín đạo sắc phong của các
vua từ thời Lê Trung Hưng đến đời Nguyễn. Làng Cổ Điển hiện còn một số di tích
lịch sử văn hóa có giá trị.
Ngoài ra còn có đình Trung, được xây dựng do sự phân tách
hành chính, là đình riêng của 3 giáp thuộc Cổ Điển Trên. Nằm cách đó không xa
là ngôi chùa mang tên Long Quang, là chốn lưu giữ được 2 quả chuông quý.
Ngoài ra ở giữa làng Cổ Điển hiện vẫn còn một giếng nước cổ,
sâu chừng 10m, đường kính khoảng 2m, đáy giếng lát gỗ Lim lõi dày. Từ đáy lên,
vách giếng được xếp bằng những chiếc cối giã gạo bằng đá, thủng đáy, rất vững
chãi. Nước giếng này quanh năm trong mát, nguồn nước dồi dào, bao nhiêu năm vẫn
là nguồn nước ăn cho cả làng.
Lễ hội đình Ba Dân
Hội làng Cổ Điển cũng là hội chung của ba làng Cổ Điển,
Cương Ngô và Đồng Trì, được tổ chức tại đình Ba Dân, từ 14 đến ngày 16 tháng 2,
trong đó ngày 15 - 2 là chính hội.
Hội có tế lễ, rước kiệu các đức thánh và nhiều trò vui chơi
giải trí. Múa sư tử và múa rồng là môn nghệ thuật truyền thống từ lâu đời của 3
làng Cổ Điển - Cương Ngô - Đồng Trì, rất nổi tiếng.
Đã hàng thế kỷ trôi đi nhưng những công trình kiến trúc cổ ấy
vẫn còn nguyên giá trị, như một minh chứng cho lịch sử Hà Nội cuối thế kỷ X.
Anh em danh tướng Nguyễn Bồ, Nguyễn Bặc đều được đặt tên cho
2 tuyến đường gần nhau ở Thanh Trì, Hà Nội.
Đường Nguyễn Bồ dài 846 m, bắt đầu từ ngã bao giao cắt đường
Ngọc Hồi tại cầu Văn Điển, đến ngã ba tiếp giáp đường gom cao tốc Pháp Vân- Cầu
Giẽ tại Bệnh viện Nội Tiết Trung ương.
Đường Nguyễn Bặc dài 1.146m đoạn từ gã ba giao cắt đường Ngọc
Hồi tại số 405 đến ngã tư giao cắt đường Nguyễn Bồ tại cầu Tứ Hiệp.