Năm 1010, nhà Lý thay nhà Tiền Lê lên cầm quyền ở nước ta. Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) là vị vua khai sinh triều Lý và dựng nên kinh thành Thăng Long, một kinh đô lý tưởng cho các triều đại sau này. Lý Thái Tổ sinh ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất (8-3-974), tại hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp (nay là thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Lễ dâng hương tưởng nhớ đức vua Lý Thái Tổ – Hoàng Thành Thăng Long
Sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ đã cho sứ sang giao hảo với nhà Tống ở phương Bắc. Triều thần nhà Tống lúc này có ý muốn từ chối, không nhận quan hệ với nhà Lý, tức là muốn kiếm chuyện với ta, nhưng vua Tống do dự, nên nhà Tống vẫn tiếp nhận sứ ta. Tuy vậy, nhà Tống không thật tâm giao hảo, vẫn để cho quan quân vùng biên giới thường xuyên lấn chiếm, cướp đất, cướp của, cướp người của nước ta.
Năm Giáp Dần - 1014, một cuộc xung đột khá lớn xảy ra tại vùng biên giới. Hai viên tướng nhà Tống là Dương Trương Huệ và Đoàn Kính Chi đem 20 vạn quân Hạc Thác (là thổ dân vùng tả giang, hữu giang, Quảng Tây) tiến sang đánh cướp vùng Cao Bằng.
Vua Lý Thái Tổ cho quân lên giao chiến đánh tan quân giặc, hơn một vạn tên giặc tử trận. Quân đội nhà Lý còn bắt sống rất nhiều tù binh và thu nhiều ngựa của chúng. Sau trận đánh này, vua Lý còn cho đem 100 con ngựa trong tổng số ngựa bắt được của giặc sang biếu vua Tống, vừa cố giữ giao hảo, vừa gián tiếp cảnh cáo triều đình Tống về những vụ xâm lấn mà quân Tống gây ra. Vua Tống hạ lệnh cho quan lại các địa phương phải đón tiếp sứ thần nhà Lý thật chu đáo và đích thân vua Tống cũng tiếp sứ ta rất trọng hậu.
Đến năm Mậu Thìn - 1028, nhà Tống lại cho quân cướp phá vùng châu Lạng (một phần Bắc Giang và Lạng Sơn ngày nay). Thủ lĩnh người Tày vùng châu Lạng là Thân Thừa Quý đem quân đánh đuổi giặc sang tận đất Tống, giết tướng giặc và bắt nhiều quân Tống. Viên quan nhà Tống coi Ung Châu phải cầu hòa, khi đó Thân Thừa Quý mới rút quân về.
Năm Giáp Tuất - 1034, quan lại nhà Tống dụ dỗ bọn Trần Công Vĩnh ở vùng biên giới đem 600 dân chạy sang theo Tống. Vua Lý Thái Tông liền cho hơn 1.000 quân sang đất Tống đuổi bắt. Thấy quân nhà Lý sang, vua Tống sợ chiến tranh xảy ra, phải hạ lệnh cho quan lại địa phương trả lại Trần Công Vĩnh và đồng bọn cùng hơn 600 dân cho nhà Lý.
Năm Canh Dần - 1050, viên quan nhà Tống ở Ung Châu dụ dỗ các tù trưởng ở châu Tô Mậu nước ta đem hơn 3.000 dân chạy sang vùng Châu Ung nhà Tống. Vua Lý Thái Tông cho quân cương quyết đòi lại. Vua Tống đuối ly buộc phải trả lại tất cả hơn 3.000 người mà bọn quan lại nhà Tống đã dụ dỗ sang đó.
Năm Kỷ Hợi - 1059, quan lại nhà Tống lại dụ dỗ một số dân vùng châu Lạng sang Tống. Phò mã nhà Lý là Thân Thiệu Thái chồng công chúa Bình Dương, con vua Lý Thái Tông), cai quản vùng châu Lạng, được lệnh của triều đình đưa quân lên vùng biên giới đòi nhà Tống trả lại dân. Tướng nhà Tống ở Ung Châu là Tống Sĩ Nghiêu đem quân đánh sang châu Lạng, bị quân nhà Lý do phò mã Thân Thiệu Thái chỉ huy đánh cho đại bại. Tướng giặc Tống Sĩ Nghiêu phải đem tàn quân chạy về nước. Quân nhà Lý truy đuổi sang đất Tống, giết chết Tống Sĩ Nghiêu.
Trước tình hình đó, triều đình nhà Tống cho viên quan coi Quế Châu là Tiêu Cố đem quân xuống tăng viện cho vùng Ung Châu, cùng viên quan Ung Châu là Tiêu Chú và các tướng Tống ở Ung Châu quyết chiến với quân nhà Lý. Quân đội nhà Lý lại từ biên giới tiến thêm sang đất Tống làm cả Ung Châu náo động. Các tướng Tống phải xin thêm 3.000 quân thiện chiến ở Kinh Hồ xuống cứu viện.
Phò mã Thân Thiệu Thái chỉ huy quân nhà Lý rầm rộ tiến quân lên Ung Châu, bắt sống tại trận viên chỉ huy quân Tống là Dương Bảo Tài và nhiều quân giặc cùng trâu, ngựa...
Triều đình nhà Tống hoảng sợ, vua Tống cách chức hai viên quan coi Quế Châu và Ung Châu là Tiêu Cố và Tiêu Chú, cho một viên triều thần là Dư Tĩnh làm An phủ sứ đem thêm quân xuống Ung Châu cùng các tướng Tống tại đây lo tính việc bảo vệ Ung Châu. Vua Lý cho quân tăng viện sang đất Tống, thanh thế quân Lý trên đất Tống càng mạnh. Các tướng Tống ở Ung Châu bất lực. Triều đình Tống phải xin thương lượng với triều Lý. Các tướng Tống ở Ung Châu là Dư Tĩnh, Lý Sự Trung phải chủ động nhận lỗi với nhà Lý rằng những xung đột ở biên giới là do các tướng Tống ở biên giới gây ra, đề nghị nhà Lý cử người cùng thương lượng giải hòa.
Thấy nhà Tống không còn hống hách, phải xin lỗi cầu hòa, triều đình nhà Lý chấp nhận thương lượng, lệnh cho Thân Thiệu Thái đem quân về, cho Đại học sĩ Phí Gia Hựu sang Tống hội thương.
Tại cuộc thương lượng, tướng Tống là Dư Tĩnh đề nghị nhà Lý trả lại tướng Dương Bảo Tài và các binh lính nhà Tống đã bị bắt. Được lệnh của vua Tống, Dư Tĩnh đem nhiều tiền bạc tặng Phí Gia Hựu để mong được như ý. Nhưng đề nghị của Tống không được chấp nhận. Bên nhà Lý chỉ đồng ý không đưa quân vào đất Tống, nhưng cương quyết giam giữ Dương Bảo Tài để trừng trị việc chúng dụ dỗ, lừa bắt dân ta ở vùng biên giới, nhà Tống phải chấp nhận.
Năm Nhâm Dần - 1062, quan lại nhà Tống lại dụ dỗ một người Tày là Nông Tôn Đán ở phía Tây Bắc Cao Bằng đem dân, nhường đất, theo về Tống. Nhà Tống lấy vùng đất ấy đặt thành châu Thuận An và bổ dụng cha con Nông Tôn Đán làm quan của nhà Tống. Không chịu mất đất, mất dân, vua Lý Thánh Tông cho phò mã Lê Thuận Tông (chồng công chúa Kim Thành), người dân tộc thiểu số, là châu mục châu Phong đi sứ sang Tống đòi đất, đòi dân. Nhà Tống buộc lòng phải trả cho nhà Lý vùng đất ấy, nhưng không trả dân và giữ cha con Nông Tôn Đán làm quan cho Tống. Nhà Lý không cho sứ đi đòi nữa, nhưng cho quân đi đánh lấy lại tất cả những vùng đất ở biên giới đã bị nhà Tống lấn chiếm.
Quan hệ với nhà Tống ngày càng căng thẳng. Cuối năm Quý Sửu - 1073, quan lại nhà Tống lại dụ dỗ Nông Thiện Mỹ, một thủ lĩnh ở gần vùng Thất Khê (Lạng Sơn), đem 700 dân chạy sang theo Tống. Đầu năm Ất Mão - 1075, triều đình nhà Lý viết thư sang triều đình Tống đòi Tống trả lại Nông Thiện Mỹ và 700 dân. Nhà Tống ngoan cố không trả lời, vì đang âm mưu chuẩn bị xâm lược nước ta; Quảng Tây là trung tâm chuẩn bị chiến tranh. Triều đình Tống dồn nhiều tiền của, công sức, binh lính cùng quân trang, quân dụng cho Quảng Tây.
Trước âm mưu và hành động của nhà Tống, triều đình nhà Lý và danh tướng Lý Thường Kiệt quyết đánh trước, phá tan những căn cứ chuẩn bị chiến tranh của nhà Tống ở Quảng Tây và Quảng Đông, đập tan ý đồ xâm lược nước ta của nhà Tống.
Trước khi tiến quân vào đất Tống, Lý Thường Kiệt cho truyền "Lệ bố" đi khắp miền Quảng Đông, Quảng Tây. "Lệ bố": "Lệ" là để ngỏ, "bố" là bố cáo. Lệ bố là những tờ hịch công khai nói cho dân chúng biết mấy điều:
Nói rõ mục đích cuộc hành quân của nhà Lý không phải là cướp nước hại dân.
Vạch rõ những sai trái, ngang ngược của triều đình nhà Tống và quan lại Tống đối với nước ta.
Kể tội tể tướng Tống là Vương An Thạch và triều đình Tống đã dùng "tân pháp" để đàn áp, bóc lột nhân dân Tống.
Nêu cao ý nghĩa cuộc hành quân của ta không phải chỉ vì lợi ích nhà Lý, mà còn vì lợi ích của nhân dân Tống.
"Lệ bố" của Lý Thường Kiệt truyền đi, được nhân dân Tống hoan nghênh. Vì vậy, khi quân đội nhà Lý do Lý Thường Kiệt chỉ huy tiến vào đất Tống, người dân Tống không hoang mang, bỏ chạy, không chống đối cuộc hành quân của quân đội nhà Lý.
Quân đội nhà Lý chiến thắng liên tiếp, lần lượt tiêu diệt hơn 10 căn cứ quân sự của Tống ở Quảng Tây.
Sau khi hạ thành Ung Châu và giành nhiều thắng lợi trên đất Tống, Lý Thường Kiệt rút quân về nước. Mùa thu năm Bính Thìn - 1076, sau khi đưa quân từ Quảng Tây về, Lý Thường Kiệt cho đắp ở bờ sông Như Nguyệt (sông Cầu) một con đê cao như bức thành đất dài khoảng 30 ki-lô-mét, chạy dài từ bến đò sông Như Nguyệt tới chân núi Nham Biền. Bên ngoài đê, đóng cọc tre mấy lớp để làm giậu, giữ chân đê.
Đây là một chiến lũy kiên cố để chặn đánh quân Tống khi chúng liều lĩnh sang xâm lược, không cho chúng qua sông Cầu tiến vào Thăng Long. Tại đây, quân và dân Đại Việt đã lập nên chiến thắng vang dội bảo vệ kinh đô Thăng Long mùa Xuân năm 1077. Bài thơ "Nam quốc sơn hà..." nổi tiếng lần đầu tiên được đọc trên chính con sông Như Nguyệt và trong trận đánh này.
Sau trận Như Nguyệt, triều đình Tống phải chính thức công nhận Đại Việt là một quốc gia độc lập "An Nam quốc". Quan hệ Việt - Tống trở lại bình thường.
Ý đồ xâm chiếm Đại Việt mà nhà Tống đã theo đuổi gần một thế kỷ đến đây bị đánh bại. Nhà Tống còn trị vì ở Trung Quốc gần 200 năm nữa (1077-1257), nhưng không dám tiếp tục gây chiến với Đại Việt. Độc lập chủ quyền của nước nhà được giữ vững, riêng kinh đô Thăng Long từ khi định đô được an toàn trong gần 250 năm (1010-1257).
Đặng Việt Thủy