Nữ tướng Ngọc Kinh công chúa là dòng dõi vị tướng quân triều Hùng Vương, đã sánh duyên cùng với quan Phù Kí lang Tả Giai, tên huý là Giai, tên chữ là Minh, người làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay thuộc tỉnh Nam Định).
Ngài Tả Giai vốn là người phóng khoáng hào hiệp, về làm chức
quan Xã sử ở xã Phù Liễn, huyện Lập Thạch, nay là thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh,
huyện Tam Dương.
Bổng lộc có bao nhiêu Tả Giai đều tiếp đãi khách và bạn bè
cũ, thả sức rượu say, ca hát bỏ bễ việc quan, bị Tô Định ghét, lập mưu xử theo
quân phép, miễn chức Xã sử, về làm thứ dân. Từ đó, ông thường du ngoạn non nước,
ngày tháng an nhàn không để ý đến bên ngoài .
Vợ chồng Ngọc Kinh và Tả Giai sinh được hai con trai. Người
con trưởng có tiếng nói vang như sấm, nhân thế mà đặt tên là Lôi Công (ông Sấm).
Người con thứ có sắc mặt đen như sắt, nhân thế mà đặt tên là Hắc Công (ông
Đen).Trưởng thành, hai người đã có doanh sở riêng ở Phù Liễn.
Nghe tin, cháu ngoại Hùng Vương người ở huyện Mê Linh là Bà
Trưng Trắc bị Thái thú Tô Định giết mất chồng là Thi Sách nên đang cùng em gái
nuôi chí quyết khôi phục lại non nước các vua Hùng, nữ kiệt Ngọc Kinh vô cùng mừng
rỡ.
Trong khi ấy, biết nữ kiệt Ngọc Kinh ở Phù Liễn, cũng đang
chiêu đãi hiền sĩ, Bà Trưng Trắc mới lập riêng cho tướng Ngọc Kinh một đội nữ
binh, dựng quân doanh, cho mời Phù Kí Lang, Lôi Công, Hắc Công cùng đến, mở tiệc
lớn, phong cho Tả Giai là Đại tướng nguyên soái, hai con làm Phó tướng, cho ở
trong quân làm Pham tán, cùng bàn bạc mưu lược.
Cũng từ đó, thế quân ngày càng lớn. Chúa Bà Trưng Trắc sai
Ngọc Kinh trở về liên kết với Quý Lan ở Thản Sơn tập hợp thêm được 500 nữ binh ở
huyện Lập Thạch cùng theo về với Bà Trắc. Một tuần sau, các động, châu, huyện ở
các phủ đều cử các đội quân mã cùng đến cửa sông Hát lập đàn thề khởi binh,
xưng vương.
Trưng Nữ Vương nhận thấy nữ kiệt Ngọc Kinh vốn cùng là cháu
chắt hệ Hùng, lại có công từ những ngày đầu mới gia ban tước Đại Vương. Ba năm
sau, Vua Hán Vũ Đế (Quang Vũ Đế, 25 - 55) sai các tướng Mã Viện, Lưu Long cùng
30 vạn quân, men theo sườn núi mở đường đánh lớn. Trưng Nữ Vương lệnh cho toàn
bộ các tướng cùng công chúa Ngọc Kinh tiến đến thành Lương Sơn (Lạng Sơn). Gặp
thế quân giặc mạnh, Trưng Vương lui rút về giữ Cấm Khê. Bà Ngọc Kinh hi sinh
ngày mồng 8 tháng Giêng.
Cha con ông Tả Giai còn lại quân số không đầy 100 người, dựa
vào thành đất, trong tình thế một ngựa, một dao vừa đánh vừa rút: Được nửa ngày
thì xuống ngựa đi bộ, vừa đi vừa đánh, cuối cùng về được đến nơi đồn quân cũ, tập
hợp số quân còn lại lập kế hoạch khôi phục.
Nhưng khi ấy, đội quân của ông lại bị truy đuổi, cha con ông
lại hăng hái tiến vào trận đánh địch, nhưng phía trước không có quân tiếp viện,
phía sau không có quân lương, ông hy sinh ngày 7 tháng Năm cùng con trai cả là
Lôi Công.
Ở cánh quân khác, Hắc Công thấy bốn bề yên ả vắng vẻ, lệnh
cho quân sĩ mổ nhiều trâu bò làm lễ tế, họp cùng với người trong làng Phù Liễn
cùng nhau uống rượu. Sau đó ông tự vẫn. Chỉ trong một tuần, cả nhà bà Ngọc Kinh
đều hy sinh vì việc nước, dân làng Phù Liễn mới dựng các ngôi miếu để thờ cúng.
- Miếu bà Ngọc Kinh ở xứ Gò Vải. Đời sau gọi là miếu Đức Bà
còn gọi là miếu chùa. Miếu ông Tả Giai và Hắc Công ở xứ đồng Dội, còn gọi là miếu
Thính. Đình Hức toạ lạc ở ven bờ đê tả sông Đáy ngày nay, thờ vị Hắc Công.
Tương truyền mộ Hắc Công ở trước cửa đình.
Miếu Chùa hay miếu Đức Bà ở làng Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện
Tam Dương, thờ bà Ngọc Kinh, con gái của một vị tướng quân thời các vua Hùng.
Thần tích cho biết, năm 40 sau CN, bà cùng chồng và hai con trai đầu tham gia
cuộc khởi nghĩa Mê Linh do Hai Bà Trưng lãnh đạo đánh Tô Định và đều hy sinh
năm 43.
Bà Ngọc Kinh được thờ ở miếu sau chùa Phù Liễn nên gọi là miếu
Chùa hay miếu Đức Bà. Chồng và con trai cả của bà được thờ ở miếu Thính, hay miếu
Đức Ông. Con trai út được thờ ở đình Hức. Để tưởng niệm bà cùng gia đình, hằng
năm, nhân dân làng Phù Liễn tổ chức hai tiệc lớn và lễ hội.
Ngày mồng Tám tháng Giêng, mở tiệc tưởng nhớ bà Ngọc Kinh.
Trong tiệc phải có trò “đúc tượng” mà dân gian quen gọi là trò “đúc Bụt”.
Ngày mồng Chín và mồng Mười tháng Giêng là tiệc dựng miếu,
phong sắc, xướng ca khánh hạ. Nội dung chính là tổ chức hát (xướng ca).
Trong tiệc có lễ rước kiệu ở các miếu riêng về đình để cộng đồng tế lễ. Lễ rước
tổ chức vào buổi đêm, dưới ánh đuốc nên còn gọi là “lễ rước đêm”.
Trò “đúc Bụt” được tổ chức ở sân miếu Đức Bà. Đây là tiệc lệ
riêng về bà Ngọc Kinh cùng ba thị nữ là Cao Cả, Cao Nhị và Cao út. Tại đây,
cùng lúc diễn hai tích trò: trò “đúc Bụt” ở giữa sân làm trung tâm; trò trình
nghề Sĩ - Nông - Công - Cổ ở vòng ngoài theo một đường tròn ước lệ, cùng chuyển
động đồng trục (ước lệ) với trò “đúc Bụt” theo ngược chiều kim đồng hồ. Khi đã
“đúc Bụt” xong, ông chủ tế vào làm lễ, xin âm - dương, các bà vãi bón trầu cau,
bón xôi cho các Bụt.
Khi thợ cả “đập lò” nấu đồng (tượng trưng) là kết thúc việc
đúc. Trò diễn tiến hành trong vòng 20 - 30 phút. Sau đó, cuộc “cướp chiếu” diễn
ra cho đến khi ai đó cướp được thì đám đông tự giải tán. Các trò chơi dân gian
khác như đấu vật, chọi gà... tiếp tục diễn ra đến hết buổi chiều.