Dưới triều đại của vua Lý Nam Đế, nổi danh anh hùng, ngàn thu sáng mãi là danh nho Tinh Thiều, và tù trưởng Chu Diên, thái phó đầu triều Triệu Túc, những trọng thần đã dựng lên nhà nước Vạn Xuân.
Danh tướng Triệu Túc
Danh tướng Triệu Túc là người huyện Chu Diên (Hưng Yên ngày
nay). Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ông là tù trưởng huyện Chu Diên, rất mến phục
tài đức của Giám quân châu Cửu Đức là Lý Bí (Lý Bôn), mưu cùng khởi nghĩa chống
nhà Lương. Tham gia còn có em ông là Triệu Quang Thành và con trai Triệu Quang
Phục.
Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn) tập hợp hào kiệt Giao Châu, khởi
nghĩa chống nhà Lương năm 541. Qua 3 năm chiến đấu, 3 lần đánh bại quân Lương, đánh
đuổi quân Lâm Ấp xâm lấn phía nam. Năm 544, Lý Bí (Lý Bôn) xưng đế, đặt niên hiệu
Thiên Đạo, lập trăm quan, dựng quốc hiệu là Vạn Xuân. Trong những tướng thân cận
phò tá, Triệu Túc nhận sắc phong thái phó, Tinh Thiều lãnh đạo các quan văn, Phạm
Tu đứng đầu các tướng võ; Triệu Quang Phục được sắc phong Tả tướng quân.
Vốn mến mộ tài danh của Lý Bí từ lâu, lão tướng Triệu Túc,
khi đó bảy mươi tuổi, đem hết quân bản bộ theo Lý Nam Đế đánh nhà Lương, cùng
các cánh quân hợp vây thành Long Biên rất gấp. Nghĩa quân đi đến đâu, giặc
Lương bỏ đất bỏ thành chạy đến đó.
Thứ sử Tiêu Tư run cầm cập trong tòa cổ thành Long Biên, chỉ
còn biết đem vàng bạc châu báu xin gặp nghĩa quân Lý Bí có ý xin giãn vòng vây
để y cùng đám quan lại phương Bắc có thể toàn mạng mà về. Cũng là cùng đường
sinh càn bậy chứ với cách ứng xử của Lương triều bấy giờ, mất đất mà về cũng
coi như cầm chắc cái chết.
Nghĩa quân Lý Bí đứng đầu là danh tướng Triệu Túc vào thành
Long Biên ổn định đời sống mọi mặt của muôn dân trong ngoài thành cũng là lúc
nhận được tin cấp báo, Lương Vũ Đế không chịu được nhục đã sai các danh tướng
là Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng mang năm vạn binh sang, quyết đàn áp cuộc khởi
nghĩa. Tôn Quýnh, Lư Tử Hùng vốn là những tướng dày dạn trận mạc một mặt nhận mệnh
vua đôn đốc binh tướng rất gấp, một mặt cho người dò la thực lực nghĩa quân của
Lý Bí cẩn thận.
Bọn tướng phương Bắc từ trước đó mỗi khi phải xuống phương
Nam giao chiến đều một đi không trở lại, nên chúng rất cẩn thận. Biết được điều
đó, Bộ tham mưu của nghĩa quân Lý Bí gồm Tinh Thiều, Triệu Túc, Phạm Tu, cùng
các tướng trẻ là Phùng Thanh Hòa, Triệu Quang Phục đã mạnh dạn đưa ra đề xuất
đem đại binh sang Hợp Phố (nơi tập hợp binh tướng chuẩn bị Nam chinh của Tôn
Quýnh, Lư Tử Hùng) đánh phủ đầu quân Lương.
Nghĩa quân vốn sẵn lòng căm thù giặc, lại qua mấy trận kịch
chiến ở Long Biên khí thế đang hăng, nhất là các tướng trẻ như Phùng Thanh Hòa,
Triệu Quang Phục đã thành thạo các phép đánh thành, đốt lương, hợp vây, tiến
lui đều xuất quỷ nhập thần nên việc muốn dạy cho binh tướng Lương triều một bài
học là rất cần vậy.
Từ chủ trương đó, các tướng của Lý Bí đã xuất kỳ bất ý chia
binh đánh thẳng sang Hợp Phố, phá tan đại bản doanh của quân xâm lược nhà Lương
rồi lại thần tốc rút về Long Biên. Đây là một chiến công lớn thể hiện tư tưởng
quân sự tiên phát chế nhân. Điều này, các danh tướng đời sau của Đại Việt đều
có lúc dùng đến mà điển hình là việc Lý Thường Kiệt xuất binh theo hai đường thủy
bộ sang đánh Khâm Châu, Liêm Châu, Ung Châu khiến nhà Tống hoảng sợ và rối loạn.
Khi rút về thành Long Biên bình an, biết trước Lương Vũ Đế sẽ
xua binh tướng sang rửa nhục, Lý Bí cùng các tướng mau chóng củng cố thành trì,
nâng cao thế nước, lòng dân. Đúng lúc đó, vua nước Lâm Ấp phản bội bất thần đem
đại binh tấn công cướp bóc vùng biên giới châu Cửu Đức, Ái Châu. Trước tình
hình đó, Lý Bí giao cho lão tướng Phạm Tu quyền thống xuất đại binh Nam chinh
đánh giặc Lâm Ấp.
Không hổ là một bậc danh tướng đương thời, lão tướng Phạm Tu
đại thắng nơi biên giới, phá tan hàng vạn quân giặc, chém tướng chặt cờ, suýt bắt
được vua Lâm Ấp tại trận tiền, khiến người Lâm Ấp khiếp sợ mà rút chạy không
dám nhòm ngó châu Cửu Đức nữa. Cả một dải biên cương phía Nam sớm được bình
yên, các đình đền chùa miếu thờ tướng quân Phạm Tu còn cho đến ngày nay.
Dưới sự tham mưu đắc lực của danh nho Tinh Thiều cùng các vị
lão tướng, năm 544, Lý Bí lên ngôi, xưng là Lý Nam Đế, đặt tên nước Vạn Xuân,
cho xây chùa Trấn Quốc để nối nền quốc thống, triều định trăm quan. Phong Tinh
Thiều đứng đầu Ban Văn, Phạm Tu đức đầu Ban Võ, Triệu Túc phong làm Thái phó.
Các tướng trẻ Triệu Quang Phục làm Tả tướng quân; Phùng Thanh Hòa làm Hữu tướng
quân. Đây là một nhà nước có đủ triều nghi, phẩm phục, các ban văn võ, lấy trị
quốc an dân làm đầu, đặt quyền độc lập tự chủ dân tộc làm nền tảng.
Nhận được tin đó, Lương Vũ Đế như ngồi trên đống lửa, ăn
không ngon ngủ không yên, không thể nào có Nam đế sánh với Bắc đế như thế được.
Điều này là một cái tát vào bộ mặt Lương triều. Lương Vũ Đế lập tức cử Dương
Phiêu và Trần Bá Tiên đem đại binh sang đàn áp.
Trần Bá Tiên là danh tướng số một của Lương triều, một bậc đại
gian hùng sau này đã thình lình từ Giao Châu trở về cướp ngôi nhà Lương lập ra
nhà Trần. Nhưng khi đó có nằm mơ Lương Vũ Đế cũng không thể tưởng tượng ra điều
tồi tệ đó.
Đại binh của Dương Phiêu và Trần Bá Tiên thực hiện kế sách đốt
sạch, phá sạch, giết sạch rất tàn ác. Các lão tướng Phạm Tu, Triệu Túc lập tức
chia binh lên vùng biên ải lập các phòng tuyến chặn giặc.
Nhất là ở các cửa sông đều có quân binh thuyền bè ứng chiến
cầm chân giặc. Hung mãnh như Trần Bá Tiên cũng phải sáu tháng sau quân giặc mới
tiến được tới chân thành Long Biên.
Đạo quân của Trần Bá Tiên được Lương Vũ Đế liên tiếp tăng viện,
phu phen, ngựa chiến, lương thảo kéo đến như mây. Đây cũng chính là kế hiểm của
Trần Bá Tiên với danh nghĩa thảo phạt phương Nam để ngầm rút binh lực của Lương
Vũ Đế hòng sau này tạo phản được dễ dàng. Than ôi đám quan lại tướng tá phương
Bắc chỉ luôn rình rập ám toán lẫn nhau, cũng là một vết nhục của lịch sử nước
chúng vậy.
Trước tình thế chênh lệch quá lớn về lực lượng, biết không
thể giữ được thành, lão tướng sau nhiều ngày đêm huyết chiến với quân giặc đã
hi sinh vì nước nơi cửa thành sông Tô Lịch. Lão tướng Triệu Túc đã bảy mươi lăm
tuổi đầu tóc bạc phơ vẫn tuốt kiếm xông thẳng vào quân giặc khiến chúng kinh hãi.
Mãi còn đó tấm gương trung liệt chẳng phai mờ của hai vị lão
tướng cũng là trụ cột của Lý triều đã đem thân mình gìn giữ nền độc lập. Hình ảnh
đó mãi là hình ảnh trường tồn xuyên suốt lịch sử đến hôm nay và cho cả mai sau.
Lão tướng Triệu Túc sinh năm 470, mất năm 555, cả đời ông
chăm dân mở đất, khai hoang phục hóa vùng đất Chu Diên - đầm Dạ Trạch, lớn lên
được suy tôn làm tù trưởng. Buổi Lý Bí dấy quân khởi nghĩa, vị tù trưởng đem
toàn bộ binh tướng thuộc quyền, cả người con tài giỏi nhất là Triệu Quang Phục
theo về dưới cờ nghĩa. Ông hi sinh lẫm liệt vì nước.
Theo sử gia Nguyễn Khắc Thuần, thái phó Triệu Túc tham gia
chiến trận chống quân Lương do Trần Bá Tiên và Dương Phiêu chỉ huy năm 545 và
hy sinh cùng tướng Phạm Tu và danh nho Tinh Thiều. Thành Gia Ninh vỡ, gần như
toàn bộ tướng lĩnh và quan lại cao cấp nhất của nước Vạn Xuân thiệt mạng trong thất
bại này, vua Lý Nam Đế phải rút về quận Tân Xương tổ chức lại lực lượng chiến đấu.
Con trai ông, vị tướng tài danh liền sau đó được Lý Nam Đế
giao toàn bộ binh quyền trở về đầm Dạ Trạch kiên trì kháng chiến và lên ngôi
vương rạng danh trong lịch sử Việt Nam.
Danh tướng Triệu Túc và Danh nho Tịnh Thiều
Danh nho Tinh Thiều, thái sư triều vua Lý Nam Đế
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ông là là người Sơn Tây (Hà Nội
hiện nay), giỏi từ chương và từng muốn phục vụ cho nhà Lương. Ông đến Kiến
Khang kinh đô nhà Lương, xin được chọn làm quan. Mặc dù ông đã chứng minh được
tài năng của mình nhưng Thượng thư bộ Lại nhà Lương là Sái Tôn cho rằng họ Tinh
trước không có ai hiển đạt, nên chỉ bổ cho ông chức Quảng Dương môn lang, tức
là lính gác cửa ở kinh thành. Tinh Thiều lấy làm nhục, bèn bỏ chức của nhà
Lương trở về làng, theo Giám quân châu Cửu Đức là Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn)mưu khởi nghĩa chống nhà Lương.
Đức ngài Lý Bí (Lý
Bôn)tập hợp hào kiệt Giao Châu, khởi nghĩa chống nhà Lương năm 541. Qua 3 năm
chiến đấu, 3 lần đánh bại quân Lương, lại đánh đuổi quân Lâm Ấp xâm lấn phía
nam. Năm 544, Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn)
lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu Thiên Đức, lập trăm quan, dựng quốc hiệu là Vạn
Xuân. Trong những người phò tá, Tinh Thiều đứng đầu các quan văn với chức Thái
sư, Phạm Tu đứng đầu các tướng võ, Triệu Túc làm thái phó.
danh nho Tinh Thiều - một trong những trụ cột của Đức ngài
Lý Bí (Lý Bôn)đã sớm có mặt từ buổi đầu
cuộc khởi nghĩa, ba lần tham dự và bày mưu đánh bại giặc Lương, bản thân tử chiến
tại cửa thành sông Tô Lịch.
Trước khi hi sinh, năm 544, chính danh nho Tinh Thiều cùng với
hai lão tướng Phạm Tu và Triệu Túc đã đạo diễn để Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn)lên ngôi xưng là Lý Nam Đế lập nước Vạn
Xuân với mong muốn xã tắc của người phương Nam truyền đến muôn đời, đối xứng với
các hoàng đế phương Bắc.
Ông còn tham mưu để lập ra hai ban Văn -Võ (ông đứng đầu ban
Văn với chức Thái sư) với hệ thống quan viên rất quy củ. Lại xin phong cho Triệu
Túc làm Thái phó, một trong ba chức quan đứng đầu triều (Thái sư, Thái phó,
Thái úy). Đây chứng tỏ là một viễn kiến sâu sắc về công việc triều chính vốn
còn khá lạ lẫm với các tù trưởng, quan lại phụ thuộc của Giao Châu lúc đó khi
phải xử lý công việc với sự áp đặt của phong kiến phương Bắc.
Đại Việt sử ký toàn thư tuy chép khá sơ sài về triều đại Lý
Nam Đế, đặc biệt là các trụ cột triều đình như: Tinh Thiều, Phạm Tu, Triệu Túc…
nhưng những chiến công của các trụ cột này đã vang vào chính sử và không thể
phai mờ.
Ngay như Lương sử cũng đã chép về việc binh tướng của Đức
ngài Lý Bí (Lý Bôn) đã sang tận đất Hợp
Phố phương Bắc phá tan quân lương của các tướng Tôn Quýnh, Lư Tử Hùng khiến
chúng kinh hãi phải lúng túng mất thời gian dài mới huy động được trở lại binh
lực để tiến đánh nước ta. Mưu kế tiên phát chế nhân, vào thẳng đất địch đánh địch,
thọc sâu vào sào huyệt giặc trước nay chưa từng có. Đây không chỉ khẳng định sự
dũng cảm của các võ tướng mà còn là bản lĩnh thâm hậu của mưu thần.
Khi tham mưu đề xuất để đại binh đánh thẳng sang Hợp Phố,
quân sư Tinh Thiều cùng các tướng của Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn) đã có sự trưởng thành vượt bậc về
nghệ thuật quân sự, cách tổ chức hành quân tiến đánh nơi đất giặc, khả năng vượt
trội về phương tiện kỹ thuật như voi ngựa, thuyền bè.
Nước ta thuở ấy, binh tướng vốn rất giỏi thủy chiến và khả
năng đội thủy quân của Đức ngài Lý Bí
(Lý Bôn) theo đường sông đường biển tiến đánh bán đảo Hợp Phố chắc chắn
đã xảy ra. Đạo quân trên bộ chỉ là kỳ binh mà thôi. Đánh vào đất giặc biết dùng
chính binh và kỳ binh chỉ có được ở những quân sư xuất sắc. Danh nho Tinh Thiều
là một người như vậy. Ông đã góp phần làm rạng danh lịch sử đánh giặc ngoại xâm
của dân tộc Việt Nam.
Vừa mới chiếm được thành Long Biên, lập tức tiến hành đánh
phủ đầu quân Lương ở Hợp Phố, bỗng thình lình vua Lâm Ấp phản bội lời ước đem đại
binh xuống cướp phá vùng biên viễn Hoan Châu, Ái Châu. Trước tình hình đó, Bộ
tham mưu - đặc biệt là quân sư Tinh Thiều - đã đề xuất phương án giao đại quân
cho Phạm Tu nam chinh dẹp loạn.
Lão tướng Phạm Tu cũng là bậc kỳ tài quân sự bấy giờ. Mặc dầu
tuổi gần bảy mươi, song sức vóc và mưu lược của vị lão tướng vẫn khiến quân thù
khiếp sợ. Không phụ lòng tin cậy của Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn)và quân sư, lão tướng Phạm Tu đã đại
thắng, yên ổn dải đất biên cương phía Nam. Chính điều này đã gia tăng thực lực
và uy tín của nghĩa quân Lý Bí, làm nền tảng để danh nho Tinh Thiều đề xuất việc
thành lập triều đình, dựng ngôi nước, tính kế lâu dài.
Năm 544, tháng Giêng, được sự giúp rập của các trụ cột, Đức
ngài Lý Bí (Lý Bôn)lên ngôi xưng là Lý
Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, lấy niên hiệu là Thiên Đức. Trong cuộc lên
ngôi này, công lớn thiết kế triều chính là danh nho Tinh Thiều. Từng sang tận
kinh đô Kiến Khang của nhà Lương, nghiên cứu kỹ hệ thống quan lại, thiết chế
triều chính, phẩm phục hàm cấp, Tinh Thiều có một quan điểm chính tắc trong tiến
trình dựng nước. Dứt khoát người phương Nam phải làm chủ ngôi vị ở phương Nam.
Nhà nước Vạn Xuân với các châu quận trải dài hàng trăm dặm vừa
có cương vực lãnh thổ vừa có lòng dân hướng về thì việc cần phải có thiết chế
triều chính – một sự tiến bộ vượt bậc lúc bấy giờ. Việc hình thành thiết chế
hai ban Văn -Võ với sự đứng đầu của các trọng thần Tinh Thiều, Phạm Tu, Triệu
Túc là hết sức xứng đáng. Việc phong hai tướng trẻ có công trong cuộc đánh đuổi
giặc Lương là Tả tướng Triệu Quang Phục và Hữu tướng Phùng Thanh Hòa không chỉ
là tầm nhìn xa mà còn là sự kế tục hài hòa của các thế hệ trong việc vận hành
triều chính.
Khi đó, các vị trọng thần bao gồm cả đức vua Lý Nam Đế đều
đã luống tuổi, việc chuẩn bị đội ngũ kế cận là hết sức cần thiết. Sau này, các
nhà nghiên cứu đều thống nhất: Nếu không sớm phong tước vị cho các tướng trẻ,
việc nước việc quân sau này sẽ gặp nhiều khó khăn.
Quả đúng như dự liệu, sau này, khi lui binh về động Khuất
Lão, trong lúc lâm chung, Lý Nam Đế đã giao toàn bộ binh quyền cho vị tướng trẻ
Triệu Quang Phục. Còn Hữu tướng Phùng Thanh Hòa, ông vâng mệnh vua về vùng An
Hoa Trang tuyển mộ binh lương chẳng may bạo bệnh mất sớm, đây là một tiếc nuối
lớn lao của lịch sử.
Với tài đức của Phùng Thanh Hòa, được phong Hữu tướng quân
khi mới ngoài 20 tuổi, nếu không mất sớm, chắc chắn ông không phụ ơn vua lộc nước,
sẽ có những đóng góp xuất sắc cho công cuộc đánh đuổi giặc Lương, giữ gìn nền độc
lập dân tộc mà cha anh đã tốn máu xương để giành lấy.
Khi ổn định triều chính nhà nước Vạn Xuân, Thái sư Tinh Thiều
hiểu sâu sắc rằng sẽ phải đối đầu với không chỉ đạo quân hùm sói của phương Bắc
mà là cả hệ tư tưởng của chúng chuyên đi đàn áp, áp đặt các thiết chế chính trị
với người phương Nam.
Chúng ngàn đời chỉ coi các vùng đất An Nam là châu quận của
chúng, phải nộp tô thuế cho chúng, phải quỳ lạy vua chúa của chúng. Trong công
cuộc tự chủ đầy khó khăn gian khổ, Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn) lên ngôi Đế chính là cái tát nảy lửa
vào triều đình phong kiến phương Bắc lúc bấy giờ.
Xác định việc lập nước Vạn Xuân, xây chùa Trấn Quốc, nối nền
quốc thống từ thuở các vua Hùng dựng nước, Lý Nam Đế và các bậc đại thần đã xác
định rõ ràng: Phải chiến đấu đến cùng với người phương Bắc.
Đây là ý thức dân tộc rất mãnh liệt thể hiện tinh thần quật
cường của người phương Nam vốn khao khát tự chủ và độc lập dân tộc. Đây cũng là
điểm mấu chốt của mâu thuẫn giữa người phương Bắc và người phương Nam, là nguồn
cơn của các cuộc chiến tranh trước, trong và sau triều đại Lý Nam Đế.
Biết trước sự thể như vậy, Thái sư Tinh Thiều một lòng một dạ
đem hết trí tuệ và niềm tin của mình tham mưu giúp vua giúp nước. Dã tâm của
Lương Vũ Đế, dã tâm của Dương Phiêu, đặc biệt là Trần Bá Tiên là sẵn sàng đánh
đổi tất cả để cướp nước người, áp đặt sự đô hộ phi lý, tàn sát các dân tộc
khác, những tội danh kim cổ bất dung.
Khi đại binh của gian hùng Trần Bá Tiên sang đánh nước ta,
không quản thân mình là quan văn, Thái sư Tinh Thiều luôn có mặt ở đầu chiến
tuyến và đã hi sinh lẫm liệt ở cửa thành sông Tô Lịch cùng các lão tướng Phạm
Tu, Triệu Túc. Tấm gương hi sinh vì đất nước đó còn tỏa rạng khí phách của bậc
danh nho tới hôm nay.
Rất tiếc, không có thông tin về đền thờ riêng của nhị vị anh hùng thời Vạn Xuân đến thời điểm này.