Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng làm rạng rỡ non sông Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Làm vẻ vang phụ nữ Việt Nam, đem lại vinh dự tự hào cho Mê Linh - Vĩnh Phúc ngày nay - vùng đất anh hùng đã sinh ra người nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc và một thời tuy không dài là đất đế đô. Đó là Kinh đô Mê Linh thời "Trưng Nữ Vương "
Một trong những nhân vật lừng danh của lịch sử Trung Quốc là
Hán Quang Vũ. Hán Quang Vũ tên thật là Lưu Tú, cháu 9 đời của Lưu Bang (tức Hán
Cao Tổ, người sáng lập ra nhà Tiền Hán vào năm 206 TCN). Lưu Tú sinh năm 06 TCN,
lật đổ nhà Tân và khai sinh ra nhà Hậu Hán (cũng tức là Đông Hán) vào năm 25, ở
ngôi Hoàng Đế 32 năm (25-57), mất năm 57, hưởng thọ 63 tuổi.
Thời Hán Quang Vũ, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với bốn phương
rất rộng lớn và mạnh mẽ. Bởi lẽ này, sử sách của Trung Quốc đã không ngớt lời ca
ngợi Hán Quang Vũ. Dựa vào uy thế đó, bọn quan lại đô hộ ở Âu Lạc đã ra sức tìm
đủ mọi cách để vơ vét tài nguyên và của cải. Nổi bật nhất trong số những tên đô
hộ tham tàn chính là Tô Định.
Theo ghi chép của ĐÔNG QUAN HÁN KÍ thì Thái Thú Tô Định là tên
rất khắc nghiệt, luôn mượn cớ nghiêm giữ phép nước để tìm cách hà hiếp dân lành
và hễ "thấy tiền là giương mắt lên, thấy địch thì cụp mắt xuống" (68).
Lo sợ trước cuộc hôn nhân rất dễ có khả năng dẫn đến sự liên
kết chặt chẽ giữa Chu Diên và Mê Linh, Tô Định đã giết chết Thi Sách và hi vọng
là với đòn phủ đầu ấy, chính quyền đô hộ có thể nhanh chóng triệt tiêu hoàn
toàn mầm mống của sự phản kháng nhất định sẽ bùng lên ở vùng đất trung tâm vốn có
tiềm lực rất mạnh mẽ này.
Nhưng, Tô Định và quân đô hộ nhà Hậu Hán đã nhầm. Bà Man Thiện
đã cùng con gấp rút chuẩn bi một cuộc khởi nghĩa lớn. Quyết tâm của bà Man Thiện
và của Hai Bà Trưng đã lập tức nhận được sự cổ vũ và ủng hộ mạnh mẽ của cả xã hội.
Từ đất Mê Linh, một cơn bão lửa quật khởi đã nhanh chóng hình thành. Dân bốn
phương nườm nượp kéo về Mê Linh để cùng tề tựu dưới ngọn cờ cứu nước của Hai Bà
Trưng.
Truyền thuyết dân gian vùng Hà Tây và một số bộ dã sử cho
hay rằng, trước khi quả cảm phất cờ khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã long trọng tổ chức
một cuộc hội thề rất lớn.tại vùng Hát Môn (70). Theo THIÊN NAM NGỮ LỤC thì trước
ba quân tướng sĩ, Hai Bà đã tuyên thệ quyết tâm thực hiện cho bằng được bốn mục
tiêu :
Một xin rửa sạch nước thù,
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng.
Ba kẻo oan ức lòng chồng,
Bốn xin vẹn vẹn sở công lênh này.
Về cuộc hội thi tổ chức tại đất Hát Môn, Hoàng Giáp Ngô Thì Sĩ
(1725-1780) (71) viết rằng : "Khi (Trưng) Trắc ra quân, dù chưa hết tang chồng
nhưng Bà vẫn ăn mặc đẹp, các tướng hỏi, Bà bèn nói rằng :
"Việc binh phải tòng quyền, nếu cứ giữ lễ làm cho dung nhan xấu
xí thì có khác gì là làm giảm nhuệ khí, cho nên, ta mặc đẹp như vậy để làm cho thế
quân hùng tráng. Vả chăng, lũ giặc kia trông thấy, lòng sẽ không yên nên sẽ nhụt
bớt chí khí chiến đấu, như thế thì ta sẽ thêm phần dễ thắng".
Mọi người nghe vậy đều vái tạ mà nói là họ không thể nào
nghĩ kịp cách nghĩ của Bà".
Tháng 2 năm 40, tức là ngay sau cuộc hội thề ở Hát Môn. Hai
Bà đã hạ lệnh xuất quân.
Lực lượng ban đầu tuy chưa thực sự hùng hậu nhưng khí thế và
quyết tâm chiến đấu thì sục sôi bừng bừng. Mục tiêu đầu tiên và cũng là mục tiêu
lớn nhất của nghĩa quân là tấn công vào trị sở của tên Thái Thú Tô Định. Từ quê
hương Mê Linh của mình, Hai Bà Trưng thúc quân ào ạt tiến thẳng về Long Biên,
đi tới đâu nghĩa quân nhanh chóng đè bẹp sự phản kháng của lực lượng quân đô hộ
tới đó, thế quân như thác đổ, không cách gì có thể ngăn cản được. Một khí thế đánh
giặc cứu nước đã bừng bừng khắp nơi :
Ngàn Tây nổi áng phong trần,
Ầm ầm binh mã tới gần Long Biên.
Từ bất ngờ đến khiếp đảm. Tô Định đã phải hốt hoảng bỏ cả trị
sở mà cao chạy xa bay. Một số truyền thuyết dân gian còn kể rằng : "Tô Định
phải cạo tóc, cạo râu, vất bỏ ấn tín mà chạy".
Chính sử của Trung Quốc cũng đã phải buộc thừa nhận thực tế
thảm hại này : "Năm Kiến Vũ thứ 16 (tức là năm 40-NKT), người con gái ở Giao
Chỉ là Trưng Trắc và em gái là Trưng Nhị làm phản, đánh phá sở trị các quận.
Trưng Trắc là con gái của Lạc Tướng huyện Mê Linh, người rất hùng dũng, vợ của Thi
sách ở huyện Chu Diên. Thái Thú Giao Chỉ là Tô Định dùng pháp luật trói buộc, Trưng
Trắc phẫn nộ, vì thế mà làm phản. Người Man, người Lý ở Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp
Phố đều nhất tề hưởng ứng. (Trưng Trắc) gồm chiếm được 65 thành rồi tự lập làm Vua.
Thứ sử và Thái Thú Giao Chỉ chỉ còn giữ được mạng sống của mình mà thôi".
Các bộ chính sử của ta xưa cũng đã dành những lời rất trang
trọng để chép về cuộc chiến đấu của nghĩa quân Hai Bà Trưng. Tiến Sĩ Ngô Sĩ Liên
và các sử thần thời Lê viết : "Tháng hai, mùa xuân năm Canh Tí, niên hiệu Kiến
Vũ năm thứ 16 (tức là năm 40 -NKT), Vua khổ vì Thái Thú Tô Định dùng pháp luật trói
buộc, lại thù (Tô) Định giết của chồng mình, bèn cùng với em là (Trưng) Nhị nổi
binh đánh hãm các trị sở của châu. (Tô) Định phải tháo chạy về nước. Các quận
Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố đều hưởng ứng, lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam,
tự lập làm Vua."
Quốc Sử Quán triều Nguyễn viết : "Lúc bấy giờ Thái Thú
Tô Định cai trị tham lam và tàn bạo; giết mất chồng Bà. Bà bèn cùng với em gái
là Trưng Nhị dấy quân, đánh hãm vào các châu lị. Tô Định phải bỏ chạy về Nam Hải.
Quân Bà đi đến đâu như gió lướt đến đấy. Các tộc người Man, người Lý ở Cửu Chân,
Nhật Nam và Hợp Phố đầu nhất tề hưởng ứng. Bà lấy lại và dẹp yên được 65 thành ở
Lĩnh Nam, tự xưng làm Vua, đóng đô ở Mê Linh. Các Thứ Sử và Thái Thú ở Giao Chỉ
đều chỉ bảo toàn được thân mình thôi".
Bấy giờ, không phải chỉ có quan quân đô hộ của nhà Hậu Hán
mà ngay cả triều đình nhà Hậu Hán cũng phải hoảng hết, bị động và lúng túng.
Mãi đến hơn hai năm trời sau thắng lợi vang dội của Hai Bà Trưng, triều đình Hán
Quang Vũ mới đủ bình tĩnh để chuẩn bị kế hoạch xua quân sang đàn áp. Đúng như
các sử gia xưa đã nói, nếu như nhờ chí cả và sự ủng hộ của nhân dân khắp cõi,
nhờ sự phân tích sắc bén và quyết đoán thật chính xác. Hai Bà Trưng "dựng nước
dễ như trở bàn tay", thì ngược lại, nhà Hậu Hán đã đi từ chỗ bất ngờ đến bất
lực, hoàn toàn chịu bó tay trong một thời gian dài. Đó chính là cơ hội cực kì
thuận lợi để Hai Bà Trưng có thể xưng Vương và nhanh chóng xây dựng một chính
quyền độc lập và tự chủ.
Nguồn: Danh tướng Việt Nam, tập 4 Nguyễn Khắc Thuần
Ths Nguyễn Thy Nga