Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng làm rạng rỡ non sông Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Làm vẻ vang phụ nữ Việt Nam, đem lại vinh dự tự hào cho Mê Linh - Vĩnh Phúc ngày nay - vùng đất anh hùng đã sinh ra người nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc và một thời tuy không dài là đất đế đô. Đó là Kinh đô Mê Linh thời "Trưng Nữ Vương "
Ngay sau khi đập tan
toàn bộ guồng máy chính quyền đô hộ của nhà Hậu Hán, Trưng Trắc đã xưng Vương,
sử gọi thời trị vì của Bà là thời Trưng Nữ Vương.Như vậy, sau Thục Phán thì
Trưng Trắc là nhân vật thứ hai của lịch sử nước ta đã chính thức xưng Vương.
Đây là một sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng mà nói theo cách nói của các tác giả LỊCH SỬ VIỆT
NAM (tập 1) thì đây chính là "sự phủ định hiên ngang" đối với mưu đồ của chủ nghĩa đại Hán.
Thư tịch cổ chỉ chép
việc Trưng Trắc xưng Vương vào mùa xuân năm Canh Tí (tức là năm 40) mà không hề
cho biết gì về vương hiệu cũng như quốc hiệu và niên hiệu. Có lẽ lúc bấy giờ, vấn đề quan trọng hàng đầu
vẫn là "lập lại nghiệp xưa họ Hùng", còn như tất cả những gì có
liên quan khác thì chưa ai vội nghĩ tới. Về đất đóng đô của Trưng Vương, sử cũ nói rõ là Mê Linh
Đô
kì đóng cõi Mê Linh,
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta
Như trên đã nói, Mê
Linh là tên gọi của cả một huyện lớn, kinh đô của Trưng Nữ Vương chỉ có thể
được xây dựng trên một phần nhỏ nào đấy của đất huyện Mê Linh. Theo chúng tôi, rất có thể đó chính là làng Hạ Lôi, quê nội của Hai Bà, trị sở cũ của thân sinh Hai Bà là
Lạc Tướng Mê Linh. Tuy nhiên, ngoài những truyền thuyết mà dân gian còn truyền
tụng, đất Mê Linh không còn lưu giữ được dấu tích vật chất nào về kinh đô của Trưng Nữ Vương.
Triều đình Trưng Nữ Vương có lẽ là chính quyền của đội ngũ các
tướng lĩnh - những người từng sát cánh chiến đấu với Hai Bà Trưng và đã lập được
nhiều công lao. Không một thư tịch cổ nào cho biết về kết cấu cũng như tên các chức
danh cụ thể của guồng máy chính quyền Trưng Nữ Vương, tuy nhiên sự thống nhất trong
lời kể của kho tàng truyền thuyết cũng đủ để cho phép chúng ta có thể kết luận rằng,
đội ngũ nữ quan (mà nguồn gốc chủ yếu là nữ tướng) chiếm một tỉ lệ không nhỏ.
Trong truyền thuyết dân gian, những nữ quan cao cấp nhất của
Hai Bà Trưng thường được gọi là Công Chúa (ví dụ như Bát Nàn Công Chúa, Thánh Thiên
Công Chúa, Lê Chân Công Chúa...). Cũng có khá nhiều ý kiến cho rằng đó là tước hiệu
do Hai Bà Trưng chính thức phong tặng, song, điều này chưa có gì để bảo đảm chắc
chắn cả. Theo chúng tôi thì có lẽ đấy cũng chỉ là những vinh hiệu do người đời sau
vì kính trọng mà thêm vào. Dưới đây là một vài con số về đội ngũ quan tướng của
triều đình Trưng Nữ Vương:
Trong phạm vi ba tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc và Phú Thọ có đến 75
tướng của Hai Bà Trưng, gồm 56 nam và 19 nữ.
Theo thống kê của Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Vĩnh Phú
(nay tách thành hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) thì toàn tỉnh Vĩnh Phú cũ có đến
62 tướng của Hai Bà Trưng, gồm có 30 nam và 32 nữ.
Riêng tại khu vực thuộc Hà Nội ngày nay cũng có tới 25 tướng
của Hai Bà Trưng, gồm 18 nam và 7 nữ.
Tất nhiên, không phải bất cứ nữ tướng nào về sau cũng đều trở
thành nữ quan và ngược lại, không phải bất nữ quan nào cũng đều xuất thân là nữ
tướng, nhưng, sự có mặt của khá đông nữ quan trong guồng máy chính quyền Trưng Nữ
Vương là điều có thật.
Nói khác hơn, bản thân cấu trúc của chính quyền Trưng Nữ Vương
cũng đã thể hiện khá rõ vai trò và vị trí bình quyền của người phụ nữ đầu thế kỷ
thứ Nhất.
Những người từng chứng tỏ ý chí và tài năng trong sự nghiệp giành
độc lập đến đây lại tiếp tục thể hiện bản lĩnh và quyết tâm của mình trong sự nghiệp
giữ độc lập.
Một vài thư tịch cổ của Trung Quốc cho biết rằng chính quyền
Trưng Nữ Vương đã thu thuế ở hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Có lẽ quận Nhật Nam
do ở quá xa nên việc quản lí của chính quyền Trưng Nữ Vương không được chặt chẽ
như tại hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân.
Từ câu ghi chép ngắn gọn này, chúng ta có thể suy đoán rằng khởi
nghĩa Hai Bà Trưng tuy giành thắng lợi trên một phạm vi địa lí rất rộng lớn, đại
để là tương ứng với đất đai của cả Nam Việt và Âu Lạc cũ, nhưng chính quyền của
Trưng Nữ Vương thì gần như chỉ mới quản lí vùng lãnh thổ áng chừng tương ứng với
cương vực của Văn Lang - Âu Lạc cũ.
Dấu ấn về cố quốc của An Dương Vương và xa hơn nữa là của
các Vua Hùng đã in rất sâu trong nhận thức của Hai Bà Trưng, trong nhận thức phổ
biến của xã hội đương thời.
Là một chính quyền rất non trẻ, ra đời trong bối cảnh của
trình độ phát triển nói chung còn thấp và đặc biệt là trong tình thế phải thường
xuyên sẵn sàng đối phó với những cuộc tấn công đàn áp của nhà Hậu Hán, cống hiến
của triều đình Trưng Nữ Vương với ý nghĩa là những chính sách trị nước và những
hiệu quả biến đối tích cực cụ thể đối với diện mạo quốc gia chưa đươc nổi bât
như những triều đai sau này.
Tuy nhiên, công lao khơi dậy và thổi bùng lên ngọn lửa quật
cường của chính quyền Trưng Nữ Vương đối với toàn thể cộng đồng người Việt là
ngàn đời bất diệt.
Từ ánh sáng của ngọn lửa rất thiêng liêng này, ý thức dân tộc
của một bộ phận xã hội đã từng bước được xây dựng và củng cố, để rồi trên cơ sở
đó dân tộc mới có thể thực sự hình thành.
Khác với khá nhiều khu vực trên thế giới, bởi những quy định
rất riêng của hoàn cảnh lịch sử, dân tộc Việt Nam không phải đợi đến thời cận đại
mới bắt đầu hình thành, ngược lại đã được khai sinh từ rất sớm, từ ngay trong
thời kỳ đầu của lịch sử dựng nước và giữ nước.
Nhìn ở góc độ rất đặc biệt này, cống hiến của chính quyền
Trưng Nữ Vương lại có thêm những ý nghĩa khác rất lớn lao. Sách này không dám lạm
bàn đến những vấn đế về phương pháp luận sử học, chúng tới chỉ xin được nhấn mạnh
thêm một khía cạnh rất cụ thể rằng, từ sự nghiệp của Hai Bà Trưng, ý thức dân tộc
của ít nhất là một bộ phận xã hội đã bước đầu được nâng cao, nền tảng ra đời của
dân tộc dã xuất hiện. Theo cách nói của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái thì đấy chính
là sự báo phục lại cũng chính là sự bá vương :
Ba năm gánh vác sơn hà,
Một là báo phục, hai là bá vương.
Sưu tập: Nguồn Danh tướng Việt Nam Tâp 4 Tác giả: Nguyễn Khắc Thuần