Vua An dương Vương Thục Phán được vua Hùng nhượng ngôi, cảm thấy công đức của Hùng Duệ Vương lớn như trời đất. Bèn dóng xe về núi Nghĩa Lĩnh dựng giao đài để cả nước thờ tự.
Vua Hùng Vương thứ 18 – Hùng Duệ Vương lúc cuối đời không có
con trai, muốn nhường ngôi cho con rể là Nguyễn Tuấn tức là Tản Viên Sơn Thánh.
Thục Phán là thủ lĩnh của vùng Tây Vu không phục liền đem quân đến tranh ngôi,
xảy ra chiến tranh Hùng - Thục.
Tản Viên Sơn Thánh liền đem binh tới Loa Thành cùng vua thiết
lập trận đồ, dương oai thanh thế. Đại binh do Tản Viên Sơn Thánh và hai em là
Cao Sơn Đại Vương và Quý Minh đại vương nhiều lần đánh bại quân Thục, cuộc chiến
kéo dài không dứt.
Một thời gian sau, Tản Viên Sơn Thánh dâng biểu tâu vua rằng:
- Nhà Hùng hưởng nước trải đã lâu dài, ý hẳn lòng Trời có hạn,
mới khiến Thục Vương thừa lúc hở cơ lại chiếm nước ta. Vả lại Thục Chúa vốn là
chủ bộ Ai Lao, cũng trong tông phái của các đời hoàng đế trước vậy. Thế nước chẳng
được yên đều bởi tiên định. Vua tiếc gì một cõi phương nam mà trái ý Trời để hại
đến sinh Ung.
Vả bệ hạ cùng thần đã có thuật thần tiên, chẳng gì bằng đi
khắp bồng lai lãng uyển rong chơi gác phượng lầu rồng vui cùng tiên đồng ngọc nữ,
tránh được bụi đời nhơ bẩn, vàng bạc châu báu coi nhẹ như lông hồng. Đó là chí
lớn vậy.
Cuộc chiến Hùng – Thục tranh giành lãnh địa đã kéo dài, và
Thục Phán cũng thể hiện có tài năng, đức lễ đang được nhiều dân tin theo.
Vua nghe theo, nhân đấy truyền sứ giả đưa thư cho Thục
Vương, ý nhường ngôi cho, rồi quay về núi Nghĩa Lĩnh hẹn với Tản Viên Sơn Tinh
hóa sinh bất diệt.
Cột đá Thề ở Khu di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng
Vua An dương Vương Thục Phán được nước, cảm thấy công đức của
Hùng Duệ Vương lớn như trời đất. Bèn dóng xe về núi Nghĩa Lĩnh dựng giao đài để
cả nước thờ tự. Dựng hai cột đá ở giữa núi, chỉ lên trời mà khấn rằng:
- Nguyện có trời cao lồng lộng soi xét, chẳng dám sai lời.
Nước Nam trường tồn lưu ở miếu Hùng Vương. Ví bằng vua sau nối nghiệp trái ước
phai thề sẽ bị trăng vùi gió dập, trời đất cùng tru diệt.
Khấn xong vua bái yết, rồi quay về kinh đô Phong Châu, mời họ
hàng chi phái của Vua Hùng, tôn là dân con trưởng lập ra hương Trung Nghĩa, cấp
ruộng 500 mẫu tại Hy Cương. Lại cấp cho tô thuế thu của các xứ trên từ Tuyên
Quang, Hưng Hóa, dưới đến Việt Trì để làm hương hoả thờ cúng 18 đời Vua Hùng, kể
từ thánh tổ cao hoàng đế và các vua nỗi dõi, cùng cả nước vui tốt lành, muôn
năm không dứt.
Lại sai dựng miếu ở động Lăng Xương thờ bà mẹ Tản Viên, cấp
đất ngụ lộc cho Tản Viên từ cửa sông Đà trở lên phía Tây Bắc. Sau đó Thục Phán
xưng là An Dương Vương, đóng đô ở Cổ Loa đặt tên nước là Âu Lạc.
An Dương Vương nối nghiệp trải 50 năm...
Cột đá lạ “trấn yểm” tại Đền Hùng
Trên trang Giadinh.Net cho biết thông tin về cột đá này:
Gần đây thông tin về việc xuất hiện một cột đá lạ thay thế
cho Cột đá thề ở sân Đền Thượng thuộc quần thể Khu di tích lịch sử Đền Hùng
(Phú Thọ) đã gây xôn xao dư luận. Thông tin cho rằng Cột đá thề cũ có năng lượng
siêu nhiên, thậm chí có thể chữa được một số loại bệnh đã được thay bằng một cột
đá khác.
Cột đá thề được xây dựng dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hoá, Thể
thao và Du lịch.
Cột đá mới có lai lịch rõ ràng
Theo thông tin đó thì cột đá mới là cột đá vô hồn được “trấn
yểm” và được cá nhân cung tiến. Thông tin nêu trên xuất hiện sau vụ hòn đá có
khắc hình thù kỳ quái được cho là dạng bùa chú tại di tích Đền Hùng đã gây xôn
xao dư luận.
Tuy nhiên, từ nguồn tài liệu cho thấy, cột đá thề mới là một
phần nằm trong chuỗi tu bổ, tôn tạo Đền Thượng, Đền Trung, do Khu di tích Đền
Hùng làm chủ đầu tư đã được sự chấp thuận của UBND tỉnh Phú Thọ và Bộ Văn hoá,
Thể thao và Du lịch.
Theo đó, trong thông báo số 443/DSVH-DT do Cục trưởng Cục Di
sản Văn Hoá ông Đặng Văn Bài ký ngày 5/6/2008 về kết luận của Hội đồng Khoa học
bảo tồn di tích về phương hướng tu bổ Đền Thượng, Đền Trung thuộc Khu di tích lịch
sử Đền Hùng, tỉnh Phủ Thọ khẳng định: “Trong truyền thuyết và tâm thức dân gian
đã ghi dấu hình ảnh cột đá thể.
Cột đá thề hiện nay (cột cũ đã được thay thế - PV) được tạo
dựng vào những năm đầu của thập kỷ 60 thế kỷ XX bằng một cấu kiện kiến trúc (là
một cột đá nhỏ được phát hiện trong khu vực Đền Thượng vào năm 1966, đầu bị đục
một lỗ xuyên qua, sau này trông phản cảm nên đã được trát xi măng lấp kín lỗ -
PV).
Do đó cột đá thề cần được thay thế để tránh những hiểu lầm của
nhân dân. Việc thay thế cột đá thề có thể nghiên cứu hai phương án: Tìm một khối
đá tự nhiên có giá trị địa chất và thẩm mỹ (kỳ thạch) hgoặc tạo tác một cột đá
mới thích hợp để thay thế…”.
Sau đó, hạng mục thay thế cột đá thề cũng đã được ông Trần
Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch kết luận tại buổi làm
việc với UBND tỉnh Phú Thọ. Cụ thể, tại thông báo số 176/TB-VP, ngày 19/6/2008, Thứ trưởng Trần Chiến Thắng đưa ra chỉ đạo:
“Nghiên cứu dựng một cột đá thề mang ý chí thời đại ngày nay, đảm bảo tôn vinh
giá trị tinh thần của công trình này”.
Trong quá trình triển khai và kể cả khi hạng mục thi công cột
đá thề có sự thay đổi và đều được UBND tỉnh Phú Thọ ra văn bản chấp thuận. Ngày
11/7/2008, ông Đặng Đình Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Phú Thọ đã ban hành văn bản chấp thuận điều chỉnh thiết kế hạng mục cột đá thề
nằm trong công trình tu bổ, tôn tạo Đền Thượng.
Như vậy, cột đá thề nằm trong các hạng mục tu bổ, tôn tạo di
tích lịch sử Đền Hùng, đã được sự chỉ đạo, chấp thuận của Bộ Văn hoá, Thể thao
và Du lịch cùng chính quyền địa phương là UBND tỉnh Phú Thọ chứ không phải là vật
cúng tiến, là cột đá “trấn yểm” gây xôn xao dư luận.
Cột đá thề được chứng nhận là đá quý
Ngoài các thông tin cho rằng cột đá thề là cột đá lạ được cá
nhân cung tiền còn có phần khẳng định cột đá cũng đã bị đập vỡ vụn. Về vấn đề
này, ngày 10/6, trên trang web của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch khẳng định:
“Ông Nguyễn Xuân Các, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết, sau khi
được thay thế, hiện vật này được cán bộ bảo tàng làm hồ sơ hiện vật và được bảo
quản, gìn giữ nguyên trạng chứ không có chuyện đã bị đập vỡ vụn.
Cột đá thề cũ, lấy từ cột đá cổ của ngôi miếu.
Trong kho bảo tàng, hiện vật cột đá thề này vẫn đang nằm yên
vị trên kệ giá như một nhân chứng cho ai muốn kiểm tra rằng, nó còn tồn tại hay
không còn tồn tại như dư luận đồn đoán”.
Cột đá được Trung tâm Ngọc học cấp chứng chỉ là đá quý.
Thêm vào đó, thông tin cũng cho rằng cột đá thề mới là cột
đá “vô hồn”, tuy nhiên trong hồ sơ lưu thì cột đá này đã được cấp chứng chỉ là
đá quý. Chứng chỉ nêu trên được Hội đá quý Việt Nam, Trung tâm Ngọc học do
PGS.TS Nguỵ Tuyết Nhung làm giám đốc và kỹ sư Đỗ Đức Quang ký xác nhận.
Trong chứng chỉ đá quý số ĐTN/09/08-01 ngày 4/8/2009 khẳng định:
Cột đá là đá thiên nhiên. Là khối đá Chalcedon nhiều màu, từ trắng xám, vàng nhạt
đến xám xanh, phớt tím uốn lượn xen kẽ nhau tạo nên nhiều hình thù lạ mắt.
Đôi chỗ đạt chất lượng ngọc mã não khá trong. Là khối đá hiếm
gặp trong tự nhiên do giữ được nguyên vẹn cấu trúc ban đầu, không bị rỗ và gặm
mòn. Đá đã được mài nhẵn và đánh bóng một phần.
Các đơn vị, thành phần liên quan đến Cột đá thề đều được
công khai.
Như vậy, từ các cứ liệu nêu trên cho thấy, Cột đá thề đáp ứng
đầy đủ các tiêu chí, yếu tố để thay thế cột đá cũ theo chủ trương và chỉ đạo của
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Ông Nguyễn Minh Vũ, Giám đốc Công ty Mỹ thuật Trung ương, Bộ
Văn hoá, Thể thao và Du lịch, trong báo cáo kinh tế kỹ thuật thực hiện dự án cột
đá thề nhận định: “Xây dựng cột đá thề mới có chất lượng tốt sẽ có tác dụng góp
thêm sự phong phú cho tổng thể Đền Thượng thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Do đó cần sớm được triển khai và hoàn thiện để nơi Đất tổ
thiêng liêng có thêm một tác phẩn văn hoá nghệ thuật phục vụ du khách và nhân
dân. Đây cũng là một trong những hạng mục công trình thể hiện nghị quyết của
Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên
tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.
“Lưỡng Thạch Trụ” của Thục Phán trên núi Nghĩa Lĩnh
PTO- Cuốn ngọc phả lưu ở Đền Hùng, do trạng nguyên Nguyễn Cố
đời vua Trần Thánh Tông biên soạn, đời vua Lê Thánh Tông Bộ Lễ viết lại, và năm
Hoằng Định thứ nhất đời vua Lê Kính Tông (Tây lịch 1601) sao chép lại đóng dấu
kiềm, nói về sự kiện Vua Hùng thứ 18 (Duệ Vương) nhường ngôi cho Thục
Phán, và Thục Phán lên núi Nghĩa Lĩnh dựng đền thờ Vua Hùng, lập hai trụ đá thề.
Tháng 10 năm 1974, tại Hội nghị thông báo Sử học Vĩnh Phú, báo cáo khoa học
nhan đề: “Cuộc thống nhất Hùng Thục” nêu ra mấy điểm chính như sau:
- Thục Phán là họ tộc vua Hùng, tổ tiên làm tù trưởng bộ lạc Tây Vu hay
Tây Âu cha truyền con nối. Địa bàn ở vùng Đông Anh - Bắc Ninh - Bắc Giang. Đến
đời ông cha Thục Phán thì đã được mở rộng liên minh với các bộ lạc miền núi
khác từ Đông Bắc sang Tây Bắc nước ta. Thục Phán không phải người Tầu ở Ba Thục
(Tứ Xuyên Trung Quốc) như sử cũ nói, cũng không phải người Tày Cao Bằng như sử
mới nói.
- Hùng Duệ Vương không có con trai kế vị, nên đã cho thi tuyển rể để nhường
ngôi. Tản Viên là trang nam nhi kỳ tài thắng cuộc, được lấy công chúa Ngọc Hoa
và nhận truyền ngôi. Thục Phán đem quân tranh giành với Tản Viên, đánh nhau
ròng rã nhiều năm. Thục Phán luôn luôn thua, nhưng ông ta nhất định không chịu
thôi.
- Tản Viên nhận thấy tập quán truyền ngôi trong dòng tộc đã có từ lâu. Nếu hai
bên cứ đánh nhau mãi thì tổn hại sinh mạng, dân chúng làm sao mà an cư lạc nghiệp
được. Mặt khác tin tức lan truyền từ phương Bắc xuống, Tần Thuỷ Hoàng đã diệt
nhà Chu và các nước chư hầu, đang phát binh xuống đánh chiếm các bộ lạc Việt tộc
tụ cư ở Quảng Đông Quảng Tây. Với tầm nhìn sáng suốt Tản Viên chủ động
rút lui và khuyên vua Hùng nhường ngôi cho Thục Phán để đoàn kết dân tộc chuẩn
bị chống Tần.
- Thục Phán được Vua Hùng truyền ngôi và trao cho nỏ thần, liền dựng đền thờ
nhà Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, lập hai trụ đá thề ở bãi bằng giữa núi thề
giữ nước và cúng bái vua Hùng. Lại làm miếu thờ mẹ Tản Viên ở động Lăng Xương để
tạ ơn.
Từ đó trở về sau tôi vẫn để ý hai tảng đá như hai chiếc thúng ở hai đầu bàn thờ
gian giữa Đền Hạ, tự đặt ra câu hỏi: Hai tảng đá đó có tự bao giờ?, để làm gì?,
sao thời Lê làm Đền Hạ người ta lại không dám bỏ đi?. Có phải là hai trụ đá thề
không? Nếu đúng “lưỡng thạch trụ” thì dài bao nhiêu, đục đẽo thế nào? Vì chưa
khảo tả được, chưa biết người xưa sử dụng theo kiểu gì, nên đành im lặng, chờ
cơ hội nghiên cứu tiếp.
Cũng năm 1974 tôi viết cuốn “Giới thiệu Khu di tích lịch sử Đền Hùng”, tái bản
tới nay là lần thứ 28, nói rõ chiếc cột đá trên bệ trước Đền Thượng mà năm 1962
Phòng Bảo tàng Ty Văn Hoá Phú Thọ làm để đồng bào chiêm ngưỡng, là cột miếu cổ,
và đưa ra dự đoán nó có từ thời Hùng Vương. Song anh em dẫn khách ở Đền Hùng cứ
giới thiệu là Cột đá thề.
Tình cờ ngày 5-11-2011 tôi mới được thấy nguyên hình “Lưỡng thạch trụ” và ngộ
ra mọi chuyện. Một lần được phóng viên Đài PT-TH tỉnh mời giới thiệu về cây
Thiên tuế trước cửa chùa.
Việc xong tôi rủ phóng viên vào Đền Hạ xem hai tảng đá nghi
là “Lưỡng thạch trụ”. Đền Hạ lúc này quây bạt kín xung quanh để xây lại. Vào
trong khu quây bạt gặp anh em công nhân, họ bảo chúng cháu đào đem để ở hè
chùa, đến đó mà xem. Tôi giật mình nghĩ bụng “Bọn này liều thật, dám đụng vào vật
thiêng bao đời rất sợ”. Nhưng lại mừng vì đây là cơ hội duy nhất ngàn năm có một
để được nhìn thấy phần chìm của “Lưỡng thạch trụ”.
Tôi thì đo đạc, còn Duy Khoa thì quay phim chụp ảnh. Rồi tôi
rủ Duy Khoa, chúng ta sang ngay chỗ ông Nguyễn Xuân Các giám đốc Ban quản lý Đền
Hùng bàn về việc bảo vệ di vật lịch sử này. Tôi nói với ông Cát tầm quan trọng
của hai tảng đá đó, đề nghị giữ gìn cẩn thận và đặt lại vào đúng hai vị trí cũ ở
trong Đền Hạ. Ông Các đồng ý sẽ làm như vậy.
Hôm mồng 3 tết Nhâm Thìn tôi lên lễ Đền Hùng, vào Đền Hạ xem, thì đúng là ông
Các đã cho đặt lại “Lưỡng thạch trụ” vào hai bên đầu bàn thờ gian giữa. Thấy
ông Từ đứng lên tảng đá để với vào trong bàn thờ, tôi bảo ông: Đấy là đá thiêng
chớ đứng lên như thế. Ông Từ cả thẹn vội bước xuống ngay. Tôi dặn anh em bảo vệ:
Các ông Từ mới chưa rõ lai lịch tảng đá, cần nhắc các ông ấy không được đứng
lên, anh em đều nhất trí.
Nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Kim Biên diện kiến Lưỡng
thạch trụ
Do duyên may được diện kiến đầy đủ hình thể “Lưỡng Thạch Trụ” vẫn nghi vấn bấy
lâu nay. Nó chỉ là hai tảng đá sạn kết tự nhiên không có đục đẽo gia công gì cả,
bề mặt lồi gần tròn đường kính khoảng 60cm, chiều cao cũng không đều trung bình
độ 40cm. Hai tảng to nhỏ chênh nhau một chút xíu.
Xem xong tôi mới ngộ ra rằng, lưỡng thạch trụ chỉ dùng để
chém dao lúc thề bồi mà thôi. Liên hệ với cách thề bồi của dân ta trước cách mạng
tháng 8-1945, khi hai người có bất bình điều gì hay giao ước điều gì, họ tuyên
bố xong lấy dao chém vào đá để khẳng định mình không sai lời, bởi thế có câu
“chắc như dao chém đá”.
Có lẽ thời Thục Phán cũng vậy, ông cho đặt hai tảng đá ở giữa
bãi bằng lưng chừng núi (Lưỡng thạch trụ ư sơn trung) để tiến hành hội thề. Dự
đoán khi vua Hùng sai Tản Viên tuyên chiếu nhường ngôi, tiếp theo Thục Phán
phát lời thề. Rồi Thục Phán dùng gươm chém vào một tảng đá, Tản Viên chém vào một
tảng đá, để thần minh chứng giám.
Sự tích hai tảng đá này được nhân dân quanh núi Nghĩa Lĩnh truyền tụng. Khi trạng
nguyên Nguyễn Cố viết ngọc phả được ghi là lưỡng thạch trụ. Trải qua hàng nghìn
năm hai tảng đá bị đất vùi lấp chỉ còn nổi trên mặt đất như hai cái thúng úp,
chẳng ai dám động đến, chẳng rõ ở dưới thế nào. Thời nhà Lê làm Đền Hạ chùm lên
hai trụ đá đó, phải chăng nhằm giữ gìn đôi báu vật lịch sử cho con
cháu.
Nhà nghiên cứu Vũ Kim Biên, bài viết đăng trên Báo Phú Thọ
Ths Nguyễn Thy Ngà