Di tích Hồ Gươm, cầu Thê Húc, Nhà hát lớn, cầu Long Biên, đền Vua Lê (quận Hoàn Kiếm) là những công trình gắn liến với lịch sử nghìn năm văn hiến của Thủ đô Hà Nội.
Quận Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm Hà Nội với 18 phường, rộng 5,29 km2, dân
số gần 156.000 người. Đây là quận có diện tích nhỏ nhất Hà Nội, giáp
quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa.
Tuy nhiên, tại Điều 3, Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về
các trường hợp không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính quy định: "Đơn
vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng có một trong
các yếu tố đặc thù sau đây thì không bắt buộc thực hiện sắp xếp: Có
vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn
vị hành chính liền kề; Có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn
định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào; Có vị
trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống
lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán
riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến
mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.
Hiện, Hoàn Kiếm là quận trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Thủ
đô, có 190 di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng. Điển hình là Quần thể di
tích Hồ Gươm - đền Ngọc Sơn - đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, đình Kim Ngân,
chùa Báo Ân (chùa Liên Trì), tháp Báo Thiên, đền Vua Lê, cửa Ô Quan
Chưởng, Nhà hát Lớn Hà Nội, nhà tù Hỏa Lò, Quảng trường 19/8, Nhà Thờ
Lớn, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, tượng đài
Lý Thái Tổ, Bưu điện Hà Nội, chợ Đồng Xuân....
Nhà hát lớn Hà Nội (số 1A phố Tràng Tiền, phường Tràng Tiền, quận Hoàn
Kiếm) được người Pháp khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm
1911, dưới sự giám sát kỹ thuật của thanh tra đô thị – kiến trúc sư
Harlay – một trong hai tác giả thiết kế. Người phụ trách thi công là ông
Travary và Savelon. Những người thiết kế công trình đã tìm tòi tham
khảo kiểu kiến trúc cổ Hy Lạp Coranhtơ kết hợp với kiểu lâu đài Tuylory
và nhà hát Opera Paris để tạo nên một khối kiến trúc riêng biệt. Nhà hát
lớn Hà nội có giá trị rất lớn về mặt lịch sử, kiến trúc và giá trị sử
dụng. Nó là bằng chứng lịch sử sự phát triển văn hóa và xã hội của Hà
Nội và Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc, là một di tích của một giai đoạn
phát triển kiến trúc ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Nhà hát
lớn Hà Nội và Quảng trường Nhà hát là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử
trọng đại gắn liền với cuộc Cách mạng Tháng 8 và những năm đầu của nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cầu Long Biên (tên cũ là cầu Paul Doumer) là cây cầu bắc qua sông Hồng
kết nối quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình với quận Long Biên của Hà Nội. Cầu
được xây dựng từ năm 1898 tới năm 1902 bởi công ty Daydé & Pillé,
được sử dụng vào năm 1903. Cầu dài 2290m qua sông và 896m cầu dẫn, gồm
19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40m (kể cả móng) và đường dẫn
xây bằng đá. Cầu dành cho đường sắt đơn chạy ở giữa. Hai bên là đường
dành cho xe cơ giới và đường đi bộ. Đường cho các loại xe là 2,6m và
luồng đi bộ là 0,4m.
Cầu Long Biên là chứng nhân lịch sử của Hà Nội, tượng trưng cho sự hiên
ngang, dũng cảm của Thủ đô trong thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc
Mỹ. Cầu từng bị nghiêng vì những dòng chiến xa của thực dân Pháp điều
quân từ trong thành phố sang sân bay Gia Lâm tăng cường cho chiến trường
Điện Biên Phủ. Năm 1954, cầu Long Biên chứng kiến đoàn quân viễn chinh
Pháp rút khỏi Hà Nội; đồng thời đón bộ đội ta tiến vào tiếp quản Thủ đô.
Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của Mỹ, cầu Long
Biên là cây cầu duy nhất trong hành trình chở hàng hóa bằng đường bộ,
đường sắt từ cảng Hải Phòng, từ biên giới phía Bắc về Hà Nội và tỏa ra
các nẻo đường lớn, nhỏ chi viện cho chiến trường miền Nam. Vì thế, từ
năm 1965 – 1972, máy bay Mỹ đã 14 lần ném bom hòng phá hủy cây cầu. Bộ
đội công binh, phòng không Việt Nam và dân quân tự vệ Hà Nội đã xây dựng
nhiều trận địa pháo phòng không, ngày đêm túc trực chờ máy bay Mỹ bổ
nhào là nhả đạn, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng và trận địa để bảo vệ cây
cầu.
Cầu Thê Húc nối từ Hồ Hoàn Kiếm ra hòn đảo nhỏ nơi có đền Ngọc Sơn. Cây
cầu này được Thần Siêu Nguyễn Văn Siêu xây dựng vào năm 1865. Tên của
cầu có nghĩa là "nơi đậu ánh sáng Mặt Trời buổi sáng sớm" hay "Ngưng tụ
hào quang". Cầu làm bằng gỗ, gồm 15 nhịp, có 32 chân cột gỗ tròn xếp
thành 16 đôi, mặt cầu lát ván, thành sơn màu đỏ sẫm, chữ Thê Húc được
thếp vàng. Cầu đã trải qua hai lần tái thiết kể từ khi hoàn tất. Lần thứ
nhất là vào năm 1897 triều Thành Thái. Lần thứ hai là vào năm 1952 sau
khi một nhịp cầu gãy vào đêm Giao thừa năm Nhâm Thìn 1952 vì khách đi lễ
đền Ngọc Sơn quá đông.
Đền Ngọc Sơn nằm trên đảo Ngọc của hồ Hoàn Kiếm, được xây dựng từ thế kỷ
19. Lúc đầu được gọi là chùa Ngọc Sơn sau đổi gọi là đền Ngọc Sơn vì
trong đền chỉ thờ thần Văn Xương Đế Quân là ngôi sao chủ việc văn chương
khoa cử và thờ Trần Hưng Đạo, vị anh hùng có công phá quân Nguyên thế
kỷ 13. Khởi nguyên, khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long đặt tên ngôi
đền đã có tại đây là Ngọc Tượng, đến đời nhà Trần đổi tên là Ngọc Sơn.
Thời Trần, ngôi đền để thờ những người anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong
kháng chiến chống Nguyên - Mông. Hiện, đền Ngọc Sơn là một di tích quốc
gia đặc biệt của Việt Nam được xếp hạng đợt 4.
Bưu điện Hà Nội nằm đối diện với hồ Hoàn Kiếm, gồm ba tòa nhà bưu điện
tọa lạc tại các phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thạch và Đinh Lễ, được xây dựng
theo phong cách kiến trúc tân cổ điển và Art Deco. Tòa nhà đầu tiên nằm
trong bốn vị trí ở bốn cạnh của Vườn hoa Chí Linh và giáp với phố Lê
Thạch, từng trải qua nhiều đợt cải tạo mở rộng so với thiết kế ban đầu.
Tòa nhà thứ hai (tòa bưu điện trung tâm) hoàn thành vào năm 1901 trên
nền một phần của chùa Báo Ân đã bị phá và do Henri Vildieu thiết kế. Về
sau, một tòa nhà mới giáp với phố Đinh Lễ ngày nay đã được xây tiếp, tạo
nên dãy công trình nằm dọc trên phố Đinh Tiên Hoàng, với mặt chính
hướng ra phía hồ Gươm. Sau này, trong thập niên 1970, công trình cũ của
tòa bưu điện trung tâm bị phá dỡ và xây lại thành một tòa nhà cao năm
tầng có cột đồng hồ lắp trên đỉnh. Chiếc đồng hồ cùng với biển chữ của
công trình đến nay đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của
Hà Nội.
Tượng đài vua Lý Thái Tổ được khởi công xây dựng và khánh thành năm
2004. Đây là bức tượng bằng đồng nguyên chất, đúc liền khối, nặng 34 tấn
(tượng 14 tấn, bệ 20 tấn), cao 10,10m (tượng cao 6,8m, bệ cao 3,3m),
tính theo đơn vị centimet, 1010cm tương ứng với số năm 1010 - năm vua Lý
Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La (tức Hà Nội ngày
nay), đổi tên thành Thăng Long. Tượng được đặt trên đài hình bát giác
(tượng trưng cho tám hướng), phần trên đài cách điệu bốn cổng thành Hà
Nội, phần bệ giật cấp ba bậc thềm tượng trưng cho thiên thời - địa lợi –
nhân hoà, những yếu tố làm cơ sở để vua Lý Thái Tổ đặt niên hiệu Thuận
Thiên. Từ lâu, Tượng đài vua Lý Thái Tổ là nơi diễn ra nhiều sự kiện,
hoạt động văn hóa nghệ thuật trong các dịp lễ kỷ niệm quan trọng của đất
nước.
Tượng đài vua Lê Thái Tổ là công trình văn hoá - tưởng niệm để ghi nhớ
công lao của vua Lê Thái Tổ (tức vị anh hùng Lê Lợi, 1385 - 1433), người
đã lãnh đạo cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng đất
nước vào thế kỷ thứ XV. Tượng đài vua Lê Thái Tổ được dựng vào khoảng
năm 1896, gắn liền với truyền thuyết "trả gươm thần" trên hồ Hoàn Kiếm.
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục thuộc phường Lê Thái Tổ, thuộc phía
Đông Bắc quận Hoàn Kiếm. Nơi đây là điểm giao thoa của 5 con phố nổi
tiếng bao gồm phố Lê Thái Tổ, phố Đinh Tiên Hoàng, phố Hàng Đào, phố
Hàng Gai và phố Cầu Gỗ. Vào thời Pháp thuộc, nơi này có tên là Quảng
trường tướng Négrier (Place Négrier). Trước đây, khu vực quảng trường
vốn là một bãi đất trồng dừa được người Pháp trưng dụng để làm quảng
trường trung tâm và cũng là nơi hành quyết các sĩ phu yêu nước. Đến năm
1907, các sĩ phu yêu nước đã xây dựng ngôi trường mang tên Đông Kinh
Nghĩa Thục trên mảnh đất này để dạy chữ Quốc ngữ cho học trò. Ngôi
trường cũng chính là địa bàn hoạt động của các thành phần sĩ phu yêu
nước trên khắp Hà Nội và tỉnh lân cận. Đến năm 1945, thị trưởng Trần Văn
Lạt cho đổi tên Quảng trường Tướng Négrier thành quảng trường Đông Kinh
Nghĩa Thục. Hiện nay, khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đã trở
thành một phần của phố đi bộ Hồ Gươm, là nơi thường xuyên diễn ra các sự
kiện văn hóa, nghệ thuật lớn của thành phố, thu hút sự tham gia của
đông đảo người dân Hà Nội và du khách.
Ngô Nhung
Nguồn: VTC News