Trên địa bàn huyện Mỹ Lộc hiện có 26 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 11 di tích lịch sử - văn hóa là đình; tiêu biểu như: Đình Sùng Văn, Đình và miếu Cao Đài, Đình và chùa Bườn... Từ lâu, không gian làng quê gắn liền với hình ảnh “Cây đa - giếng nước - sân đình” đã trở thành nét văn hoá đặc sắc của các vùng nông thôn trong huyện.
Những ngôi đình làng ở huyện Mỹ Lộc đều là những công trình
kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao. Tiêu biểu như di tích kiến trúc nghệ thuật
cấp quốc gia Đình Sùng Văn, xã Mỹ Thuận thờ ba vị thần: Linh Lang Đại Vương thời
Hùng Duệ Vương và hai tướng Cao Đê, Đãi Chân phò An Dương Vương đánh thắng ngoại
xâm, giữ gìn nền độc lập dân tộc.
Đình được xây dựng từ thời Hậu Lê, đến năm 2008 được Nhà nước
đầu tư hơn 8 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo. Đến nay, ngoài giá trị lịch sử, ngôi đình
còn là một công trình văn hóa có kiến trúc quy mô, mang đậm phong cách nghệ thuật
truyền thống.
Đình Sùng Văn gồm 2 tòa, xây dựng theo kiểu chữ “Đinh”. Tòa
tiền đường có 5 gian, dài 21m, rộng 11m, mái lợp ngói nam, cong đều 4 góc. Trên
nóc mái xây đại bờ; các bờ dải, kìm nóc, đầu đao đắp đề tài rồng chầu, phượng
múa cùng với họa tiết lá lật cách điệu. Gian chính giữa được trang hoàng và chạm
khắc cầu kỳ. Trên xà, trên con rường hay mê cốn đều được đục chạm kênh bong với
nhiều đề tài long, ly, quy, phượng đang chầu, vờn nhau, hay hình ảnh rồng lấy
nước có cá, có rùa đang bơi.
Các bức chạm rồng bay, phượng múa, ly vờn ẩn hiện trong mây
lá hỏa ở hai bên xà nách. Những cảnh long vân thể hiện ở ván bưng, những cụm
trúc hóa đều được cách điệu cao... Điểm nhấn của công trình là cửa cấm, được
điêu khắc các đề tài tứ linh công phu và sơn son thếp vàng lộng lẫy. Các họa tiết
ở phía trên xà nách có các cảnh voi ngậm đuôi rồng, rồng cuốn ly là những hình
tượng dân gian đan xen. Chính diện cửa cấm chạm long, ly, quy, phượng chầu bông
hoa cúc tượng trưng mặt nguyệt.
Trên cùng là đại tự có dáng như ba trái đào dính vào nhau;
trong mỗi trái đào có một chữ lớn, ghép lại thành ba chữ “Đức Trường Lưu” (công
đức còn lại mãi mãi). Điều đó thể hiện tấm lòng của nhân dân địa phương đối với
ba vị thành hoàng của quê hương, gắn với sự mong ước trường tồn.
Cùng với vẻ đẹp và quy mô về giá trị kiến trúc, Đình Sùng
Văn còn lưu giữ nhiều đồ thờ có giá trị như: nhang án, kiệu long đình, ngai thờ,
đại tự, câu đối; trong đó có nhiều di vật từ thời Hậu Lê.
Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Đình Cao Đài thuộc
thôn Cao Đài, xã Mỹ Thành thờ Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Đại vương Trần
Quang Khải và phu nhân là Phụng Dương Công chúa. Kiến trúc Đình Cao Đài được
xây dựng theo kiểu chữ “Nhất” hậu chữ “Đinh” trên một khu đất rộng, thoáng mát.
Phía trước tòa tiền đường là hệ thống cột đồng trụ mang dáng vẻ uy nghi có gắn
nghê chầu. Tòa tiền đường 5 gian bằng gỗ lim, mái lợp ngói nam, bộ vì kiểu thượng
chồng rường giá chiêng, hạ kẻ bẩy.
Trên các con rường chạm lá lật, bẩy chạm tứ linh, tứ quý. Kiến
trúc và chạm khắc của tòa tiền đường mang phong cách thời Nguyễn vì đã được
trùng tu năm Mậu Thân đời Vua Duy Tân năm thứ 2 (1908).
Nối liền tiền đường là trung đường và hậu cung xây kiểu chữ
“Đinh”, mái cong lợp ngói mũi hài. Khác với tiền đường, trung đường và hậu cung
có kiến trúc và chạm khắc mang phong cách thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII).
Hai cột và bộ cánh cửa của tòa trung đường có thể coi là một
tác phẩm nghệ thuật độc đáo với chủ đề rồng, hoa lá, chim, tiên nữ được chạm
kênh bong sắc sảo. Xà trên cửa võng hậu cung chạm một dòng chữ Hán trong khung
hình hoa sen “Đại vương thượng đẳng thần từ”.
Đình Cao Đài hiện còn lưu giữ được một số di vật quý, trong
đó phải kể đến tấm bia đá cao 1,20m; rộng 0,7m; dầy 16cm được soạn khắc năm
1293. Nội dung bia cung cấp nhiều tư liệu về công chúa Phụng Dương, thái ấp của
Thái sư Trần Quang Khải và việc rút lui chiến lược của quân đội nhà Trần trong
cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 2 (1285).
Đình Cao Đài, xã Mỹ Thành được công nhận di tích kiến trúc
nghệ thuật cấp quốc gia năm 1964.
Những ngôi đình cổ ở Mỹ Lộc có vị trí đặc biệt quan trọng
trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Xã Mỹ Phúc hiện còn 5
ngôi đình, trong đó có 4 đình được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh
gồm: Đình Đông, Đình Tây (thôn Tam Đông), Đình, chùa Vạn Khoảnh, Đình thôn Hóp.
Đình Đông thờ Sứ quân Trần Lãm và Dũng Lược Đại vương; Đình
Tây cũng thờ 2 vị này và Lệ Trinh Nguyên Phi. Hiện nay, sau nhiều lần trùng tu,
tôn tạo, hai ngôi đình vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ, vẫn là nơi sinh hoạt,
hội họp, tổ chức lễ hội tưởng nhớ công lao của đức Trần Minh Công và đức Trần
Dũng Lực vào ngày 10 tháng 4 âm lịch hằng năm.
Bên cạnh các nghi thức rước, tế lễ, ở các đình làng ở Mỹ
Phúc có nhiều trò chơi dân gian như: kéo co, đấu vật, chọi gà, tổ tôm, cờ người…
Xã Mỹ Trung có 3 ngôi đình được xếp hạng, trong đó Đình Cả là di tích lịch sử -
văn hóa cấp quốc gia; Đình Phương Bông, Đình Thanh Khê là di tích lịch sử - văn
hóa cấp tỉnh.
Đình thờ Dũng Dược Đại Vương, một vị tướng tài giúp Hùng Duệ
Vương đánh giặc giữ nước. Hằng năm, vào ngày 15-4 (âm lịch) kỷ niệm ngày sinh
Thánh Cả Dũng Dược Đại Vương, làng mở hội, ngoài phần lễ có nhiều nghi thức
trang nghiêm như: tế nam, tế nữ, rước kiệu, phần hội duy trì tổ chức các trò
chơi, sinh hoạt văn nghệ dân gian như thi đánh cờ, kéo co… Đình Phương Bông
ngoài thờ tướng Dũng Dược Đại Vương còn phối thờ Thượng tướng Thái sư Chiêu
minh Đại vương Trần Quang Khải và Phụng Dương công chúa.
Ngôi đình không chỉ là nơi tri ân công đức của các bậc tiền
nhân mà còn lưu giữ nhiều sinh hoạt văn hóa tâm linh đặc sắc truyền thống của
nhân dân trong các kỳ lễ hội như: Lễ hội tháng 3, lễ hội tháng 7, lễ hội tháng
11 (âm lịch)… Xã Mỹ Thắng có 2 di tích được xếp hạng gồm di tích lịch sử - văn
hóa cấp quốc gia Đình, chùa Bườn, di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Đình Đồng
Mai.
Tại di tích Đình, chùa Bườn hằng năm, nhân dân địa phương ba
lần mở hội vào các ngày kỵ của Đàm Hoàng Thái hậu, Tướng quân Phùng Gia và Tướng
quân Cao Mộc với các nghi thức rước nước, lễ cầu mát, rước kiệu và các trò chơi
dân gian độc đáo như “Thi xôi, thi lợn”…
Trong tâm thức của người dân Mỹ Lộc, đình làng là chốn
thiêng liêng, nơi tụ họp, thể hiện ước vọng và sự đoàn kết của nhân dân trước
những sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước, là nơi bảo lưu, gìn giữ truyền
thống, bản sắc văn hoá quê hương.
Thời gian tới, huyện Mỹ Lộc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền
Luật Di sản văn hoá để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân đối với
công tác bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.
Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện
các chính sách về công tác xây dựng môi trường văn hóa tại các di tích, lễ hội.
Khuyến khích việc tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, khôi phục các trò
chơi, hình thức diễn xướng dân gian nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá
truyền thống của quê hương./.
Bài và ảnh: Viết Dư