Sau khi triều đại của Nhị vua Hai Bà Trưng sụp đổ, quân xâm lược nhà Hán tiến hành cuộc trả thù đẫm máu chưa từng thấy trên khắp bờ cõi Việt Nam, đặc biệt là quận Giao Chỉ. Hàng vạn người bị giết hại tàn khốc hoặc bị đày đi biệt xứ. Chính sử của Trung Quốc cũng công khai thừa nhận tội ác phi nhân tính này.
Bản đồ Việt Nam thời kỳ Bắc Thuộc lần thứ I kể từ Triệu Đà
Chỉ tính riêng ở quận Cửu Chân, nơi cách khá xa trung tâm của
cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Mã Viện giết hại hơn 5.000 người. Hơn 300 tuỳ tướng của Nhị vua Hai Bà Trưng bị Mã Viện bắt đi đày
biệt sứ sang tận Linh Lăng.
Việc trả thù tàn bạo còn kéo dài trong nhiều năm sau đó.
Không khí đàn áp và chết chóc bao trùm lên khắp mọi miền đất nước. Bấy giờ,
nhà Hậu Hán quyết tâm xoá sạch dư âm quyền lực của đội ngũ quý tộc bộ lạc cũ bằng
cách đưa người Trung Quốc sang nắm giữ chính quyền đến tận cấp huyện và bãi bỏ
hoàn toàn những quy định cũ về việc dùng Lạc Tướng trông coi các huyện.
Chế độ trực trị hà khắc bằng chém giết của quan lại nhà Hậu Hán nhanh
chóng được thiết lập. Trong giai đoạn vô cùng khó khăn khốc liệt như vậy,
phong trào đấu tranh của nhân dân các địa phương thuộc quận Giao Chỉ cũ
tạm thời lắng xuống, nhưng, thay vào đó là sự trỗi dậy rất mạnh mẽ của những
phong trào khởi nghĩa chống quân xâm lược ở khu vực phía Nam, đặc biệt là tại quận Nhật Nam.
Theo ghi chép của chính sử Trung Quốc , chỉ tính
riêng trong thế kỉ II, vùng Nhật Nam liên tiếp bị chấn động dữ dội bởi những
cuộc vùng dậy có quy mô rất lớn sau đây :
Năm 100 : trên 2.000 dân Tượng Lâm (cực Nam của quận Nhật
Nam) đã đồng lòng khởi nghĩa. Chính quyền đô hộ nhà Hậu Hán phải huy động đông
đảo quân sĩ ở các quận huyện khác tới đàn áp khá lâu mới dập tắt được.
Năm 136 : dân Tượng Lâm mà đông đảo nhất là người Chăm đã lại
nhất tề nổi dậy, đánh cho bọn quan lại đô hộ của nhà Hậu Hán một phen thất điên
bát đảo.
Năm 137 : Một cuộc bạo động rất lớn của nhân dân quận Nhật
Nam nổ ra. Nhiều quan lại đô hộ của nhà Hậu Hán bị giết chết, thứ sử Phàn Diễn
phải huy động đến hơn 10.000 quân đi đàn áp liên tiếp trong hơn một năm trời.
Cuộc bạo động này đã khiến cho cả triều đình Hán Thuận Đế phải hốt hoảng.
Năm 144 : được sự ủng hộ của nhân dân quận Cửu Chân, nhân
dân quận Nhật Nam lại nổi lên, tấn công vào tất cả trị sở của bọn đô hộ. Một lần
nữa, nhà Hậu Hán phải dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt và tàn bạo khác cùng với một số lượng lớn binh lính mới trấn áp được.
Năm 190 : Dưới sự lãnh đạo của Khu Liên, dân vùng Tượng
Lâm của quận Nhật Nam (mà chủ yếu là người Chăm) đã tổ chức một cuộc khởi nghĩa
rất lớn. Họ đã giết được thứ sử của nhà Hậu Hán là Chu Phù và bọn quan lại của
nhà Hậu Hán ở các huyện. Năm 192, Khu Liên lên làm vua, vương quốc của người
Chăm được hình thành kể từ đó.
Như trên đã nói, từ giữa thế kỉ II, tức là kể từ thời trị vì
của Hán Hoàn Đế (146 -167) trở đi, chính sự của nhà Hậu Hán ngày càng rối ren.
Sang thời Hán Linh Đế (168 -189), nguy cơ sụp đổ hoàn toàn của nhà Hậu Hán đã
thể hiện ngày một rõ. Bọn hoạn quan rồi kế đến là bọn quyền thần (mà đứng đầu
là Đống Trác) mặc sức hoành hành. Tháng 10-220, Hán Hiến Đế bị giết, nhà Hậu
Hán đến đó là cáo chung và Trung Quốc lâm vào một thời kì hỗn chiến loạn lạc rất
nghiêm trọng, sử gọi đó là thời Tam Quốc. Đây là thời tranh hùng quyết liệt giữa
ba tập đoàn lớn :
Ngô cũng tức là Đông Ngô (222-280) : do Tôn Quyền (tức Ngô Đại
Đế) dựng lên. Nước Ngô của họ Tôn tồn tại trước sau tổng cộng 58 năm, truyền nối
được 4 đời. Lãnh thổ của nước Ngô ở phía Đông Nam của Trung Quốc. Kinh đô ban đầu
của nước Ngô ở Vĩnh Xương, sau chuyển về Kiến Nghiệp (nay là Nam Kinh của Trung
Quốc).
Thục (221-263) : do Lưu Bị (tức Thục Chiêu Liệt Đế) dựng lên
với lãnh thổ chủ yếu là vùng Tứ Xuyên của Trung Quốc ngày nay. Kinh đô của nước
Thục là Thành Đô (ở phía Bắc của Tứ Xuyên). Nước Thục của họ Lưu tồn tại trước
sau tổng cộng 42 năm, truyền nối được hai đời.
Ngụy (220-265) : do Tào Phi (tức Ngụy Văn Đế) dựng lên. Lãnh
thổ của nước Ngụy là toàn bộ khu vực rộng lớn ở phía Bắc Trung Quốc. Kinh đô của
nước Ngụy là Lạc Dương. Nước Nguy của họ Tào tồn tại trước sau tổng cộng 45
năm, truyền nối được 5 đời.
Trong số ba nước tranh hùng của thời Tam Quốc, nhà Ngô đã
thay thế nhà Hậu Hán đô hộ nước ta. Để có đủ sức người và sức của cung đốn cho
cuộc hỗn chiến tàn khốc này, nhà Ngô đã tiến hành bóc lột nhân dân ta thậm tệ
chưa từng thấy.
Trong hơn một ngàn năm mất nước, không triều đại phong kiến Trung Quốc nào để
lại dấu ấn đô hộ tàn bạo đến mức khủng khiếp như nhà Ngô. Cho nên trong tâm khảm
bất diệt của tất cả các thế hệ nhân dân ta, hễ nói đến giặc phương Bắc thì hầu
như bất cứ ai cũng đều căm giận mà gọi đó là giặc Ngô, dẫu khi hung hãn tràn
sang xâm lược nước ta, thụy hiệu của chúng là gì.
Đối với đất Giao Châu. đánh giá chung của chính quyền nhà
Ngô là "đất rộng, người đông, hình thế hiểm trở và độc hại, dân xứ ấy thường
hay làm loạn, rất khó cai trị", cho nên, chính sách bao trùm của nhà Ngô
là phải “dùng binh uy để ức hiếp".
Bởi chính sách bao
trùm này, nhà Ngô đã bắt hàng ngàn đinh tráng của nước ta, đem xích lại rồi dẫn
sang đất Ngô để bắt làm lính chiến. Chính sử của Trung Quốc cũng phải thừa nhận
rằng : "Giặc Ngô chính hình bạo ngược, các thứ phủ liễm thu không biết thế
nào cho cùng".
Thời bị nhà Ngô thống trị là thời bi thương của cả dân tộc
ta, thời nhân dân ta bị thống trị khắc nghiệt và bị vơ vét tham tàn, thời kẻ
thù thắng tay đàn áp một cách đẫm máu, thời nặng nề không khí chết chóc và điêu
linh. Nhưng nhìn ở một góc độ khác hơn, thời thuộc Ngô cũng chính là thời các tầng
lớp nhân dân ta anh dũng vùng lên, thời ngân vang của những khúc tráng ca đánh
giặc cứu nước.
Trong lịch sử đấu tranh chống ách đô hộ và giành độc lập cho
nước nhà, nếu đỉnh cao của thế kỉ I là khu vực Giao Chỉ và đỉnh cao của thế kỉ
II là vùng Nhật Nam, thì đỉnh cao của thế kỉ III lại là quận Cửu Chân. Thực ra,
ngay từ cuối thế kỉ II, nhân dân Cửu Chân cũng đã từng phối hợp chặt chẽ với
nhân dân Nhật Nam trong cuộc đấu tranh chống ách thống tri của nhà Hậu Hán.
Chính họ đã góp phần
không nhỏ vào quá trình tạo lập nên vương quốc của người Chăm (năm 192). Tuy
nhiên, chói lọi nhất thế kỉ III vẫn là cuộc khởi nghĩa ở trung tâm quận Cửu
Chân do nữ danh tướng Triệu Thị Trinh phát động và lãnh đạo.
Nguồn: Danh tướng Việt Nam, tập IV