Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng bùng phát vào tháng giêng năm Canh Tý (năm 40) giành thắng lợi nhờ được sự đồng lòng của các anh hùng hào kiệt trong cả nước, trong đó có cả những anh hùng người Hán, nhất tề nổi dậy hưởng ứng tạo thành một sức mạnh không gì ngăn cản được.
Đánh giá về cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm đầu tiên của Nhị
vua Hai Bà Trưng, sách sử chép: “Các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng
ứng, lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Sử gia Lê Văn Hưu (1230-1322) viết trong sách Đại Việt
sử ký: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu
Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước
xưng vương dễ như trở bàn tay, đủ biết tình thế nước Việt ta có thể dựng được
cơ nghiệp bá vương”.
Còn trong Việt giám thông khảo tổng luận, của Tiến sĩ nhà Lê
sơ là Lê Tung có viết: “Trưng Vương là dòng dõi Hùng Vương, chị em đều có tiếng
dũng lược; căm giận chính lệnh hà ngược của Tô Định, hăng hái đem người các bộ
nổi quân hùng mạnh, lừng lẫy uy danh, quận huyện hưởng ứng cho nên lấy được 65
thành ở Lĩnh Ngoại, thu lại hết đất cũ Nam Việt, cũng là bậc hào kiệt trong nữ
lưu”.
Trong Việt sử lịch đại tổng luận có đoạn: “Vua
Trưng vì chồng trả thù, cùng em dấy quân, làm một trận mà lược định được 65
thành, tự lập làm vua, ấy cũng là bậc anh kiệt trong đám nữ lưu”.
Tổng tài Quốc sử quán thời Lê Trung Hưng là Nguyễn Nghiễm
trong Đại Việt sử ký tiền biên bàn rằng: “Trưng Vương là dòng dõi thần minh,
nhân lòng dân ta oán, bàn nổi cơn giận, khuyến khích đồng cừu, nghĩa binh tới
đâu, xa gần đều ứng; đất Lĩnh Ngoại 65 thành thu phục trong một lúc; những dân
bị dày vò khổ sở đã lâu, ví như ở dưới giếng sâu, nay được thấy mặt trời, anh
hùng khí khái, hẳn có hơn người”.
Khâm định Việt sử thông giám cương mục ngoài việc ca ngợi
còn chép đoạn ngự phê của vua Tự Đức như sau: “Hai Bà Trưng là khách quần thoa,
thế mà lòng hăng việc nghĩa, còn làm rung động được triều đình nhà Hán. Dẫu thế
lực yếu, thời vận ngửa ngang, cũng đủ dấy đức lòng người, rỡ ràng sử sách”…
Đóng góp vào sự nghiệp vĩ đại của Hai Bà Trưng còn có sự
ủng hộ, ra sức của những người Hán yêu chính nghĩa, căm ghét bất công và sự thống
trị tàn ác của nhà Đông Hán, họ đã tình nguyện ra nhập cuộc khởi nghĩa và trở
thành tướng lĩnh của cuộc khởi nghĩa ấy. Dưới đây là một số nhân vật như vậy:
Theo thần phả đình làng Đồng Lý (xã Mỹ Đồng, huyện Thuỷ
Nguyên, TP Hải Phòng) thì vị thần được thờ phụng tên là Sỹ Quyền, người Hán ở
Trung Nguyên, vốn rất thao lược, dũng cảm.
Khi nhà Hán bị loạn Vương Mãng cướp ngôi, xã hội bất ổn nên
Sỹ Quyền phải về phương Nam ẩn cư tại thôn Đồng Lý, đạo Hải Đông thuộc đất Giao
Châu. Thấy thế đất, phong cảnh tốt Sỹ Quyền quyết chí lập nghiệp tại đây, ông
kiếm sống bằng nghề dạy học.
Bấy giờ nước ta dưới ách thống trị của ngoại xâm phương Bắc,
nhất là dưới thời tên Thái thú Tô Định, vì thế hào kiệt đất nhiều nơi nổi dậy
theo lời kêu gọi khởi nghĩa của Hai bà Trưng.
Một vị tướng họ Lỗ theo lệnh của bà Trưng Trắc đã đem quân về
trang Đồng Lý làm khu căn cứ địa; nghe danh tiếng của Sĩ Quyền nên Lỗ tướng
quân đã mời ông tham gia khởi nghĩa và Sĩ Quyền trở thành Chánh tướng chỉ huy
nghĩa quân tại trang Đồng Lý. Trong một trận đánh với quân Hán, thế giặc đông
và mạnh hơn, Sỹ Quyền bị tử trận.
Khi đất nước giành được độc lập, nhớ đến công lao của ông,
Trưng Vương đã sai lập đền thờ Sỹ Quyền trên nền ngôi nhà cũ của ông. Các triều
đại sau này đều có sắc phong và ban mỹ tự là Thiên Trấn Thượng đẳng phúc thần Đại
vương”.
Một dũng tướng người Hán khác là Đô Thiên, hào kiệt nổi danh,
từng làm quan cho nhà Hán, đương thời ông có người bạn thân là Trần Tự Sơn giữ
chức thứ sử Hán Trung. Khi Trần Tự Sơn bị vua Hán nghe lời dèm pha bắt giam, khiến
Đô Thiên rất bất bình và tức giận. Sau đó ông bỏ quan về chiêu mộ quân binh tìm
cơ hội báo thù cho bạn.
Khi ấy nghe tin ở đất Lĩnh Nam, có chị em họ Trưng dấy
nghĩa, thanh thế rất lớn, anh hùng hào kiệt nhiều nơi hưởng ứng, vì thế Đô
Thiên liền cho người đến xin quy phục. Ông được bà Trưng phong làm Động Định
công, giữ chức Trung nghĩa đại tướng quân, lập nhiều công trong chiến trận.
Sau khi cuộc khởi nghĩa của Hai bà Trưng thất bại, Đô Thiên
đã chiến đấu dũng cảm và tử trận, người dân nhớ đến ông đã lập đền thờ. Hiện tại
một số vùng ở đất Lưỡng Quảng có một số đền, miếu thờ ông.
Sát cánh và là trợ thủ đắc lực của Đô Thiên là Minh Giang,
ông cũng là một người Hán vốn xuất thân đệ tử Nho gia; khi tham gia khởi nghĩa,
được Vua Trưng phong làm Phấn Uy đại tướng quân, sau vì có chiến tích nên được
phong làm Phiên Ngung công.
Thần tích đền Càn ở thôn Càn (xã Hương Sơn, huyện Lạng
Giang, Bắc Giang) cho biết: “Đô Thiên và Minh Giang là hai quan chức người Hán,
vì căm giận triều đình nên chạy sang Giao Chỉ, chống lại nhà Hán. Khi Hai Bà
Trưng dấy binh, hai ông mang quân theo”.
Đền thờ Đô Thiên, Minh Giang là hai tướng người Hán của Nhị vua Hai Bà Trưng
Cùng với các đấng nam nhi còn có cả những bậc quần thoa người
Hán tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, trong đó nổi bật nhất là Vương Sa
Giang, quê Trường Sa. Bà là người nhan sắc xinh đẹp không chỉ giỏi cầm – kỳ-
thi – họa mà còn rất giỏi võ nghệ. Khi bà mang binh lính chiêu mộ được theo
giúp Vua Trưng, bà được phong làm Lĩnh Nam công chúa. Một số nơi ở Trung Quốc
hiện vẫn còn đền thờ bà, như đền thờ ở ngoại ô huyện Phong Đô, tỉnh Tứ Xuyên.
Danh tướng Phạm Thị Trâm là người Hán, theo gia đình đi lánh
nạn, đến cư trú ở huyện Tây Chân (nay thuộc huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Chứng
kiến cảnh áp bức tàn tệ của quan lại nhà Hán, sự tham tàn của tên thái thú Tô Định,
bà quyết liệt chống lại. Bị kẻ thù truy bắt, bà trốn vào vùng núi Hoa Lư (Ninh
Bình) chiêu tập binh mã, lập căn cứ chống lại quân Hán.
Sau lời hiệu triệu của Trưng nữ vương, bà đem thân binh
chiêu mộ được tham gia vào lực lượng của Hai bà Trưng, trở thành một nữ tướng
tài giỏi của cuộc khởi nghĩa mà “uy danh động đến Bắc phương” (Đại Nam quốc sử
diễn ca).
Do tài liệu không ghi chép đầy đủ, nên khó có thể biết chính
xác có bao nhiêu vị tướng người Hán tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng cũng
như các thông tin về họ.
Ngoài các nhân vật nói trên, trong thần tích, dã sử tại một
số di tích còn có đôi dòng ít nhiều nhắc đến họ tên và tước hiệu một số nhân vật
khác như Linh Lăng công Triệu Anh Vũ, Giao Sơn hầu Chu Thanh, Quế Dương hầu Chu
Đức, Phương Nghi hầu Chu Thổ Quan. Có tài liệu nói một số vị tướng quân họ Chu
như Chu Bá, Chu Sỹ, Chu Đạt, Chu Thiện cũng là người Hán…
Sự xuất hiện của những người Hán trong cuộc khởi nghĩa của
Hai Bà Trưng đã chứng tỏ sức quy tụ lớn của hai nữ kiệt đất Mê Linh, không chỉ
vậy còn minh chứng cho thấy chính sách tàn tệ của chính quyền đô hộ nhà Hán đã
khiến mọi tầng lớp dân cư căm giận, bất bình.
Mặt khác, thực tế này chứng minh tính chính nghĩa, tính dân
tộc của cuộc khởi nghĩa do Vua bà Trưng Trắc lãnh đạo, không phải xuất phát từ
việc riêng “báo thù chồng” mà có mục đích cao cả là giành lại độc lập, dựng lại
và nối tiếp “nghiệp xưa họ Hùng”. Trong sách Thiên Nam minh giám có dòng viết
rõ như sau:
Hai Trưng vì nghĩa thương dân,
Giận Tô quái gở cất quân trả hờn.
Dấy một cơn, rồng vươn, hùm hét,
Nổi gió oai, thổi hết loài gian.
Lạ thay đôi sức hồng nhan,
Sáu mươi thành lẻ đặt yên bằng tờ.
Đình Đồng Lý
Đình Đồng Lý, xã
Mỹ Đồng (Thuỷ Nguyên) có từ thế kỷ 17, tiềm ẩn nhiều giá trị lịch sử và văn
hoá. Trong quá trình tồn tại, đình Đồng Lý ngày càng được tiếp tục mở rộng và
trở thành một tổng thể kiến trúc mỹ thuật mang tiến nói của nhiều thời đại lịch
sử; nó như một bảo tàng mỹ thuật thu nhỏ với những mảng lớn về mỹ thuật truyền
thống. Cũng ở đây còn phản ánh tính chất phức tạp đan xen của nhiều thứ tôn
giáo tín ngưỡng nguyên thuỷ dân gian.
Đình Đồng Lý, thờ tướng Sỹ Quyền -Thiên Trấn Thượng đẳng phúc thần Đại
vương
Đình nằm trên khu đất phía tây bắc của thôn, bao quanh là
cánh đồng lan toả tiếp nối với những xóm thôn đông đúc rợp bóng cây xanh, ngút
ngàn hoa trái cam, quất, bưởi, hồng, cau, na … Xưa kia, chùa và đình toạ lạc
trên cùng một dải đất cánh xa làng xóm, bố cục theo lối “tiền thần hậu Phật”.
Ngày nay, tiếng chuông chùa không ngân vang, nhưng khói lam chiều vẫn toả, ngôi
đình hàng ngày còn nghi ngút khói hương. Từ trung tâm thành phố với đủ loại
phương tiện từ ô tô, xe máy đến xe đạp đến thăm di tích rất thuận lợi. Đình
cách trụ sở UBND xã Mỹ Đồng khoảng 1.200 mét về hướng Tây Nam.
Đình Đồng Lý quay hướng chính tây, nhìn ra cánh đồng lúa
trũng, vết tích của dòng sông cổ, xa xa là dòng sông Cấm uốn khúc, quanh năm đỏ
phù sa. Mở đầu cho đình là toà tam quan sừng sững được sao chép từ nguyên mẫu cổng
đền Kiếp Bạc (Chí Linh - Hải Hưng), trông không khác gì một cung vua, phủ chúa.
Kiến trúc chính bố cục đơn giản, gồm 5 gian tiền đường và 3
gian hậu cung. Bộ mái các toà nhà lợp ngói vẩy rồng, rêu phong cổ kính thấp
thoáng dưới tán lá bàng cổ thụ càng làm tăng thêm vẻ linh thiêng, u tịch của chốn
cổ đình.
Cả khối nhà chữ “đinh” xây tường đá xanh xám như được nâng bổng
lên bởi 6 mái đao cong cong, bờ mái đắp “rồng chầu, phượng mớm” và “hồi long” đầu
kìm, “kim nghê” bờ dải. Bờ nóc tiền đường trổ hàng lá cúc ken nhau, chính giữa
đắp “phượng chầu mặt nguyệt”.
Phượng hoàng có thân chim, mỏ diều hâu quặp, cổ ngắn, mắt
to, bờm tóc hình ngọn lửa, thân phủ vẩy sành, chân có móng chim ưng, đuôi trĩ.
Mặt trước toà tiền đường mở cửa gỗ kiểu “bức bàn”, có lắp “mắt cửa” hình vú phụ
nữ để cầu phồn thực. Các bộ phận kiến trúc chính như cột, xà, câu đầu, rường, bẩy
… bằng gỗ lim, to lớn khác thường. Chu vi cột cái từ 1,2m đến 1,4m.
Đình Đồng Lý là một di tích kiến trúc nghệ thuật cổ đồ sộ và
chắc chắn, có sự đan xen hài hoà giữa nghệ thuật Lê (thế kỷ 17) và nghệ thuật
Nguyễn (thế kỷ 19 - 20). Hầu như toàn bộ hệ thống cột, hệ thống “nghê” gỗ đội
tàu mái, kết cấu hai vì đốc tiền đường là kiêủ kiến trúc từ thế kỷ 17.
Những phần còn lại của kiến trúc và dường như cả hệ thống đồ
thờ mang tiếng nói nghệ thuật đầu thế kỷ 19. Thời Bảo Đại chỉ để lại hình bóng
lờ mờ qua những bức tường, tam quan, bộ mái kiến trúc bởi bàn tay tài hoa của
những người thợ ngoã.
Đình
thờ danh tướng Sĩ Quyền, một thổ hào có uy lực ở địa phương, thời Hai Bà Trưng.
Thần tích ghi rằng: Sĩ Quyền là người Trung nguyên, vì tránh giặc Vương Mãng phải
sang ẩn cư tại trang Đồng Lý, đạo Hải Đông thuộc đất Giao Châu (tức miền Bắc nước
ta hiện nay). Sĩ Quyền theo Hai Bà Trưng tập hợp nhân dân, nổi dậy khởi nghĩa
đánh đuổi Tô Định ra khỏi bờ cõi.
Truyền
thuyết và thần tích dành những lời tốt đẹp nhất ca ngợi tướng Sĩ Quyền và dân
binh trang Đồng Lý xưa: “Trên đường đi cờ bay gió thổi vạn dặm, chiêng trống
vang rền như sấm động ngàn núi”.
Trong
trận huyết chiến ở hồ Lãng Bạc, dũng tướng Sĩ Quyền tả xung, hữu đột, chiến đấu
ngoan cường và anh dũng hy sinh. Tương truyền, xác ông trôi về đến bến sông thuộc
địa phận trang Đồng Lý thì dừng lại, dân làng an táng Sĩ Quyền theo nghi thức
vương hầu tại xứ đồng mả Bến, nơi ngày xưa Sĩ Quyền hoá sinh vào cõi vĩnh hằng.
Đình Đồng Lý là một
đài tưởng niệm, di tích ghi nhớ về công lao của các tầng lớp nhân dân Hải Phòng
đối với cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thời đầu công nguyên. Nó là một di tích
nghệ thuật vượt quá giới hạn của một làng xã để trở thành tài sản “viên chung”
của đất nước; đồng thời là một biểu tượng khả kính về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”
của dân tộc ở miền đất “quan yếu”, đầy binh lửa Thuỷ Nguyên.
Hàng năm vào ngày 8 đến 12 tháng riêng âm lịch lại tổ chức
tưởng nhớ công ơn của Sử Quyên (tướng thời Hai Bà Trưng) với các hoạt động rước
bài vị, tế lễ, cờ tướng, chọi gà cùng nhiều hoạt động vui chơi khác.
Nguồn: Kiến Thức, Du lịch Hải phòng
Ths Nguyễn Thy Nga tổng hợp