Đền Đại Hội, xã Đại Nghĩa, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) là một ngôi đền cổ thờ Thượng đẳng thần Cao Sơn, một vị thần đã có công với dân làng. Năm 1994, ngôi đền được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Theo sử sách để lại vào thời vua Hùng Vương thứ 18 hay còn gọi là Hùng Duệ Vương , Cao Sơn Đại vương một vị thần đã có công đánh giặc giữ nước và trong những năm đánh đuổi giặc ngoại xâm, tướng Cao Sơn đã dừng chân tại nơi này để giúp nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm, khai phá bờ cõi, khôi phục sản xuất. Để tỏ lòng thành kính và ghi nhớ công lao của vị anh hùng dân tộc, nhân dân địa phương đã lập đền thờ.
Cao Sơn Đại vương đã được các triều đại ban sắc phong Thượng đẳng Thần. Trải qua nhiều thế kỷ và qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, của thời gian, nhưng cho đến tận ngày nay, tại ngôi đền Đại Hội vẫn còn gìn giữ được một số cổ vật và bút tích ghi nhận những công lao của tướng Cao Sơn, một trong những bút tích vô cùng quý giá đó là 4 bản Sắc phong ở các triều đại, trong đó có 2 bản Sắc phong thời vua Tự Đức, một bản Sắc phong từ thời vua Đồng Khánh và một bản Sắc phong thời vua Duy Tân ban tặng.
Ngoài 4 bản sắc phong vô cùng quý giá, tại đây, hiện nay vẫn còn lưu giữ được một chiếc kiệu bát cống, một tàn lọng quán tẩy và bản ghi của triều đình Huế.
Cứ vào ngày 7 tháng giêng hàng năm, nhân dân trong làng lại tổ chức rước Kiệu Bát cống, lấy nước thuỷ kinh trên dòng Lô để tế lễ, cầu mong cho quốc thái dân an, mùa màng tốt tươi, người người được ấm no hạnh phúc.
Sự cố bê tông hóa Đình Đại Hội
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi đền vẫn giữ được gần như nguyên vẹn giá trị văn hoá nhưng mới đây, ngôi đền cổ linh thiêng này đã bị chính quyền xã Đại Nghĩa tự ý phá bỏ, xây dựng mới một ngôi đền khác bằng… “bê tông hóa”, làm sai lệch hoàn toàn di tích lịch sử văn hóa này.
Một mình một luật
Toàn bộ hậu cung, bệ thờ, cột, kèo, quá giang nay đã được... bê tông hóa và sơn giả gỗ (Ảnh: Báo Phú Thọ)
Đền Đại Hội được UBND tỉnh Vĩnh Phú (cũ) công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh từ năm 1994; là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh không chỉ của nhân dân xã Đại Nghĩa mà còn nhiều xã quanh khu vực. Đến tháng 7/2012, đền Đại Hội được xã Đại Nghĩa đập đi cho xây mới hoàn toàn bằng bê tông trên diện tích cũ. Lối vào lát gạch với chiếc cổng đền bằng sắt, lư hương được đặt nằm trên lưng những con rùa bê tông; toàn bộ hệ thống cột, quá giang đã được thay thế bằng bê tông sơn giả vân gỗ; ban thờ xây bằng gạch, lát gạch men và những cửa sổ được bổ ô, song cửa làm bằng thanh bê tông đặt ngang... khác hoàn toàn ngôi đền trước đây.
Ông Vũ Nhường - Thủ từ của đền cho biết: Trước đây, toàn bộ hệ thống bên trong ngôi đền được làm bằng gỗ với những chiếc cột to chắc và được giằng nhau với những chiếc xa ngang, đòn tay… sơn màu vàng nhạt trông đẹp và uy nghi cổ kính lắm. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, ai cho phép mà ngôi đền cổ uy nghi nằm bên bờ sông Lô này lại được giao cho Công ty cổ phần kim loại mầu Bắc Hà dỡ ra, xây mới lại theo mô hình... cung tiến xây dựng?
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Quân - Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa cho biết: Ngôi đền đã quá xuống cấp, nhiều lần Ban quản lý đền, chính quyền xã kiến nghị lên cấp trên nhưng không có ý kiến phản hồi. Vì vậy, ngay khi Công ty cổ phần kim loại mầu Bắc Hà (do bà Hà Thị Thông làm chủ tịch HĐQT) đang tham gia khai thác cát sỏi trên sông Lô thuộc địa bàn xã đặt vấn đề cung tiến làm lại với Ban quản lý và xã, chính quyền đã... “gật đầu”.
Theo điều 34 của Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi bổ sung năm 2009, việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải đảm bảo các yêu cầu: giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích; lập quy hoạch, dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, trừ trường hợp sửa chữa nhỏ, không ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích. Đối với di tích cấp tỉnh, phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch cấp tỉnh… Căn cứ theo quy định này, chính quyền xã Đại Nghĩa đã tự ý “một mình một luật” khi cho đập ngôi đền cũ để xây đền mới bằng bê tông mà chưa được bất cứ một cơ quan cấp có thẩm quyền nào cho phép.
Ông Nguyễn Tiến Quân cũng thừa nhận: Do kinh phí địa phương eo hẹp nên dù biết là sai khi không “xin ý kiến” huyện nhưng chính quyền vẫn phải đồng ý cho làm. Chúng tôi chịu nhiều sức ép từ phía các cụ bô lão và Ban quản lý đền, do đó ngay khi Công ty đặt vấn đề và các cụ ở Ban quản lý đền có ý kiến, xã đã chấp thuận cho làm và không báo cáo lên huyện nữa.
Tuy cho rằng bị sức ép từ phía Ban quản lý đền và các bô lão đồng thời biết là sai khi không được sự cho phép của cấp trên, nhưng trong lễ khởi công, ông Chủ tịch UBND xã vẫn cầm cuốc, tham gia khởi công công trình! Trong quá trình xây dựng, toàn bộ việc tháo dỡ, thuê thợ, xây lại đền... đều do Công ty cổ phần kim loại mầu Bắc Hà làm hết, xã và Ban quản lý đền đứng ngoài làm ngơ nên việc “làm mới” ngôi đền đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh này trong một thời gian dài mà cấp trên không biết.
Cần xử lý nghiêm những hành vi cố tình làm trái
Liên quan đến vụ việc trên, ngày 12/10, Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Phú Thọ đã có công văn gửi lãnh đạo huyện Đoan Hùng nêu rõ: “Hiện nay, UBND xã Đại Nghĩa đã đầu tư tu bổ đền Đại Hội song chưa có hồ sơ thủ tục gửi huyện Đoan Hùng, Sở Văn hóa, UBND tỉnh để xin phép tu bổ, tôn tạo”. Việc tự ý tôn tạo đền Đại Hội là trái với Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp luật hiện hành về quản lý di tích đã xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh.
Sau khi kiểm tra, ngày 17/10, UBND huyện Đoan Hùng có thông báo thừa nhận: UBND xã Đại Nghĩa đã không thực hiện đúng công tác quản lý Nhà nước về quản lý văn hoá nhất là trong lĩnh vực sửa chữa và tôn tạo lại di tích; khi di tích xuống cấp đã không kịp thời báo cáo UBND huyện, chưa tích cực đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phép sửa chữa đền Đại Hội để Ban quản lý đền tự ý sửa chữa làm sai lệch kích thước ban đầu, kết cấu vật liệu xây dựng băng bê tông cốt thép không đúng chủng loại.
Ông Phạm Bá Khiêm, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Việc tu sửa các di tích phải tuân thủ nghiêm ngặt Luật Di sản và các Nghị định, thông tư, hướng dẫn thực hiện, nhất là QĐ 2564 của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ. Theo đó, quy trình mẫu là sau khi phát hiện di tích hư hỏng, Ban quản lý phải báo cáo với chính quyền xã bằng văn bản. Chính quyền xã sẽ kiểm tra, báo cáo với UBND huyện, huyện báo cáo tỉnh. Khi có thông tin, tỉnh sẽ chỉ đạo kiểm tra và có phương án xử lý. Công trình là di tích cấp tỉnh thì thẩm quyền ra quyết định sửa chữa, tu bổ thuộc Chủ tịch UBND tỉnh, chứ sở, huyện và xã không có thẩm quyền. UBND xã Đại Nghĩa có trách nhiệm trực tiếp quản lý di tích lịch sử văn hóa đền Đại Hội, để xảy ra việc làm sai lệch di tích, không báo cáo cấp huyện là hoàn toàn sai và cần phải xử lý. Sở Văn hoá Thể thao & Du lịch đã kiểm tra tình tình thực tế, chỉ đạo chính quyền địa phương giữ nguyên hiện trường những kiến trúc của ngôi đền để thanh, kiểm tra lại, từ đó đề xuất phương án xử lý.
Đền Đại Hội cũ bị phá dỡ, thay vào đó là đền được xây dựng bằng bê tông cốt thép đã khiến không ít người dân xã Đại Nghĩa bức xúc vì đã đánh mất sự uy nghi và linh thiêng của ngôi đền. Người dân trong xã mong muốn các cấp chính quyền tỉnh Phú Thọ cần sớm điều ra làm rõ những hành vi cố tình làm trái Luật Di sản văn hóa để xử lý, tránh những sự việc đáng tiếc tương tự xảy ra.
Tạ Văn Toàn
TTXVN