Cuộc đấu tranh bảo vệ văn hóa dân tộc của cả dân tộc để chống đồng hóa đã diễn ra dưới nhiều nội dung và hình thức, phong phú và sâu sắc. Trong đó có bảo vệ phong tục tập quán – là những yếu tố quan trọng của tâm lý và văn hóa dân tộc.
Hơn nghìn năm đô hộ của các thế lực phong kiến là hơn nghìn
năm dân tộc ta nổi dậy liên tục đánh đuổi ngoại xâm. Trong thời kỳ dài dặc ấy,
nhà Hán, sau đó là nhà Đường đã thực hiện một hệ thống chính sách đồng hóa toàn
diện đối với tất cả các nước bị chúng xâm chiếm, và chúng đã cơ bản hoàn thành
được ý đồ thâm độc đó đối với các dân tộc trên các xứ gọi là Bách Việt, nhưng
chúng không thực hiện được đối với Việt Nam.
Bên cạnh những cuộc khởi nghĩa với quy mô lớn, nhỏ để bảo vệ
vững chắc quyền tồn tại độc lập của mình, tổ tiên xưa đã xem văn hóa là một mặt
trận quan trọng chống xâm lược.
Chính vì vậy, trong cuộc đấu tranh lâu dài nhất, quyết liệt
và phức tạp nhất nhằm bảo vệ văn hóa và nòi giống Việt Nam chống chính sách đồng
hóa của Hán, Đường, dân tộc ta đã chiến thắng.
Và sau nghìn năm đô hộ ấy, ta vẫn là ta, lớn mạnh hơn trước,
nung nấu mãi đến sau này cho chúng ta lòng yêu nước, chí căm thù quân xâm lược….
Cuộc đấu tranh bảo vệ văn hóa dân tộc của cả dân tộc để chống đồng hóa đã diễn
ra dưới nhiều nội dung và hình thức, phong phú và sâu sắc. Bài viết này, dưới
góc độ dân tộc học – lịch sử sẽ chủ yếu trình bày việc bảo vệ phong tục tập
quán – là những yếu tố quan trọng của tâm lý và văn hóa dân tộc.
Một phong tục xã hội phổ biến, rất được người Việt quan tâm thực hiện, đó là tục
mở hội hàng năm ở các làng. Làng nào cũng có ngày hội hàng năm của mình. Lúc đầu
thì tổ chức vào mùa thu, về sau chuyển dần vào mùa xuân.
Ở những ngày hội làng ấy, người ta huy động cả làng, dự vào
nghi thức tín ngưỡng, chủ yếu là các tín ngưỡng nông nghiệp và dự vào các cuộc
vui chơi, các cuộc đua tài – cũng đã trở thành phong tục.
Hội làng của người Việt trong thời đại chống Bắc thuộc với những tiết mục mà sử
sách đương đại ghi nhận, cùng với những tiết mục còn được bảo lưu trong các hội
làng ở thời đại sau nữa cho thấy rằng một mặt đã có thêm ý nghĩa , mục đích tín
ngưỡng mới, trong đó, đáng chú ý là sự sùng bái tưởng niệm những anh hùng có
công tích cực trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc.
Trong khi Hán, Đường cố gắng thay văn hóa nhân dân ta bằng văn hóa Hán thì một
tín ngưỡng đặc biệt, là sản phẩm thuần túy của các đơn vị làng Việt Nam cổ truyền,
có quy mô toàn làng, với chức năng hạt nhân của hội làng, nằm ngay trong nội
dung và hình thức của một sinh hoạt văn hóa tiêu biểu nhất của xã hội nông thôn
ta xưa vẫn được duy trì.
Hạt nhân ấy mang tính chất điển hình và có tác dụng đặc biệt
đối với làng. Đó là các nghi thức thờ các anh hùng làm thành hoàng – một tín
ngưỡng về thần bảo vệ chung cho cả làng và từng làng, vốn là sự tôn thờ tổ tiên
đã có từ trước đó.
Tín ngưỡng thành hoàng mỗi năm một lần được biểu thị thành nghi thức hội làng.
Và đó là thứ lễ hội truyền thống quan trọng nhất của làng, thường được tiến
hành ở ngôi đình – công trình kiến trúc trung tâm và tiêu biểu nhất của làng.
Những ngày còn lại trong năm – khi không có hội, thì niềm
tin của làng đối với thần thành hoàng lẫn vào tâm thức từng người, đồng thời, vẫn
biểu thị trong đời sống thường hằng của người làng, bằng những hình thức ví dụ
như kiêng cữ…. Do đấy, hoàn toàn có thể coi tín ngưỡng thành hoàng là một mẫu số
chung, một hằng số, để liên kết các thành viên của một làng với nhau, và liên kết
họ với làng – mà tất nhiên với nước.
Mối cộng cảm của xã hội làng thôn, nhân danh tín ngưỡng
thành hoàng này, đã từng biểu thị trong đời sống làng thôn ta xưa một cách rất
sâu sắc. Sau đây là một tư liệu tàn dư cụ thể được lấy làm ví dụ để minh chứng.
Xưa, ở một làng thờ một vị thành hoàng có tên là Tích. Đó là cái tên, do sự
kính nể tuyệt đối với thần, nên cũng phải tuyệt đối kiêng, không ai được phép
nói đến. Mùa xuân, một đoàn nghệ sĩ nghiệp dư từ nơi xa đến làng, xin được biểu
diễn ở sân đình làng.
Những trường hợp như thế bao giờ đối với làng, cũng là một dịp
vui rộn rã và trọng thể. Cả làng kéo đến sân đình xem biểu diễn. Theo phong tục
cổ truyền, một người nhiều tuổi được cử ra thay mặt cả làng, với một chiếc trống,
vừa tham dự, giao lưu, bằng các cách đánh trống, những tiếng trống mang ý nghĩa
khác nhau của mình.
Mở đầu cuộc biểu diễn, trước đông nghịt người xem, một đào
hát bước ra hát chào mừng. Ba tiếng trống nổi lên khen ngợi vừa mới dứt, tiếp
theo là lời cô đào hát giới thiệu: “… Xin trình thánh, trình làng một tích
hát…” một tiếng gõ vào tang trống đã đột ngột cắt ngang. Đoàn nghệ sĩ vô tình
vi phạm vào sự kiêng cữ của làng. Lập tức tất cả những người làng bỏ ra về.
Như thế đó, tín ngưỡng thành hoàng và ngôi đình làng đối với xã hội thôn làng
quan trọng thật lớn lao.
Vậy mà, không ít làng và những ngôi đình làng lại chính là
nơi thờ các nữ thần. Một dấu hiệu bề ngoài giúp cho ai cũng dễ dàng nhận ra hiện
tượng này chính là chiếc võng màu tím đỏ trong số những đồ thờ bày trong gia
đình. Đấy là phương tiện dành cho nữ thần. Các nam thần thì có phương tiện
khác: Những tượng ngựa.
Cần phải nói ở đây là, nhìn chung, văn hóa Hán và Nho giáo
vào nước ta, đã tạo ra một bầu không khí độc hại, rất không thuận lợi, đặc biệt
đối với các thành viên nữ của làng, với những quan niệm và tín điều bất bình đẳng,
coi thường phụ nữ.
Có những làng khi chuẩn bị những mâm thức ăn dành cho nghi
thức thờ phụng, tưởng niệm thần thành hoàng ở đình làng còn quây rạp, căng màn,
không cho phụ nữ chạm tới, thậm chí không cho họ đến gần (mặc dù những nghi thức
đó, do phụ nữ làm ra, vừa mới hôm qua).
Nhưng chính ở trung tâm cấm kẹp này, trên cao thần điện của
ngôi đình, lại ngự trị một hình tượng phụ nữ. Và vị nữ thần này được sự sùng
kính của cả làng không khác gì những vị nam thần đươc thờ làm thành hoàng ở các
làng khác.
Những nữ thần được thờ làm thành hoàng, ở đâu trên đất nước
cũng vậy, hầu hết là những nhân vật lịch sử, chí ít thì cũng là nhân vật nửa lịch
sử - nửa truyền thuyết.
Và thời đại đã sản sinh ra nhiều nhân vật nữ được thờ làm
thành hoàng ở Việt Nam lại chính là thời đại diễn ra các cuộc khởi nghĩa và
kháng chiến chống lại sự xâm lược, thống trị đồng hóa của Hán, Đường.
Cuộc khởi nghĩa Hai
Bà Trưng ở buổi đầu Công nguyên đã cung cấp cho các làng Việt Nam rất đông các
nữ thần. Ngoài Hai Bà Trưng là lãnh tụ của phong trào đấu tranh, được nhiều
làng cùng chọn là thần thành hoàng, còn có đội ngũ những người được truyền tụng
là các nữ danh tướng của Hai Bà Trưng – với những sự tích anh hùng, dũng cảm của
họ - cũng được nhiều làng thờ phụng.
Đình làng Hiền Quan (Vĩnh Phúc) chẳng hạn, ở nơi thâm nghiêm
nhất có bày một chiếc thúng tre tầm thường, đựng những mụn vải để vá quần áo.
Đó là vật tượng trưng để nhắc nhở nguồn gốc nghèo khổ của người đàn bà cũng như
việc chăm sóc đồng đội quân sĩ của vị tướng Thiều Hoa, người đã có nhiều công
tích đánh giặc lừng danh của Hai Bà Trưng.
Các nữ anh hùng của các cuộc khởi nghĩa bảo vệ tổ quốc còn được thờ ở các ngôi
đền cổ kính, mà sự ngưỡng mộ của nhân dân khắp nơi, ngay giữa cảnh ngộ đầy khó
khăn cản trở do kẻ thù gây nên đã được bồi đắp, bảo vệ, nhân truyền với tấm
lòng tràn đầy tự hào và tinh thần kiên quyết hăng hái đấu tranh chống giặc ngoại
xâm: Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Đó là tinh thần đấu tranh truyền thống của
dân tộc nhằm bảo vệ văn hóa và nòi giống ta, cuộc đấu tranh hết sức quyết liệt
chống chính sách đồng hóa của Hán, Đường.
Cũng chính bởi tinh
thần ấy, ông cha ta ra sức bảo vệ phong tục tập quán văn hóa dân tộc. Một ví dụ
khác về cuộc đấu tranh này: Đó là câu chuyện về ngày Hội đồng lòng (một hội lễ
mở vào ngày 6 tháng 3 hàng năm của làng Tích Sơn, huyện Tam Dương, Vĩnh Yên,
nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc).
Vào ngày hội ấy, dân 5 thôn của làng Tích Sơn cùng với dân
làng Chấn Yên, Đông Đạo tập trung ở một bìa rừng (nay là cách đồng Oai, gần thị
trấn Vĩnh Yên) dự hội lễ ăn thề cùng các cuộc vui thượng võ. Mỗi làng cử một số
đại biểu cầm gươm chém vào một phiến đá .
Cuộc thi chém đá có tiêu chuẩn là chém sâu mà gươm không bị
sứt mẻ. Dân làng Tích Sơn đã được suy tôn là kẻ cả do đại biểu của làng đã đạt
tiêu chuẩn ấy. Sau cuộc thi chém đá là lễ uống máu ăn thề. Một người cầm con
gà, một người cắt tiết gà, để cho tiết gà nhỏ vào chum rượu đặt trên bàn. Người
kẻ cả uống một chén mở đầu, sau đó lần lượt các đại biểu dân làng uống rồi đến
các tráng đinh trong làng mỗi người một nhiếp .
Thay mặt dân các làng kết nghĩa với nhau, và trước mắt những
người dự lễ, người kẻ cả đã làm lễ khấn thề, đồng lòng giúp đỡ nhau và họ đã thực
hiện nghiêm ngặt lời thề đó không chỉ trong việc chống địch họa thiên tai, mà
cũng như bao cặp làng kết nghĩa, kết chạ (kết ước…) khác, họ đã có mặt cùng
nhau trong mọi vui buồn của sinh hoạt hàng ngày, từ kéo gỗ làm đình, kéo đá tảng
làm giếng, trong cày cấy nộp tang, dựng nhà, xây lũng….
Và rồi cứ đến ngày hội mở hội chém đá ăn thề tất cả mọi người trai đinh của
làng Tích Sơn và các làng kết nghĩa đó – dù có lang bạt kỳ hồ suốt năm ở những
nơi nào đó để làm ăn, kiếm sống – không cần báo, không cần hẹn, cứ tự nguyện
tìm về nơi bìa rừng ấy để dự hội, tất cả, không thiếu một ai. Bởi vì, nếu có
người vắng mặt thì chỉ có lý do “một là người đã bỏ làng đi theo giặc, hai là
người đó đã chết rồi”.
Nhưng chẳng một ai lại muốn dân làng mình và dân nước nghĩa
với mình lại coi mình hoặc coi con em mình, chồng mình đã theo giặc hoặc coi
như người đã chết. Cho nên dù xa xôi, dù khó khăn, từ người giàu sang cho đến
người nghèo khổ, cứ ngày đó mọi người đều có mặt ở hội.
Vạn bất đắc dĩ, trong gia đình có một người không về dự hội,
dù biết lý do chính xác hay không, thì người nhà phải mang cơi trầu thẻ hương đến
làm lễ để báo cho làng với lời lẽ ý tứ như sau: Chồng tôi hoặc con tôi… vẫn nhớ
ngày “hội đồng lòng” nhưng vì đột ngột ốm đau… nên không về dự hội được, vậy
xin có cơi trầu nén hương trình làng!”.
Trong ngày họp mặt thiêng liêng và thân thương đều đặn hàng năm, thế hệ này tiếp
thế hệ khác, trai tráng cùng dân làng đã xiết chặt nhau, đùm bọc nhau đồng lòng
bảo vệ những yếu tố truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình đã đành, mà
cũng cần cả giữ lấy những phong tục tập quán có thể phân biệt sự khác nhau giữa
Việt và Hán dù cho những phong tục tập quán đó bị xem là “man rợ” .
Vũ khí cầm trong tay của các tráng đinh vào ngày Hội đồng
lòng là những loại vũ khí thường ngày luyện tập và hằng dùng trong các trận chiến
đấu với giặc đột nhập vào làng, hoặc tràn vào các làng bạn.
Đó là giáo mác, đinh ba, gậy bảy, sào trường… Sau khi chém
đá, làm lễ uống rượu, ăn thề, các cuộc biểu diễn quân sự cưỡi ngựa đánh roi,
múa khiên, múa quyền… đã được thực hiện trong không khí mãnh liệt, sôi sục với
sự chứng kiến xác nhận kỹ thuật cao được thày võ rèn dạy gắt gao hàng
ngày.
Múa khiên thì phải một tay cầm khiên một tay cầm giáo. Phải
quay khiên thật nhanh, phải tráo giáo từ tay trái sang tay phải mới gọi là đạt
yêu cầu. Những người tập nhảy, phải đúc cát vào chân quần, lúc đầu đúc cát đến
cẳng chân, sau dần đến gối, rồi đến vế đùi, chặt cứng những cát mà nhảy, đến
khi bỏ cát ra, chỉ tót một cái nhẹ nhàng là từ sân đã nhảy lên mái nhà.
Đến ngày hội, mọi tài nghệ được bộc lộ, và chính trong các
cuộc thi thế này, dân làng bầu được người tài, cử được người cầm quân và tổ chức
được lực lượng chiến đấu thường trực gọi là quân ba cơ . Đội quân này có một
cái chiêng dùng đánh hiệu lệnh gọi là chiên ba cơ .
Khi có hiệu lệnh của chiêng ba cơ đánh ba hồi chín tiếng thì
các tráng sĩ trang bị đầy đủ vũ khí lập tức tập họp để ứng chiến. Kẻ cả đã cầm
quân bằng hiệu lệnh của chiêng ba cơ. Từ những lũy ống mọc tre dày từ dưới mọc
lên, cao trên hai tầm người, kéo dài nhằng nhịt, quấn quýt trùm khắp xóm làng kết
nghĩa với nhau ấy, quân ba cơ đã bảo vệ hương ốc.
Tục kết nghĩa như thế có cội nguồn rất lâu đời của chế độ cấm
hôn nhân nội tộc thời công xã thị tộc – còn tồn tại mãi về sau này trên nhiều
vùng nông thôn, đồng bằng và trung du Bắc bộ và Bắc Trung bộ, địa bàn sinh tụ cổ
truyền của người Việt, người Mường.
Với cách gọi cổ truyền: kết chạ, đi chạ ăn, chạ nước nghĩa,
kết ước… là những tiếng để chỉ sự gắn bó giữa hai hoặc nhiều làng với nhau, để
kết nghĩa, ước hẹn, liên minh với nhau trong mọi sinh hoạt văn hóa vật chất,
văn hóa xã hội và văn hóa tinh thần của mọi thành viên các làng xã.
Những biểu hiện tích cực, những giá trị đạo đức tinh thần của
tục kết chạ thì nhiều và đáng được nhấn mạnh: tinh thần tôn trọng lẫn nhau (giữa
các làng kết nghĩa trong đó không ít cặp làng kết nghĩa là hai làng người Việt
và người Mường); sự thương yêu đùm bọc, quan tâm chăm sóc lẫn nhau (khi có
thiên tai địch họa), tinh thần cộng đồng dân chủ (giúp nhau vô tư, lành mạnh, hết
lòng), tinh thần gương mẫu tự trọng trong quan hệ giữa nhân dân các làng xã kết
nghĩa… Cứ như vậy bất chấp mọi ràng buộc xã hội ngày càng mạnh mẽ của kẻ xâm lược
âm mưu đồng hóa – “người Việt xưa không biết tết, không biết năm (của lịch
Trung Hoa), cứ lấy ngày sửu tháng tám làm ngày hội, già trẻ đi chúc tụng nhau,
coi đó là ngày đầu năm…” (Sách Thái Bình hoàn vi ký – ghi chép xung quanh nước
Trung Hoa, Niên hiệu Thái Bình, thế ỷ X, đầu nhà Tống) – sinh hoạt văn hóa cổ
truyền của người Việt đã duy trì như một sinh hoạt chính trị để đối diện với
chính sách đồng hóa ở suốt cả thời chống Bắc thuộc.
Và cứ như thế, người Việt với bầu trời riêng của mình đã
kiên trì bám đất bám làng, bám chắc địa bàn sinh tụ của dân tộc mà đấu tranh để
sinh tồn và phát triển.
Trên đây đã ghi lại một vài phong tục liên quan đến vai trò làng xã trong cuộc
đấu tranh bảo vệ nòi giống và độc lập dân tộc bên cạnh vô vàn tục lệ cổ truyền
khác: đúc trống đồng, dùng trống đồng, cạo tóc, nhuộm răng, săm mình, ăn trầu
cau mà nhiều người đã nhắc đến – vốn được duy trì xuyên suốt thời chống Bắc thuộc.
Sẽ là một thiếu sót, nếu như bài viết nhỏ này không nhắc đến
vai trò gia đình, trong đó chính là vai trò phụ nữ.
Dù cho lễ giáo Trung Hoa đã có nhiều tăng cường sự áp chế
trong gia đình và củng cố chế độ phụ quyền với đủ thứ phong tục để kìm hãm phụ
nữ vào một khuôn khổ của đạo Tam tòng, với những giáo hóa về hôn nhân gia
đình của bọn quan lại nhà Hán thì bao giờ kẻ thù cũng vấp phải lực lượng phụ nữ
chống đối rất mạnh mẽ, dẻo dai, với tinh thần dân tộc đậm đà, với nhiều vẻ đẹp
tinh thần của họ.
Điều đó đã được thể hiện ở chỗ, trong thời đại chế độ phụ quyền
ở Việt Nam, vai trò phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội vẫn được đề cao.
Có thể dẫn ra đây một tình hình mà nhiều người đã biết. Đó
là nội thức về sự di dân rất mạnh mẽ của người Trung Hoa xuống Việt Nam, liên tục
trong mười mấy thế kỷ: Tần Thủy Hoàng, từ thế kỷ III trước Công nguyên đã phái
hàng chuc vạn người Tầu sang phương Nam. Hán Vũ Đế ở thế kỷ I, khi phái Mã Viện
trấn dẹp cuộc khởi nghĩa và kháng chiến do chị em Bà Trưng lãnh đạo cũng đồng
thời đưa nhiều người Tầu xuống Việt Nam.
Đó là những Mã Lưu Nhân mà biên niên sử Trung Quốc đã ghi nhận
họ vào ở đến tận vùng sông Gianh. Lại có một làng toàn là người Tàu ở thời Đường
(thế kỷ VI – IX) đã được thành lập ra ở 25km phía Nam Hà Nội hiện nay làn Huê Cầu
mà khảo cổ học đã vừa đào được ở dưới làng Huê Cầu bây giờ.
Hãy thử hình dung lại xem, những người Trung Hoa ấy đến sống
ở Việt Nam, phần lớn là đàn ông, để làm nhiệm vụ đồng hóa, tất phải lấy những
người phụ nữ Việt Nam làm vợ.
Vấn đề gia đình ở đây đã chuyển thành vấn đề dân tộc. Nếu những
người đàn ông ấy là gia trưởng thực sự thì họ đã biến được vợ con họ thành người
Tầu. Nhưng lịch sử đã cho thấy kết quả là không phải những phụ nữ ấy cùng
con cái họ đã hóa thành người Tầu, mà ngược lại.
Cái làng Huê Cầu (cách phát âm chệch đi của Hoa Kiều) bây giờ
là một làng Việt Nam một trăm phần trăm, với nghề thủ công rất Việt Nam và nổi
tiếng là nghề nhuộm vải đen.
Ai về Đồng Tỉnh Huê Cầu
Đồng Tỉnh bán thuốc, Huê Cầu nhuộm thâm
Qua một số ví dụ đó, có thể thấy một sự thực lớn: Đó là,
chính những người phụ nữ Việt Nam ở trong suốt hơn 1000 năm bị Bắc thuộc đó đã
góp phần gìn giữ cho Việt Nam khỏi bị mất, khỏi bị đồng hóa (như nhiều miền Hoa
Nam khác đã bị đồng hóa) và điều này cho thấy một hệ luận rõ ràng: Trong cuộc vật
lộn nghìn năm đó – cuộc đấu tranh dân tộc và văn hóa, phụ nữ Việt Nam đã thắng,
dân tộc Việt Nam đã thắng.
Những bức tranh về lễ hội cổ truyền của người dân Việt Nam
Lê Thị Nhâm Tuyết - Tạp chí Dân tộc học số 5/2009